Sài Gòn Valentine
WGPSG -- Tình yêu có tự bao giờ? Và ngày lễ Valentine, ngày Tình Nhân, ngày lễ Tình Yêu đến từ đâu, lúc nào? Có lẽ những câu hỏi như thế không quan trọng đối với nhiều người Sài Gòn hôm nay: từ già trẻ lớn bé, từ những tầng lớp trí thức, thương gia, công nhân, sinh viên, học sinh đến những người bình dân, nghèo khổ v.v… Vậy thì, vấn đề quan trọng đối với người dân Sài Gòn ngày Valentine là gì? Phải chăng đó là cơ hội để người người thương gia mua bán, kinh doanh, nhiều người trẻ mua sắm, vui chơi hưởng thụ, giải trí, ăn uống, hay đó là cơ hội để hàng ngàn cặp tình nhân trẻ tuổi tay trong tay ngồi trên những chiếc xe gắn máy di chuyển trên khắp các đường phố Sài Gòn. Thật vậy, ngày 14.02.2012, ngày Valentine năm nay, đã thật sự trở nên một ngày vui với biết bao sự kiện diễn ra nơi mảnh đất Sài Gòn. Tuy nhiên, là những Kitô hữu, chúng ta có những suy nghĩ, cảm nhận gì nhân ngày Valentine năm nay?
Trước hết, bầu khí Sài Gòn ngày Valentine thật sôi động, tươi trẻ với những tiếng nhạc mang âm hưởng của chủ đề ngày tình nhân ở những cửa hàng, quán ăn, hay ở những tụ điểm ca nhạc như Câu lạc bộ Lan Anh, Công viên Văn hóa Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, Đầm Sen v.v…; với triệu triệu bông hồng được bán nhiều như cầu Sài Gòn, Thị Nghè, ngã Tư Hàng Xanh, hay ở trước các cổng trường Đại Học trong thành phố.
Ngoài ra, nếu quan sát thì chúng ta sẽ thấy biết bao những con người với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhân ngày lễ tình nhân ở chốn thị thành: có người rất giàu có, sang trọng, quý phái nhưng cũng có những cụ già, bà lão, những em bé lang thang trên khắp các đường phố Sài Gòn với những cái nghề rất bình thường và thầm lặng: đi bán vé số, bán bông hồng, đi đánh giày, và thậm chí là đi ăn xin. Vậy đó, bên cạnh những cặp tình nhân cười nói vui vẻ thì có biết bao những mảnh đời đang vất vả lầm than kiếm kế sinh nhai. Giữa biết bao vui tươi rộn ràng của ngày Sài Gòn Valentine là biết bao âu lo, khắc khoải, và nỗi buồn của những mảnh đời nghèo khổ đang nghiệt ngã nơi mảnh đất Sài Gòn.
Thật vậy, Sài Gòn Valentine thật muôn màu muôn vẻ, và cũng tồn tại nhiều hình ảnh trái ngược nhau, bởi vì sự khác biệt và chênh lệch rất lớn giữa kẻ giàu và người nghèo, giữa người trẻ và người già, giữa những người đang yêu và những người đang khao khát được yêu… Vâng, cuộc sống ở đâu cũng thế, và Sài Gòn đô thị muôn đời vẫn thế: những cái bất thường, nghịch lý đã trở nên những điều vốn dĩ rất bình thường trong xã hội đối với tâm thức và não trạng của người dân Sài Gòn. Vậy thì, điều cốt lõi mà người Sài Gòn mừng ngày Valentine là gì? Đó có phải là những niềm vui thú, là những sự hưởng thụ chóng qua? Đó có phải là cơ hội để người ta khám phá ra giá trị của tình yêu thật sự là gì? Hay Sài Gòn Valentine cuối cùng cũng chỉ là sự kiện bình thường của dòng chảy thời gian: đến rồi đi mà chẳng đọng lại một chút gì nơi tâm hồn con người?
Tiếp theo những dòng suy tư trên đây, và cũng để trả lời cho những câu hỏi vừa nêu, chúng ta cần nhìn sự kiện Sài Gòn Valentine với góc nhìn của người Kitô hữu: ý nghĩa cốt lõi của ngàyValentine là gì? Đó có phải là ngày chỉ dành cho tình nhân? Hay đó có phải là một ngày để người ta vui chơi, hưởng thụ mà không hề cảm nhận được một chút gì đó thật sự là tình yêu thương? Ngày 14.02, ngày Tình Nhân nhưng có mấy nhân tình cảm nhận được ý nghĩa và sức mạnh thật sự của tình yêu?
Quả thật, Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga, 4,8). Đó là một tình yêu Agapê, nghĩa là một tình yêu cho đi, không tính toán so đo, một tình yêu không vị kỷ và đặt ra bất kỳ một đòi hỏi, điều kiện nào nơi người mình yêu. Chúng ta cảm nhận được tình yêu này nơi Chúa Giêsu trên thánh giá: Ngài đã yêu thương chúng ta cho đến cùng, mặc dù chúng ta chỉ là những người nô lệ đầy bất trung, phản bội và tội lỗi.
Thế nhưng, tình yêu của con người thì ngược lại: đó là một tình yêu Eros, một tình yêu ích kỷ, tính toán, và là một tình yêu vụ lợi. Thực tế cho thấy, có mấy ai thật sự yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em mình? Con người hôm nay thường đặt tình yêu nơi những tiêu chuẩn của tiền bạc, vật chất, sắc đẹp, danh vọng, quyền thế… Vì vậy, có mấy ai cảm nhận được ý nghĩa thật sự của ngày lễ tình nhân, có mấy ai cảm nhận được sức mạnh vô tận và vĩ đại của một tình yêu chân chính?
Dù vậy, cuộc sống này vẫn có không ít những câu chuyện đời thường cảm động về sức mạnh của tình yêu thương thật sự. Điển hình như câu chuyện về một gia đình nghèo khổ trong chương trình Ngôi Nhà Mơ Ước, được phát sóng trên kênh HTV 7 tuần trước: Một gia đình nọ có 4 người, trong đó hai người đàn ông (người cha, và người con trai 9 tuổi) phải nuôi hai người đàn bà (là vợ, mẹ, con gái) bị tai biến nằm liệt trên giường vì dị chứng ác nghiệt của chất độc màu da cam. Điều đáng thương là người con 9 tuổi mà người mẹ cưu mang và sinh ra là do một người xa lạ gây ra chứ không phải là người chồng của chị. Khi được hỏi cảm nhận của chị như thế nào sau khi sinh cháu Tuấn, chị bảo rằng: Rất vui và hạnh phúc, vì một người như chị vẫn có khả năng để sinh ra một đứa con là máu huyết, là sự sống của đời chị. Thật vậy, đây là niềm vui thật sự của tình yêu mẫu tử. Đây là nghị lực phi thường của cháu Tuấn và người cha Dượng âm thầm chăm sóc cho chị. Điều này cho chúng ta thấy, tình yêu thật sự thường có một sức mạnh vĩ đại và phi thường, đó là một tình yêu biết chia sẻ, cảm thông, biết hy sinh, quên mình và nghĩ đến người mình yêu thương. Tình yêu ấy và nghị lực ấy thật cảm động và thật đáng trân trọng biết bao.
Cuối cùng, sự kiện Sài Gòn Valentine năm nay là cơ hội để mỗi người Kitô hữu chúng ta khám phá ra bản chất của cuộc sống và bản chất của tình yêu. Điều cốt lõi và ý nghĩa của cuộc đời Kitô hữu là tình yêu: đó là yêu và được yêu như Chúa đã yêu thương chúng ta. Thật vậy, tiền tài, danh vọng, lạc thú, sắc đẹp, sự nghiệp, tiện nghi vật chất… sẽ qua đi, nhưng tình yêu sẽ còn mãi như lời của thánh Phaolô đã nói: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (1Cr 13,8). Ước gì, mỗi người trong chúng ta cảm nhận được nơi Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu, và cảm nhận được bản chất của tình yêu là chấp nhận, là hy sinh cho người mình yêu.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Thông điệp của mùa xuân
-
Giờ kinh Giao Thừa -
Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam -
Lời kinh đêm Giao thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Đạo Hiếu theo quan niệm Công giáo -
Tại sao người ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?