Thánh lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng Ca đoàn Mân Côi giáo xứ Nam Thái

Thánh lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng Ca đoàn Mân Côi giáo xứ Nam Thái

Thánh lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng Ca đoàn Mân Côi giáo xứ Nam Thái

TGPSG --- “Khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi, chúng ta được kết nối với Thiên Chúa và Mẹ Maria. Đó chính là sức mạnh của lời Kinh Mân Côi.”

Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Vũ Hiệp Hoàng đã khẳng định như trên trong Thánh lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng Ca đoàn Mân Côi giáo xứ Nam Thái, diễn ra vào lúc 17g30 Chúa nhật ngày 06.10.2024 do ngài chủ tế.

Tham dự Thánh lễ có giáo dân trong giáo xứ Nam Thái và các ca viên Ca đoàn Mân Côi.

Thánh lễ khởi sự với đoàn rước từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh.

Trong bài giảng lễ, linh mục Vinh Sơn đã chia sẻ cùng cộng đoàn về ý nghĩa ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Ngài quảng diễn: “Lời chào của sứ thần Grabiel đối với Đức Mẹ Maria: Ave Maria. Đây là lời chào được kết nối giữa Đức Mẹ và Thiên Chúa. Mẹ tràn đầy ân sủng và Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Tất cả ân sủng mà sứ thần Grabiel chào đó, chỉ là tiềm ẩn. Ân sủng đó được tỏ lộ ra khi Đức Mẹ nói hai tiếng xin vâng. Khi Đức Mẹ nói hai tiếng xin vâng thì ân sủng của Chúa mới được tỏ lộ, để rồi Chúa Cha đã cho Mẹ được nối kết với người con của mình là Chúa Giêsu. Mẹ đã mang trong cung lòng đứa con của mình là Đức Giêsu Kitô. Mẹ cũng nối kết với Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời dương thế, mà đỉnh cao đó là trên đồi Golgotha.”

Ngài chia sẻ tiếp: “Khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi, chúng ta được kết nối với Thiên Chúa và Mẹ Maria. Đó chính là sức mạnh của lời Kinh Mân Côi. Điều này được minh chứng qua hai mẫu gương:

Thứ nhất, đó là mẫu gương của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài là con người có lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi. Trong người của ngài, lúc nào cũng có cỗ tràng hạt để lần hạt riêng hay lần hạt chung với mọi người. Nhờ lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi. Đức Giáo hoàng chạy đế với Mẹ như một đứa bé trẻ thơ. Ngày 13.05.1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài bị ám sát nhưng sau đó được cứu sống, để rồi ngài xác tín một điều. Đó là nhờ bàn tay quan phòng của Mẹ. Cho nên, ngài được cứu sống và để rồi một năm sau 13.05.1982 ngài đã hành hương đến Fatima như một sự bày tỏ lòng biết ơn đối với Mẹ của mình.

Mẫu gương thứ hai, là của chân phước Richard. Từ một chàng thanh niên ăn chơi trác táng, thường rủ nhau la cà đến chốn bình khang, nhờ lời kinh Mân Côi mà chàng Richard được cứu khỏi bị chết trong tay quỷ dữ. Từ đó chàng quyết chí cải tạo cuộc đời, sống đạo đức, thánh thiện. Richard đã xin vào dòng Phanxicô…Ngài được cử đi giảng đạo ở Ấn Độ, rồi qua Nhật Bản. Ngài bị án thiêu sinh, được phúc tử đạo. Năm 1867, Hội Thánh đã tôn phong chân phước cho chàng, tức là chân phước Richard de Hamme-sur-hawre.”

Nhân ngày lễ bổn mạng của Ca đoàn Mân Côi, ngài cầu chúc cho các ca viên: “Ca đoàn Mân Côi đã gắn liền với giáo xứ Nam Thái từ rất lâu. Đó là một điều rất quý…Trong suốt quãng thời gian dài, ca đoàn gắn với những thăng trầm của giáo xứ…Có những ca viên dù đã chuyển đi xứ khác nhưng các cô, các chú vẫn về đây tập hát. Điều đó, cho chúng ta thấy rằng ca đoàn luôn coi đó là một gia đình. Bởi vì, chỉ có gia đình thân mới có thể quy tụ các thành viên dù ở rất xa nhưng vẫn gắn bó với nhau. Hãy luôn giữ lòng yêu mến như một gia đình để làm sáng Danh Chúa. Con cũng cầu xin cho các ca viên mỗi tối biết lần chuỗi Mân côi và lan truyền cho người thân. Khi chúng ta làm được điều này chắc chắn ca đoàn Mân Côi sẽ làm đẹp lòng Đức Mẹ.”

Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g30 cùng ngày với niềm vui được diễn tả trong các tấm hình kỷ niệm chụp chung trước cung thánh.

Bài: Xuân Đại & Ảnh: Hoàng Tuấn (TGPSG)

 

  

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top