Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ

Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ

PHỎNG VẤN LINH MỤC ĐỖ QUANG CHÍNH
VỀ CUỐN SÁCH LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ

TINH VIỆT VĂN ĐOÀN

Tính đến nay, chữ Quốc ngữ đã có một lịch sử hình thành và phát triển khoảng 400 năm, kể từ thập niên 20 của thế kỷ 17, một hành trình đủ dài để một hệ thống ngôn ngữ được hình thành và phát triển, bằng việc sử dụng các mẫu tự Latinh trong việc ký âm tiếng Việt. Như một dòng sông nhỏ, âm ỉ chảy trong dòng lịch sử dân tộc, chữ Quốc ngữ sống âm thầm, lặng lẽ bên cạnh chữ Nôm và chữ Hán trong suốt phần lớn thời gian hiện hữu của mình. Chỉ từ khoảng 100 năm qua, kể từ năm 1919, chữ Quốc ngữ đã được đón nhận và sử dụng rộng rãi bởi mọi thành phần người Việt.

Ngày 8 tháng 9 hằng năm được chọn làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (đề án được Thủ Tướng chính phủ thông qua). Tôn vinh chữ viết này cũng nhắc nhớ ta về những người đã tạo ra nó, về hành trình mà thứ chữ này đã đi qua. Nghiên cứu thêm về chữ Quốc ngữ cũng là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh nó. Trong một thập niên vừa qua, đã có nhiều hội thảo mà nơi đó các nhà nghiên cứu đã trình bày, chia sẻ những khám phá mới về lịch sử hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ. Ba hội thảo quan trọng có thể được kể tên ở đây: Hội thảo ở Phú Yên(10/2015), Hội thảo ở Bình Định (01/2016), Hội thảo ở Quảng Nam (08/2016). Tuy nhiên, hơn 40 năm trước đó, một tác giả Dòng Tên đã nghiên cứu sâu về lịch sử giai đoạn đầu hình thành thứ chữ này, được đúc kết trong cuốn sách mang tựa đề “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659”, đã được in vào năm 1972 bởi Nhà Xuất Bản Ra Khơi.

Tiếp theo lời tựa này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả bài phỏng vấn của Tinh Việt Văn Đoàn với chính tác giả quyển sách, linh mục tu sĩ Đỗ Quang Chính, S.J. – một tu sĩ Dòng Tên, thực hiện vào ngày 17/11/1972 khi quyển sách vừa được xuất bản. Dưới dạng 23 câu hỏi-đáp, bài phỏng vấn đề cập đến tiến trình xuất bản quyển sách, nhưng quan trọng hơn là những giải đáp ngắn gọn xung quanh lịch sử hình thành, các giai đoạn phát triển, những thách đố, khó khăn mà các tác giả tiên khởi của chữ Quốc ngữ đã gặp phải trong quá trình ký âm tiếng Việt. Bài phỏng vấn cũng có thể góp phần giúp chúng ta hiểu hơn về vai trò của một số nhân vật trong tiến trình hình thành thứ chữ mới này: linh mục Gaspar d’Amaral, linh mục Francisco de Pina, linh mục Alexandre de Rhodes…

Được thực hiện cách chúng ta đã 50 năm, ngôn từ của bài phỏng vấn có đôi chỗ hơi lạ lẫm so với cách nói của chúng ta hiện nay, chúng tôi cố ý đánh máy lại nguyên bản bài phỏng vấn trên tinh thần tôn trọng tác giả. Một đôi chỗ chúng tôi có sử dụng ngoặc đơn để giải thích thêm thuật từ, hoặc giải thích thêm tình huống khi phỏng vấn, vì trong cuộc phỏng vấn ấy, thỉnh thoảng tác giả cung cấp một số tài liệu cho người phỏng vấn xem.

Hi vọng bài phỏng vấn, dù đã cách chúng ta 50 năm, và dù tác giả Đỗ Quang Chính, S.J. đã có những hiệu đính trên chính tác phẩm của mình trong lần xuất bản gần nhất (2008), sẽ giúp chúng ta hiểu hơn, không chỉ về tác giả, nhưng quan trọng hơn về chính lịch sử buổi ban đầu của thứ chữ mà ngày nay chúng ta tôn vinh: chữ Quốc ngữ.

(Lời tựa: Nguyễn Huy Hoàng, S.J.)

PHỎNG VẤN LINH MỤC ĐỖ QUANG CHÍNH, S.J.*

(*Linh mục, tu sĩ Dòng Tên, Giáo sư Việt Sử – ĐH Văn Khoa Sài Gòn, Huế)

Bài phỏng vấn được thực hiện bởi TINH VIỆT VĂN ĐOÀN, ngày 17/11/1972

1. Hỏi: Chúng tôi mới được đọc cuốn sách “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659” của linh mục (Người phỏng vấn giới thiệu hình cuốn sách). Trong sách có nhiều tài liệu quý. Vậy, linh mục đã tìm thấy những tài liệu đó ở đâu?

Thưa: Nhân dịp đi tìm tài liệu thế kỷ 17 để dọn một luận án, nhan đề “Sứ mạng của giáo sĩ Đắc Lộ ở Việt Nam” nên tôi cũng tìm hiểu thêm về Lịch sử chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17. Những tài liệu đầu tay, tức là những bản thảo viết tay được trình bày trong sách đó, chúng tôi tìm thấy ở nhiều Văn khố, Thư viện tại La Mã (Rôma), Ba Lê (Paris), Lyon, Avignon, Lisbonne, và Madrid

2. Linh mục viết cuốn sách này, muốn dành cho giới độc giả nào?

Thưa: Chúng tôi muốn trình bày với mọi người thích tìm hiểu Lịch sử chữ Quốc ngữ vào giai đoạn đầu tiên, nhưng đặc biệt là muốn giới thiệu một số tài liệu đó với các nhà nghiên cứu và các bạn sinh viên trong ngành Việt sử và Việt văn.

3. Hỏi: Khi cho xuất bản, linh mục có nhờ một cơ quan văn hóa lớn nào tài trợ không?

Thưa: Trước khi xuất bản, chúng tôi chưa được hân hạnh tiếp xúc với một cơ quan văn hóa lớn nào để học giúp đỡ về tài chính. Nhưng chúng tôi đã được ông Giám đốc Nhà Xuất Bản Ra Khơi sẵn sàng bỏ tiền ra để xuất bản. Đó là một công việc nhằm phát triển văn học toàn diện.

4. Hỏi: In cuốn sách này có khó lắm không?

Thưa: Phải nói rằng việc in cuốn sách này có phần khó khăn. Vì thế, cuốn sách tuy chỉ có 174 trang mà nhà in đã phải kéo dài tới gần 6 tháng.

5. Hỏi: Linh mục có thể cho biết một vài khó khăn không?

Thưa: Có thể tóm tắt ba khó khăn sau đây:

Khó khăn thứ nhất: Nhà in quá nhiều việc.

Khó khăn thứ hai: Trong sách có nhiều loại chữ cổ vào thế kỷ 17: chữ Quốc ngữ cổ, chữ Bồ Đào Nha cổ, chữ Ý cổ, chữ Pháp cổ, chữ Latinh cổ.

Khó khăn thứ ba: Kỹ thuật sắp chữ và làm phim cuốn sách khảo cứu này thật phiền phức, mà thợ nhà in rất ít khi gặp. Do đó, nhà chữ, nhà làm phim, và nhà chạy máy in, đều ngán nó, mặc dầu là in offset.

6. Hỏi: Bây giờ chúng tôi muốn xin Linh mục cho khán thính giả biết: Người nào đã sáng lập ra chữ Quốc ngữ và lập vào thời kỳ nào?

Thưa: Không phải riêng một người nào đã sáng lập chữ Quốc ngữ, nhưng là do nhiều người. Còn thời kỳ sáng lập là vào khoảng từ năm 1620 đến 1651.

7. Hỏi: Vào thế kỷ 17, Việt Nam đã có chữ quốc ngữ là chữ Nôm, tại sao còn lập ra một thứ chữ quốc ngữ mới?

Thưa: Vì những người sáng lập chữ Quốc ngữ mới nhận thấy chữ Quốc ngữ cũ của Việt Nam là chữ Nôm rất khó học, nên họ đã tìm cách lập ra chữ Quốc ngữ mới, tức là chữ viết của Việt Nam ngày nay, để dễ học hơn.

8. Hỏi: Vừa rồi, linh mục cho là, chữ Quốc ngữ đã do nhiều người sáng lập, vậy linh mục có thể cho biết danh tính của một số vị đó?

Thưa: Để trả lời câu hỏi của ông Giám đốc, thiết tưởng chúng ta cũng nên biết rằng: chữ Quốc ngữ đã được hình thành trong một thời gian tương đối ngắn; tuy thế, nó cũng đã được thành hình dần dần, mà chúng tôi tạm chia thành ba giai đoạn sau đây:

Giai đoạn thứ nhất: từ năm 1620 đến 1630: Trong giai đoạn đầu tiên này, có 4 người đáng chúng ta lưu ý: đó là các linh mục Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Francisco Buzomi, và Alexandre de Rhodes.

Thứ nhất: Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, đến Việt Nam ở tại Quảng Nam và Qui Nhơn từ năm 1617, rồi bị chết đuối ở bờ biển Quảng Nam năm 1625. Chúng ta có thể nói rằng Pina là người Âu châu đầu tiên biết nói thành thạo tiếng Việt. Chính ông là thầy dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes. Vì thế, chúng ta lại cũng dám nói rằng, có lẽ Pina là người đầu tiên có sáng kiến lập ra chữ Quốc ngữ.

Thứ hai: Cristoforo Borri người Ý, đến ở tại Nước Mặn gần Qui Nhơn, từ năm 1618, đến năm 1621 thì ông rời Việt Nam về Âu châu. Ông cũng là người nói tiếng Việt giỏi. Năm 1631, ông cho in tại La Mã một cuốn sách về miền Nam Việt thời đó (còn gọi là Cochinchine). Đây là cuốn sách đầu tiên bằng chữ Âu châu, nói về Nam Việt. Trong sách này, người ta thấy rải rác một số chữ Quốc ngữ, phiên âm theo lối viết của Bồ Đào Nha và Ý.

Thứ ba: Francesco Buzomi người Ý, đến ở Việt Nam từ năm 1615 đến 1639. Theo một bức thư của Buzomi bằng tiếng Ý ngày 13-7-1626, thì ông đã viết vài chữ Quốc ngữ khá đúng. Ví dụ: thien chũ, ngaoc huan.

Thứ bốn: Alexandre de Rhodes người sinh tại Avignon, nên có quốc tịch Tòa Thánh La Mã. Ngày nay, chúng ta gọi ông bằng tên Đắc Lộ. Ông đến ở Việt Nam hai thời kỳ: 1624 – 1630 và 1640 – 1645. Trong giai đoạn đầu tiên này, Đắc Lộ viết chữ Quốc ngữ còn kém Buzomi. Đây là bức thư ông viết bằng tiếng Bồ Đào Nha ngày 16-6-1625 (tác giả cho người phỏng vấn xem bản chụp bức thư). Và ta thấy có hai chữ đã bị Bồ Đào Nha hóa: Ainão, Tunquin.

9. Hỏi: Còn giai đoạn thứ hai thế nào?

Thưa: Giai đoạn thứ hai từ năm 1630 đến 1640: Giai đoạn này quan trọng nhất, vì chính trong khoảng thời gian trên, chữ Quốc ngữ đã được hình thành. Theo sử liệu để lại, giai đoạn này có hai linh mục Dòng Tên cũng là hai người Bồ Đào Nha góp nhiều công nhất: 1. Linh mục Gaspar d’Amaral ở Thăng Long từ năm 1631 đến 1638. Trong thời gian này, ông đã soạn một cuốn từ điển bằng ba thứ chữ: Việt – Bồ – Latinh. 2. Antonio Barbosa đến ở Bắc Việt (lúc ấy gọi là Tonkin) từ năm 1636 đến 1642. Barbosa cũng soạn một cuốn tự điển bằng hai thứ chữ: Bồ Đào Nha – Việt Nam.

10.  Hỏi: Ở đâu còn giữ được hai cuốn tự điển trên đây không?

Thưa: Đây là hai cuốn tự điển viết tay, chưa được in ra. Nghĩa là mỗi cuốn tự điển chỉ có một bản duy nhất. Chúng tôi đã chủ ý tìm mà chưa thấy. Rất có thể cả hai cuốn tự điển quý giá này đã bị tan nát vào khoảng năm 1759 đến 1770 khi Văn khố Dòng Tên Tỉnh Nhật Bản được chuyển từ Áo Môn đi Manila rồi đi Madrid.

11. Hỏi: Giai đoạn thứ ba ra sao?

Thưa: Giai đoạn thứ ba từ khoảng 1640 đến 1651: vào quãng giai đoạn này, linh mục Đắc Lộ đã soạn thảo hai sách chữ Quốc ngữ, và cái đặc sắc trong giai đoạn này là vào năm 1651, Đắc Lộ đã cho in hai sách chữ Quốc ngữ của ông tại La Mã. Đó là cuốn Tự điển Việt – Bồ Đào Nha – Latinh và cuốn giáo lý Phép Giảng Tám Ngày.

12. Hỏi: Vậy trong ba giai đoạn trên không có người Việt Nam nào góp phần vào việc sáng tác chữ Quốc ngữ chăng?

Thưa: Sử liệu không cho ta biết rõ ràng lắm; nhưng theo nhận định của chúng tôi, thì hồi đó, một số tu sĩ Công giáo người Việt Nam cũng đã cộng tác nhiều với các vị trên đây, như các ông Phansinh Đức, Bentô Thiện ở ngoài Bắc và ông Inhã trong Nam.

13. Hỏi: Linh mục có thể cho biết tài liệu về mấy vị này?

Thưa: Chúng tôi có tìm được mấy bản viết tay bằng chữ Quốc ngữ năm 1659 (cho người phỏng vấn xem ảnh chụp bản văn). Ví dụ đây là một từ trong tập Lịch sử nước Annam do ông Bentô Thiện viết năm 1659, mà chúng tôi đã chụp lại của Văn Khố Dòng Tên ở La Mã. Tài liệu này rất quý, vì nó cách chúng ta trên 300 năm rồi, mà mới được khám phá ra.

14. Hỏi: Người ta cho rằng: Linh mục Đắc Lộ là người góp công nhiều nhất trong việc thành lập chữ Quốc ngữ, nên đã gọi là ông tổ chữ Quốc ngữ. Linh mục nghĩ sao?

Thưa: Nếu muốn nói đến người góp công nhiều nhất trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ, có lẽ chúng ta phải dành cho Gaspar d’Amaral mới đúng. Vì, vào cuối năm 1632, Gaspar d’Amaral viết chữ Quốc ngữ đã giỏi mặc dầu ông mới ở Việt Nam được có 28 tháng rưỡi. Còn Đắc Lộ, ngay vào năm 1636, viết chữ Quốc ngữ còn kém, dù ông đã ở Việt Nam được 57 tháng trời. Do đó, chúng ta cũng có thể dành tước hiệu ông tổ chữ Quốc ngữ cho Gaspar d’Amaral. Tuy nhiên, Đắc Lộ lại là người góp công lớn lao hơn hết ở chỗ ông đã cho xuất bản hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên vào năm 1651.

15. Hỏi: Những người sáng lập chữ Quốc ngữ đã phỏng theo lối viết nào?

Thưa: Chúng tôi xin trả lời hết sức tổng quát: các nhà sáng lập chữ Quốc ngữ đã bắt chước một số nhà truyền giáo Dòng Tên ở Nhật Bản thời đó, đem vần abc để tạo ra lối viết chữ Quốc ngữ. Điều này chúng ta đều quá rõ. Nhưng có một điều đáng lưu ý là: họ đã phỏng theo lối viết nhiều nhất của chữ Bồ Đào Nha, Pháp, rồi đến chữ Ý.

16. Hỏi: Vậy, một số người cho rằng chữ Quốc ngữ hầu hết viết theo lối Pháp là sai chăng?

Thưa: Theo sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi, thiết tưởng chúng ta nên phân biệt hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Từ đầu đến giữa thế kỷ 17: các nhà sáng lập chữ Quốc ngữ đã ghi theo lối Bồ Đào Nha nhiều hơn.

Giai đoạn thứ hai: Từ cuối thế kỷ 17 đến nay: chữ Quốc ngữ, xem ra lại ghi theo lối Pháp nhiều hơn. Về điểm này, nhiều nhà ngữ học Việt, Pháp, Mỹ cũng nghĩ như thế.

Nhưng trong giai đoạn thứ nhất và trong giai đoạn thứ hai, có chừng bao nhiều phần trăm được ghi theo lối Bồ Đào Nha, hoặc bao nhiêu phần trăm được ghi theo lối Pháp, thì chúng tôi không dám nói. Công việc khó khăn này phải dành cho các nhà chuyên môn về ngữ học Việt Nam.

17. Hỏi: Tuy linh mục chỉ là người chuyên môn về Sử học Việt Nam, nhưng linh mục có thể cho biết vài ví dụ về chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17 được ghi theo lối Bồ Đào Nha?

Thưa: Với một sự dè dặt, chúng tôi xin đan cử mấy chữ trong bản tường trình của Gaspar d’Amaral là người Bồ Đào Nha, viết tại Thăng Long ngày 31-12-1632 (phần này, tác giả viết minh họa lên bảng cho người phỏng vấn xem):

Chữ nha ngày nay, tác giả đã viết là nha. Trong chữ Bồ Đào Nha cũng có lối viết như thế: manha, nghĩa là quỷ quyệt.

Chữ não ngày nay, xưa Gaspar d’Amaral cũng viết là não. Bồ Đào Nha cũng có chữ não, nghĩa là không.

Chữ thủy ngày nay, G. d’Amaral viết là thuỉ. Ông viết thế là vì trong chữ Bồ Đào Nha không có vần y. Chúng ta biết rằng, Bồ Đào Nha chỉ có 23 mẫu tự, không có mẫu tự K, W (kép), Y. Tuy nhiên, đôi khi vì phải mượn ngoại ngữ, nên họ cũng dùng, ví dụ: Kant, Byron, Wagner.

Chữ quê ngày nay, năm 1632 Amaral cũng đã viết là quê. Trong chữ Bồ Đào Nha có chữ quê, nghĩa là nỗi khó khăn

Chữ già ngày nay, vào năm 1632, ông Amaral viết là , ví dụ: ông jà nhạc. Trong tiếng Bồ Đào Nha cũng có chữ já nghĩa là đã xong. Nhưng ta thấy vào năm 1637, ông Amaral lại viết là già như chúng ta đang dùng ngày nay.

Còn một số chữ khác, nhưng chúng tôi xin kể vắn như thế. Như chữ oũ (ông).

Còn Đắc Lộ thì ghi như sau:

*Viết trong ARSI, JS 83-84, f1-62v, năm 1636

Che ce

: Kẻ Chợ

Che bich

: Kẻ vích

Che no

: Kẻ nộ

Cüia

: Chua, Chúa

Gnati

: nhà ti

Gna huyen

: nha huyện

Tlẽ, tle

: Trẻ, tre

*Viết trong Dictionarium, 1651

Chúa

: Chúa

Trong đây chỉ viết là chúa, nhưng trong Relazione… del Tunchino lại viết: cüia, Ciua, và choüa trong Divers voyages…

Chọuc

: chục

Cái chọuc chọuc

: cái chục chục (trục)

Choũ

: chông

Chóũ

: chống

Blời

 

Tla, tlôi

: tra, trôi

Trơi

: trơi, ma trơi

18. Hỏi: Tại sao vào đầu thế kỷ 17 người ta lại ghi chữ Quốc ngữ theo lối Bồ Đào Nha nhiều hơn?

Thưa: Vì hầu hết các vị sáng lập chữ Quốc ngữ là người Bồ Đào Nha; nếu có mấy vị không phải là người Bồ Đào Nhà, thì lại cũng là người thông thạo chữ Bồ Đào Nha và họ bị lệ thuộc vào chế độ bảo trợ của Bồ Đào Nha lúc đó, tiếng Bồ Đào Nha gọi là padroado. Cũng vì chế độ bảo trợ ấy, nên những người Tây phương tiếp xúc với Việt Nam trong tiền bán thế kỷ 17 đa số là người Bồ Đào Nha. Họ là những nhà truyền giáo hoặc là thương gia Bồ Đào Nha.

19. Hỏi: Các nhà sáng lập chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17, thường coi cái gì là đặc điểm của chữ mà họ đã tạo ra?

Thưa: Theo Đắc Lộ, thì ông cho là các dấu thinh, hay nói cách bình dân là các dấu, là tinh thần của chữ Quốc ngữ. Nhưng ngày nay, nhiều nhà ngữ học không đồng ý với Đắc Lộ, mà các vị đó cho rằng, đặc điểm của chữ Quốc ngữ là sự biến dạng về ngữ tố (nói việc Đắc Lộ kể ra 6 dấu láy ở tiếng Hi Lạp ứng vào chữ Quốc ngữ).

20. Hỏi: Thời xưa người Tây phương đã nhận xét tiếng Việt giống như âm nhạc, có đúng không?

Thưa: Vào đầu thế kỷ 17, nhiều người Tây phương đã nhận xét như thế. Linh mục Đắc Lộ, Borri, Marini nghe tiếng Việt thì cho như là nghe một bài hát. Marini ca tụng lối phát âm tài tình trong tiếng Việt, nên ông cho rằng người Việt bẩm sinh đã là nhạc sư rồi. Còn Đắc Lộ lại đem so sánh các giọng trong tiếng Việt với 6 cung nhạc: Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol, La.

Đến như ngày nay, nhiều người Tây phương khi nghe tiếng Việt lần thứ nhất cũng lấy làm lạ. Chúng tôi nhớ hồi còn ở Âu châu, trong dịp nói chuyện với một người bạn Việt Nam, thì tôi bỡ ngỡ, vì thấy các bạn của tôi là người Pháp, Liban, Thụy Sĩ cùng chạy đến bao quanh hai người chúng tôi, để nghe chúng tôi nói tiếng Việt. Hỏi ra mới biết các ông bạn Tây Phương này, lần thứ nhất nghe nói tiếng Việt lên lên xuống xuống, nên họ lấy làm lạ quá.

21. Hỏi: Tiếng Việt của chúng ta có nhiều thinh (giọng) như thế, chắc những người Âu châu đến xứ ta vào thế kỷ 17 khó học lắm thì phải?

Thưa: Vào đầu thế kỷ 17, ngay những người Âu châu đã sáng lập chữ Quốc ngữ, khi bắt đầu học tiếng Việt đều coi là khó quá, và nản chí hết. Vì, nếu phát âm lầm, sẽ làm sai lạc hẳn ý nghĩa, nhiều khi còn có nghĩa xấu. Chính Đắc Lộ đã báo cho những người Tây phương học tiếng Việt, phải rất cẩn thận; nếu không, thay vì nói “đi mua cá” thì lại nói “đi mua cà”, “chém tre” thì nói ra “chém trẻ”, “trông cậy” lại được phát âm là “trồng cây”, v.v….

22. Hỏi: Chữ Quốc ngữ được sáng lập từ đầu thế kỷ 17, thế mà vào năm 1941, chúng ta thấy Hội Truyền Bá Chữ Quốc ngữ còn phải hoạt động mạnh mẽ để truyền bá thứ chữ này. Như vậy chứng tỏ từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ chưa được đa số người Việt Nam biết tới chăng?

Thưa: Thưa đúng thế. Lý do vì cho đến cuối thế kỷ 19, văn tự chính thức của Việt Nam vẫn là chữ Nho, mặc dầu người ta cũng sử dụng chữ Nôm trong nhiều trường hợp thông thường. Riêng chữ Quốc ngữ, hầu như chỉ có một số người trong giới tu sĩ Công Giáo biết, chứ không được phổ biến rộng rãi như chữ Nho và chữ Nôm.

23. Hỏi: Xin linh mục cho chúng tôi hỏi một câu chót: Hiện nay người ta đã khám phá hết những tài liệu liên quan đến chữ Quốc ngữ từ năm 1620 đến 1659 chưa?

Thưa: Theo như chúng tôi nghĩ, thì trong giai đoạn đó, có thể còn nhiều tài liệu quý mà chưa ai khám phá ra. Khi chúng tôi nghiên cứu để xuất bản cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, cũng chỉ mới khám phá được phần nào. Chúng tôi hy vọng rằng, còn nhiều nhà nghiên cứu  khác sẽ khám phá thêm được nhiều tài liệu quan trọng, hầu hoàn thành bộ Lịch sử chữ Quốc ngữ vào giai đoạn đầu tiên.

Sài Gòn, ngày 17-11-1972
Nguồn: dongten.net (08.09.2023)

Top