Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm B
Mc 10,2-12
Lời Chúa:
2Có mấy người Pharisêu đến gần Ðức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người. 3Người đáp: "Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?" 4Họ trả lời: "Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ". 5Ðức Giêsu nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. 6Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". 10Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
Học hỏi:
1. Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy? Đọc sách Đệ-nhị-luật 24,1-4 và sách Huấn Ca 25,26. Đọc thêm Mc 6,17-18.
2. Trong Do-thái giáo, ai là người có quyền ly dị người bạn đời của mình? Muốn ly dị thì đòi phải có lý do gì? Muốn ly dị thì phải làm gì ? Đọc lại Đnl 24,1.
3. Đọc Mc 10,3-5. Tại sao ông Môsê cho phép ly dị?
4. Đọc Mc 10,6-9. Đức Giêsu dựa vào đâu để không chấp nhận việc ly dị? Đọc sách Sáng thế 1,27; 2,24.
5. Đọc lại sách Sáng thế 1,27 và 2,24. Bạn có thể rút ra những nét quan trọng nào của đời sống hôn nhân trong cái nhìn của Thiên Chúa?
6. Đọc Mc 10,10-12. Bạn thấy Mc 10,11 có nghiêm nhặt hơn Mc 10,9 không?
7. Đọc Mc 10,12. Phụ nữ nào có quyền ly dị? Xem Mc 6,17.
8. Tại sao Đức Giêsu nổi giận với các môn đệ? Tại sao Ngài coi trẻ nhỏ như mẫu mực cho ai muốn vào Nước Thiên Chúa?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Xem ra những lời của Chúa Giêsu không được coi trọng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay? Phải giúp các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân ra sao để tránh bi kịch này?
PHẦN TRẢ LỜI
- Trong sách Đệ nhị luật, ông Môsê cho phép người chồng được ly dị vợ vì một lý do nào đó (Đnl 24,1-4; x. Huấn ca 25,26). Có lẽ những người Pharisêu biết Đức Giêsu không chấp nhận chuyện này, nên họ có ý hỏi để thử xem Ngài trả lời ra sao, hầu có cớ tố cáo Ngài. Đây là một cái bẫy vì nếu Đức Giêsu nói không được phép ly dị vợ, Ngài sẽ bị kết tội là chống lại Luật Môsê. Gioan Tẩy giả đã bị giết vì dám chỉ trích Hêrôđê ly dị vợ để cưới Hêrôđiađê (Mc 6,17-18).
- Trong Do-thái giáo thường chỉ chồng mới có quyền ly dị vợ, dù đôi khi những phụ nữ quyền quý cũng ly dị chồng. Có hai trường phái có quan điểm khác nhau về chuyện ly dị. Theo trường phái ông Shammai, chồng chỉ được ly dị vợ khi vợ ngoại tình. Còn trường phái của ông Hillel lại cho phép ly dị vợ chỉ vì những lý do cỏn con, như làm bể dĩa. Khi ly dị vợ, người chồng phải viết một chứng thư ly dị. Với chứng thư đó, người vợ mới được phép đi lấy chồng khác (Đnl 24,1).
- Ông Môsê cho phép người chồng ly dị vợ sau khi đã viết giấy ly hôn và đưa cho vợ mình (Đnl 24,1). Đức Giêsu khẳng định rằng ông Môsê viết luật cho phép như thế là vì lòng chai dạ đá của chính những người Pharisêu đang nói chuyện với Ngài (Mc 10,5), cũng là sự cứng lòng của những người Do-thái thời ông Môsê. Đây là một nhượng bộ của Môsê trước sự cố chấp ương ngạnh của dân đối với ý định của Thiên Chúa.
- Người Pharisêu dựa vào sách Đệ nhị luật trong bộ Ngũ Thư để hỏi về ly dị. Còn Đức Giêsu trả lời dựa trên sách Sáng thế, một cuốn sách khác trong bộ Ngũ Thư. Sách này đã viết: “Thiên Chúa đã làm ra họ có nam có nữ” (St 1,27), và “vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một thịt” (St 2,24). Đức Giêsu không chấp nhận việc ly dị, vì Ngài dựa trên một điều có “từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng” của Thiên Chúa, một điều căn bản và nền tảng, một điều có trước cả luật Môsê. Đối với Đức Giêsu, khi lập gia đình, hai vợ chồng, một nam một nữ, trở thành một xương một thịt. Đây không phải là sự kết hợp do hai người tạo ra, nhưng là sự phối hợp của chính Thiên Chúa (Mc 10,9). Chỉ Ngài mới làm cho hai người không còn là hai, nhưng nên “một thịt”. Bởi đó con người không được phân ly điều mà chính Thiên Chúa đã kết hợp. Ly dị chính là phân ly.
- Khi đọc Sáng thế 1,27 và 2,24, ta thấy hôn nhân là sự kết hợp của hai người khác phái, nam và nữ. Cả hai người này đều là những thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Họ khác nhau về phái tính, nhưng có phẩm giá như nhau. Sự gắn kết này mạnh đến độ người nam chia tay cha mẹ để gắn bó với người nữ, cả hai nên vợ nên chồng. Sự gắn kết này không chỉ trên bình diện tình cảm, hiểu biết hay nâng đỡ nhau trong cuộc sống chung, mà cả trên bình diện thân xác nữa. Cả hai nên một xương một thịt, từ đó thực hiện lời truyền dạy: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất…” (St 1,28).
- Máccô 10,11 là câu Đức Giêsu nói riêng với các môn đệ khi về đến nhà. Những câu này còn nghiêm nhặt hơn Mc 10,9. Ly dị chẳng những đi ngược với sự phối hợp của Thiên Chúa mà còn là con đường dẫn đến tội ngoại tình. Đức Giêsu khẳng định một điều hết sức nghiêm khắc không hề có trong Luật Môsê và cả trong luật của thế giới Hy-La nữa, đó là nếu người chồng ly dị vợ rồi đi lấy vợ khác thì anh ta phạm tội ngoại tình với người vợ trước. Trong sách Lêvi, chỉ chiếm đoạt vợ của người khác mới bị coi là phạm tội ngoại tình (Lv 20,10). Chúng ta chỉ có thể hiểu được Mc 10,11-12 nếu ta chấp nhận Mc 10,6. Mối dây liên kết vợ chồng không thể tháo gỡ, vì chính Thiên Chúa đã liên kết hai người nên một vĩnh viễn (Mc 10,6). Vì sự liên kết thánh thiêng và bền vững này trong hôn nhân mà lấy người khác trở thành phạm tội ngoại tình, dù đã viết giấy ly dị như Luật Môsê đòi hỏi. Hôn nhân làm hai người thuộc về nhau mãi mãi, nên khi lấy người khác, cả hai đều phạm tội ngoại tình.
- Máccô 10,12 nói đến chuyện người vợ ly dị chồng và lấy chồng khác. Đây là chuyện lạ vào thời Đức Giêsu, vì các phụ nữ Do-thái nói chung thì không có quyền này. Chỉ chồng mới được ly dị vợ. Có thể trong cộng đoàn của Máccô đã có sự bình đẳng nào đó giữa vợ chồng rồi. Các phụ nữ Rôma được quyền ly dị chồng, và một vài phụ nữ Do-thái quyền quý đã làm chuyện này. Bà Hêrôđia là một thí dụ (Mc 6,17).
- Có thể Thầy Giêsu nổi giận vì các môn đệ vẫn chưa thấm được bài học Ngài đã dạy ở Mc 9,36-37. Họ vẫn không đón tiếp các em lại còn la rầy và ngăn cản chúng, vì chúng muốn đến với Thầy. Người lớn phải bắt chước trẻ em trong cách đón nhận Nước Thiên Chúa. Em nhỏ thì chẳng có công trạng gì để xứng đáng được vào Nước Thiên Chúa. Em đón nhận Nước như một quà tặng hoàn toàn do tình thương của Chúa. Người lớn cũng phải ra khỏi sự tự hào về những gì mình làm và những gì mình là.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A