Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos
WHĐ (21.01.2016) – Ngày 20-01, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos.
Sứ điệp này được Đức Thánh Cha ký ngày 30 tháng Mười Hai, 2015, và được gửi cho Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhân Diễn đàn được tổ chức từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng 2016 tại Davos (Thụy Sĩ).
Đề tài của Diễn đàn năm nay là “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Sau đây là toàn văn của Sứ điệp.
* * *
Kính gửi Giáo sư Klaus Schwab,
Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Trước hết, tôi muốn cảm ơn Giáo sư đã có nhã ý mời tôi phát biểu với cuộc họp hằng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos-Klosters vào cuối tháng Giêng với đề tài: “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Tôi chân thành cầu chúc cuộc gặp gỡ này gặt hái nhiều thành quả. Đây là cuộc gặp gỡ nhằm cổ võ trách nhiệm lâu dài đối với xã hội và môi trường thông qua việc đối thoại trong tinh thần xây dựng về phía chính quyền, các nhà doanh nghiệp, giới chức dân sự, cũng như quý vị đại biểu thuộc các lĩnh vực chính trị, tài chính và văn hóa.
Bình minh của điều được mệnh danh là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đi kèm với ý thức ngày càng rõ về việc suy giảm không thể tránh khỏi và rất bạo liệt về số lượng việc làm. Những nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy con số thất nghiệp hiện nay lên đến hàng trăm triệu người. Việc các nền kinh tế được “tài chính hóa” và “công nghệ hóa”, mang tính toàn cầu và tại các quốc gia, đã phát sinh sự biến động sâu xa trong lĩnh vực lao động. Tình trạng suy giảm khả năng có được việc làm hữu ích và xứng đáng, cùng với việc giảm bớt các nguồn bảo vệ của xã hội, đã gây ra sự gia tăng đáng lo ngại về tình trạng bất bình đẳng và nghèo túng. Rõ ràng cần phải tạo ra những mô hình kinh doanh mới, đồng thời cổ võ sự phát triển công nghệ tiên tiến, sao cho có thể dùng vào việc tạo thêm lao động xứng đáng cho mọi người, nhằm duy trì và củng cố các quyền xã hội và bảo vệ môi trường. Con người phải dẫn dắt sự phát triển công nghệ, chứ không để nó làm chủ mình!
Một lần nữa tôi xin gửi đến tất cả quý vị lời kêu gọi này, là: “Đừng quên người nghèo!” Đây là thách đố thứ nhất đặt ra trước quý vị là những nhà hữu trách trong giới kinh doanh. “Ai có phương tiện để sống một cuộc đời tươm tất, thì thay vì bận tâm đến những đặc quyền, hãy tìm cách giúp những người nghèo khổ nhất để họ cũng có được những điều kiện sống xứng hợp phẩm giá con người, nhất là được phát triển khả năng của mình về nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội” (Gặp gỡ Giới chức Chính quyền và Ngoại giao đoàn, Bangui, 29-11-2015).
Chúng ta không được bao giờ cho phép “thứ văn hóa tiện nghi gây mê chúng ta”, khiến chúng ta không thể “động lòng trắc ẩn trước tiếng khóc đau thương của người khác; chúng ta không còn khóc trước thảm cảnh của tha nhân, không còn để ý họ đang cần chúng ta quan tâm, coi như chúng ta vô can vì cho đó không thuộc trách nhiệm của mình” (Niềm vui Tin Mừng, 54).
Khóc trước thảm cảnh của mọi người không những nói lên sự chia sẻ những đau khổ của họ, mà nhất là còn nhận ra những việc mình làm đã gây ra bất công và bất bình đẳng. “Hãy mở mắt để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em chúng ta đang bị tước mất nhân phẩm, và nhận thấy mình được mời gọi lắng nghe tiếng họ kêu gào xin được cứu giúp. Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi tay họ và kéo họ đến với chúng ta, để họ thấy ấm áp có chúng ta ở cùng, có tình bạn bè, có tình anh em. Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ” (Tông sắc Misericordiae vultus ấn định Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương xót, 15).
Thực hiện được điều đó, ta trở nên nhân bản hơn, vì trách nhiệm đối với anh chị em chúng ta là phần cốt yếu trong nhân tính chung của chúng ta. Quý vị đừng sợ mở lòng trí hướng đến người nghèo. Nhờ vậy quý vị sẽ bộc lộ hết khả năng kinh tế và kỹ thuật, và thấy mình được vui sống mà chủ nghĩa tiêu thụ không thể mang lại.
Trước những thay đổi sâu xa hiện nay, các vị hữu trách trên thế giới đứng trước thách đố phải bảo đảm rằng cuộc “cách mạng công nghệ thứ tư” sắp tới, kết quả của phát minh công nghệ người máy rô-bốt, đổi mới khoa học và công nghệ, sẽ không đưa đến hủy diệt nhân vị – thay con người bằng máy móc không có trái tim – hoặc biến hành tinh chúng ta thành một mảnh vườn trống rỗng chỉ dành cho khoái lạc của một số người ưu tuyển.
Trái lại, đây là lúc mang lại một cơ hội quý giá cho việc hướng dẫn và điều khiển tiến trình đang diễn ra, và cho việc xây dựng những xã hội được đặt trên nền tảng tôn trọng phẩm giá con người, khoan dung, từ bi và thương xót. Vì vậy tôi mong quý vị tiếp tục cuộc bàn luận về cách thức xây dựng tương lai của hành tinh, “ngôi nhà chung của chúng ta”, và xin quý vị hãy cùng cố gắng tìm kiếm sự phát triển bền vững và toàn diện.
Như tôi vẫn thường nói và bây giờ muốn được nhắc lại: kinh doanh là “một ơn gọi cao quý, hướng đến việc làm ra của cải và làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn cho mọi người”, nhất là “nếu ta hiểu rằng việc tạo ra công ăn việc làm là một phần thiết yếu của việc phục vụ công ích” (Laudato Si’, 129). Như vậy, kinh doanh có trách nhiệm giúp vượt qua cuộc khủng hoảng phức tạp của xã hội và môi trường, và trách nhiệm chống nghèo đói. Điều này tạo điều kiện cải thiện hoàn cảnh sống bấp bênh của hằng triệu người và thu hẹp hố phân cách xã hội vốn gây ra nhiều bất công và bào mòn các giá trị căn bản của xã hội, như bình đẳng, công lý và tình liên đới.
Như vậy, nhờ phương tiện hữu hiệu là đối thoại, Diễn đàn Kinh tế Thế giới có thể trở thành một diễn đàn bảo vệ và gìn giữ thế giới được dựng nên, để đạt tới “sự tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, có tính xã hội hơn, toàn diện hơn” (Laudato Si’, 112), với sự quan tâm thích đáng các mục tiêu về môi trường cũng như phát huy tối đa những nỗ lực xóa đói giảm nghèo, như đã được nêu lên trong Chương trình hành động 2030 vì sự Phát triển bền vững và trong Thỏa ước Paris đối với Công ước khung về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc.
Kinh thưa Giáo sư chủ tịch, một lần nữa tôi xin chúc cuộc họp sắp tới tại Davos gặt hái thành công, và xin Chúa ban phúc lành dồi dào cho giáo sư, cho quý vị tham dự Diễn đàn và cho gia đình của quý vị.
Vatican, ngày 30 tháng Mười Hai 2015
Phanxicô, giáo hoàng
Nguồn: MESSAGE DU PAPE FRANÇOIS AU PROFESSEUR KLAUS SCHWAB PRÉSIDENT EXÉCUTIF DU WORLD ECONOMIC FORUM
Thành Thi chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô