Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C

Lc 4,1-13

1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! "4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh."

5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ.6 Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý.7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông."8 Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."

9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá."12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."

13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

 

1.  Đọc trình thuật về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ trong Tin Mừng Mát-thêu và Luca (Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Cho biết có gì giống nhau và  khác nhau.

2.  Đức Giêsu bị cám dỗ bởi quỷ. Theo bạn, quỷ có thật không? Nó được gọi bằng những tên gì? Đọc Lc 4,2.3.5.9.13; Mt 4,10; Lc 10,18; Khải huyền 12,9; Sáng thế 3,1. Tin Mừng Luca nhiều lần nhắc đến nó (Lc 8,12; 11,18; 13,16; 22,3.31).

3.  Bởi đâu Đức Giêsu đầy Thánh Thần khi Ngài vào hoang địa (Lc 4,1)? Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Đức Giêsu có biết mình là Con Thiên Chúa không? Đọc Lc 3,22.

4. Có ba cơn cám dỗ đến với Đức Giêsu? Cơn cám dỗ thứ nhất chủ yếu là gì? Có khi nào bạn gặp cơn cám dỗ loại này không?

5. Cơn cám dỗ thứ hai chủ yếu là gì? Có khi nào bạn gặp cơn cám dỗ loại này không?

6. Cơn cám dỗ thứ ba chủ yếu là gì? Có khi nào bạn gặp cơn cám dỗ loại này không?

7. Để thắng được những cơn cám dỗ của quỷ, Đức Giêsu đã dùng những vũ khí nào? Ngày nay, chúng ta có thể dùng những vũ khí đó không?

GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn thấy các cơn cám dỗ của bạn có nét nào giống với các cơn cám dỗ của Đức Giêsu không? (cám dỗ về ăn uống, dục vọng, quyền lực, giàu sang, tiếng tăm…). Theo kinh nghiệm của bạn, để thắng các cơn cám dỗ thì cần điều gì hơn cả ?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Cả hai Tin Mừng Mát-thêu (Mt 4,1-11) và Luca (Lc 4,1-13) đều kể rõ về ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu sau khi Ngài chịu phép rửa ở sông Gio-đan. Cả hai đều nói đến việc Ngài được Thần Khí (hay Thánh Thần) dẫn vào hoang địa, sống trong chay tịnh bốn mươi ngày, và bị quỷ (diabolos) cám dỗ. Tuy nhiên, ở Mát-thêu và Luca, trật tự của hai cơn cám dỗ thứ hai và thứ ba ngược nhau. Sau đây là một cách giải thích sự khác nhau này. Trong Tin Mừng Mát-thêu, cơn cám dỗ thứ ba diễn ra ở trên núi, trong đó Đức Giêsu bị cám dỗ bái lạy quỷ (Mt 4,8-9). Tin Mừng này cũng sẽ kết thúc ở trên núi, nơi Đức Giêsu được các môn đệ bái lạy (Mt 28,16-17).  Còn trong Tin Mừng Luca, cơn cám dỗ thứ ba lại diễn ra ở nóc Đền thờ Giêrusalem (Lc 4,9). Nên nhớ Tin Mừng Luca bắt đầu và kết thúc ở Đền thờ Giêrusalem (Lc 1,9; 24,53).
  2. Quỷ là nhân vật có thật. Đức Giêsu đã bị nó cám dỗ trước khi bắt đầu sứ vụ. Và nó còn xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng Luca, chuyên gây những chuyện ác hại cho con người (Lc 8,12; 11,18; 13,16; 22,31). Chính nó đã nhập vào Giuđa, dẫn đến sự phản bội (Lc 22,3). Đức Giêsu đã phải luôn đối đầu với nó trong thời gian rao giảng. Quỷ có nhiều tên: Xatan (Mt 4,10); Xatan từ trời sa xuống như thiên thần sa ngã (Lc 10,18);  “con rắn xưa” (Kh 12,9) như con rắn trong vườn địa đàng (St 3,1).
  3. Đức Giêsu được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1,35). Khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông Giođan, Đức Giêsu đã nhận được một cuộc hiển linh đặc biệt: Thánh Thần ngự xuống trên Ngài và Ngài nghe có tiếng Thiên Chúa Cha từ trời phán với Ngài: “Con là Con yêu dấu của Cha” (Lc 3,22). Thánh Thần đã ngự xuống và dẫn Ngài vào hoang địa.  Đức Giêsu trong hoang địa là một người đầy sức mạnh của Thánh Thần, sẵn sàng cho cuộc chiến đấu với quỷ (Lc 4,1). Hơn nữa, Ngài biết mình là Con, Người Con có tương quan độc nhất với Thiên Chúa Cha. Bởi đó, Ngài thắng được thách thức của quỷ trong hoang địa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” (Lc 4,3.9).
  4. Cơn cám dỗ thứ nhất tấn công thẳng vào cái đói của Đức Giêsu sau thời gian dài ăn chay. Quỷ cám dỗ Đức Giêsu dùng quyền năng của Con Thiên Chúa mà mình đang có, để biến một viên đá thành tấm bánh ăn cho no. Ngài đã từ chối dùng quyền năng Cha ban để lo cho bản thân mình, dù sau này Ngài có thể làm phép lạ nhân bánh để nuôi người khác. Cơn cám dỗ thứ nhất có nét giống với cơn cám dỗ của ông Ađam. Ađam đã bị cám dỗ ăn trái cấm, và ông này đã dùng quyền tự do Chúa ban để ăn trái cấm do người vợ đưa (St 3,1-12). Đức Giêsu đã thắng quỷ khi đáp lại bằng một câu Kinh Thánh: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh (Đnl 8,3). Cơm bánh là quan trọng cho thân xác, nhưng tâm hồn con người cần được nuôi bằng Lời Chúa (Lc 4,4).
  5. Cơn cám dỗ thứ hai hấp dẫn hơn, vì quỷ đưa Đức Giêsu lên cao và cho Ngài thấy mọi nước trên thế giới. Nó dám khẳng định rằng mọi quyền lực và vinh quang của các nước này là của nó. Và nó có quyền ban những điều ấy cho ai biết bái lạy và thờ phượng nó (Lc 4,5-8). Có một phần sự thật trong lời nói khoác lác này của quỷ. Đúng là nó có chút quyền lực trên thế giới chúng ta đang sống. Tin Mừng thứ Tư gọi nó là “Thủ lãnh của thế gian” (Ga 12,31; 14,30; 16,11). Tuy nhiên, chúng ta không sợ, vì quỷ vẫn chỉ là một thụ tạo dưới quyền Thiên Chúa (GLCG 395). Đức Giêsu đã từ chối bái lạy quỷ để được vinh quang trần thế. Ngài đáp lại quỷ bằng việc đọc sách Đệ nhị luật 6,13. Ngài không nhận vinh quang từ quỷ, nhưng từ Cha, sau khi Ngài vâng phục Cha cho đến chết (Lc 9,26). Đức Giêsu đã thắng cơn cám dỗ về quyền lực và giàu sang.
  6. Cơn cám dỗ thứ ba diễn ra ở nơi cao nhất của Đền thờ, có thể ở góc đông-nam của Đền thờ. Quỷ dùng Thánh vịnh 91,11-12 để thách Đức Giêsu nhảy xuống. Vì nếu Ngài thật là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ lo cho Ngài được an toàn. Đức Giêsu đã coi hành vi nhảy xuống là thách thức Thiên Chúa, bắt ép Thiên Chúa phải làm điều gì đó theo ý mình. Ngài đã đáp lại bằng một câu Kinh Thánh khác trong Đnl 6,16. Thách thức là một biểu lộ của người không tin hay chưa tin. Ngày xưa, Dân Do-thái, trong hoang địa, đã có lần thách thức Thiên Chúa ở Ma-xa (Đnl 6,16; x. Xh 17,7). Đức Giêsu tin vào Cha nên Ngài không cần nhảy thử mới biết Cha bảo vệ mình.
  7. Đức Giêsu đã thắng các cơn cám dỗ của quỷ nhờ nhiều yếu tố. Trước hết, Ngài “đầy tràn Thánh Thần”sau khi chịu phép rửa ở sông Gio đan. Ngài được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chuẩn bị được sai đi rao giảng. Tại đây, Ngài đã dành một thời gian dài để tĩnh tâm cầu nguyện, tìm biết con đường Cha muốn Ngài đi. Song song với cầu nguyện, Ngài còn giữ ăn chay trong thời gian đó. Chúng ta cũng không quên là Đức Giêsu đã dùng Kinh Thánh để bẻ gãy những cám dỗ của quỷ. Như thế, trong sức mạnh của Thánh Thần, cùng với cầu nguyện và ăn chay, sự hiểu biết về Kinh Thánh cũng giúp chúng ta thắng được các cơn cám dỗ. Mùa Chay là thời gian người tín hữu bước vào cuộc chiến đấu ác liệt với thế gian, ma quỷ, xác thịt. Chúng ta hoàn toàn có thể thắng được chúng, nếu chúng ta sử dụng những khí giới như Ngài.

Top