Kitô hữu và người Hồi giáo cố làm dịu tình hình căng thẳng tôn giáo tại Trung Phi

Kitô hữu và người Hồi giáo cố làm dịu tình hình căng thẳng tôn giáo tại Trung Phi

– Các đại diện có mặt đông đủ: các imam của Hồi giáo, mục sư của Tin Lành và linh mục của Công giáo, trong y phục của tôn giáo mình, ngồi bên cạnh nhau. Tụ họp tại Bangui để tìm cách giải quyết các xung khắc, các cấp cao nhất của các tôn giáo tại đây đã đồng thanh cầu nguyện. Sứ điệp hoà bình của họ đã được truyền đi trên các làn sóng. Imam Oumar Kobine Layama vốn lo sợ về những vụ lộn xộn giữa các tín đồ, đã nhấn mạnh: “Tấn công các Kitô hữu, do bản chất, có thể gây nên xáo trộn”.

Căng thẳng giữa các tôn giáo đã trở nên trầm trọng hơn tại Trung Phi từ khi Seleka, tổ chức nổi dậy gồm chủ yếu người theo Hồi giáo xuất thân từ các vùng nông thôn miền Đông Bắc, nắm chính quyền. Các Kitô hữu và hàng giáo phẩm của Giáo hội lên tiếng trách cứ về tình trạng các giáo xứ bị cướp bóc, nơi thờ tự bị làm uế tạp, các vụ xả súng trong Nhà thờ chính toà ở Bangui…

Những người này cũng khẳng định mà không sợ nói quá là người Hồi giáo đã không bị các vụ cướp bóc này đụng tới. Trong những giờ phút nhiễu nhương này, mọi người cứ trừng mắt nhìn nhau.

Mối lo sợ về một âm mưu của phe Hồi giáo

Trung Phi, trong quá khứ, đã từng phải trải qua các vụ đụng độ giữa các tôn giáo. Cả chục đền thờ Hồi giáo đã bị đốt vào năm 2010 tại Bangui để trả đũa sau khi người ta tìm thấy một đứa trẻ nằm chết trong chiếc xe của một người Hồi giáo.

Một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS / Pháp), Roland Marchal, nhắc lại: “Tại Trung Phi, nhiều Giáo hội Tỉnh thức đã phát triển ngay từ các năm 1980 với chủ trương chống Hồi giáo”. Tổng thống François Bozizé, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu thoát chế độ của ông vào cuối năm 2012, cũng đã khơi thêm xung khắc khi nêu cao mối đe dọa của hiểm họa Hồi giáo.

Sau cuộc đảo chính và những lạm dụng tiếp theo sau, nỗi sợ hãi về một mưu đồ của phe Hồi giáo được chuẩn bị từ bên ngoài, đã lan rộng. Sự có mặt của những tên đánh thuê người Soudan và Tchad trong tổ chức Seleka càng làm cho nỗi sợ thêm sâu đậm.

Tổng thống khẳng định về tính cách phi tôn giáo của Trung Phi

Đức Tổng giám mục Dieudonné Nzapalainga vốn tự nhận là người bảo vệ tính phi tôn giáo [của Nhà nước], đã không giữ được bình tĩnh: “Tại sao quân nổi dậy lại đốt tất cả giấy khai sinh khi cướp phá Bangui? Họ cư xử như quân xâm lược. Tại sao họ lại dành cả một ngày cầu nguyện để kỷ niệm ngày Tiên tri [Mohammed] qua đời? Không có lửa sao lại có khói?”

Một văn kiện được nói là của Tổng thống Michel Djotodia làm cho người ta thêm nghi ngờ. Trong văn kiện gửi tới Tổ chức hợp tác Hồi giáo năm 2012 này, cựu thành viên của tổ chức nổi dậy có thể đã khẳng định ý muốn thiết lập Luật Hồi giáo (sharia) của mình. Tuy nhiên, dù ông có phủ nhận, thì tai họa cũng đã xảy ra.

“Mẹ tôi là người Kitô hữu, cha tôi là người Hồi giáo, Tổng thống Djotodia nhấn mạnh với tờ báo La Croix. Bản thân tôi cũng đã ở Tiểu chủng viện. Tôi không phải là người theo phe Hồi giáo. Trung Phi mang tính cách thế tục và sẽ vẫn như vậy”.

 

(Theo La Croix, 24-06-2013)

 (Nguồn: http://hdgmvietnam.org)

 

 

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top