Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C

(Lc 13,1-9)

Lời Chúa:

Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy".

6 Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? 8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi".

10 Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Học hỏi:

1. Đọc Lc 13,1-3. Theo ‎‎bạn, chuyện gì đã xảy ra với một số người Galilê? xảy ra ở đâu?

2. Đọc Lc 13,4-5. Chuyện gì đã xảy ra cho mười tám người? Ở đâu? Lời nhắc nhở của Đức Giêsu ở Lc 13,3.5 có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

3. Ông chủ trồng cây vả trong vườn nho của mình. Cây nho và cây vả tượng trưng cho điều gì? Xem sách ngôn sứ Mi-kha 4,4; 1 Vua 5,5; Dacaria 3,10. Ở vườn địa đàng có trồng cây vả không? Xem St 3,7.

4. “Ông đến tìm trái trên cây mà không thấy.” Có mấy động từ trong câu này? Câu này được nhắc lại mấy lần trong bài Tin Mừng này ? Bạn có biết khi ông chủ đến tìm trái thì cây vả đã bao nhiêu tuổi không?

5. Ông chủ vườn nho có phải là người nóng tính và tàn ác không khi ông đòi chặt cây vả?

6. Đọc Lc 13,8-9. Theo bạn, ông chủ có chấp nhận lời yêu cầu của anh làm vườn không? Cuối cùng cây vả có ra trái không? Đâu là bài học của dụ ngôn cây vả?

7. Cây vả ở bài Tin Mừng này có nét gì giống với cây vả được nói đến trong Mác-cô 11,12-14.20 không?

8. Sau khi đọc bài Tin Mừng này, bạn hãy đưa ra một định nghĩa về sám hối?

GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn có thấy mình cũng là một cây vả được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc không? Cho đến thời điểm hiện tại, bạn đánh giá thế nào về hoa trái của đời bạn?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Một vài người nghe Đức Giêsu giảng đã kể lại cho Ngài câu chuyện về những người Galilê bị Philatô giết. Ông này là quan tổng trấn (praefectus) của vùng Giuđê, trong đó có thành phố và Đền thờ Giêrusalem. Vì Philatô đã lấy máu của họ mà trộn với máu của những con vật họ sát tế dâng cho Chúa, nên ta có thể phỏng đoán biến cố này đã diễn ra trong Đền thờ hay trên đường đến Đền thờ. Không rõ họ đã phạm tội gì, cũng không có tài liệu nào nói về chuyện này trừ Tin Mừng Luca. Tuy nhiên, chuyện này rất có thể đã xảy ra, vì nó phù hợp với tính khí cực kỳ tàn ác của Philatô. Sử gia Josephus cho biết ông này đã từng giết những người Samaria tham dự cuộc lễ tôn giáo của họ ở núi Garizim, và đã giết nhiều người Do-thái chống đối ông khi ông lấy tiền của Đền thờ mà xây một cống dẫn nước ở Giêrusalem.
  2. Khi nghe kể lại câu chuyện trên đây, Đức Giêsu đã không kêu gọi người ta đứng lên để bạo động chống Rôma, nhưng Ngài lại kể thêm một câu chuyện buồn khác, có thể là một tai nạn lao động xảy ra cho những người ở vùng Giêrusalem. Mười tám người chết vì bị tháp đè ở Si-lô-ác, đang khi xây dựng một công trình. Cứ sau mỗi câu chuyện đau buồn, Đức Giêsu lại đưa ra một nhắc nhở (Lc 13,3.5). Hai nhắc nhở này khá giống nhau cả về nội dung lẫn hình thức, qua đó Đức Giêsu muốn nhắc cho thính giả biết rằng những người bị giết, bị chết, không phải là những người tội lỗi nặng hơn bao người khác. Họ chịu tai họa như vậy vì lòng độc ác của Philatô hay vì một tai nạn. Nhân hai câu chuyện thương tâm này, Đức Giêsu muốn đưa thính giả ra khỏi sự tự mãn, và mời họ nhanh chóng sám hối tội lỗi mình, để tránh những tai họa tương tự.
  3. Trồng cây vả trong vườn nho không phải là chuyện lạ. Cây vả và cây nho là hai cây thường được nhắc đến để tượng trưng cho an bình, thịnh vượng. Lối nói “ở dưới cây nho và cây vả của mình” được dùng để chỉ niềm hạnh phúc, an cư của một người Israel dưới thời vua Salômôn (1 Vua 5,5. Còn Mi-kha nói đến thời đại lý tưởng khi người ta “ngồi dưới cây nho của mình, và dưới cây vả của mình” (Mk 4,4). Khi nói đến hạnh phúc thời thiên sai, ngôn sứ Dacaria dùng lối nói “các ngươi sẽ mời nhau đến dưới cây nho và cây vả của các ngươi” (Dcr 3,10). Trong vườn Ê-đen, cây vả là cây duy nhất được kể tên rõ ràng, vì hai ông bà nguyên tổ đã dùng lá vả để che thân (St 3,7).
  4. Ông chủ đã trồng một cây vả trong vườn nho của ông. Ta không rõ cây vả đã được trồng cách đây bao nhiêu năm. Chỉ biết khi một cây ăn trái bắt đầu bói thì ba năm đầu không được ăn trái của nó (Lv 19,23-25). Trái của năm thứ tư phải được dâng hiến cho Đức Chúa. Đến năm thứ năm mới được ăn trái. Vậy khi ông chủ định hái trái vả, thì cây vả này cũng đã sống được nhiều năm rồi. Câu: “Ông đến tìm trái trên cây mà không tìm thấy” có ba động từ: “đến”, “tìm”, “tìm thấy” (Lc 13,6). Ta thấy Luca 13,7 cũng có một câu tương tự, dùng ba động từ như trên. Qua việc ông đến cây vả để tìm trái, ta thấy đúng là ông có ý trồng để lấy trái vả chứ không để lấy bóng mát.
  5. Ông chủ bảo người làm vườn chặt cây vả (Lc 13,7). Lý do thứ nhất là vì ông chủ đã chờ đợi lâu. Ba năm qua, cứ đến mùa vả, ông chủ lại đến chỗ cây vả để tìm trái. Ông đã kiên nhẫn chờ đợi trong hy vọng. Cuối cùng ông nghĩ chắc nó chẳng thể nào ra trái được, chỉ nên chặt đi. Lý do thứ hai là hại đất. Một cây vả cằn cỗi sẽ làm hại đất lẽ ra được dùng cho vườn nho. Ông chủ không hề nóng tính hay tàn ác khi đòi chặt cây vả, vì ông đã kiên nhẫn chờ ba năm.
  6. Khi ông chủ muốn chặt cây vả ông đã trồng, thì người làm vườn xin hoãn lại một năm để anh chăm sóc thêm cho cây. Anh nuôi hy vọng là sang năm cây sẽ có trái. Nếu không, chặt đi cũng chẳng muộn (Lc 13,8-9). Dụ ngôn kết thúc ở đó. Không thấy ông chủ nói gì. Có vẻ ông đồng ý hoãn lại. Cây vả được cho một cơ hội cuối cùng. Nó được sống thêm một năm. Còn sống là còn cơ hội để sám hối, hoán cải. Nhưng ta không nên quên: sự chịu đựng của Thiên Chúa không phải là vô hạn, dù lòng thương xót của Ngài thật bao la.
  7. Trong Tin Mừng Mác-cô, sau khi Đức Giêsu vào Giêrusalem lần cuối, trên đường rời Bêtania, Ngài cảm thấy đói. Thấy đàng xa có một cây vả tốt lá, Ngài “đến” nhưng không “tìm thấy” trái vả nào, chỉ thấy lá thôi. Ngài đã rủa cây vả (Mc 11,14), và sáng hôm sau, các môn đệ thấy cây vả đã héo khô tận rễ (Mc 11,20). Chuyện cây vả ở Mác-cô có đôi nét giống với dụ ngôn cây vả trong Luca. Cả hai cây vả đều không có trái. Giống như ông chủ, Đức Giêsu đã đến và không tìm thấy trái nơi cây vả. Điểm khác nhau là một cây vả đã héo khô, cây kia còn hy vọng có trái.
  8. Sám hối là ăn năn, đau đớn vì tội của mình, và thực hành những hình thức như ăn chay, hãm mình, cầu nguyện và làm việc thiện. Mọi điều trên đây đều tốt và nên làm. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay còn cho ta một cái nhìn tích cực hơn về sám hối. Sám hối là sinh trái trong cuộc sống của mình, những hoa trái tốt lành và phong phú mà Thiên Chúa đang chờ mong nơi ta.

Top