Te Deum là gì, ai phổ nhạc và được hát khi nào?
Theo truyền thống bài này được hát vào chiều tối ngày 31 tháng 12 để tạ ơn Chúa vì một năm đã qua, trong giờ Kinh chiều I lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.
WGPQN (07/01/2025) - Te Deum là một trong những bài ca truyền thống của phụng vụ Kitô giáo, đã vang lên cách trang nghiêm và uy hùng trong các nhà thờ trên khắp thế giới hơn mười sáu thế kỷ qua. Bài ca cổ xưa này, mở đầu bằng câu “Te Deum laudamus” (Lạy Chúa, Chúng con ca ngợi Chúa), chứa đựng chính bản chất của lòng biết ơn và tôn sùng của người tín hữu. Theo truyền thống bài này được hát vào chiều tối ngày 31 tháng 12 để tạ ơn Chúa vì một năm đã qua, trong giờ Kinh chiều I lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Te Deum cũng được hát trong các dịp trọng đại khác như : khi một Giáo hoàng được bầu chọn, trước khi kết thúc mật nghị hoặc kết thúc một công đồng, trong các thánh lễ truyền chức linh mục, lễ khấn dòng và lễ cung hiến các nhà thờ mới, khi chiến tranh hoặc bệnh dịch kết thúc hoặc thậm chí dịp đám cưới…
Trong Phụng vụ các Giờ kinh, Te Deum được hát hoặc đọc vào cuối Giờ kinh Sách của các Chúa nhật và các ngày lễ trọng, thời gian thiêng liêng được đánh dấu bằng sự hiện diện của nó. Khả năng linh hoạt về mặt ngôn ngữ - bằng tiếng Latin và các ngôn ngữ địa phương - khiến nó trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa tính phổ quát và tính đặc thù của các giáo hội địa phương.
Tác giả của Te Deum?
Về tác quyền của bài thánh ca này vẫn còn tranh cãi. Tương truyền rằng Te Deum được Thánh Ambrôsiô và Thánh Augustinô cảm tác chung và được hát vào ngày rửa tội của thánh Augustinô tại Milan vào năm 386, do đó nó còn được gọi là "thánh ca Ambrôsiô".
Một truyền thống khác quy gán cho thánh Cipriano thành Carthage. Ngày nay các nhà nghiên cứu cho rằng bài thánh ca này được hoàn thành bởi Niceta, giám mục của Remesiana vào cuối thế kỷ thứ IV. Dù như thế nào đi nữa, bí ẩn xung quanh nguồn gốc của nó chỉ làm tăng thêm sức hấp dẫn cho bài ca này.
Ai đã phổ nhạc cho Te Deum?
Te Deum đã tạo nên nhiều cảm hứng cho các nhà soạn nhạc vĩ đại như Giovanni Pierluigi da Palestrina, de Victoria, Händel, Mendelssohn, Mozart, Haydn và Verdi.
Bài thánh ca này được sử dụng trong nhiều hoạt động khác nhau: khúc dạo đầu Te Deum H. 146 của Charpentier được dùng làm nhạc hiệu cho các buổi bắt đầu và kết thúc các chương trình truyền hình châu Âu và cũng được trình diễn vào phần cuối tất cả các buổi hòa nhạc của Nomadi. Te Deum cũng được dàn hợp xướng thể hiện ở cuối hồi thứ nhất trong vở opera Tosca của Giacomo Puccini.
Một vài đoạn của Te Deum được dùng làm nhạc nền cho bộ phim "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của Disney, đặc biệt trong đoạn "Rifugio (Sanctuary!)", đi kèm cảnh Frollo chuẩn bị giết Esmeralda trên giá treo cổ và cảnh tấn công vào nhà thờ.
Cấu trúc và nội dung
Cấu trúc của bài thánh ca được phát triển như một bản giao hưởng thần học gồm ba phần:
- Từ đầu đến Paraclitum Spiritum, là lời ngợi khen long trọng hướng về Chúa Ba Ngôi. Bản văn này rất giống với Kinh nguyện Thánh Thể, bao gồm ba lần Thánh.
- Phần hai, Tu rex gloriæ đến sanguine redemisti, là lời ngợi khen Chúa Kitô và công trình cứu chuộc của Ngài.
- Kết thúc, từ Salvum fac, là một loạt các lời cầu xin và khẩn nguyện, các câu trích từ Thánh vịnh.
Te Deum thường được hát đối đáp: linh mục hoặc chủ tế và giáo dân.
Cấu trúc âm nhạc và chiều kích thiêng liêng này đã làm cho Te Deum trở thành nhạc nền cho những thời khắc quan trọng nhất của đời sống giáo hội như đã nói trên.
Giá trị tinh thần của bài thánh ca này vượt xa chức năng phụng vụ của nó. Đây là một bản tóm lược đức tin Kitô giáo, mỗi câu được cất lên mang đậm chất kinh thánh và giáo lý. Đó là lời cầu nguyện cá nhân và của cộng đoàn, biểu hiện sự hiệp thông của Giáo hội vượt qua mọi ranh giới.
Te Deum đã để lại một giá trị to lớn cho truyền thống phụng vụ Kitô giáo cũng như cho nền văn hóa âm nhạc của nhân loại. Trong các thế kỷ tiếp theo, chắc chắn Te Deum không chỉ là một di sản quý giá của phụng vụ, mà còn là một công cụ mạnh mẽ cho sự hiệp nhất và nâng cao tinh thần. Giai điệu hàng thế kỷ của nó tiếp tục chạm đến tâm hồn của các tín hữu, nhắc nhở chúng ta rằng lòng biết ơn, ngợi khen và cảm tạ luôn là những yếu tố cơ bản của kinh nghiệm Kitô giáo.
Và dù được vang lên trong ngôi thánh đường cao vút, dưới mái vòm theo kiểu Gothic hay trong một ngôi nhà thờ hiện đại ở đâu đó, Te Deum vẫn duy trì nguyên vẹn khả năng nâng cao tâm hồn con người, vượt qua không gian và thời gian, hướng tới cõi thiêng liêng và những giá trị cốt lõi của cuộc sống.
Tham Khảo:
https://periferiamonews.org/2024/12/30/te-deum-linno-solenne-che-attraversa-i-secoli-della-cristianita/
https://www.famigliacristiana.it/articolo/te-deum-cos-e-e-chi-ha-scritto-l-inno-che-si-canta-il-31-dicembre.aspx
https://pregareinsieme.altervista.org/te-deum/
Nguồn: gpquinhon.net (07/01/2025)
bài liên quan mới nhất

- Giêrusalem: Dấu vết một khu vườn được phát hiện bên dưới đền thờ Mộ Thánh
-
Giáo hội Công giáo và Khoa học (3): Vatican can thiệp để sửa sai cho khoa học chăng? -
Một bệnh nhân Úc đã trở thành người đầu tiên trên thế giới xuất viện với trái tim nhân tạo -
Giáo hội Công giáo và khoa học (1): Thánh Augustine và những vầng sáng lớn -
Kinh nghiệm đối diện với đau khổ của Đức Thánh Cha Phanxicô (Trích tự truyện Hy Vọng) -
Luật giao thông và luật tự nhiên -
Vụ đắm tàu của thánh Phaolô: Xác tàu đã biến Malta thành một quốc gia -
Nicaea, nơi ra đời của Kinh Tin Kính Nicea, nằm ở đâu? -
Đa vũ trụ và sự trùng hợp quy nhân trong vật lý học gần đây -
Nhà thiên văn học Vatican ra mắt sách ‘Một Hướng dẫn của tu sĩ Dòng Tên về các vì sao’
bài liên quan đọc nhiều

- Kỷ niệm đẹp về Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung
-
Đức Thánh Cha giải thích tại sao Giáo hoàng lại mặc áo màu trắng -
Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ -
Vì sao có lời dịch Thánh Giuse là "Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ"? -
Khai sinh bộ lễ Seraphim, bài Thương khó và Mừng Vui lên (Exsultet) tại Nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt -
Hội Thừa Sai hải ngoại Paris là ai? -
Khóa học thứ 18 về Trừ tà và cầu nguyện giải thoát khỏi ma quỷ -
Sách mới về cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Giáo xứ Tam Hải: Sự hình thành và phát triển của Giáo lý Viên -
Huy hiệu giám mục của Đức Giám mục phụ tá tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh (05/10/2024)