Nhớ lắm bếp củi ngày xưa!

Nhớ lắm bếp củi ngày xưa!

WGPSG -- Những ngày cuối năm, dạo quanh một vòng qua các ngõ hẻm, những bếp lửa rực cháy, làm sôi sùng sục những nồi bánh chưng đang nghi ngút khói, khiến tâm trí tôi quay trở về thời thơ ấu, lúc còn nấu cơm bằng bếp rơm, bếp mạt cưa và bếp củi. Đó là cái thời “Ăn chưa no, lo chưa tới”, thế mà đã phải lao vào bếp, mặt mũi dính đầy mồ hôi, mồ hóng, nhọ nồi; cố giữ cho ngọn lửa khỏi tàn. Tôi đã trải qua tuổi thơ ấu trong cảnh lam lũ như thế đó!

Nhớ lắm, những ngày Tết ở Cái Sắn, cả gia đình sum vầy quanh bếp lửa hồng để canh nồi bánh chưng. Chiều buông, cả nhà bên nhau với bữa cơm đạm bạc, chỉ rau muống chấm nước mắm cà cuống sao mà ngon đến thế! Đó là cả một khung trời dĩ vãng với biết bao yêu thương, đầy những kỷ niệm đẹp.

Một lần tôi ngã xuống kênh và có người cứu lên. Mẹ chạy ra ôm chặt tôi đưa vào gian bếp, cha liên tục hơ tay trên bếp lửa và xoa lên người tôi để sưởi ấm thân tôi. Giờ đây, dù đã qua tuổi lục tuần, nhưng hình ảnh này mãi không thể xóa nhòa trong ký ức của tôi, bởi một đời cha mẹ nghèo khó, nhưng tình yêu thương dành cho con cái thật giàu có, không gì sánh bằng.     

Cánh đồng lúa vàng ối đến mùa gặt. Cha mẹ ra đồng gặt lúa. Chị hai phụ cha mẹ đánh cộ chở lúa về nhà. Tôi ở nhà se từng nắm rơm để giữ lửa cho nồi nước mau sôi, nồi cơm mau chín; khói bếp cay xè một thời niên thiếu, đến nay nhớ lại, sống mũi vẫn còn cay cay, và mắt nhòa đi vì những giọt lệ hạnh phúc lại ùa về. Khi rảnh rỗi, hai chị em mang thúng ra đồng mót lúa, gốc rạ nhọn hoắt đâm vào chân tê buốt, để ngày nay, chị em tôi vững bước đôi chân, giữa dòng đời sóng gió.

Thương làm sao đôi tay cha một đời lao động thô ráp, cứ miệt mài hơ lửa xoa bụng cho tôi khi trở bệnh. Nhớ làm sao bát nước gừng cay nồng nửa khuya mẹ nấu cho tôi bớt cơn ho. Vào mùa mưa ngút ngàn, cánh đồng sau nhà nước trắng mênh mông. Không có việc chi để làm, mẹ lụi hụi trong bếp luộc nồi khoai nóng hổi, cha ngồi đan rổ và kể chuyện quê nội miền Bắc với bao thương nhớ; đến bây giờ nhớ lại, trong lòng tôi vẫn thổn thức bồi hồi, như ánh lửa miền quê, đang khơi lại nỗi nhớ nhung của tuổi ấu thơ, ngu ngơ, dại khờ.

Sau này, gia đình tôi lên Sài Gòn, trước khi đi học, tôi phải chèn xong bếp mùn cưa, bởi tôi có biệt tài chèn bếp mùn cưa chắc nịch và lâu tàn. Mỗi lần bếp bị sập, khói nghi ngút khiến mẹ tôi ho sặc sụa, nước mắt mẹ lăn trên đôi má đầy mồ hóng, tôi vội chạy đi múc ca nước để mẹ tắt bếp, và lòng thấy thương mẹ vô cùng!

Khá hơn một chút, gia đình chuyển sang đun củi. Nhưng vì nhà nghèo nên mẹ tôi thường đi nhặt củi về gác trên giàn cho mau khô. Một lần phụ cha chẻ củi, vì sơ ý, một miếng củi văng lên trán, máu tụ một cục to tướng, cha vội chạy vào bếp hơ nóng con dao, đè lên vết thương cho mau tan máu bầm.

Sau những ngày ký cóp, cha tôi cũng mua được một cái bếp dầu, thế nên mẹ tôi mới bớt cơ cực, và có thời gian vừa nấu cơm vừa thu dọn nhà cửa, không còn cảnh phải loay hoay cả buổi mới nấu xong bữa cơm. Sau này, chuyển sang bếp gas, mẹ tôi có thời giờ đi Lễ mỗi chiều, để cầu nguyện cho con cháu. Thời gian bếp củi lấm láp bụi tro đã qua đi, và rồi cha mẹ tôi đã mãi mãi về với Chúa, để lại trong tôi nỗi nhớ nhung sâu thẳm với bao yêu thương và những kỷ niệm không thể nào quên...

Đã qua rồi một thời bếp củi. Cuộc sống ngày càng phát triển và tuổi thơ cũng đi qua, rồi người ta cũng quên dần cái bếp củi tro lem luốc của một thời nghèo khó. Mùa Xuân lại về, tôi bỗng nhớ cái bếp củi của ngày còn bé, nơi ấp ủ từng hơi ấm của mẹ cha, nơi ủ kín tình yêu mẫu tử và tình thương phụ tử, đã thắp lên ngọn lửa nồng nàn, tạo niềm tin và hy vọng cho chị em tôi trưởng thành và khôn lớn.

Ước mong các bạn trẻ, đặc biệt các gia đình trẻ, hãy trân quý món quà vô giá Thiên Chúa đã trao ban cho ta. Đó là “các đấng sinh thành” và “mái ấm gia đình”, để lòng khỏi ân hận với chữ “giá như”, khi cha mẹ đã khuất bóng mà ta chưa kịp đáp đền.

Top