Sân khấu phục vụ đối thoại liên tôn

Sân khấu phục vụ đối thoại liên tôn

WHĐ (20.03.2016) – Hai diễn viên sân khấu - một là tín hữu Kitô giáo, một là tín hữu Hồi giáo - đã viết và dàn dựng một vở kịch về đối thoại liên tôn. Vở kịch hiện đang được trình diễn tại các cơ sở giáo dục tại Pháp, và bao giờ cũng kết thúc bằng chương trình giao lưu thảo luận với khán giả.

Tóm tắt nội dung vở kịch: Arthur thì bỏ mạng trong một tai nạn trượt tuyết, còn Ahmed lại chết đuối trong một vụ lặn. Sau khi qua đời, cả hai gặp lại nhau trong một căn phòng không có lối ra. Người Công giáo gọi đây là luyện ngục, còn đối với tín đồ Hồi giáo thì đây là một “barzakh”, nơi chờ đợi và tra xét.

Đây là dịp để hai người lao vào một cuộc tranh luận lan man về các định kiến liên quan đến niềm tin của mình, những cảnh hài hước, những đoạn Thánh Kinh và Kinh Coran được viện dẫn. “Hai niềm tin” là vở kịch có tiết tấu đặc sắc, được nghệ thuật tinh tế về âm thanh và ánh sáng phụ trợ, phát sinh từ một câu chuyện về tình bằng hữu giữa hai diễn viên, một theo Kitô giáo và một theo Hồi giáo, cả hai đều quê ở miền Bắc nước Pháp.

Trong các trường Công giáo

Steeve Gernez kể: “Chúng tôi đã nghĩ tới việc viết vở kịch này từ lâu rồi. Các biến cố xảy ra hồi tháng Giêng năm 2015 khiến chúng tôi phải viết cho nhanh”. Steeve Gernez và Samir Arab đã gặp nhau tại Trường Kịch nghệ Florent cách nay khoảng mười năm. Được nhà xuất bản Médiaclap, và Hiệp hội Những người thắp sáng các vì sao giúp đỡ sáng chế các dụng cụ có tính cách sư phạm cho vở kịch, bộ đôi diễn viên đã diễn cả chục lần từ đầu năm nay, chủ yếu trong các trường Công giáo. Các lần diễn này đều kết thúc bằng một cuộc giao lưu thảo luận với khán giả.

Lần diễn tại trường Notre-Dame d’Espérance de Saint-Nazaire, có tất cả các lớp cuối cấp phổ thông trung học tham dự, các diễn viên đã trả lời một cách chân thành các câu hỏi của học sinh về niềm tin, về sự sống chung giữa các tôn giáo, về hạnh phúc lòng tin đem lại và cách hiểu của họ về Thiên Chúa. Samir Arab cho biết: “Chúng tôi rất vui vì đã nhận được rất nhiều câu hỏi thích đáng, điều đó cho thấy vở kịch đã thực sự đánh động các em”. Anh hy vọng, với dự án này, có thể “khuyến khích các em suy nghĩ về cuộc sống riêng của mình và mở lòng mình ra trước người khác”. Steeve Gernez cho rằng đây là một thông điệp về sự khoan dung đặc biệt ích lợi trong bầu khí nghi kỵ hiện nay: “Đức Giêsu đã bỏ thời gian để đến với những người bị ruồng bỏ và loại trừ, Ngày nay, tôi có cảm tưởng là chính những người anh em Hồi giáo chúng tôi là những người đang bị chĩa mũi dùi”.

Liên kết với Hiệp hội Cùng tồn tại (Coexister)

Siam, một nữ sinh 19 tuổi, hy vọng rằng vở kịch sẽ giúp chống lại một cách hữu hiệu những giọng điệu tiêu cực em nghe được tại hàng lang nhà trường về tôn giáo của em. “Người ta chưa vượt lên khỏi nỗi sợ hãi đối với Hồi giáo…”. Bản thân em cũng đã học được nhiều điều khi xem vở kịch: “Tôi không biết là Kinh Coran đã đề cao Đức Maria và sự trinh khiết của Người. Không biết là nước có thể tượng trưng cho cái chết trong Thánh Kinh”. Hugo, 17 tuổi, “một người vô thần tuyệt đối”, thú nhận rằng vở kịch này đã giúp em “mở toang các cánh cửa ”; em nói: “Vở kịch gợi mở suy tư, mà không áp đặt một loại đạo đức làm sẵn”. Bérénice, công giáo, 17 tuổi, cảm thấy “bớt lẻ loi trong ước muốn đối thoại với các tôn giáo khác”.

Dưới con mắt của bà Laurence Squiban, nhà hoạt động mục vụ học đường của trường, người đã có ý tưởng đề nghị liên kết vở kịch này với Hiệp hội Cùng tồn tại, được thiết lập tại trường, việc tạo những không gian suy tư như thế này quả là hơn cả cần thiết. Bà nhận định: “Thế hệ học sinh này không hiểu biết nhiều về các tôn giáo và rất mơ hồ trong lãnh vực này. Nên các em rất cần được giải thích”.

Vở kịch này, vốn cũng nói đến tình yêu và việc phải đem lại cho cuộc đời của mình một ý nghĩa, cho phép đề cập đến những vấn đề sâu sắc nhưng lại ít được nói đến trong gia đình. Bà nói thêm: “Người trẻ không có mấy cơ hội để đối thoại với cha mẹ của họ. Vì công việc bận rộn hay những rào cản, nên giữa họ không có chỗ cho những cuộc trao đổi lớn…”

Các diễn viên đã dự kiến ngay từ bây giờ phải phát triển nội dung và thêm một số đoạn về mạng che mặt và tháng chay Ramadan. Và Samir Arab kết luận:“Mục đích của chúng tôi là sử dụng giọng hài hước để nói về những chủ đề tế nhị mà không gây khó chịu hay làm tổn thương”.

(Florence Pagneux, La Croix)

 

Mai Tâm

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top