Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm C
Lời Chúa: Lc 17,11-19
11Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. 12Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!" 14Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch. 15Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. 17Đức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" 19Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."
Câu hỏi
1. Bài Tin Mừng này có thể chia làm hai phần: Lc 17, 12-14 và 17, 15-19. Bạn có thấy cách trình bày hai phần này có gì giống nhau không?
2. Đọc Lc 17, 12-13. Bạn nghĩ gì về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với mười người phong? Ai đi gặp ai? Tại sao mười người phong lại đứng đàng xa? Họ xin ơn gì? Đâu là nỗi khổ của họ? Đọc Lêvi 13, 45-46.
3. Khi nào người phong đi trình diện các tư tế? Đâu là nhiệm vụ của các tư tế khi gặp người phong? Đọc Lêvi 14, 1-32.
4. Đọc Lc 17, 14. Có gì lạ khi Đức Giêsu bảo mười người phong đi trình diện tư tế? Nhờ đâu mười người phong được sạch? Được sạch nghĩa là gì?
5. Bạn nghĩ gì về cách chữa bệnh của Thầy Giêsu trong trường hợp này? Có gì đặc biệt không? So sánh đoạn Tin Mừng này với Lc 5, 12-16, tìm những điểm khác nhau.
6. Đọc Lc 17, 15-16. Cho thấy nét khác biệt giữa người phong Samari với chín người kia, sau khi anh thấy mình được sạch? Tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Thầy Giêsu: hai điều này có ngược nhau không? Ai đã chữa cho người phong?
7. Khi trở lại gặp Đức Giêsu, người phong xứ Samari được những gì mà chín người kia không được?
8. Đọc Lc 17, 17-18. Theo bạn, khi hỏi ba câu hỏi này, tâm trạng của Đức Giêsu như thế nào? Lòng biết ơn đối với Thiên Chúa có cần không? Đọc thêm Lc 7, 36-50.
CÂU HỎI SUY NIỆM: Nếu bạn là người phong được chữa lành thì bạn có trở lại ngay để cám ơn Thầy Giêsu không? Hiện nay bạn thấy Chúa ban cho bạn ơn lớn nhất là ơn nào? Bạn thấy mình phải tạ ơn Chúa bằng cách nào?
PHẦN TRẢ LỜI
- Bài Tin Mừng này có thể chia làm hai phần. Phần 1 là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và 10 người phong (Lc 17, 12-14). Phần 2 là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phong vùng Samari (Lc 17, 15-19). Trong mỗi phần ta đều thấy các nhân vật chủ động đến với Đức Giêsu, để xin ơn hay để tạ ơn. Đức Giêsu đã gặp gỡ họ trực tiếp, trò chuyện với họ, và sau cùng Ngài đã ban ơn cho họ (ơn được khỏi bệnh hay ơn được cứu).
- Khi đọc Lc 17, 12-13 ta thấy mười người phong ở chung với nhau trong một ngôi làng. Có thể họ ở với nhau để hỗ trợ nhau trong cảnh khổ vì bệnh tật. Bệnh phong là một bệnh được lưu ý đặc biệt. Vì sợ lây bệnh qua người khác nên tuy muốn lại gần để gặp Đức Giêsu, mười người phong chỉ dám “dừng lại đằng xa và cất tiếng kêu…” Điều này phù hợp với luật trong sách Lêvi 13, 45-46. Tiếng kêu của họ chạm được vào tai Đức Giêsu. Họ biết tên của Ngài và gọi Ngài là Thầy Giêsu. Họ không trực tiếp xin Ngài chữa bệnh, nhưng chỉ xin Ngài thương xót. Thật ra xin thương xót chính là xin được chữa lành. Nỗi khổ của người mắc bệnh phong thời xưa thật kinh khủng. Vì ngoài cơn bệnh đau đớn trên thân xác, người phong còn phải sống biệt lập, bị coi là ô uế, và không được tham dự vào bất cứ sinh hoạt tôn giáo nào.
- Theo lẽ bình thường, người phong chỉ đi trình diện tư tế khi thấy mình đã được khỏi. Họ sẽ đến gặp tư tế, để vị này kiểm tra rất tỉ mỉ trong tám ngày. Sau đó, tại Đền thờ, tư tế sẽ cử hành lễ thanh tẩy với việc dâng hai con chiên làm lễ vật đền tội, nhờ đó người mắc bệnh được trở nên thanh sạch và được trở lại với đời sống bình thường (Lê vi 14, 1-32).
- Trong bài Tin Mừng này, điều lạ là Đức Giêsu nói với mười người phong: “Hãy đi trình diện các tư tế”) ngay lúc họ chưa khỏi bệnh (Lc 17, 14). Vậy mà họ đã vâng lời và lập tức lên đường đi trình diện tư tế như thể mình đã được khỏi rồi. Chính hành vi đầy đức tin này của họ đã khiến họ được sạch khi đang trên đường đi gặp tư tế. “Được sạch” là được khỏi sự ô uế của bệnh phong.
- Như thế Đức Giêsu đã chữa lành cho mười người phong một cách đặc biệt. Dường như Ngài chẳng làm gì: không đụng chạm đến họ, cũng không nói một lời nào để chữa bệnh. Ngài chỉ bảo họ làm một điều đòi hỏi nhiều đức tin. Không thấy họ phản ứng, đặt vấn đề hay phàn nàn. Họ chỉ làm điều Ngài bảo. Và phép lạ đã xảy ra. Đức Giêsu chữa cho họ vì họ đã xin Ngài thương xót.
So sánh Lc 17, 12-14 với Lc 5, 12-16 ta thấy có sự khác biệt, vì ở Lc 5, 13 Đức Giêsu chữa một người phong bằng cách chạm tay vào anh ta và nói lời chữa lành. Anh này ở rất gần Đức Giêsu, khác với mười người kia.
- Người phong xứ Samari khác với chín người kia ở chỗ, khi thấy mình được khỏi, anh ấy quay lại với Đức Giêsu để lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa (Lc 17, 15). Hơn nữa, anh còn sấp mặt dưới chân Đức Giêsu để tạ ơn Ngài (Lv 17, 16). Rõ ràng hai hành động này không ngược nhau. Anh biết rõ chính Thầy Giêsu là người đã chữa bệnh cho anh, nhưng anh cũng biết Thầy là người của Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã làm một việc kỳ diệu là qua Thầy mà chữa cho anh.
- Khi trở lại gặp Thầy Giêsu, người phong xứ Samari được những điều mà chín người kia không được. Anh được gặp lại chính Đấng đã cho anh được sạch. Anh không chỉ nhận quà, anh còn gặp được người tặng quà, mà gặp một cách rất gần gũi và thân mật chứ không xa cách như trước đây. Anh là một người xứ Samari vốn bị người Do-thái coi thường, nhưng Thầy Giêsu không coi thường anh. Thầy còn khen thái độ trở lại của anh là đúng đắn, so với thái độ của với chín người kia. Dù chín người kia có đức tin, nhưng chỉ mình anh được Thầy khen có đức tin đưa đến ơn cứu độ (Lc 17, 19). Khi quay trở lại, anh làm được cùng một lúc hai điều: lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình tạ ơn Thầy Giêsu (Lc 17, 15-16).
- Ba câu hỏi của Đức Giêsu ở Lc 17, 17-18 cho thấy Ngài ngạc nhiên vì chín người phong được khỏi đã không trở lại để cám ơn Ngài. Họ đã không làm điều lẽ ra phải làm. Lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là bước đầu quan trọng của đời sống thiêng liêng. Từ lòng biết ơn, một tương quan thân thiết với Chúa được hình thành và lớn dần lên. Luca 7, 36-50 cho thấy chị phụ nữ đã biểu lộ cách bạo dạn lòng biết ơn Đức Giêsu của mình trước mặt mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm B