Học “Chữ Ái” giữa đại ngàn Kontum

Học “Chữ Ái” giữa đại ngàn Kontum

WGPSG -- Tin Mừng là món quà vô giá Thiên Chúa trao ban cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, quốc gia, lãnh thổ. Vì thế, chúng ta có trách nhiệm ra đi loan báo Tin Mừng.

Xuất phát từ Thành phố Biên Hòa lúc 18g00 ngày 20/4/2012, xuyên qua màn đêm trong giấc ngủ vật vờ, gần 200 anh chị em trong Câu lạc bộ Phanxicô Xaviê Biên Hòa đã đến đồi Đức Mẹ Giang Sơn (Gp. Buôn Mê Thuột) lúc 05g30 ngày 21/4/2012. Giá rét ban mai của núi rừng không đủ lạnh đối với khách hành hương, khi họ phải vượt gần 2km đường dốc để đến với Đức Mẹ Giang Sơn ở độ cao 860m so với mặt nước biển, để khởi đầu chuyến ủy lạo tại Giáo phận Kontum. Nửa giờ kinh thật sốt sắng dâng lên Mẹ, kêu xin Mẹ đỡ nâng, chở che để chuyến đi được bình an và mang lại niềm vui cho mọi người.

Tại Trung tâm Truyền giáo Pleikly, hạt Pleiku, Gp. Kontum

Sau giờ cơm trưa, đoàn đã rời Thành phố Buôn Mê Thuột lúc 13g00 để đến Trung tâm Truyền giáo Pleikly, thuộc hạt Pleiku, Gp. Kon Tum lúc 16g00. Đón tiếp đoàn có Cha phụ trách Trung tâm Phaolô Nguyễn Đình Thi, CSsR; Cha Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR cùng quý vị trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ và bà con dân tộc J’rai.

Lúc 18g00, đoàn đã tham dự Thánh lễ ngoài trời cùng với bà con giáo dân do Cha Giuse Trần Sĩ Tín chủ tế. Sự hội nhập văn hóa được thể hiện rõ nét từ y phục của linh mục, đến những lời ca hòa cùng điệu nhạc âm vang cồng chiêng, những vũ điệu đơn giản đan xen những tiếng vỗ tay trong Thánh lễ... đã gây ấn tượng sâu sắc cho các thành viên trong đoàn.

Sau Thánh lễ, đoàn đã tham dự Lễ hội cồng chiêng cùng với bà con dân tộc J’rai và phát gần 700 phần quà cho bà con và trẻ em. Chị Cao Thị Oanh - phụ trách nhóm “Bốn phương” tươi cười nói: “Các em nhỏ nhận quà rất trật tự, không chen lấn, thấy dễ thương vô cùng!”

Cha Giuse Trần Sĩ Tín cho biết: “Trung tâm Truyền giáo Pleikly hiện quản lý 13 buôn làng người dân tộc J’rai cũng như người kinh sinh sống trong một vùng đường kính khoảng 50km. Vì thế, ngoài giáo điểm Pleikly, Trung tâm còn phụ trách 3 giáo điểm khác là giáo điểm Ia le, giáo điểm Buôn Treng và giáo điểm Phú Nhơn (dành cho người Kinh), với hơn 4700 giáo dân người dân tộc J’rai và 2600 dân tộc Kinh”.

Cha Phaolô Nguyễn Đình Thi tâm sự: “Cánh đồng truyền giáo tại Tây Nguyên còn rất rộng, nhưng thiếu những Nhà Truyền giáo đến để gieo hạt giống Tin Mừng Đức Kitô”. Ngài cho biết thêm, sáng mai, Chúa nhật thứ III Phục sinh (ngày 22/4/2012), tại Trung tâm sẽ tổ chức Thánh lễ Rửa Tội cho 60 Dự tòng, hợp thức hóa cho 32 đôi hôn phối và có 130 em Rước lễ lần đầu. Được biết, lễ Phục sinh năm 2012, Trung tâm cũng đã rửa tội cho 180 Dự tòng và hợp thức hóa cho 20 đôi hôn phối.

Rời Trung tâm Truyền giáo Pleikly lúc 20g30 để lên Gia Lai nghỉ đêm, ông Đỗ Văn Hoán bồi hồi nói: “Cứ tưởng rằng mình đi thực thi bác ái, nhưng ngược lại mình đã học được ‘Chữ Ái’ tại nơi đây. Quý cha đã hy sinh dấn thân cho công cuộc truyền giáo, còn người dân tộc, họ sống rất đơn sơ, mộc mạc, thật thà và sống bác ái với nhau”.

Tại nhà thờ Pleichuet, hạt Pleiku, Gp. Kontum

Lúc 06g00 Chúa nhật 22/4/2012, đoàn đã đến tham dự Thánh lễ Chúa III Phục Sinh tại nhà thờ Pleichuet do Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh - Giám mục Gp. Kontum - chủ tế. Đồng tế với ngài có cha chánh xứ GB Nguyễn Minh Trí cùng hơn 1000 người dân tộc J’rai dự lễ. Trong bài giảng, Đức cha đã mời gọi mọi người hãy lên đường, đi đến những miền xa xôi hẻo lánh, để làm chứng và loan báo Tin Mừng cứu độ đến mọi người. Chính sự tham dự Thánh lễ của các thành viên trong Câu lạc bộ Phanxicô Xaviê Biên Hòa cùng với bà con dân tộc tại giáo xứ Pleichuet, đã thể hiện sự hiệp nhất của người Kitô hữu trong một đàn chiên.

Dân tộc J’rai cũng độc đáo trong nghệ thuật chơi chiêng, cồng, trống... nên trong Thánh lễ, các nghệ sĩ đã trình tấu những điệu nhạc thánh ca nghe thấu lòng người.

Cha chánh xứ GB Nguyễn Minh Trí cho biết: “Loan báo Tin Mừng là công việc lâu dài, và là sự khích lệ lớn đối với các linh mục tại Gp. Kontum. Khi sống với bà con người dân tộc, chúng ta phải thể hiện lòng yêu mến họ, từ con người đến y phục, tập quán, nhạc cụ cồng chiêng và nền văn hóa của họ”.

Sau Thánh lễ, đoàn đã giao lưu và phát hơn 1000 phần quà cho mọi người đến tham dự Thánh lễ. Đức cha Micae đã ân cần bồng bế các trẻ nhỏ, đến hỏi thăm người lớn tuổi, cũng như tham dự vũ điệu Tây nguyên với mọi người, đã tạo sự gần gũi giữa vị chủ chăn và đàn chiên.

Tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen, hạt Pleiku, Gp. Kontum

Rời nhà thờ Pleichuet lúc 08g00, đoàn đã vượt hơn 100km để đến Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen lúc 11g30 trưa. Đứng giữa trưa nắng, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đã dâng Thánh lễ Chúa III Phục Sinh cho khách hành hương. Chia sẻ Tin Mừng, ngài nhấn mạnh đến ba yếu tố mà người Kitô phải thực hiện, để loan báo Tin Mừng cho mọi người:

- Khi đã nhận biết Chúa, chúng ta chỉ tin có một Thiên Chúa là Cha, là Đấng tác tạo muôn loài.

- Phải sống và thực thi giới răn của Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

- Chỉ khi sống và thực thi đức ái, chúng ta mới có thể hoàn thành sứ vụ rao giảng và làm chứng Tin Mừng cho mọi người, như Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Anh em hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo” (Mc 16, 15).

Thánh lễ kết thúc 12g30, đoàn trở về Tòa Giám mục Kontum lúc 14g00 để ăn trưa và nghỉ ngơi. Đúng 16g30, đoàn đã khởi hành đến Cô nhi viện Vinh Sơn 4.

Tại Cô nhi viện Vinh Sơn, hạt Pleiku, Gp. Kontum

Cô nhi viện Vinh Sơn 4 nằm cách thị xã Kontum khoảng 12 km, thuộc xã Đăk Tờ, huyện Kon Rẫy, được xơ Ya Liêng, dân tộc Xơ Đăng (mà người Kontum gọi chệch là Yáo Liêng) lập ra để đón nhận những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa hoặc bố mẹ quá khó khăn.

Xơ Yáo Liêng rất vui khi chúng tôi đến. Xơ nói tiếng Kinh không rành nhưng luôn miệng cám ơn chúng tôi đã có lòng nghĩ đến các em nhỏ. Xơ cho biết ở Vinh Sơn 4 có trên 170 em, nếu cộng 6 trại Cô nhi Vinh Sơn, có trên 500 mảnh đời bất hạnh đang được các nữ tu dòng “Ảnh Làm Phép Lạ” cưu mang như con ruột. Xơ Yáo kể tiếp: Có đứa trẻ hồi nhỏ mẹ địu sau lưng, nửa đêm về sáng đem bỏ con trước cổng Cô nhi viện vì nhà quá nghèo, ngày đêm quay quắt kiếm cái ăn nhưng không đủ sống. Hoặc cũng có trường hợp, đứa bé bị bệnh liên tục, đã đến nhiều thầy cúng nhưng không khỏi, sống èo uột mà con “ma làng” vẫn không chịu bắt đi, nên Yáo mang về nuôi nấng.

Khi tận mắt thấy những ánh mắt ngây thơ, cuộc sống thật hồn nhiên nơi núi rừng heo hút, và vui cười tíu tít, vì chẳng mấy khi có người lạ đến chơi, nên nhiều nhà hảo tâm đã chạnh lòng gửi đến xơ Yáo những khoản tiền, hầu giúp phần nào chi phí cho các xơ.

Rời Cô nhi viện lúc 18g30 trong trời mưa nặng hạt, đoàn xe gồm 5 chiếc nối đuôi nhau trên đường trở về Pleiku. Ngồi trên xe, ông Phạm Văn Hội, Trưởng ban tổ chức cho biết: “Đây là chuyến đi đông nhất từ trước tới nay với mục đích: để các nhà hảo tâm tận mắt chứng kiến những giáo điểm, những nơi nghèo khổ mà họ đã giúp đỡ từ trước tời nay. Chi phí đi lại, ăn uống... cá nhân người tham gia đóng góp, không sử dụng vào tiền ủy lạo”.

Chuyến ủy lạo thật hữu ích vì đã đọng lại trong tâm trí mọi người hình ảnh sự dấn thân của Đức cha Micae, của các linh mục, tu sĩ, quý xơ và mọi người đã chăm lo cho cánh đồng truyền giáo tại Tây Nguyên, như lời Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít! Vậy các ngươi hãy xin Chủ mùa sai thợ gặt đồng lúa của Người” (Mt 9,33).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top