Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 17 Thường niên năm B
(Ga 6,1-15)
Lời Chúa:
Lễ Vượt Qua - Diễn từ về bánh trường sinh. Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều.
(Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17)
1Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tbêria. 2Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái.
5Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? " 6Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7Ông Philípphê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: 9"Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!"
10Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" 15Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Học hỏi:
1. Trong Tin Mừng Gioan, những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm thường được gọi bằng một từ đặc biệt: “dấu lạ” thay vì “phép lạ”. Đọc Tin Mừng Gioan từ chương 1 đến chương 6, bạn có hay gặp từ “dấu lạ” không? Đọc Ga 2,11.23; 3,2; 4,54; 6,2.14.26.30.
2. Đọc Ga 6,1-4. Dấu lạ bánh hoá ra nhiều xảy ra ở đâu, khi nào?
3. Bốn sách Tin Mừng kể lại việc Đức Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều bao nhiêu lần?
4. Có những điểm khác biệt lớn nào giữa Mc 6,35-44 với Ga 6,1-15?
5. Có điểm giống nào giữa Ga 6,1-15 với sách các Vua quyển 2 , chương 4,42-44?
6. Trong bài Tin Mừng này có môn đệ nào được nhắc tên không? Có khi nào hai ông Anrê và Phi-líp-phê được cùng nhắc đến tên không? Đọc Ga 1,43-45; 12,21-22.
7. Sau dấu lạ bánh hoá nhiều, dân chúng nghĩ Đức Giêsu là ai? Đọc Ga 6, 14-15; Đệ nhị luật 18,15-19. Tại sao Đức Giêsu lại rút lui lên núi một mình?
8. Theo bạn, để có phép lạ bánh hoá nhiều, cần có những điều kiện gì?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Bạn có kinh nghiệm gì về việc Chúa đã từng nuôi bạn, chăm sóc bạn nhiều lần trong đời, nhất là lúc khó khăn? Chỉ một chút đóng góp nhỏ bé của bạn cũng có thể đưa đến một phép lạ lớn lao? Bạn có kinh nghiệm về điều này không? Theo bạn, phép lạ bánh hóa nhiều có thể xảy ra trong cơn đại dịch này không?
PHẦN TRẢ LỜI
- Biến nước thành rượu là dấu lạ đầu tiên ở Cana của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan (2,11). Chữa lành con của một viên quan là dấu lạ thứ hai cũng ở Cana (Ga 4,54). Tin Mừng Gioan thường dùng từ dấu lạ (semeion) thay vì phép lạ (dunamis) như các Tin Mừng khác. Nhiều kẻ đã chứng kiến các dấu lạ Đức Giêsu làm, trong đó có Nicôđêmô (Ga 2,23 và 3,2). Trong chương 6, ta thấy dân chúng đi theo Đức Giêsu vì chứng kiến những dấu lạ Ngài làm cho bệnh nhân (Ga 6,2). Ngài còn làm một dấu lạ nữa, đó là cho bánh hóa nhiều (6,14). Đám đông chỉ thấy bên ngoài, nhưng họ không thấy được ý nghĩa sâu xa bên trong của dấu lạ này (Ga 6,26), nên vẫn đòi Ngài làm một dấu lạ khác từ trời như Môsê ngày xưa (Ga 6,30).
- Việc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng xảy ra ở bên kia biển hồ Galilê (Ga 6,1), trên sườn một ngọn núi (Ga 6,3). Thời gian vào lúc sắp đến đại lễ Vượt Qua (Ga 6,4). Tin Mừng Gioan nhắc đến hai lễ Vượt Qua ở Ga 2,13; 6,4 và nhất là lễ Vượt Qua cuối cùng trước cuộc Khổ nạn (Ga 11,55; 12,1; 13,1). Các Tin Mừng Nhất Lãm làm ta có cảm tưởng chỉ có một lễ Vượt Qua trong thời gian Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng thôi.
- Phép lạ Đức Giêsu làm bánh hóa nhiều để nuôi dân là phép lạ duy nhất được kể trong cả bốn sách Tin Mừng. Hơn nữa, phép lạ này còn được kể hai lần trong Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô. Như thế nó được kể cả thảy 6 lần (Mt 14,13-21; 15,32-39; Mc 6,35-44; 8,1-10; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Điều đó cho thấy phép lạ này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tín hữu thuở ban đầu. Đó là phép lạ cho một số người khá đông. Dù phép lạ này không dễ hiểu, nhưng hẳn đây không phải là do Giáo Hội sơ khai bịa ra.
- So sánh Mc 6,35-44 với Ga 6,1-13, ta thấy có những khác biệt lớn. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu là người chủ động gợi ý chuyện mua bánh cho dân (Ga 6,5-6), còn trong Tin Mừng Máccô, các môn đệ chủ động làm việc này (Mc 6,35-36). Trong Mác-cô, Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ hãy cho dân chúng ăn, và Ngài đã trao bánh cho họ phân phát (Mc 6,37.41). Còn trong Gioan, Đức Giêsu chủ động hơn khi tự tay trao bánh và cá nhỏ cho đám đông (Ga 6,11). Trong Gioan, Đức Giêsu bảo họ thu lại những mẩu bánh thừa (Ga 6,12), điều này không có trong Mác-cô. Trong Gioan, sau khi dân chúng được ăn no nê, họ tin Đức Giêsu là vị Ngôn sứ và họ định tôn Ngài làm vua (Ga 6,14-15), còn trong Mác-cô, không thấy đám đông có phản ứng gì.
- So sánh Ga 6,1-15 với 2 V 4,42-44, ta thấy có những điểm giống nhau. Tiểu đồng của ngôn sứ Ê-li-sha không tin hai mươi chiếc bánh lúa mạch có thể nuôi được cả trăm người (2 V 4,43). Ông An-rê cũng không tin năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ có thể nuôi đám đông cả ngàn người (Ga 6,9). Nhưng cuối cùng, trong cả hai trường hợp, người ta ăn no mà vẫn còn dư (2 V 4,44; Ga 6,12-13).
- Có hai môn đệ được nhắc tên trong bài Tin Mừng này: Phi-líp-phê và An-rê. Cả hai đều đối thoại với Thầy Giêsu. Riêng An-rê còn là người giới thiệu cho Thầy một em bé có bánh và cá (Ga 6,8-9). Trước đây An-rê là người đã giới thiệu Simôn với Thầy Giêsu (Ga 1,41), còn Phi-líp-phê thì giới thiệu Nathanael (Ga 1,45). Sau này, hai ông sẽ là người giới thiệu những người Hy-lạp ( = dân ngoại) đến gặp Đức Giêsu (Ga 12, 21-22). Xem ra hai ông này có “khiếu” giới thiệu.
- Sau dấu lạ bánh hóa nhiều, dân tin Đức Giêsu là Vị Ngôn sứ (Ga 6,14). Đây là vị Ngôn sứ đặc biệt mà Thiên Chúa đã hứa với ông Môsê rằng Ngài sẽ ban cho dân sau này (Đnl 18,15-19). Dân chúng cũng tin vị Ngôn sứ này là một vị Vua đến để giải phóng dân tộc khỏi tay Rôma. Tiếc thay đây không phải là sứ mạng Cha giao cho Đức Giêsu, nên Ngài đã rút lui. “Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36).
- Dựa trên bài Tin Mừng này, ta thấy để có phép lạ bánh hóa nhiều, cần có Đức Giêsu, Đấng muốn nuôi đám đông và có khả năng cho họ được no nê. Nhưng cũng cần một em bé có năm cái bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ (Ga 6,9), vì Đức Giêsu muốn nuôi con người bằng chính thức ăn mà con người hiện đang có. Ngài cần sự đóng góp nhỏ nhoi của con người để nó được nhân lên qua tay Ngài. Ngoài ra Ngài còn cần sự giới thiệu của ông An-rê (Ga 6,8-9) và cũng cần sự cộng tác và vâng phục của các môn đệ. Hai ông Anrê và Philípphê đều không tin vào chuyện Thầy trò có thể nuôi đám đông trên núi (Ga 6,7.9). Tuy vậy họ đã bảo dân ngồi trên cỏ, và đi thu lại những miếng thừa (Ga 6, 10.12-13). Mười hai giỏ cho thấy sự có mặt của Nhóm Mười Hai.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A