Thời Covid, gia đình là điểm tựa
TGPSG -- Các con của anh chị, thương ba mẹ đau đớn vì dịch bệnh, đã gọi điện hỏi thăm khắp nơi để tìm thuốc chữa trị…
Nằm thao thức trên gác xép, anh cảm nhận toàn thân ê ẩm, mệt rã rượi, nhưng không tài nào chợp mắt được. Cái tính anh hay lo nên mỗi khi nhà có chuyện là anh bất an đến mất ăn mất ngủ. Ở cái tuổi 60 đủ thứ bệnh tật, trái gió trở trời là cơ thể phải chống chọi với bao nhiêu đau đớn. Ấy vậy mà giờ đây, hai vợ chồng già lại nhiễm phải con vi-rút quái ác ngay vào thời điểm các bệnh viện và khu cách ly tập trung quá tải.
Ba thế hệ gia đình sống chung một nhà nên khi biết mình bị nhiễm bệnh, hai vợ chồng anh chị lo lắng, e ngại sẽ lây lan cho các con, các cháu. Chỉ riêng khu vực nhà anh chị ở, nhiều người cũng bị nhiễm vi-rút. Có người đã đi cách ly và khỏe mạnh trở về; cũng có những người không may mắn, ‘một đi không trở lại’. Vì thế, anh chị đắn đo lựa chọn: Đi cách ly tập trung hay cách ly ở nhà?
Sở dĩ anh chị đắn đo là vì một số người thân quen đi cách ly về chia sẻ với anh chị những mặt hạn chế, khó khăn ở nơi họ đã cách ly. Chỉ nghe qua mà anh chị đã rùng mình, lạnh sống lưng. Chẳng hạn như trường hợp của anh Long, cách nhà anh chị mấy căn. Anh Long cùng 5 người khác được cách ly trong một công-ten-nơ vì các khu cách ly đã quá tải. Mọi sinh hoạt cá nhân của 6 con người đang nhiễm bệnh chỉ quanh quẩn trong một không gian tù túng như vậy, rất bất tiện. Ngày đi cách ly, nào kịp chuẩn bị được gì, nên mọi người đều thiếu thuốc men, thiếu đồ ăn, thức uống. Có hôm, lực lượng tình nguyện viên tiếp tế đồ ăn chậm trễ, cả 6 người đói run. Anh Long cho biết, trong đời anh chưa bao giờ biết đến cảm giác đói ghê gớm đến vậy. Hôm đó nếu có ai bán tô mì gói với giá năm trăm ngàn, anh cũng đồng ý mua.
Hai vợ chồng anh chị lo lắm vì tuổi đã cao, sức đã kiệt, làm sao có thể chống chọi bệnh tật được như người trẻ. Sau khi xin chính quyền được phép cách ly tại nhà, hai vợ chồng anh chị chuyển lên gác xép ở; khu vực dưới nhà dành cho con cháu. Mọi sinh hoạt trong gia đình, cơm nước, thuốc men… đều nhờ con cháu quán xuyến, lo toan.
Riêng anh, do sẵn nhiều bệnh, nay lại nhiễm vi-rút nên bệnh tình trở nặng, mọi vận động dù rất nhẹ nhàng cũng không đủ sức thực hiện. Có nhiễm vi-rút, anh mới hiểu việc hít thở khó khăn đến dường nào: rướn sức hít vào một hơi là cơ thể đau nhức như có ngàn mũi kim đâm vào da thịt. Có hôm ho nhiều quá, lồng ngực anh tức buốt, cơ thể quằn quại đau. Chịu đựng bấy nhiêu điều ấy, anh lại càng lo cho con cháu, lỡ chúng bị lây nhiễm thì sao đây?
Các con của anh chị, thương ba mẹ đau đớn vì dịch bệnh, đã gọi điện hỏi thăm khắp nơi để tìm thuốc chữa trị. Dù khu vực bị rào chốt nghiêm ngặt, mọi liên kết với bên ngoài gặp nhiều trở ngại, các con cũng vẫn tìm được cho anh chị thuốc men và dinh dưỡng đủ đầy.
Một tối nọ, con trai anh bị bệnh đau bao tử tái phát hành hạ nhừ tử. Giữa thời buổi giãn cách, chẳng biết cầu cứu cùng ai, cả gia đình bồn chồn lo lắng. Sau vài tiếng chịu đựng đau đớn và liên lạc tìm sự giúp đỡ, con trai anh đã được một người bạn đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đau bệnh thời dịch bệnh đúng là vất vả trăm bề!
Những ngày trước dịch bệnh, bố anh qua đời. Sau đó, một người thân khác của anh cũng mất. Cả gia đình vừa lo đám tang xong thì dịch bệnh bùng phát. Mọi việc chưa kịp nguôi ngoai thì nay vợ chồng anh lại nhiễm bệnh, bao nỗi lo cứ dày vò anh. Mỗi khi đêm về, anh lại trằn trọc.
Bản thân anh là người ưa vận động, thường lên nương rẫy của gia đình để chăm lo vườn tược, nên anh không thể nằm bẹp dí một chỗ như vậy được. Anh biết, chỉ có vận động mới giúp anh mau bình phục. “Cứ xem như cảm cúm thường, vận động cho mồ hôi thoát ra thì sẽ mau bình phục thôi”, anh trấn an bản thân. Vì vậy, mỗi ngày, ngoài những giờ kinh nguyện, dự thánh lễ online, dùng bữa, uống thuốc và xông mũi đều đặn, anh chị dành thời gian vận động cơ thể. Anh chị thường xuống nhà, bước ra sân quét dọn, lau chùi vài thứ. Thời gian đầu, đặt chân vào bậc thang bước xuống nhà hay leo lên gác xép nghỉ ngơi, tay chân anh bủn rủn, rụng rời, đầu óc xoay vòng, hoa cả mắt. Ngày qua ngày, kiên trì cố gắng trong sự khó nhọc, anh chị dần dần kiểm soát được hơi thở. Một hôm, chợt ngửi thấy mùi mắm mặn nồng, anh chợt phát hoảng: “Bấy lâu nay nhà có hũ mắm nồng nặc mùi mà không ngửi thấy gì, nay mới ngửi được, mắm này có mùi khủng khiếp quá!” Anh nói thế, nhưng lòng lại thấy mừng lắm vì biết mình đã dần dần bình phục.
Và hai vợ chồng anh đã bình phục hẳn. Cách đây mấy ngày, cả gia đình anh quây quần bên nhau, chuẩn bị những phần quà gồm bánh trái, rau củ để tặng cho những hoàn cảnh khó khăn gần đấy. Một khung cảnh gia đình bình an và hạnh phúc như chưa hề có một biến cố đen tối nào xảy đến nơi đây vậy.
Khôi Minh (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
bài liên quan mới nhất
- Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán
-
Tôi đi học truyền thông tổng quan -
Phóng sự: Hiệp hành trong Gia đình -
Tên giáo xứ Nhân Hoà -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng -
Phóng sự “Lối mở của Tình yêu” -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây” -
Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’ -
Vòng tay ôm ấp -
Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa
bài liên quan đọc nhiều
- Bữa cơm gia đình
-
Đây có thể là một trong những diễn văn công giáo tuyệt vời nhất của thế kỷ 21 -
Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán -
Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng -
Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? -
Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly -
Chiến thắng Covid: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con' -
Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục -
Những chiến sĩ thầm lặng -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng