Mùng 3 tết: Thánh hoá công ăn việc làm

Mùng 3 tết: Thánh hoá công ăn việc làm

 

Ca dao có câu:

Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà”.

Có lẽ thời trước, người ta nhàn hạ hơn nên dám bỏ ra cả một tháng để “ăn chơi”. Còn thời nay, chúng ta chỉ ăn Tết một vài ngày. Nhưng dù ăn Tết cả một tháng hay chỉ vài ngày, thì sau đó chúng ta cũng phải làm việc trở lại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến nay, Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Thật vậy, Thiên Chúa đã làm việc trong sáu ngày để tạo dựng nên vũ trụ. Và Ngài vẫn còn làm việc để duy trì công trình tạo dựng vĩ đại của Ngài. Vì thế mà chim trời vẫn líu lo ca hót, cá biển vẫn tung tăng bơi lợi, hoa đồng nội vẫn tươi nở và tỏa hương thơm ngát, mặt trời vẫn mọc lên cho đồng lúa chín vàng rực rỡ, sóng biển vẫn ầm ầm vỗ vào bờ cát, và con người vẫn sống vui tươi trong hạnh phúc.

Thiên Chúa vẫn làm việc và Ðức Giêsu cũng làm việc: Ngài đi khắp nơi rao giảng về vương quốc công bình và tình thương. Ngài làm các dấu lạ, chữa các tật bệnh hồn xác cho con người.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta làm việc, không chỉ vì mình và những người thân của mình, mà còn để phục vụ và giúp đỡ những người khác, nhất là những người khốn khổ. Tuy nhiên, có những người làm việc quá sức để trở nên giàu có và nổi tiếng, như các chính khách, các cầu thủ, các ca sĩ, các ngôi sao thể thao... Họ là những con người thành đạt, được người đời hâm mộ. Nhưng ông Albert Einstein đã nhận định: "Giá trị của một con người được thể hiện nơi những gì họ dâng tặng, chứ không phải nơi những gì họ nhận lãnh".

Vậy ý nghĩa của sự làm việc, ngoài mục đích mưu sinh, còn để góp phần với đồng loại, làm cho xã hội ngày một phát triển cao hơn về cả mặt tâm linh lẫn vật chất.

Thánh hóa công ăn việc làm, chính là mặc cho nó một ý nghĩa, đó là “làm việc để phục vụ”. Phục vụ mình, phục vụ gia đình và nhất là phục vụ đồng loại.

Tuy nhiên,

* Nhiều khi chúng ta lười biếng không làm việc, ỷ lại vào người khác.

* Nhiều khi chúng ta làm những việc bất chính, không theo lương tâm, không hợp lẽ công bình.

* Nhiều khi chúng ta thiếu ý thức rằng: Làm việc để phục vụ anh chị em đồng loại.

Người Việt Nam chúng ta có bài đồng dao:

Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống.
Lấy ruộng tôi cầy.
Lấy đầy bát cơm.
Lấy rơm đun bếp.

Trong tâm tình cầu xin của ngày Mùng Ba Tết, cùng với đồng bào Việt Nam, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những công việc sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc cực khổ chúng ta sẽ gặp.

* Xin Chúa giúp chúng ta có việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình.

* Xin Chúa giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong công việc của mình.

* Xin Chúa mở rộng lòng chúng ta để chúng ta biết chia sẻ cho những người túng thiếu.

* Nhất là, xin Chúa giúp chúng ta được nên thánh nhờ công việc hằng ngày, bằng cách khi làm việc, chúng ta không quên Chúa, nhưng luôn nhớ đến Chúa và cậy nhờ vào Chúa.

Thời gian là hồng ân Chúa ban cho con người. Trong năm mới này, mỗi người sẽ dùng quỹ thời gian của mình để phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Ước gì lời nói, cử chỉ, thái độ của chúng ta, sẽ trở thành lời ca ngợi tình thương của Chúa vì “tất cả đời con là ân huệ Chúa ban”. Hãy sống theo lời thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

Niềm tin vào tình yêu quan phòng của Chúa luôn đòi hỏi chúng ta sống giây phút hiện tại với tinh thần phó thác. Thánh vương Đavít đã dạy: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Kính chúc xuân sang tràn phúc lộc,
Đón mừng năm mới đầy hồng ân.

Top