Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các tham dự viên Đại hội toàn thể Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các tham dự viên Đại hội toàn thể Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn

Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn
 
Hội trường Clementine
 
Thứ Năm,  28-11-2013
 
WHĐ (30.11.2013) – Từ ngày 25 đến 28-11-2013, Đại hội toàn thể Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn đã diễn ra tại Vatican với chủ đề “Thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau trong xã hội dân sự”. Trong dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho 50 tham dự viên Đại hội một buổi tiếp kiến vào sáng 28-11-2013 tại Hội trường Clementine.
 
Sau đây là nội dung huấn từ của Đức Thánh Cha.
 
***
 
Thưa quý Hồng y,
 
Quý anh em thân mến trong hàng giám mục,
 
Anh chị em thân mến,
 
Trước hết tôi xin lỗi vì đến trễ. Buổi tiếp kiến đã bị hoãn. Cảm ơn anh chị em đã kiên nhẫn chờ đợi. Tôi rất vui được gặp anh chị em trong bối cảnh của Đại hội toàn thể của anh chị em: xin thân ái chào từng người và cảm ơn Đức hồng y Jean-Louis Tauran đã thay mặt anh chị em ngỏ lời với tôi.
 
Giáo hội Công giáo ý thức giá trị của việc thăng tiến tình hữu nghị và sự tôn trọng giữa mọi người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau. Càng ngày chúng ta càng hiểu rõ tầm quan trọng của điều này, vì thế giới, theo một nghĩa nào đó, trở thành “nhỏ bé hơn”, và vì hiện tượng di dân làm gia tăng mối liên lạc giữa các cá nhân và cộng đồng thuộc các truyền thống, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Thực tế này thách đố lương tâm Kitô giáo của chúng ta, và là thách đố cho đức tin, cho đời sống cụ thể của các Giáo hội địa phương, các giáo xứ, và các tín hữu. Vì thế nó liên quan đặc biệt đến chủ đề của Đại hội của anh chị em là “Thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau trong xã hội dân sự”.
 
Như tôi đã nói trong Tông huấn Evangelii Gaudium, một thái độ cởi mở trong chân lý và tình yêu phải là nét đặc trưng trong cuộc đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, dù có nhiều trở ngại và khó khăn, đặc biệt là những hình thái cực đoan chủ nghĩa của cả hai bên” (số 250). Trong thực tế, trên thế giới có những tình huống mà việc chung sống là khó khăn: thường là do những lý do chính trị hay kinh tế cùng với những khác biệt về văn hóa và tôn giáo, cũng như những hiểu lầm và những sai lạc trong quá khứ: mọi sự có thể gây ra nghi ngờ và sợ hãi. Chỉ có một cách vượt qua nỗi sợ này, đó là đối thoại, gặp gỡ với tình bằng hữu và sự tôn trọng. Đi theo con đường này là đi theo con đường của nhân loại.
 
Đối thoại không có nghĩa là từ bỏ căn tính của mình khi đến với người khác, và cũng không phải là chấp nhận thỏa hiệp về đức tin và luân lý Kitô giáo. Trái lại, sự cởi mở đúng nghĩa bao hàm việc kiên định trong những xác tín sâu xa nhất của mình, rõ ràng và tươi vui trong căn tính của mình” (số 251); và vì vậy tin rằng việc gặp gỡ người khác có thể đem lại cơ hội để lớn lên trong tình huynh đệ, để phong phú hoá và để làm chứng.
 
Vì thế đối thoại liên tôn và loan báo Tin Mừng không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Chúng ta không áp đặt bất cứ điều gì, chúng ta không sử dụng những chiến lược mánh khoé để lôi kéo tín hữu, nhưng chúng ta loan báo Tin Mừng với ​​niềm vui và lòng đơn sơ về những gì chúng ta tin tưởng và những gì chúng ta cảm nghiệm. Thật vậy, một cuộc gặp gỡ mà trong đó mỗi người bỏ qua một bên điều mình tin, giả vờ từ bỏ những gì là quý giá nhất với mình, chắc chắn không phải là cuộc gặp gỡ đích thực. Người ta gọi đó là tình huynh đệ giả tạo. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải nỗ lực vượt qua nỗi sợ, luôn sẵn sàng đi bước trước, không nản chí trước những khó khăn và hiểu lầm.
 
Cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau cũng giúp vượt qua một nỗi sợ hãi khác, mà thật không may, chúng ta thấy đang gia tăng trong những xã hội bị tục hóa nặng nề nhất: đó là sợ các truyền thống tôn giáo khác nhau và sợ chính tôn giáo. Tôn giáo bị coi như điều gì đó vô dụng hoặc thậm chí nguy hiểm, có khi các Kitô hữu bị buộc phải từ bỏ các xác tín về tôn giáo và đạo đức của mình ở nơi làm việc (x. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Diễn văn với Ngoại giao đoàn, 10-01-2011). Nhiều người tin rằng chỉ có thể chung sống nếu che giấu căn tính tôn giáo của mình, gặp nhau ở nơi trung lập, không liên quan gì đến siêu việt. Nhưng làm sao có thể xây dựng các mối quan hệ thực sự, kiến tạo một xã hội là ngôi nhà chung đích thực, nếu đòi hỏi các thành viên phải gạt sang một bên những gì thiết thân với mình? Không thể nghĩ ra một tình huynh đệ “trong phòng thí nghiệm”. Chắc chắn, tất cả những điều này phải diễn ra trong sự tôn trọng niềm tin của người khác, kể cả những người không tin, nhưng chúng ta phải có can đảm và sự kiên nhẫn để gặp gỡ và đến với nhau như chúng ta vốn là.
 
Tương lai nằm trong sự cùng tồn tại trong đa dạng và tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải trong sự đồng nhất một tư tưởng trung lập có tính lý thuyết. Vì thế, việc công nhận quyền tự do tôn giáo là quyền căn bản, trong mọi chiều kích của quyền này, là điều thiết yếu. Về vấn đề này, trong những thập kỷ gần đây đã có những nỗ lực rất lớn để trình bày Huấn quyền của Giáo hội. Chúng ta tin rằng đây là con đường để xây dựng hòa bình trên thế giới.
 
Tôi cảm ơn Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn vì những phục vụ quý báu của Hội đồng, và tôi xin Chúa ban dồi dào ân phúc xuống trên từng người anh chị em. Xin cảm ơn!
 
(Minh Đức chuyển ngữ)
 
(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top