Vì sao có lời dịch Thánh Giuse là "Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ"?
TGPSG – Đã hơn mười năm rồi kể từ khi (1-5-2013) Tòa Thánh quyết định đưa tên Thánh Giuse vào các Kinh Nguyện Thánh Thể và kể từ khi (9-10-2013) Hội đồng Giám mục Việt Nam tuân theo sắc lệnh này mà thêm vào các Kinh Nguyện Thánh Thể dòng chữ “Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ”.
Đến nay, có người vẫn thắc mắc và trách Ủy ban Phụng tự sao lại dùng “Bạn trăm năm” mà không dùng “Bạn thanh sạch” vốn nghe thanh tao hơn và đã rất quen thuộc trong Ba câu lạy được đọc hằng ngày: “Lạy ông Thánh Giuse là Bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, cầu cho chúng con”, trong kinh nguyện vắn tắt: “Lạy ông Thánh Giuse là Cha nuôi Đức Chúa Giêsu cùng là Bạn thanh sạch rất thánh đồng trinh Đức Bà Maria, xin Người cầu nguyện cho chúng con và cho các kẻ mong sinh thì trong ngày (đêm) hôm nay. Amen” và trong bài thánh ca thông dụng “Lạy Thánh Giuse” của nhạc sĩ Đạo Minh: “Mầng lạy Cha chí nhân chí lành, là Bạn thanh sạch Đức Nữ Trinh”.
Nghe nói, có linh mục mỗi khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể thì vẫn cứ bền lòng đọc “Bạn thanh sạch” và quyết (như là “tẩy chay”) không đọc “Bạn trăm năm”. Các video Thánh lễ trực tuyến trên Youtube cho thấy có nơi chỉ đọc “Thánh Giuse” hoặc “Thánh cả Giuse", không đọc “Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ”; có nơi quên luôn Thánh Giuse nhưng lại tự thêm “các Thánh tử đạo Việt Nam”.
Cần nhấn mạnh, câu “Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ” được đưa vào Kinh Nguyện Thánh Thể là bản văn phụng vụ tối quan trọng thuộc Nghi thức Thánh lễ trong Sách lễ Rôma chứ không thuộc kinh nguyện đạo đức riêng. Khi ấy (2013), bản dịch mới “Nghi thức Thánh lễ” đã được xuất bản (2005), và Ủy ban Phụng tự Việt Nam vẫn đang tiếp tục dịch toàn bộ Sách lễ Rôma ấn bản mẫu thứ ba. Việc dịch sách phụng vụ phải theo các nguyên tắc chung do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích quy định vào năm 2001 trong huấn thị Liturgiam authenticam, tức “Huấn thị thứ năm nhằm áp dụng đúng Hiến chế về Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II”. Huấn thị có chủ đề: “Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ khi phát hành các sách phụng vụ Rôma”. Huấn thị yêu cầu khi phiên dịch các bản văn phụng vụ từ bản văn gốc La-tinh thì “bản văn gốc, bao nhiêu có thể được, cần được phiên dịch toàn bộ và thật chính xác, nghĩa là không bỏ đi (omission) cũng không thêm vào nội dung, cũng không diễn nghĩa (paraphrase) và không bình giảng (gloss). Mọi thích nghi theo đặc tính và bản chất của các ngôn ngữ bản xứ cần phải được thực hiện cách chừng mực và thận trọng” (số 20).
Trong sắc lệnh nói trên, bản văn gốc bằng tiếng La-tinh của “Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ” là “beato Ioseph, eius Sponso”.
Sắc lệnh đã ân cần dịch sẵn “beato Ioseph, eius Sponso” sang một số ngôn ngữ thông dụng:
- tiếng Anh: “blessed Joseph, her Spouse”,
- tiếng Tây Ban Nha: “su esposo san José”,
- tiếng Ý: “san Giuseppe, suo sposo”,
- tiếng Bồ Đào Nha: “São José, seu esposo”,
- tiếng Pháp: “saint Joseph, son époux”.
Chữ “Sponso” mà gốc chủ cách là “Sponsus” và các chữ tương đương trên đây (Spouse, esposo, sposo, esposo, époux), có nghĩa chính xác là “chồng”. Có thể thấy rằng bản văn phụng vụ muốn tập trung vào địa vị cao trọng của Thánh Giuse – là chồng của Đức Trinh Nữ, tức là cha của Đức Giêsu – hơn là có ý nói đến mối quan hệ khiết tịnh (“Bạn thanh sạch”) giữa Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ.
Trước đó, khi phiên dịch số 3 trong tông huấn Redemptoris Custos (Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1989), nhóm dịch thuật của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chuyển ngữ “Mariae sponsum” thành “người chồng của Maria”. Ở câu này, bản dịch tiếng Anh là “Mary’s spouse” ( = người chồng của Maria). Tương tự, bản dịch tiếng Trung Hoa dùng “phối ngẫu” để diễn chữ “sponsum”: 瑪 利 亞 的 配 偶 Mã Lợi Á đích phối ngẫu ( = người chồng của Maria).
Trở lại câu về Thánh Giuse trong các Kinh Nguyện Thánh Thể, bản văn gốc dùng từ “Sponso” (chồng), không có chữ “casto” (thanh sạch). Vậy, theo nguyên tắc của huấn thị Liturgiam authenticam là không thêm, không bớt, không diễn nghĩa, không bình giảng, thì không thể dùng danh hiệu quen thuộc “Bạn thanh sạch” có sẵn trong các kinh nguyện.
Kinh tiền tụng Thánh Giuse cũng đã dùng từ “Sponsus” để nói đến Thánh Giuse là người chồng được ban cho Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa (Deiparae Virgini Sponsus), không có thêm ý “thanh sạch”. Bản dịch tiếng Anh dịch rõ là “người chồng” (“Spouse to the Virgin Mother of God”) cũng không có ý “thanh sạch”. Bản dịch Việt ngữ muốn tránh dùng danh từ “chồng” nên đã dịch thoát đi bằng động từ “kết bạn”: “Thánh Giuse là người công chính, Chúa đã cho kết bạn với Ðức Trinh Nữ, Mẹ Chúa Trời”, và cũng không có ý “thanh sạch”.
Khi đưa câu “beato Ioseph, eius Sponso” vào các Kinh Nguyện Thánh Thể, ban phiên dịch khi ấy (2013) cũng muốn tránh dùng từ “chồng” để nói đến Thánh Giuse đối với Đức Maria. Nhiều năm trước đó, Kinh Nguyện Thánh Thể I (tức Lễ quy Rôma cũ) và Kinh cầu Ông Thánh Giuse đã dùng “Bạn Đức Trinh Nữ”, nhưng “bạn” chưa rõ là “chồng” mặc dù trong ngôn ngữ Việt Nam đôi khi “bạn” là cách nói nhẹ đi để chỉ “chồng”.
Ban phiên dịch đã băn khoăn cân nhắc các từ đồng nghĩa nhưng trang trọng hơn để thay cho “chồng”: Phu quân, Đức phu quân, Hiền phu, Người phối ngẫu, Bạn đời, Bạn trăm năm… và đã chọn “Bạn trăm năm”.
Từ đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam có thêm một thành ngữ trong phụng vụ: “Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ” bên cạnh thành ngữ “Bạn thanh sạch / Bạn thanh khiết Đức Trinh Nữ” trong các kinh nguyện quen thuộc.
Trong tiếng Việt, “bạn trăm năm” hay “bạn đời” đều chỉ người vợ hoặc người chồng trong quan hệ gắn bó trọn đời. Có ý kiến phản biện cho rằng dùng chữ “trăm năm” là đặt giới hạn cho quyền phép vô biên của Thiên Chúa và tình yêu vĩnh cửu giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Thật ra, vợ hay chồng, bạn trăm năm hay bạn thanh sạch cũng đều là ơn gọi cho con người ở đời này như bao ơn gọi khác, nhưng những gì gắn bó nơi Chúa Kitô vẫn sẽ đi vào vĩnh cửu trên thiên đàng. “Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng” (Mt 22, 30); trên thiên đàng bí tích và ơn gọi không còn quan trọng, nhưng chẳng phải vì bí tích và ơn gọi bị hủy bỏ, nhưng vì được Thiên Chúa làm cho nên trọn vẹn. Sau cuộc sống “trăm năm” kết thúc bằng cái chết, thì trên thiên đàng Thánh Giuse vẫn giữ địa vị cao trọng bên cạnh Đức Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội, vì thế Thánh Giuse vẫn mang những danh hiệu như “Đấng bảo hộ cả và Hội Thánh”, “Đấng gìn giữ các kẻ đồng trinh”, “Đấng các ma quỷ kinh khiếp”, “Quan thầy các kẻ mong sinh thì”, v.v.
Khi tham dự Nghi thức Khấn Dòng, chúng ta cũng nghe Đức Giám mục nói đến Hội Thánh là “Bạn trăm năm” (Sponsa) của Chúa Cứu Thế khi ngài giơ tay trên những người đã khấn và đọc lời nguyện chúc lành long trọng: “Người [Chúa Cứu Thế] đã thiết lập Hội Thánh như Bạn trăm năm, và thương yêu Hội Thánh đến nỗi thí mạng sống và thánh hoá Hội Thánh bằng chính Máu Người” (Ecclesiam Sponsam condidit ac tanto dilexit amore ut pro ea seipsum traderet ac suo sanctificaret cruore). Hiển nhiên, “trăm năm” trong “Bạn trăm năm” không chỉ thời gian, nhưng nói lên mối quan hệ gắn bó và vững bền như tình phu phụ. Ngôn ngữ nhân loại hữu hạn, chỉ biết dùng hình ảnh loại suy nhỏ nhoi là tình vợ chồng để hiểu phần nào tình yêu cao vời của Thiên Chúa.
Ngày 8-12-2020, nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Piô IX chọn Thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội Công giáo (8-12-1870), Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành Tông thư Patris corde (Trái tim của người Cha) và công bố “Năm đặc biệt về Thánh Giuse” từ ngày 8-12-2020 đến ngày 8-12-2021. Bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam tiếp tục dùng thành ngữ “Bạn trăm năm của Mẹ” (eius Sponsus) trong một đoạn dịch Tông thư: “Sau Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không có vị thánh nào được nhắc đến thường xuyên trong huấn quyền của Giáo hoàng hơn Thánh Giuse, Bạn trăm năm của Mẹ”.
Lịch phụng vụ Công giáo Việt Nam cũng vậy, ví dụ tháng 3 năm 2024: 19-3, thứ Ba, BẠN TRĂM NĂM CỦA ĐỨC MARIA, như lịch của các nước khác:
- 19 Tuesday SAINT JOSEPH, SPOUSE OF THE BLESSED VIRGIN MARY,
- 19 Mardi SAINT JOSEPH, ÉPOUX DE LA VIERGE MARIE,
- 19 Martedì SAN GIUSEPPE, SPOSO DELLA BEATA VERGINE MARIA.
Chỉ riêng Kinh Nguyện Thánh Thể của Giáo hội Công giáo Trung hoa dùng danh ngữ “tịnh phối”, tức thêm định ngữ “tịnh” ( = thanh sạch) cho Thánh Giuse, và đáng lưu ý, Thánh Giuse được được nêu rõ là “phối” ( = người chồng): 與 天 主 之 母 童 貞 榮 福 瑪 利 亞、聖 母 的 淨 配 聖 若 瑟 Dữ Thiên Chủ chi Mẫu đồng trinh vinh phúc Mã Lợi Á, Thánh Mẫu đích tịnh phối Thánh Nhược Sắt = Cùng với Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria, Mẹ Thiên Chúa, Thánh Giuse, Người chồng thanh sạch của Đức Mẹ. Lịch phụng vụ Trung Hoa cũng dùng “tịnh phối”: 19 星 期 二 , 聖 若 瑟 (聖 母 淨 配) 19 tinh kỳ nhị, Thánh Nhược Sắt (Thánh Mẫu tịnh phối) = 19 thứ Ba, Thánh Giuse (Người chồng thanh sạch của Đức Mẹ).
Danh ngữ “tịnh phối” và “Bạn thanh sạch” vang vọng lời những bản kinh cổ gọi Thánh Giuse là “Sponsus castus” hoặc “Sponsus purissimus” (= Người chồng + thanh sạch) như:
- Castissime Virginis caste Sponse (Lạy Người chồng thanh sạch [Bạn thanh sạch] của Đức Trinh Nữ cực thanh cực tịnh),
- Caste Sponse Mariae / O caste Mariae Sponse (Lạy Người chồng thanh sạch [Bạn thanh sạch] của Đức Maria),
- O Ioseph, virgo Pater Iesu, purissime Sponse Virginis Mariae (Lạy ông Thánh Giuse là Cha nuôi Đức Chúa Giêsu và là Người chồng cực tinh cực sạch [Bạn thanh sạch] của Đức Trinh Nữ Maria).
Sau cùng, Thánh Giuse là chồng Đức Maria thì Đức Maria là vợ Thánh Giuse. Tin Mừng Mátthêô 1, 20: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông (coniugem tuam) về”. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 437: “Chúa Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô, được sinh ra do vợ ông Giuse (ex uxore Ioseph) trong dòng tộc thiên sai”. Tông huấn Redemptoris Custos của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, số 18, nói đến “mầu nhiệm về người vợ của Giuse” (arcanus coniugis Iosephi / mystery of Joseph’s wife, 若 瑟 的 妻 子 的 奧 秘 Nhược Sắt đích thê tử đích áo bí). Nếu sau này Giáo hội Việt Nam cần phải dịch lời nguyện phụng vụ nào nói đến Đức Trinh Nữ Maria là vợ Thánh Giuse, chẳng hạn “Maria Virgo sponsa Iosephi” hoặc “Maria Virgo coniux Iosephi”, thì có lẽ lời dịch sẽ là “Đức Trinh Nữ Maria, Bạn trăm năm [của] Thánh Giuse”.
Xin có đôi lời góp chuyện với ước mong góp thêm một góc nhìn cho cặp thành ngữ “Bạn thanh sạch Đức Trinh Nữ” và “Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ” tôn xưng Thánh Giuse. Có một thời chúng ta tiếc nuối khi câu quen thuộc trong Kinh Lạy Cha “Xin Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ” được thay thế bằng câu dịch khác: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Chắc hẳn ban dịch thuật đã nghiên cứu và cân nhắc để chấp bút tuy không thể làm hài lòng hết mọi người.
______________________
Ngày 14 tháng Thánh Giuse 2024
Phanxicô
bài liên quan mới nhất
- Mở Đạo Kontum (Phiên Bản Mới)
-
Giêrusalem quan trọng thế nào với Thánh Luca? -
Tước hiệu “Chúa” (Κύριος) trong Tin Mừng Luca -
Hiểu thế nào về “Missio” - Truyền Giáo? -
Làm thế nào để có bài giảng thú vị? -
Tên của 4 nữ tu được đặt cho 4 tiểu hành tinh -
Huy hiệu giám mục của Đức Giám mục phụ tá tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh (05/10/2024) -
Năm Bài Giảng trong Tin Mừng Mátthêu -
Tại sao các Lời Nguyện hầu hết đều cầu xin Chúa Cha? -
Khi Đức Giáo hoàng Piô XII gặp cha đẻ của thuyết Big Bang
bài liên quan đọc nhiều
- Kỷ niệm đẹp về Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung
-
Đức Thánh Cha giải thích tại sao Giáo hoàng lại mặc áo màu trắng -
Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ -
Khai sinh bộ lễ Seraphim, bài Thương khó và Mừng Vui lên (Exsultet) tại Nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt -
Hội Thừa Sai hải ngoại Paris là ai? -
Sách mới về cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô -
FABC: Kho tàng bị chôn giấu của Vatican II tại Châu Á -
Huy hiệu giám mục của Đức Giám mục phụ tá tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh (05/10/2024) -
Khóa học thứ 18 về Trừ tà và cầu nguyện giải thoát khỏi ma quỷ -
Bài giảng và ChatGPT