Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (2)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (2)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (bản dịch Việt ngữ chính thức của Dòng Tên VN) (2)

WGPSG - Đây là bài phỏng vấn quy mô và công phu nhất từ trước tới nay của báo La Civiltà Cattolica. La Civiltà Cattolica cộng tác với nhiều tờ báo khác của dòng Tên trên toàn thế giới như America, Thingking Faith… để thực hiện cuộc phỏng vấn. Ban biên tập của những tờ báo trên gửi các câu hỏi về cho linh mục Antonio Spadaro, S.J. -Tổng biên tập tờ La Civiltà Cattolica- để vị này đúc kết lại và thực hiện cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha. Cha Antonio đã được gặp Đức Phanxicô 3 lần tại Casa Santa Marta để tiến hành cuộc phỏng vấn.

WGPSG đang đăng dần dần từng phần của bài phỏng vấn rất có giá trị này. 

Tại sao Ngài đã trở thành một Giê-su hữu (một tu sĩ Dòng Tên)?

Tôi hiểu rằng đối với ĐTC Phanxicô, công thức nhận kết quả bầu chọn này cũng là thẻ căn cước rồi. Không cần thêm gì nữa. Tôi tiếp tục với câu hỏi mà tôi đã chọn làm câu thứ nhất: “Thưa Đức Thánh Cha, điều gì khiến ngài chọn gia nhập Dòng Tên? Điều gì của Dòng Tên đã đánh động Ngài?”

“Tôi muốn một điều gì đó hơn nữa, nhưng tôi không biết đó là điều gì. Tôi đã gia nhập chủng viện giáo phận. Tôi thích các tu sĩ Dòng Đa Minh và tôi có những người bạn thuộc Dòng này. Nhưng rồi tôi đã chọn Dòng Tên, một dòng tu mà tôi biết rõ, vì chủng viện này được giao phó cho các Giê-su hữu. Cụ thể, có ba điều đánh động tôi nơi Dòng Tên: tinh thần truyền giáo, cộng đoàn và tính kỷ luật. Điều này cũng lạ, vì tôi là một người vô kỷ luật bẩm sinh, bẩm sinh, bẩm sinh. Nhưng kỷ luật của họ, cái cách họ sắp xếp thời giờ, đã đánh động tôi rất nhiều.”

“Và một điều khác thực sự nền tảng đối với tôi: cộng đoàn. Tôi luôn tìm kiếm một cộng đoàn. Tôi không thấy mình là một linh mục có thể sống một mình: tôi cần một cộng đoàn. Và điều này hiểu được qua việc tôi đang ở tại đây, tại nhà Thánh Matta. Trong thời gian mật viện, các phòng được chỉ định bằng cách rút thăm, tôi đã ở tại phòng 2007. Phòng chúng ta đang ngồi đây vốn là một phòng khách. Tôi chọn sống ở đây, ở phòng 201, bởi vì khi tôi nhận quyền sở hữu phòng của giáo hoàng, trong lòng tôi vang lên rất rõ tiếng “không”. Phòng giáo hoàng nằm trong Tông Điện, không sang trọng gì. Nó khá cũ, tuy rộng và được trang trí đẹp, nhưng không sang trọng. Nhưng xét cho cùng, nó giống như chiếc phễu lộn ngược. Nó lớn và có nhiều không gian, nhưng lối vào lại rất hẹp. Người ta có vào cũng chỉ như nhỏ giọt, và tôi, tôi không thể sống thiếu người khác. Tôi cần sống cuộc sống của mình cùng với những người khác.”

Một Giê-su hữu trở thành một Giám mục Giáo Phận Roma điều đó có nghĩa gì?

Tôi muốn tiếp tục theo hướng này, và tôi đặt cho Đức Thánh Cha một câu hỏi khởi đi từ sự kiện ngài là Giê-su hữu đầu tiên được bầu làm Giám mục Giáo Phận Roma: “Đức Thánh Cha hiểu như thế nào về vai trò của việc phục vụ Hội Thánh hoàn vũ mà ngài được mời gọi để thực thi dưới ánh sáng của linh đạo I-nhã? Đâu là ý nghĩa cho một Giê-su hữu khi được bầu làm Giáo Hoàng? Yếu tố nào trong linh đạo I-nhã giúp ngài sống sứ vụ của mình?”

“Nhận định”, ngài đáp lại. “Nhận định là một trong những điều tác động bên trong con người thánh I-nhã. Đối với thánh nhân, nhận định là một công cụ chiến đấu để hiểu biết về Chúa và bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Tôi luôn bị đánh động bởi một châm ngôn vốn mô tả cách nhìn của thánh I-nhã: non coerceri a maximo, sed contineri a minimo divinum est [“không bị bó hẹp bởi cái lớn nhất, nhưng lại được chứa đựng trong cái nhỏ nhất, đó là thần linh”]. Tôi suy nghĩ nhiều về câu này trong mối liên hệ với vấn đề quản trị, làm bề trên: không bị bó hẹp trong những không gian rộng lớn, nhưng có thể ở lại trong những không gian chật hẹp. Nhân đức của cái lớn và cái nhỏ này chính là sự đại lượng, nó giúp chúng ta có thể luôn nhìn vào chân trời từ nơi chúng ta đang đứng. Điều này có nghĩa là có thể làm điều nhỏ hàng ngày với một trái tim lớn vốn luôn mở ra cho Thiên Chúa và cho người khác. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể tôn trọng những điều nhỏ trong viễn tượng rộng lớn, viễn tượng của Nước Thiên Chúa.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp : “Châm ngôn này cho ta các tham chiếu để đứng vào đúng vị trí mà nhận định, để nghe được những điều thuộc về Chúa từ chính ‘quan điểm’ của Người. Theo Thánh Inhã, các nguyên tắc lớn phải được hội nhập vào hoàn cảnh về không gian, thời gian và con người. Đức Gioan XXIII, theo cung cách riêng, đã chọn thái độ này đối với việc quản trị khi nhắc lại châm ngôn, ‘Thấy hết; phớt lờ nhiều; sửa sai chút ít’, vì dù thấy hết, chiều kích tối đa, nhưng chọn sửa chữa một ít điều, chiều kích tối thiểu. Người ta có thể có những dự án lớn và thực thi những dự án này nhờ tác động trên một vài điều nhỏ bé nhất. Hay bạn có thể sử dụng những phương tiện yếu đuối nhưng rốt cục lại hiệu quả hơn những phương tiện mạnh, như thánh Phao-lô đã nói trong Thư Thứ Nhất gửi Tín hữu Corintô.

Việc nhận định này đòi hỏi thời gian. Ví dụ, nhiều người nghĩ rằng những thay đổi và cải cách có thể diễn ra trong một sớm một chiều. Tôi tin rằng chúng ta luôn cần thời gian để đặt nền tảng cho một sự thay đổi đích thực và hiệu quả. Và đây là thời gian nhận định. Đôi khi nhận định khiến chúng ta phải làm ngay những điều chúng ta nghĩ phải làm sau đó. Và đó là điều cũng xảy ra với tôi trong những tháng gần đây. Việc nhận định luôn được thực hiện trước mặt Thiên Chúa, bằng cách nhìn vào các dấu chỉ, lắng nghe những điều đang diễn ra, cảm nghĩ của quần chúng, đặc biệt là người nghèo. Những chọn lựa của tôi, cả trong những gì liên quan đến cái thông thường trong đời sống, như việc sử dụng một chiếc xe đơn giản, đều gắn với việc nhận định thiêng liêng, vốn đáp ứng một đòi hỏi xuất phát từ các sự vật, con người và từ việc đọc ra các dấu chỉ thời đại. Việc nhận định trong Chúa hướng dẫn tôi trong cách cai quản.

Thế đó. Vả lại tôi không tin tưởng ở các quyết định bộc phát. Tôi luôn nghi ngờ về quyết định đầu tiên, nghĩa là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí nếu tôi phải ra quyết định. Điều này thường là sai lầm. Tôi phải chờ đợi và lượng giá trong lòng, phải có thời gian cần thiết. Sự khôn ngoan của việc nhận định giải thoát ta khỏi sự mập mờ tất yếu trong cuộc sống và giúp chúng ta tìm được phương tiện thích hợp nhất, vốn không phải luôn trùng hợp với những điều xem ra lớn lao và mạnh mẽ.”

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (9)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (8)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (7)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (6)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (5)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (4)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (3)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (1)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top