Học viện Liên dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình: Mừng bổn mạng

Học viện Liên dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình: Mừng bổn mạng

WGPSG -- Lúc 7g30 sáng thứ Bảy ngày 05/10/2011, tại Hội trường GB Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM, Học viện Liên dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình đã long trọng mừng lễ thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, bổn mạng Học viện, nhằm nhắc nhở học viên Liên Học viện biết noi gương vị thánh bổn mạng, chăm chỉ học tập, trao đổi tinh thần đạo đức, hăng say loan truyền Lời Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Đến tham dự có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Phụ tá TGP TP.HCM, cha Giuse Trần Hòa Hưng - Giám tỉnh Dòng Don Bosco, kiêm Chủ tịch Liên Tu sĩ Giáo phận TP.HCM, kiêm Chủ tịch Bề trên Thượng Cấp Liên Tu sĩ, cha Phó Giám đốc Học viện Giuse Phạm Quốc Văn, OP và hơn 500 học viên đến từ các dòng nam, nữ trong và ngoài TGP TP.HCM.

Chương trình gồm 3 phần: Thuyết trình - Thánh lễ trọng thể - Liên hoan văn nghệ

Phần 1: Đức cha Phụ tá thuyết trình

Mở đầu, ngài đặt vấn đề học thần học cũng giống như học ngoại ngữ, đó là chúng ta học ngôn ngữ của Chúa. Để học ngoại ngữ tốt, chúng ta cần phài rèn luyện 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết, trong đó kỹ năng đọc rất quan trọng nhưng ít ai quan tâm. Cũng vậy, để học ngôn ngữ của Chúa, các học viên cần luyện tập kỹ năng đọc, nghe và nói Lời Chúa.

- Kỹ năng đọc: Thần học khởi đi từ Thánh kinh và Thánh truyền, vì thế chúng ta phải siêng năng đọc Kinh thánh, đọc Lời Chúa và thật nhiều sách vở, để Lời Chúa thấm nhuần vào tâm hồn mỗi người. Kinh thánh phải là linh hồn của các sinh viên thần học, tu đức, mục vụ...

- Kỹ năng nghe: Tinh thần học tập của chúng ta hiện nay chủ yếu là nghiên cứu, nhưng quên đi việc lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Học và vận dụng kiến thức của kho tàng tri thức đã có, nhưng phải luôn cầu nguyện, lắng nghe để biết vận dụng nhuần nhuyễn tri thức đó vào thực tế.

- Kỹ năng nói: Thực tế hiện nay, quý giáo sư và học viên chỉ tập trung nghiên cứu về Chúa, cố gắng chuyên tâm học thật giỏi, nghiên cứu thật chuyên sâu nhưng không quan tâm đến việc nói về Chúa cho người khác. Muốn nói về Chúa cho người khác, chúng ta phải thấm nhuần Lời Chúa, để mọi hành động, cử chỉ chúng ta trở thành chứng nhân cho Chúa. Nội tâm có nhuần nhuyễn tinh thần Phúc Âm, chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng đến cho mọi người.

Phần 2: Thánh lễ trọng thể

Sau phần thuyết trình, Đức cha Phụ tá đã chủ sự Thánh lễ đồng tế mừng kính thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, bổn mạng Liên Học viện. Đồng tế với ngài có cha Chủ tịch Bề trên Thượng Cấp Liên Tu sĩ, cha Phó Giám đốc Học viện, quý cha giáo và quý cha hiện diện.

Chia sẻ Tin Mừng, Đức cha nêu 2 vấn đề trọng tâm của người Kitô hữu khi noi gương thánh nhân:

- Chúng ta hãy làm chứng nhân cho Đức Kitô trong đời sống hằng ngày, đó là nhân chứng hùng hồn nhất khi ta noi gương các thánh Tử đạo năm xưa. Đặc biệt, thánh Vinh Sơn Liêm là mẫu gương về sự nối kết giữa việc học và làm chứng Tin Mừng để chúng ta noi theo.

- Hôm nay, có một số học viên ra trường. Ra trường không có nghĩa là kết thúc việc học tập, sao lãng và quên việc chuyên cần đọc sách. Ra trường không phải là kết thúc, nhưng là sự bắt đầu cho một hành trình mới, nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục học, học suốt đời.

Cuối lễ, Đức cha Phụ tá đã trao bằng tốt nghiệp cho các học viên vừa tốt nghiệp.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g15, mọi người ở lại tham dự buổi văn nghệ do tu sĩ các dòng trình diễn.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Học như bơi ngược dòng nước. Không tiến sẽ phải lùi.” Thật vậy, thực chất của việc học là vươn lên để chiến thắng chính bản thân, như người chèo ngược dòng nước để chiến thắng dòng sông. Không chiến thắng bản thân thì không thể thành tài được. Cho nên, phẩm chất quan trọng của việc học là phải kiên trì và quyết tâm, không bao giờ thối chí, nản lòng “buông tay chèo”. Hơn nữa, việc học là suốt đời, không ngừng nghỉ như người đi đến “chân trời kiến thức”, đến được chân trời này thì mở ra chân trời khác. Tuy nhiên, cần phải có phương pháp học tập sao cho tốt, cho hiệu quả, tức là biết chèo thuyền để vượt lên dòng nước ngược. Quan trọng là dám chèo “con thuyền học tập” ấy suốt đời để đến bến bờ vinh quang.

Học các môn khoa học đời còn như thế, huống chi là học thần học. Các vị thánh như Augustinô, Thomas D’Aquin, Têrêsa Avila… cho thấy sức mạnh của “cơn khát kiến thức” đã tạo nên các thiên tài của Giáo hội.

Cầu chúc các học viên chuyên cần học tập để dấn thân vào cánh đồng truyền giáo, đem niềm vui và an bình của Tin Mừng đến cho mọi người, bằng tấm lòng yêu thương vô vị lợi, bất chấp mọi gian nan, khó khăn, hầu hạt giống đức tin được sinh sôi nảy nở, Lời Chúa được gieo vãi đến tận cùng trái đất.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top