Tại sao các Lời Nguyện hầu hết đều cầu xin Chúa Cha?
TGPSG -- Trong Phụng vụ, các Lời Nguyện hầu hết đều cầu xin với Chúa Cha, bởi vì, Chúa Cha chính là nguồn mạch và cùng đích của Phụng Vụ (Pater, liturgiae fons et finis). Lúc đầu, tất cả Lời Nguyện đều cầu xin với Chúa Cha, qua trung gian của Đức Giêsu Kitô và trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần, nhưng, sau này, có một số Lời Nguyện cầu xin với Chúa Con (x. QCSL số 54; x.Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 44-46).
Tuy nhiên, không có Lời Nguyện nào xin trực tiếp với Chúa Thánh Thần, kể cả Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta cũng cầu xin với Chúa Cha: Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hóa Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin... Ấy thế mà, thực tế cho thấy, có rất nhiều vị xin trực tiếp với Chúa Thánh Thần vào các dịp Lễ Chúa Thánh Thần.
Nếu xin trực tiếp với Chúa Thánh Thần, thì không biết sẽ kết thúc Lời Nguyện theo cách nào?
Kết thúc Lời Nguyện có 3 cách (x. QCSL số 89): (1) Nếu cầu xin Chúa Cha, thì kết: Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô… (2) Nếu cầu xin Chúa Con, thì kết: Chúa hằng sống… (3) Nếu cầu xin Chúa Cha, nhưng có nhắc đến Chúa Con, thì kết: Người hằng sống…
Về việc kết thúc Lời Nguyện, thực tế cho thấy, có những vị không quan tâm đến việc mình đang cầu xin với Chúa Cha hay với Chúa Con, Lời Nguyện nào cũng kết bằng: Chúng con cầu xin… Điều này thật là tùy tiện, và chưa ý thức đủ về đối tượng mà mình đang cầu xin. Chẳng hạn, mở đầu bằng: Lạy Chúa Giêsu, mà lại kết thúc bằng: Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, vậy nãy giờ, vị đó đang thưa chuyện với ai?
Một Lời Nguyện bao gồm 4 yếu tố: (1) Anaclesis: Kêu cầu ai? (2) Anamnesis: Tưởng niệm mầu nhiệm cứu độ được cử hành hoặc công đức của vị thánh được kính nhớ; (3) Epiclesis: Diễn tả điều muốn xin; (4) Doxologia: Vinh Tụng Ca.
Trong Phụng Vụ, hầu hết các Lời Nguyện đều hướng về Chúa Cha, có một số hướng về Chúa Con (Điều này chỉ mới sau này, chứ thuở ban đầu không có như vậy, xem Trần Đình Tứ, Phụng Vụ Thánh Lễ, 44-46). Ngay cả, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hay Lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ, chúng ta cũng cầu xin với Chúa Cha, chứ không xin trực tiếp với Chúa Giêsu:
- Lạy Chúa, khi chúng con cử hành lễ Thánh Tâm Ðức Kitô, Con Một Chúa yêu dấu, Chúa ban cho chúng con được vui mừng tưởng niệm những kỳ công Người đã thực hiện vì thương yêu chúng con. Xin dạy chúng con biết tìm đến Thánh Tâm Người để hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. (Lễ Thánh Tâm)
- Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin... (Lễ Đức Kitô Vua).
Tóm lại, Chúa Cha chính là nguồn mạch và cùng đích của Phụng Vụ, vì thế, tất cả đều quy hướng về Chúa Cha. Do đó, trong Năm Phụng Vụ, cha nuôi Đức Giêsu, còn có hai ngày lễ để kính nhớ 19/03 và 01/05, còn Chúa Cha thì không có ngày lễ nào dành riêng cho Người, bởi vì, Thánh lễ nào cũng là Thánh lễ quy hướng về Chúa Cha, còn Đức Giêsu chính là chủ tế, là lễ tế, là bàn thờ, tiến dâng lễ vật lên Chúa Cha. Trong Phụng Vụ, chỉ có khoảng 10 Lời Nguyện cầu xin với Đức Giêsu, còn lại, tất cả đều cầu xin với Chúa Cha và quy hướng về Chúa Cha.
Lời Nguyện cầu xin với Đức Giêsu trong Phụng Vụ Thánh Lễ:
- Lạy Chúa Giêsu, xin biểu dương uy quyền và ngự đến, vì chỉ mình Chúa mới có thể giải thoát và cứu độ chúng con khỏi mọi cơn nguy khốn do chính tội lỗi chúng con đã gây nên. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. (Thứ Sáu sau Chúa Nhật I Mùa Vọng);
- Lạy Chúa Giêsu, xin mau đến chứ đừng trì hoãn nữa! Xin ngự đến nâng đỡ ủi an những ai đặt hết tin tưởng vào tình thương của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. (Sáng Ngày 24 tháng Mười Hai);
- Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. (Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)
3 Lời Nguyện cầu xin với Đức Giêsu trong Giờ Kinh Sáng và Giờ Kinh Chiều:
- Lạy Chúa Kitô là Vua trời đất, ngày hôm nay, xin hướng dẫn, thánh hoá, và điều khiển hồn xác chúng con từ cảm nghĩ, lời nói đến việc làm, xin giúp chúng con giữ những điều Chúa dạy mà sống đẹp lòng Chúa, để nhờ ơn thánh phù trợ, chúng con được giải thoát và tự do, bây giờ và mãi mãi. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. (Kinh Sáng Thứ Hai Tuần 3);
- Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều; trên quãng đường cùng đi với chúng con, xin Chúa thương sưởi ấm cõi lòng và khơi lên niềm hy vọng; nhờ đó, chúng con và hết mọi anh em có thể nhận ra Chúa khi cùng đọc Sách Thánh và chia sẻ Bánh Thánh với nhau. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. (Kinh Chiều Thứ Hai Tuần 4);
- Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con đã kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria, và dâng lên Chúa lời ca ngợi chân thành, xin Chúa thương chấp nhận mà làm cho chúng con cũng được như Người, là xứng đáng lãnh lấy ơn cứu chuộc Chúa ban. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. (Kinh Sáng Thứ Bảy Tuần 4).
4 Lời Nguyện cầu xin với Đức Giêsu trong Giờ Kinh Trưa:
- Lạy Chúa Giêsu, này chúng con tưởng niệm giờ Chúa bị điệu đi chịu khổ hình thập giá, xin nhậm lời chúng con khẩn cầu mà tha thứ những lỗi lầm chúng con đã phạm, và gìn giữ chúng con từ nay khỏi phạm tội mất lòng Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. (Kinh Giờ Ba Thứ Sáu)
- Lạy Chúa Giêsu Kitô, vào buổi trưa, lúc bóng tối bao trùm cả trời đất, Chúa là Đấng vô tội đã lên thập giá để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con hằng được ánh sáng Chúa soi dẫn, hầu mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. (Kinh Giờ Sáu Thứ Sáu)
- Lạy Chúa Giêsu Kitô, xưa Chúa đã cho kẻ trộm lành bị treo trên thập giá biết hối cải ăn năn, và được vào Nước Chúa. Này chúng con tin tưởng nguyện cầu, xin Chúa cho chúng con giờ đây đang thú nhận tội lỗi, cũng được hân hoan bước vào cửa thiên đàng sau khi lìa cõi thế. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. (Kinh Giờ Chín Thứ Sáu)
- Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dang tay ra trên thập giá để cứu độ muôn người, xin cho chúng con, mỗi khi tra tay làm việc gì thì cũng cố sao cho đẹp lòng Chúa và giúp cho mọi người nhận ra ơn cứu độ. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. (Kinh Giờ Chín Thứ Tư)
Bài: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền (OSB)
bài liên quan mới nhất
- Mở Đạo Kontum (Phiên Bản Mới)
-
Giêrusalem quan trọng thế nào với Thánh Luca? -
Tước hiệu “Chúa” (Κύριος) trong Tin Mừng Luca -
Hiểu thế nào về “Missio” - Truyền Giáo? -
Làm thế nào để có bài giảng thú vị? -
Tên của 4 nữ tu được đặt cho 4 tiểu hành tinh -
Huy hiệu giám mục của Đức Giám mục phụ tá tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh (05/10/2024) -
Năm Bài Giảng trong Tin Mừng Mátthêu -
Khi Đức Giáo hoàng Piô XII gặp cha đẻ của thuyết Big Bang -
Giáo xứ Tam Hải: Sự hình thành và phát triển của Giáo lý Viên
bài liên quan đọc nhiều
- Kỷ niệm đẹp về Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung
-
Đức Thánh Cha giải thích tại sao Giáo hoàng lại mặc áo màu trắng -
Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ -
Khai sinh bộ lễ Seraphim, bài Thương khó và Mừng Vui lên (Exsultet) tại Nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt -
Vì sao có lời dịch Thánh Giuse là "Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ"? -
Hội Thừa Sai hải ngoại Paris là ai? -
Sách mới về cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô -
FABC: Kho tàng bị chôn giấu của Vatican II tại Châu Á -
Huy hiệu giám mục của Đức Giám mục phụ tá tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh (05/10/2024) -
Khóa học thứ 18 về Trừ tà và cầu nguyện giải thoát khỏi ma quỷ