Phiên họp khoáng đại thứ II và III của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13

Phiên họp khoáng đại thứ II và III của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13

VATICAN. Sáng 9-10-2012, Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng đã nhóm phiên khoáng đại thứ 3 lúc 9 giờ trước sự hiện diện của ĐTC và dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY Robles, TGM giáo phận Guadalajara bên Mehicô.

Hiện diện tại phiên họp có 259 nghị phụ, trong số này có 142 vị tham dự lần đầu tiên tại một Thượng HĐGM.

Phiên họp mở đầu với kinh giờ Ba, và đã có 14 nghị phụ đăng ký phát biểu ý kiến, mỗi vị được nói tối đa 5 phút. Các vị đề cao giá trị của người di dân, nhất là đức tin mà họ mang theo khắp nơi trên thế giới, khiến họ trở thành những người rao giảng Tin Mừng thực sự. Vì thế, Giáo Hội cần nâng đỡ và bảo vệ người di dân chống lại những hình thức kỳ thị của xã hội, giúp họ hội nhập vào xã hội mới và bảo tồn căn tính của họ.

Cũng có những nghị phụ kêu gọi Giáo Hội cần xét mình về cách thức sống và làm chứng đức tin. Cần tránh nguy cơ bàn giấy hóa đời sống bí tích, làm mất uy tín của Giáo hội. Điều này có nghĩa là trước khi trở thành những người rao giảng Tin Mừng thì chúng ta phải được rao giảng Tin Mừng.

Một số nghị phụ nhắc đến bí tích giải tội hầu như bị biến mất tại một số miền trên thế giới, các vị gọi đây thực sự là bí tích của việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Các nghị phụ không quên kêu gọi hòa bình cho Siria và liên đới với các nạn nhân cuộc xung đọt tại nước này.

Chiều thứ hai vừa qua, 8-10, các nghị phụ đã nhóm phiên khoáng đại thứ 2 lúc 4 giờ rưỡi chiều và đã nghe 5 nghị phụ đại diện Giáo Hội tại 5 châu tường trình về tình hình tại châu lục liên hệ.

ĐHY Oswald Gracias, TGM Bombay, Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu, đã nói về tình hình đại lục này, chiếm tới 60% dân số hoàn cầu, trong đó Trung Quốc và Ấn độ chiếm 37% dân số thế giới. ĐHY cho biết hầu như không có sự đồng nhất trong bối cảnh Á châu, vì thế rất khó xác định Á châu tính là gì. Ngài nhấn mạnh đến sự hoàn cầu hóa và sự hao mòn các giá trị cổ truyền của Á châu. Trào lưu duy vật và tục hóa ngày càng lan tràn và chiếm ưu thế. Dân Á châu vốn quí chuộng tôn giáo, nhưng nay chúng ta thấy Thiên Chúa đang dần dần bị đưa ra khỏi trung tâm cuộc sống của dân chúng.

ĐHY Gracias nói: ”Các nhà thờ của chúng ta vẫn còn đông người nhưng liệu điều này có còn tiếp tục trong tương lai hay không?” Năm Đức Tin thực là một thách đố đòi chúng ta phải thông truyền sứ điệp đức tin một cách hấp dẫn, quan trọng và là một câu trả lời cho các vấn nạn thời nay”.

Gia đình Á châu vẫn còn quan trọng, nhưng nay đang bị tấn công. Ly dị trước kia bị coi là điều cầm kỵ, nhưng nay đang trở thành điều thông thường. Một số người lên tiếng yêu cầu hôn nhân đồng phái. Thật là một thách đố lớn đối với chúng ta phải tìm ra những phương thức mới để bảo tồn tính chất thánh thiêng của gia đình.

Đặc biệt ĐHY Peter Erdoe, TGM giáo phận Esztergom Budapest bên Hungari, Chủ tịch Liên HĐGM Âu Châu, đã trình bày một quang cảnh khá đen tối về tình hình tôn giáo tại đại lục này, nhưng cũng không thiếu những dấu hiệu hy vọng.

ĐHY Erdoe nhắc lại rằng trong số những dấu hiệu đang lo âu được Đức Gioan Phaolô 2 đã nói đến, có ”sự quên mất gia sản Kitô tại Âu Châu” (Giáo Hội tại Âu Châu, 7). Tiến trình đó càng trở nên hiển nhiên trong những năm gần đây. Mặc dầu có nhiều kinh nghiệm vui mừng, nhưng trong phần lớn đại lục, sự dốt nát về đức tin Kitô đang lan tràn. Nhiều cơ quan truyền thông trình bày về đức tin Kitô và lịch sử nhiều khi đầy những điều vu khống, xuyên tạc trước dư luận về nội dung đức tin của chúng ta cũng như về thực tại của Giáo Hội. Cả hoạt động huấn giáo của chúng ta, nhất là những lớp giáo lý tại các trường công lập cũng có rất nhiều giới hạn. Cách đây vài năm, Liên HĐGM Âu Châu đã thực hiện một cuộc điều tra tại các nước trên toàn đại lục về tình trạng pháp lý, thống kê, Giáo Hội và văn hóa liên quan đến việc giảng dạy môn tôn giáo. Kết quả cho thấy trong các trường công lập tại nhiều nước có thể được giảng dạy về một tôn giáo hoặc nhiều tôn giáo, nhưng không được dạy về đạo Công Giáo. Môn tôn giáo được dạy như thế gọi là ”trung lập”, đúng ra nó bao hàm một thứ giáo dục về tôn giáo trộn lẫn hoặc có thái độ dửng dưng.

Sự rời bỏ Kitô giáo ở Âu Châu có kèm theo những cuộc tấn công xảy ra nhiều lần về mặt pháp lý và đôi khi cả về thể lý nữa, chống lại sự hiện diện hữu hình của những biểu hiệu đức tin.

Nơi dân chúng tại Âu châu, vì tình trạng dân số suy giảm và già nua, có một hiện tượng đã được Liên HĐGM Âu Châu điều tra từ hai năm nay, vì khủng hoảng kinh tế và suy yếu căn tính văn hóa và tôn giáo, nên họ đang khao khát hy vọng.

Ngày Quốc tế giới trẻ tại Koeln bên Đức và Madrid Tây Ban Nha, cũng như các cuộc viếng thăm mục vụ của ĐTC tại nhiều nước, là một dấu chỉ lớn về hy vọng và đã có một hiệu năng truyền giáo đặc biệt. Sự tham gia đông đảo của dân chúng và các phương tiện truyền thông, các buổi cử hành trọng thể đã đánh động tâm hồn nhiều ngừơi, đặc biệt nhạy cảm đối với thứ ngôn ngữ truyền thôgn này. Những hiệu quả không phải là chóng qua. Trong những dịp ấy nhiều tham dự viên đã nhận được cả ơn gọi linh mục và tu trì. Cả một số GM cũng cảm động sâu xa vì những cuộc gặp gỡ ấy.

Các cuộc đại phúc truyền giáo ở nhiều trung tâm của Âu Châu đã tìm cách làm nổi bật niềm hy vọng ấy.

Một dấu chỉ khác của thời đại, đặc biệt có triển vọng tại Âu Châu, đó là sự gia tăng những ngừơi thiện nguyện trong các giáo xứ, nhất là trong các tổ chức bác ái. Đặc biệt những người về hưu, từ 65 đến 75 tuổi, tỏ ra rất quảng đại và góp phần củng cố tình liên đới của các thế hệ trẻ.

Sau phần trình bày của 5 nghị phụ, ĐHY Donald Wuerl, TGM Washington Hoa Kỳ, Tổng tường trình viên, tiếp tục trình bày về các vấn đề cần bàn trong công nghị GM này.

Sau cùng các nghị phụ có 1 giờ đồng hồ, từ 6 đến 7 giờ, để thảo luận tự do.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top