Phải phá hủy các nhà máy hạt nhân ngay lập tức
WHĐ (10.12.2011) – Như đã biết, trận động đất và cơn sóng thần tiếp theo xảy ra tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản hồi tháng Ba năm 2011 thực sự là một thảm họa cho quốc gia này. Ngay sau thiên tai, Đức giám mục Martin Tetsuo Hiraga, giám mục giáo phận Sendai, đã quyết định thành lập một Trung tâm khẩn cấp để phối hợp các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại nơi bị thiệt hại nặng nhất này. Tháng trước, từ ngày 11 đến 13, các giám mục Hàn quốc và Nhật Bản cũng đã gặp nhau tại Sendai để trao đổi về vấn đề môi trường của hai nước. Trong cuộc gặp gỡ này, các giám mục Nhật Bản đã đưa ra lập trường yêu cầu nhà nước Nhật đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân trong nước. Lập trường này được nêu rõ trong một sứ điệp gửi tất cả các cư dân tại Nhật Bản trước đó (ngày 8-11-2011) của Hội đồng giám mục Nhật Bản.
Mới đây Đức Tổng giám mục Leo Jun Ikenaga, S.J., Chủ tịch Hội đồng giám mục Nhật Bản, đã gửi sứ điệp này đến các thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Á châu qua Văn phòng Thư ký FABC để chia sẻ.
WHĐ xin giới thiệu với quý độc giả toàn văn sứ điệp:
Phải phá hủy các nhà máy hạt nhân ngay lập tức
Đối mặt với bi kịch của thảm họa nhà máy hạt nhân Daiichi Fukushima
Gửi tất cả các cư dân tại Nhật Bản,
Tai nạn ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi do trận động đất lớn ở Đông Nhật Bản gây ra đã làm ô nhiễm đại dương và đất liền vì bức xạ, và làm cho cuộc sống hằng ngày của biết bao người xáo trộn một cách thê thảm. Ngay cả bây giờ, gần một trăm ngàn người phải sơ tán khỏi các khu vực lân cận của các nhà máy điện hạt nhân, và rất nhiều người buộc phải sống trong sợ hãi và lo âu.
Về các ưu và nhược điểm của nhà máy điện hạt nhân, chúng tôi, các giám mục Nhật Bản, đã trình bày trong sứ điệp “Tôn trọng sự sống - Sứ điệp của các giám mục Nhật Bản cho thế kỷ XXI” như sau:
“Hạt nhân cung cấp một nguồn năng lượng hoàn toàn mới cho nhân loại, nhưng như chúng ta thấy, nó cũng có thể hủy diệt đời sống con người một cách nhanh chóng như ở Hiroshima và Nagasaki, thảm họa ở Chernobyl và tai nạn thảm khốc đe dọa sự sống ở Tokaimura, và cũng ngấm ngầm đem lại những vấn đề to lớn cho các thế hệ tương lai. Để sử dụng nguồn năng lượng này có hiệu quả, chúng ta cần khôn ngoan để biết những giới hạn của chúng ta và cẩn trọng tối đa. Để tránh thảm kịch, chúng ta phải phát triển các phương tiện an toàn khác để sản xuất năng lượng” [1].
“Thảm kịch” nói đến trong sứ điệp này không gì khác hơn là tai nạn ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi. Thảm họa hạt nhân này đã xóa tan “huyền thoại an toàn”, vốn được dựng nên bởi vì người ta quá tin tưởng vào khoa học và công nghệ mà không biết “khôn ngoan nhận ra giới hạn của chúng ta”.
Trong sứ điệp “Tôn trọng sự sống”, chúng tôi, các giám mục Nhật Bản không thể đi xa đến mức thúc đẩy việc phá hủy ngay lập tức các nhà máy hạt nhân. Tuy nhiên, sau khi đối mặt với thảm họa hạt nhân ở Fukushima, chúng tôi lấy làm tiếc và đã xem xét lại thái độ ấy. Và bây giờ, chúng tôi muốn kêu gọi phá hủy ngay lập tức tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản.
Về việc phá hủy ngay lập tức các nhà máy hạt nhân, một số người lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng. Ngoài ra còn có những thách đố khác chẳng hạn như giảm lượng dioxid carbon. Tuy nhiên, quan trọng nhất là, chúng tôi với tư cách thành viên của nhân loại, có trách nhiệm bảo vệ mọi cuộc sống và thiên nhiên như là tạo thành của Thiên Chúa, và chuyển giao cho các thế hệ tương lai một môi trường lành mạnh hơn và an toàn hơn. Để bảo vệ cuộc sống vốn rất quý giá và thiên nhiên xinh đẹp, chúng ta không được tập trung vào tăng trưởng kinh tế bằng cách ưu tiên cho lợi nhuận và hiệu quả, nhưng phải quyết định phá hủy các nhà máy hạt nhân ngay lập tức.
Bởi vì dự báo cho rằng một thảm họa mới sẽ xảy ra do một trận động đất hoặc sóng thần khác, tất cả 54 nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản có nguy cơ gặp tai nạn khủng khiếp như tai nạn mới đây. Vì vậy, để ngăn ngừa hết sức có thể các tai họa do con người tạo ra cùng với các thiên tai, nhất thiết phải phá hủy các nhà máy hạt nhân.
Mặc dù cho đến nay các nhà máy điện hạt nhân đang cung cấp năng lượng cho xã hội trong bối cảnh của việc “sử dụng vì mục đích hòa bình”, chúng cũng đã thải ra một số lượng lớn chất thải phóng xạ, chẳng hạn như plutonium. Chúng ta sẽ đặt cái trách nhiệm giám sát những chất thải nguy hiểm này lên đầu các thế hệ tương lai trong nhiều thế kỷ tới. Chúng ta phải xem đây là một vấn đề đạo đức.
Cho đến nay điện hạt nhân vẫn được các chính sách nhà nước khuyến khích. Kết quả là năng lượng tự nhiên đã giảm sút và không còn phổ biến. Chúng tôi kêu gọi thay đổi các chính sách nhà nước để đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển và sử dụng năng lượng tự nhiên, điều này sẽ góp phần giảm lượng khí dioxid carbon. Mặt khác, phải mất một thời gian dài và lao động cật lực để ngưng hoạt động một nhà máy hạt nhân. Do đó, việc ngưng hoạt động các lò phản ứng và xử lý chất thải phóng xạ phải được tiến hành hết sức thận trọng.
Thật vậy, điện rất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải cải thiện lối sống chung bằng cách thay đổi lối sống quá phụ thuộc vào điện.
Nhật Bản có nền văn hóa, sự minh triết và truyền thống đã cùng tồn tại với thiên nhiên từ lâu. Các tôn giáo như Thần đạo và Phật giáo cũng dựa trên cùng một tinh thần ấy. Kitô giáo cũng có tinh thần nghèo khó. Do đó, các Kitô hữu có nghĩa vụ phải làm chứng xác thực cho Tin Mừng, đặc biệt là qua những cách sống mà Thiên Chúa mong muốn: “sống đơn sơ, tinh thần cầu nguyện, bác ái với hết mọi người, nhất là đối với những người thấp kém và nghèo khổ, vâng phục và khiêm tốn, siêu thoát và hy sinh” [2]. Một lần nữa chúng ta cần chọn lối sống đơn sơ và giản dị dựa trên tinh thần Phúc Âm [3], trong những trường hợp như tiết kiệm điện. Chúng ta hy vọng rằng khoa học và công nghệ sẽ phát triển và tiến bộ dựa trên cùng một tinh thần ấy. Những thái độ này chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc sống an toàn hơn và an ninh hơn mà không có nhà máy hạt nhân.
Sendai, ngày 8 tháng 11 năm 2011
Hội đồng Giám mục Nhật Bản
–––––––––––––––––––––
Ghi chú:
[1] Tôn trọng sự sống – Sứ điệp của các giám mục Nhật Bản cho thế kỷ XXI (Hội đồng Giám mục Nhật Bản, năm 2001, tr.104-p.105). Một sứ điệp khác về các nhà máy điện hạt nhân được Giáo Hội Công Giáo tại Nhật Bản công bố là “Kiến nghị về tai nạn ở Uranium Conversion Facility, JCO Co Ltd” (1999).
[2] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 76 (1975)
[3] X. Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 486 d. New lifestyles (2004)
(Chuyển ngữ: Huy Hoàng)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô