Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Lá năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Lá năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Lá năm C

1.  Đọc Lc 22,39-46. Đối với Đức Giêsu cầu nguyện có khó không ? Tại sao khó? Các môn đệ có cầu nguyện không? Hậu quả của việc không cầu nguyện là gì?

2.  Đọc Lc 22,47-53. Cho thấy Đức Giêsu là Đấng đầy lòng thương xót khi Ngài bị bắt trong Vườn Dầu.

3.  Đọc Lc 22,54-62. Tại sao khi Chúa Giê-su nhìn Phê-rô thì ông khóc thảm thiết? Theo bạn, ánh mắt ấy có gì đặc biệt?

4.  Đọc Lc 23,1-7. Những lời tố cáo Đức Giê-su của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo có đúng không?

5.  Đọc Lc 23,8-12. Bạn nghĩ gì về thái độ im lặng của Đức Giêsu trước Hêrôđê? Tại sao Ngài im lặng?

6.  Đọc Lc 23,1-25. Philatô tuyên bố Đức Giêsu vô tội mấy lần? Tại sao Philatô lại không dám tha Đức Giê-su?

7.  Đọc Lc 23,33-46. Cho biết hai lời nguyện của Đức Giêsu trên thánh giá. Cho biết ba cơn cám dỗ đến với Đức Giêsu trên thánh giá. Bởi đâu Đức Giêsu thắng được ba cơn cám dỗ này?

8.  Đọc Lc 23,39-43. Bạn nghĩ gì về anh trộm lành?

GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Bạn thấy mình giống nhân vật nào trong bài Thương Khó này (các thượng tế, Phêrô, các môn đệ, dân chúng, Philatô, Hêrôđê, anh trộm lành, hay viên đại đội trưởng? Cho biết lý do tại sao?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Đức Giêsu đã ba lần tiên báo cuộc Khổ nạn của mình, và trong Bữa Tiệc Vượt qua lúc cuối đời, Ngài vẫn bình an nói đến cái chết sắp đến: “Chén này là Giao ước mới trong máu Thầy…” (Lc 22,20). Tuy nhiên, khi đến núi Ô-liu cầu nguyện như đã quen, Đức Giêsu rơi vào cơn xao xuyến sợ hãi. Ngài xin Cha cho mình khỏi phải uống chén đắng, nhưng Ngài cũng muốn sống theo ý Cha chứ không theo ý riêng (22,42). Có sự giằng co ác liệt giữa ý của Con và ý của Cha nơi tâm hồn Ngài. Cầu nguyện là một cuộc chiến đấu không hề dễ dàng, ngay cả với Đức Giêsu (22,44). Ngài đã dặn dò các môn đệ phải cầu nguyện ngay từ đầu, vì Ngài biết họ sắp đối đầu với một cơn cám dỗ lớn, nhưng các ông không cưỡng lại được giấc ngủ, và đã không cầu nguyện (22,40.46). Kết quả là các ông đã không thể theo Thầy đến cùng. Phêrô chỉ theo xa xa và cuối cùng đã chối Thầy (22,54).
  2. Đức Giêsu đầy lòng thương xót khi bị bắt. Trước nụ hôn trơ trẽn của Giuđa phản bội, Ngài chỉ phản ứng một cách nhẹ nhàng (22,48). Khi một môn đệ chém đứt tai phải của anh đầy tớ vị thượng tế, Đức Giêsu đã mau mắn chữa lành cho anh như một phép lạ lúc cuối đời (22,51). Sau khi cầu nguyện, Đức Giêsu biết rõ Cha muốn mình đón nhận cuộc Khổ nạn, nên Ngài đã chấp nhận để cho đám đông thuộc hạ của các vị thượng tế, lãnh binh và kỳ mục bắt mình. Ngài không dùng bạo động để chống lại họ, vì Ngài biết bây giờ là giờ của quyền lực bóng tối (22,53).
  3. Bên đống lửa trong dinh thượng tế, khi ngồi chung với những kẻ bắt Đức Giêsu ở Vườn Dầu, Phêrô đã chối Thầy ba lần trước mặt ba người (22,56-60). Ông đã chối không “biết” Thầy, không “thuộc nhóm” của Thầy, không “ở với” Thầy. Thầy Giêsu không ngạc nhiên, vì Thầy đã báo trước chuyện này cho Phêrô (22,34). Tiếng gà gáy nhắc Thầy Giêsu về lời Thầy đã tiên báo cho Phêrô. Bởi đó Thầy đã quay lại và nhìn ông. Cái nhìn ấy và tiếng gà ấy làm Phêrô nhớ lại lời Thầy nói với mình. Ông bỏ chỗ ngồi bên đống lửa với đám thuộc hạ để ra ngoài và khóc thảm thiết. Ánh mắt của Thầy Giêsu đã khiến Phêrô nhận ra tội của mình và ăn năn, dù Thầy không nói một tiếng lời nào. Cái nhìn ấy là cái nhìn nhắc nhở và tha thứ, cái nhìn trách móc và xót thương, cái nhìn đầy yêu thương nên không làm ông thất vọng.
  4. Thương Hội đồng các nhà lãnh đạo Do-thái giáo gồm các thượng tế, kinh sư và các kỳ mục trong dân. Sau khi tra hỏi Đức Giêsu về chuyện tôn giáo, họ điệu Ngài đến với Philatô, vị quan Rôma cai trị vùng Giuđê. Dĩ nhiên, họ sẽ tố cáo Đức Giêsu về những tội chính trị như sau: kích động dân nổi loạn, ngăn cản dân nộp thuế cho Xêda, và xưng mình là Kitô Vua (23,1-7). Thật ra Đức Giêsu không hề xúi giục dân chống lại việc nộp thuế cho Xê-da (20,20-26), chẳng bao giờ Ngài nhận mình là Vua Kitô theo nghĩa chính trị, dù đám đông dân chúng đã tung hô Ngài như thế khi Ngài tiến vào Giêrusalem  (19,38). Đúng Ngài là Vua Kitô thuộc dòng dõi vua Đavít (2,11; 9,20), nhưng đây là một Đấng Kitô không có tham vọng chính trị, đã chịu đau khổ và chịu chết. Các vị lãnh đạo tôn giáo cố ý vu cáo cho Đức Giêsu những trọng tội chính trị, khiến Ngài có thể bị kết án đóng đinh bởi Philatô.
  5. Chỉ Tin Mừng Luca mới kể câu chuyện Đức Giêsu bị điệu ra trước tiểu vương Hêrôđê Antipas, lúc bấy giờ đang có mặt ở Giêrusalem (23,7). Có vẻ Philatô không muốn can dự vào vụ án Đức Giêsu khi chuyển Ngài cho Hêrôđê (23,4). Hêrôđê hỏi Ngài nhiều điều và mong Ngài làm một phép lạ, còn các vị lãnh đạo thì tố cáo, nhưng Đức Giêsu cứ làm thinh. Ngài không tự biện hộ, không tìm cách thoát chết, vì Ngài đã biết con đường Cha muốn Ngài đi (23,9).
  6. Ba lần Philatô khẳng định Đức Giêsu vô tội (23,4.14.22), nhưng ông không dám tha bổng Đức Giêsu.  Lý do chính là vì ông sợ dân chúng nổi loạn do bị các thượng tế và thủ lãnh kích động (23,18.21.23). Nếu dân chúng nổi loạn vào dịp Lễ Vượt Qua thì hậu quả thật đáng sợ. Thành phố Giêrusalem lúc này đầy khách hành hương và những người Do-thái từ nước ngoài trở về mừng lễ. Lễ Vượt Qua làm người ta dễ so sánh cảnh nô lệ ở Ai-cập và cảnh nô lệ hiện tại cho Rôma. Nếu dân nổi loạn thì Philatô mất chức.
  7. Trên thập giá, Đức Giêsu dâng hai lời nguyện, cả hai bắt đầu bằng tiếng gọi “Lạy Cha” (23,34.46). Trên thập giá, Ngài chịu ba cơn cám dỗ đến từ các thủ lãnh (23,35), lính tráng (23,36), và một trong hai tên gian phi (23,39). Ba cơn cám dỗ có nét giống nhau: Nếu Ngài là Đấng Kitô, là Vua dân Do-thái, thì hãy “cứu lấy mình.” Cứu lấy mình là tự mình xuống khỏi thập giá. Đức Giêsu đã thắng được ba cám dỗ này. Ngài không tự cứu mình, nhưng để Cha cứu mình. Suốt đời Ngài đã sống theo ý Cha, bây giờ Ngài muốn chết trong tay Cha với sự phó thác trọn vẹn.
  8. Thái độ của anh “trộm lành” là một điểm sáng. Khi chịu đóng đinh, Đức Giêsu phải nghe những lời cười nhạo, chế giễu, nhục mạ (23,35,36.39). Những lời của anh trộm lành hẳn đem lại cho Ngài nhiều an ủi. Anh mắng tên kia, anh nhìn nhận mình bị phạt là đúng, anh khẳng định Đức Giêsu vô tội, anh xin Ngài nhớ đến anh vì anh tin Ngài sẽ vào Nước của Ngài (23,40-42). Đức Giêsu đã hứa, chẳng những nhớ đến anh, mà còn cho anh được ở với Ngài trong Nước ấy.

Top