Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tham dự viên Hội nghị quốc tế về Thánh nhạc
Roma, thứ Bảy 04-03-2017
WHĐ (09.03.2017) – Hôm thứ Bảy 04-03-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 400 tham dự viên của Hội nghị quốc tế về Thánh nhạc tổ chức tại Roma với chủ đề “Âm nhạc và Giáo hội: Việc thờ phượng và Văn hoá năm mươi năm sau Huấn thị Musicam Sacram”.
Sau đây là toàn văn bài huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến:
Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng được gặp tất cả anh chị em từ nhiều quốc gia đang quy tụ tại Roma để tham dự Hội nghị “Âm nhạc và Giáo hội: Việc thờ phượng và Văn hoá năm mươi năm sau Huấn thị Musicam Sacram” do Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa và Bộ Giáo dục Công giáo phối hợp với Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc và Học viện Giáo hoàng về Phụng vụ thuộc trường Thánh Anselmô tổ chức.
Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, trước hết là Đức hồng y Gianfranco Ravasi; cám ơn Đức hồng y đã có lời giới thiệu. Tôi mong rằng kinh nghiệm gặp gỡ và đối thoại trong những ngày này, khi cùng nhau suy tư về thánh nhạc và, đặc biệt, trong các khía cạnh văn hoá và nghệ thuật của nó sẽ đem lại hoa trái cho các cộng đồng trong Giáo hội.
Nửa thế kỷ sau Huấn thị Musicam Sacram, Hội nghị này muốn đào sâu –trong nhãn giới liên ngành và đại kết– mối tương quan hiện nay giữa thánh nhạc với văn hóa đương đại, giữa âm nhạc được cộng đồng Kitô giáo chấp nhận và sử dụng với các xu hướng âm nhạc đang thịnh hành. Một điều quan trọng nữa là suy tư về việc đào tạo về mỹ học và âm nhạc cho các giáo sĩ cũng như tu sĩ và giáo dân dấn thân trong đời sống mục vụ, và trực tiếp hơn, trong các schola cantorum (Trường dạy thánh nhạc).
Văn kiện đầu tiên được Công đồng Vatican II ban hành chính là Hiến chế về Phụng vụ, Sacrosanctum Concilium. Các nghị phụ đã nhận thức rõ người tín hữu gặp khó khăn khi tham dự phụng vụ với một ngôn ngữ, lời nói và dấu chỉ mà họ không hiểu được trọn vẹn. Để cụ thể hóa những nét chính mà Hiến chế đã vạch ra, đã có những Huấn thị được ban hành, trong đó có Huấn thị về thánh nhạc. Từ đó, mặc dù không có văn kiện mới nào được Huấn quyền đưa ra về đề tài này, nhưng đã có nhiều phát biểu khác của các giáo hoàng để định hướng cho những suy tư và hoạt động mục vụ.
Phần Dẫn nhập của Huấn thị nói trên vẫn còn rất hợp thời: “Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quý hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, mỗi khi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự. Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; mầu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính phẩm trật và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình. Cuối cùng, toàn bộ việc cử hành biểu lộ trước nền phụng vụ thiên quốc đang được hoàn tất trong thành Giêrusalem mới, một cách rõ ràng hơn” (số 5).
Tuân theo những chỉ dẫn của Công đồng, Huấn thị đã nhiều lần nêu bật tầm quan trọng của sự tham gia của cộng đoàn tín hữu, được mô tả là “tích cực, ý thức và sống động” và cũng nhấn mạnh rất rõ rằng “tính chất quan trọng đích thực của một buổi cử hành phụng vụ ít tùy thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ hoặc phô diễn các lễ nghi cho đẹp mắt, hơn là dựa vào phong cách cử hành sao cho xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức” (s. 11). Do đó, trước hết đó là sự tham dự tích cực vào mầu nhiệm Thiên Chúa, vào cuộc “thần hiển” diễn ra trong mỗi Thánh lễ, trong đó Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài, dân được kêu gọi tham dự thực sự vào ơn cứu rỗi do cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Vì thế, sự tham dự cách ý thức và tích cực hệ tại việc đi sâu vào mầu nhiệm này, để chiêm ngắm, thờ phượng và đón nhận mầu nhiệm ấy, nhận ra ý nghĩa của mầu nhiệm, nhờ sự thinh lặng thánh và “tính âm nhạc của ngôn ngữ mà Chúa nói với chúng ta” (Bài giảng tại Nhà nguyện Santa Marta, 12-12-2013). Chính trong viễn tượng này đã diễn ra Hội nghị suy tư về canh tân thánh nhạc và sự đóng góp quý báu của thánh nhạc.
Về vấn đề này, đã nảy sinh một sứ mệnh kép mà Giáo hội được kêu gọi thực thi, đặc biệt là qua tất cả những ai, với nhiều chức vị khác nhau, làm việc trong lĩnh vực này. Một mặt, đó là bảo vệ và phát huy di sản phong phú và đa dạng thừa hưởng từ quá khứ, sử dụng nó với sự quân bình trong hiện tại và tránh nguy cơ về một quan điểm hoài niệm hay “khảo cổ”.
Mặt khác, cần phải làm sao cho thánh nhạc và thánh ca phụng vụ “hội nhập văn hoá” hoàn toàn vào các ngôn ngữ nghệ thuật và âm nhạc hiện nay; nghĩa là phải có khả năng nhập thể và diễn dịch Lời Chúa thành lời ca tiếng hát, thành giai điệu làm rung động trái tim của những con người thời đại chúng ta, và còn tạo ra cả một bầu khí tâm tình thúc đẩy đức tin và khơi gợi người ta đón nhận và tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm được cử hành.
Chắc chắn, sự giao thoa với tính hiện đại và việc đưa các ngôn ngữ bản xứ vào Phụng vụ đã tạo ra khá nhiều vấn đề về ngôn ngữ, hình thức và thể loại âm nhạc. Đôi khi, một sự tầm thường, hời hợt và xoàng xĩnh nào đó đã lấn lướt, làm thiệt hại đến vẻ đẹp và sự cao cả của các cử hành phụng vụ. Vì thế, các nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực này –nhạc công, nhạc sĩ, ca trưởng và ca viên của các schola cantorum, các linh hoạt viên phụng vụ– có thể có những đóng góp quý báu, đặc biệt là về phẩm chất, cho việc canh tân thánh nhạc và thánh ca phụng vụ. Để thúc đẩy tiến trình này, cần phải có một nền giáo dục âm nhạc đúng đắn, nhất là cho những người chuẩn bị làm linh mục – trong sự đối thoại với các trào lưu âm nhạc của thời đại chúng ta cũng như với những đòi hỏi của các vùng văn hoá khác nhau, và với tinh thần đại kết.
Anh chị em thân mến, xin cảm ơn anh chị em một lần nữa vì sự dấn thân của anh chị em trong lĩnh vực thánh nhạc. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với anh chị em, Mẹ là Đấng đã hát lên sự thánh thiện đầy xót thương của Thiên Chúa trong bài Magnificat. Tôi xin anh chị em đừng sao lãng mục tiêu quan trọng này: giúp cho cộng đoàn phụng vụ và dân Chúa nhận thức và tham dự mầu nhiệm Thiên Chúa, với mọi giác quan, thân xác cũng như tinh thần. Nhiệm vụ của thánh nhạc và thánh ca phụng vụ là giúp chúng ta cảm nghiệm vinh quang của Thiên Chúa, vẻ đẹp và sự thánh thiện của Ngài bao phủ chúng ta như một “đám mây sáng ngời”.
Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, và tôi ưu ái ban Phép lành Toà Thánh cho anh chị em.
Minh Đức chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô
-
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô