Mẹ tôi ra đi thời Covid
TGPSG -- Sự ra đi của mẹ tôi và dịch Covid đúng là đã gắn kết chúng tôi bền chặt hơn trong tình yêu Thiên Chúa. Suốt 100 ngày, chúng tôi tề tựu đọc kinh cầu nguyện cho mẹ...
Mẹ tôi ra đi
Cuối tháng 4-2021, đợt dịch covid- 9 bùng phát lần thứ tư, càn quét thành phố Sài Gòn tơi tả. Mẹ tôi mất trong đợt dịch này, vào ngày 6-7-2021. Nhưng mẹ không mất vì dịch, mà do lớn tuổi và có bệnh nền.
Một ngày trước lúc mẹ mất, sau khi tắm cho mẹ, tôi dìu mẹ lên, cho mẹ mặc đồ và quan sát thấy mặt mẹ rất mệt. Tôi hỏi mẹ thấy trong người thế nào, mẹ trả lời mẹ thấy người cứ lâng lâng, tự nhiên tôi có cảm giác bất an. Tối đó, cậu em vẫn cho mẹ ăn và uống thuốc bình thường. Ngày hôm sau, mẹ ngủ rồi đi luôn. Khi cháu ngoại thấy bà ngủ mãi chưa thức, bèn gọi bà, thì mới biết bà đã ‘đi mất’ rồi.
Mẹ tôi ra đi không một lời từ biệt, không gặp mặt bất cứ người con nào, lặng lẽ và âm thầm từ giã cuộc đời sau cuộc hành trình 90 năm của người lữ khách. Và cuộc đời khá dài ấy của mẹ luôn là tấm gương sáng cho chị em chúng tôi. Không khôn ngoan, lanh lợi, mẹ chỉ hiền lành chịu khó, sốt sắng giữ đạo và một lòng cậy trông nơi Chúa.
Thời thơ ấu
Ba tôi mất sớm, mẹ nuôi 8 chị em chúng tôi, cho chúng tôi ăn học, dạy dỗ chúng tôi bằng những lời nói đơn sơ, một đời sống đức tin vững mạnh.
Trước năm 1975, kinh tế gia đình tôi ổn định do mẹ tôi đi làm tạp vụ cho một bệnh viện của quân đội Mỹ. Cứ ba tháng, gia đình tôi lại được lãnh trợ cấp vì ba tôi là tử sĩ của quân đội Cộng Hòa.
Sau 1975, tất cả thu nhập ấy của gia đình không còn nữa. Mẹ tôi theo gia đình chị lớn xuống Long Khánh làm ruộng. Chúng tôi ở lại nhà với bà ngoại.
Có lần tôi xuống theo mẹ đi ruộng. Hai mẹ con đi bộ xa thật xa mới tới ruộng, làm cả ngày vất vả. Chiều về, mưa tầm tã, không có áo mưa. Mẹ biết tôi mệt nên vừa đi, vừa động viên tôi: “Gần tới nhà rồi, chỉ đi hết con dốc này là tới thôi, cố lên!” Mẹ bảo tôi: “Vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi, sẽ thấy đường đi nhanh hơn.”
Do mẹ tôi không làm ruộng quen nên mặc dù rất cố gắng mà kết quả chẳng được gì. Gia đình tôi vẫn chỉ trông chờ vào từng ký gạo, khoai lang, bo bo... nhà nước bán theo sổ trong thời bao cấp. Thương mẹ quá, mẹ ơi!
Nhìn lại xa hơn nữa khi ba mẹ tôi theo đoàn người di cư vào miền Nam năm 1954, gia đình tôi được sắp xếp ở khu vực Xóm Mới - Gò Vấp, nơi đây chị em chúng tôi đã được sinh ra và trưởng thành.
Từ thưở còn rất nhỏ - tôi còn nhớ - cứ mỗi buổi sáng, lúc 4g khi tiếng chuông nhà thờ Lạng Sơn vừa vang lên, mẹ đánh thức chúng tôi dậy đi dự lễ Misa cùng bà ngoại (mẹ không đi vì phải chăm em bé). Mặc dù còn buồn ngủ, nhưng đã thành thói quen, nên tôi dậy ngay chuẩn bị cùng bà ngoại đi lễ. Có hôm mẹ đánh thức dậy đi lễ quá sớm, tôi cùng bà ngoại và các anh chị tới nơi, thì nhà thờ vẫn chưa mở cửa, Bà ngoại bảo mấy anh chị em tôi ngồi đợi. Chúng tôi ngồi xuống, ngủ gà ngủ gật. Ngoại tội nghiệp tôi còn nhỏ nên ôm tôi vào lòng cho ngủ, đợi cho tới giờ lễ.
Buổi tối, sau khi đã hoàn thành công việc trong ngày, trước khi đi ngủ, dù đã vất vả cả ngày, gia đình tôi vẫn tụ tập trước bàn thờ đọc kinh Mân Côi. Vì thế, dù chưa đi học, tôi đã thuộc rất nhiều kinh hôm, kinh mai…
Lớn hơn một chút, chúng tôi được tham gia sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể và nhiều sinh họat khác của giáo xứ... Thế đấy, chúng tôi được nuôi dưỡng và dạy dỗ theo cách giữ đạo của các ông bà xưa, chỉ là truyền khẩu, vì bà ngoại và mẹ tôi không hề biết chữ, nhưng cách sống đạo và truyền đạo đó ít nhiều đã giúp chúng tôi biết sống tử tế, biết ăn năn hối lỗi và quyết tâm chừa bỏ lối sống chưa tốt.
Thời tất bật
Khi trưởng thành lập gia đình, chúng tôi cũng muốn nuôi dạy con cái theo cách mà ông bà cha mẹ đã truyền dạy, nhưng không thể, vì thời buổi đã thay đổi rồi. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cách sống đạo của bà và mẹ không còn phù hợp với con cháu ngày nay nữa.
Chúng tôi đi làm, bận rộn từ sáng đến chiều. Con cái chúng tôi cũng bận rộn như thế, sáng sớm thức dậy vội vã ôn bài, ăn sáng và đến trường. Chiều tan học, chúng ghé vô trung tâm học ngoại ngữ hoặc luyện thi. Về đến nhà là đã 21 hay 22 giờ rồi, có khi chưa kịp tắm rửa, ăn uống đã lăn ra ngủ vì quá mệt. May mắn là chúng còn có ngày Chúa nhật để đi lễ và học giáo lý. Đó là những đứa học cấp 2 và cấp 3.
Còn với những đứa cháu cấp 1 cũng không khá gì hơn. Mỗi sáng lúc 6g30, cha mẹ đưa chúng tới trường; 16g30 đưa chúng từ trường đến nhà cô chủ nhiệm, mua cho ổ bánh mì, chai nước, để chúng học thêm tới 19g đón về. Về đến nhà, ăn uống tắm rửa, lại ôn bài chuẩn bị cho ngày mai. Và cứ thế lên giường, đâu còn thời gian để cùng nhau đọc kinh tối trong gia đình, đọc kinh mai khi sáng thức dậy…
Thời đại dịch
Và bây giờ thì chúng tôi, và cả con cháu nữa, đang bị lôi cuốn vào những tất bật đó, bỗng dưng khựng lại trong đại dịch Covid với toàn thể nhân loại. Mọi hoạt động đột nhiên ngưng đọng, trong mấy tháng trời không còn tất bật đến trường hay đến nơi làm việc. Và thời buổi lạ lùng này được đặc biệt ghi dấu với sự ra đi của mẹ tôi.
Mẹ tôi mất vào thời điểm Sài Gòn đang căng mình vì dịch Covid-19, mọi sinh hoạt của người dân Sài Gòn bị đảo lộn, giới nghiêm từ 18g đến 6g sáng, người dân không được ra khỏi nhà, nếu không có lý do chính đáng... Vì thế, thi hài của mẹ cũng không được đem tới nhà thờ để được mọi người cầu nguyện trong một thánh lễ an táng, nhưng cũng còn may mắn là có cha xứ đến nhà dâng thánh lễ cuối cùng cho mẹ. Chỉ có vài người thân quen đến chia buồn, vì dịch đang lây lan rất nhanh và nguy hiểm.
Tất cả là hồng ân
Thế đấy, mẹ ra đi âm thầm và lặng lẽ như cuộc đời của mẹ. Nhưng, với tôi, tôi nghĩ rằng "tất cả đều là hồng ân của Chúa". Sau đám tang của mẹ, đại gia đình chúng tôi tập trung tại nhà mẹ. Do cơn dịch, gia đình cô em không thể trở về quê, chúng tôi tề tựu bên nhau. Buổi sáng cùng nhau tham dự thánh lễ online, rồi cùng nhau sinh hoạt ăn uống. Buổi trưa 15g cùng nhau đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót. Bổi tối 19g30 lại tụ tập dưới bàn thờ Chúa lần chuỗi Mân Côi.
Hồng ân là như thế, suốt 100 ngày, chúng tôi tề tựu đọc kinh cầu nguyện cho mẹ, giúp mẹ sớm về hưởng nhan thánh Chúa, tình thân trong gia đình cũng nhờ vậy mà được tăng thêm. Sự ra đi của mẹ và dịch Covid đúng là đã gắn kết chúng tôi bền chặt hơn trong tình yêu Thiên Chúa, giúp chúng tôi có thời gian cùng nhau cầu nguyện, như cách sống đạo của mẹ thời xưa. Thật là không ai có thể ngờ trước được điều này!
Vì thế, xin tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh...
Maria Tuyết Nhung (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
bài liên quan mới nhất
- Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán
-
Tôi đi học truyền thông tổng quan -
Phóng sự: Hiệp hành trong Gia đình -
Tên giáo xứ Nhân Hoà -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng -
Phóng sự “Lối mở của Tình yêu” -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây” -
Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’ -
Vòng tay ôm ấp -
Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa
bài liên quan đọc nhiều
- Bữa cơm gia đình
-
Đây có thể là một trong những diễn văn công giáo tuyệt vời nhất của thế kỷ 21 -
Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán -
Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng -
Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? -
Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly -
Chiến thắng Covid: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con' -
Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục -
Những chiến sĩ thầm lặng -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng