Khi Đức Giáo hoàng Piô XII gặp cha đẻ của thuyết Big Bang

Khi Đức Giáo hoàng Piô XII gặp cha đẻ của thuyết Big Bang

Khi Đức Giáo hoàng Piô XII gặp cha đẻ của thuyết Big Bang

ĐGH Piô XII gặp gỡ linh mục Georges Lemaître, cha đẻ của thuyết Big Bang

ALETEIACác vị giáo hoàng và những vì sao: Đức Giáo hoàng Piô XII, một người rất say mê các khám phá khoa học — đặc biệt là những điều kỳ diệu của không gian — đã từng gặp gỡ Georges Lemaître, cha đẻ của thuyết Big Bang (Vụ nổ lớn).

“Thật sự có vẻ như khoa học ngày nay, bất ngờ quay ngược lại hàng triệu thế kỷ, đã thành công trong việc chứng kiến ​​'Fiat lux' (Phải có ánh sáng) nguyên thủy này, khi một biển ánh sáng và bức xạ bùng nổ từ hư không với vật chất, khi các hạt của các nguyên tố hóa học phân tách và tập hợp thành hàng triệu thiên hà." Vào ngày 22/11/1951, trước các thành viên của Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học, Đức Piô XII đã đưa ra một sự tương đồng giữa "Big Bang" — một giả thuyết được hình thành từ một phần tư thế kỷ trước đó, vào năm 1927 — và sự khởi đầu nguyên thủy được mô tả trong những dòng mở đầu của Sách Sáng thế.


ĐGH Piô XII gặp gỡ các thành viên của Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học ngày 22/11/1951

Đức tin và khoa học

Bài phát biểu của ngài vẫn đáng nhớ như chính sự tranh cãi xung quanh nó. Trong số những người phản đối, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Georges Lemaître, một linh mục, đã yêu cầu được gặp riêng để chỉnh sửa người đứng đầu Giáo hội Công Giáo. Đối với nhà khoa học Dòng Tên này, không có chuyện thuyết Big Bang của ông xác nhận Kinh Thánh, vì thần học và khoa học đại diện cho hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt, hai mặt phẳng song song không giao nhau và không có cùng một đối tượng.

Sau đó, Đức Piô XII dường như đã học được bài học của mình. Vài tháng sau, ngài đã phát biểu trước những người tham gia Đại hội Thiên văn Thế giới mà ngài tổ chức tại điện giáo hoàng ở Castel Gandolfo vào ngày 7/9/1952. Bài phát biểu của ngài không còn dựa trên "thuyết tương hợp", theo đó các chân lý khoa học được ẩn giấu trong Kinh Thánh. Không mong đợi bất kỳ "bằng chứng khoa học" nào về sự tồn tại của Thiên Chúa, ngài ca ngợi tinh thần con người, điều "đã thành công trong việc nắm bắt vũ trụ bao la, vượt qua mọi viễn cảnh mà sức mạnh yếu ớt của các giác quan có thể hứa hạn ngày từ cái nhìn đầu tiên ".

Người thúc đẩy cả hòa bình và khoa học

Đức Giáo hoàng Piô XII được bầu vào Ngai tòa Thánh Phêrô (1939-1958) vài năm sau khi Đài Thiên văn Vatican được chuyển từ Vườn Vatican đến lâu đài Castel Gandolfo (1935). Đức Giáo hoàng Pacelli đã để lại dấu ấn của mình tại Đài Thiên văn ở vị trí tại vùng Castelli Romani, phía nam Rôma. Một tấm bảng đá cẩm thạch vinh danh Đức Piô XII là "người thúc đẩy xuất sắc cho cả Hòa bình và Khoa học".

Kỷ niệm nhắc lại rằng vào năm 1942, trong năm thứ ba của triều đại giáo hoàng, ngài đã ra lệnh chuyển chiếc kính thiên văn "bản đồ bầu trời" — mà Vatican đã tham gia vào việc lập danh mục và lập bản đồ vị trí của hàng triệu ngôi sao cùng với các đài quan sát trên khắp thế giới — từ Tháp Leonine của Vatican đến đồi Lazio, và xây dựng một tòa tháp khác "phù hợp nhất có thể để quan sát thiên văn" tại đó. Dòng chữ khắc bằng tiếng Latin trên tấm bảng ghi: "Một công trình hòa bình khi chiến tranh hoành hành trên khắp thế giới".


Cha George Lemaître giải thích về Thuyết Big Bang mới của mình với ĐGH Piô XII

 

Cuối tháng 12/2022, kênh tin tức VRT của Bỉ đã công bố một video lưu trữ về cuộc phỏng vấn vào năm 1964 dài 20 phút với cha Georges Lemaître về định luật giãn nở của vũ trụ mà ngài khám phá.

Georges Lemaître (1894-1966) là một nhà kinh sĩ, nhà thiên văn học và nhà vật lý người Bỉ, được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm làm chủ tịch Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học vào năm 1960. Ngài đưa ra lý thuyết về nguyên tử nguyên thủy vào năm 1931, sau này gọi là "Big Bang", theo đó vũ trụ hình thành từ một vụ nổ lớn và không ngừng giãn nở. Mang tính cách mạng, nó đối lập với luận điểm thường được chấp nhận, kể cả của Albert Einstein, về một vũ trụ tĩnh. Ngài giải thích trong cuộc phỏng vấn này: “Người ta cho rằng vũ trụ là tĩnh và sẽ không có gì thay đổi”. Ngài giải thích: “Các sự kiện liên quan đến sự giãn nở của vũ trụ khiến lý thuyết này không được chấp nhận, vì thế người ta nhận ra rằng cần phải thừa nhận một sự thay đổi, nhưng nhiều người muốn giảm thiểu nó”. Sau đó được phát triển bởi một số nhà khoa học Anglo-Saxon, đặc biệt là bởi Georges Gamow và Robert Herman, tuy nhiên nó vẫn là thành quả của nghiên cứu và suy tư của cha Georges Lemaître.

Ngài qua đời vào ngày 20/6/1966 sau khi chiến đấu với bệnh bạch cầu. Không lâu trước khi qua đời, ngài biết được việc phát hiện ra bức xạ hóa thạch mà ngài đã đưa ra giả thuyết vào những năm 1930. Một miệng núi lửa trên mặt trăng và một tiểu hành tinh được đặt theo tên ngài.

____________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: aleteia.org

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top