Gx. Bình An Thượng & Bà cố Maria

Gx. Bình An Thượng & Bà cố Maria

WGPSG -- Trong niềm tin vào lời Chúa hứa: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào ta sẽ không chết bao giờ”, giáo xứ Bình An Thượng đã long trọng chào đón Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, về dâng Thánh lễ an táng cho Bà cố Maria Nguyễn Thị Vãn vào lúc 09g00 thứ Bảy 24/11/2012 tại thánh đường giáo xứ Bình An Thượng. Bà cố Maria đã được Chúa gọi về vào ngày thứ Tư 21/11/2012, hưởng thọ 95 tuổi.

Thánh lễ do Đức cha Giuse chủ tế. Đồng tế với ngài có khoảng 80 cha, trong đó có cha Tổng Đại diện Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, quý cha quản hạt, quý cha bề trên và quý cha. Tham dự Thánh lễ còn có quý tu sĩ nam nữ, gia đình tang quyến và giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Đúng 9g00, linh cữu của bà cố Maria được đưa vào trong nhà thờ, theo sau là quý cha đồng tế và Đức cha. Đoàn người tiến vào nhà thờ trong tiếng hát “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ…” Đầu Thánh lễ, Đức cha có đôi lời: “….Lúc còn sinh thời, bà cố đến giáo đường này trong tư cách là người dâng lễ, hôm nay, bà cố đến đây trong tư cách là của lễ được tiến dâng. Nhưng dù là người dâng lễ hay của lễ thì vẫn là lời tuyên xưng vào Đức Kitô Phục sinh…”

Trong bài giảng, Đức cha đã chia sẻ: “…Lời kinh được đọc nhiều nhất trong tháng 11, cách riêng là bên linh cữu bà cố Maria trong mấy ngày gần đây, đó là lời kinh “Từ vực sâu”. Lời kinh này khởi đi từ Thánh vịnh 129. Trước hết, lời kinh mang màu sám hối, màu hy vọng. Đây là lời kinh khiêm tốn, cậy trông thể hiện qua thái độ chân thành, khi tín hữu nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình trước Thiên Chúa thánh thiện. Cứ sức người kêu gào làm sao có thể đạt thấu đến Thiên Chúa… Đó là sự bất lực của chủ thể lời kinh trước hiện thực đời mình giống như người bị sa chân xuống hố chỉ biết ngửa mặt khấn xin. Đây không phải là lời kinh tuyệt vọng mà là lời có địa chỉ gửi trao, dâng lên Thiên Chúa. Lạy Chúa là Đấng luôn lắng tai để ý, dễ dàng quên đi những lỗi tội, sẵn sàng ra tay cứu vớt từ vực sâu và đưa lên hội nhập vào cuộc sống đong đầy.

Ý thứ hai tôi muốn nói, lời kinh còn là lời hiệp thông cứu rỗi. Chúng ta cùng đọc kinh này, nhưng chủ từ là số ít “Lạy chúa, từ vực sâu con kêu lên Chúa”. Như thế, nếu còn sống, người ta được khắc họa về ý thức và trách nhiệm cá nhân. Còn nếu đã khuất như cụ cố Maria đây thì người ta lại được nhắc nhở về một thực tế là mình không còn làm gì được cho mình nữa. Nhưng chính ở đáy vực sâu này, Hội Thánh đã mở ra cho chúng ta một nhãn giới về mầu nhiệm các Thánh cùng thông công. Một cách gián tiếp, tín hữu bước vào mầu nhiệm này trong lời kinh để cậy nhờ vào công đức thiêng liêng của các Thánh trên trời là những Đấng đã lập công và được hưởng hạnh phúc bên Chúa rồi, lại còn dư tràn mà chuyển thông cho người cần đến. Nước chảy về chỗ trống. Ai khiêm tốn biết mình ở đáy vực sâu để kêu xin thì sẽ được hưởng nhờ. Đây là nét đẹp vừa linh thiêng vừa mầu nhiệm, vừa nhân bản sống động của kinh Từ vực sâu.

Quay lại bầu khí của Thánh lễ, lời kinh này còn là lời kinh nối linh thiêng vào đời. Nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng, Chúa Giêsu sẽ bao bọc tất cả những kẻ thuộc về Ngài bằng lời kinh của Ngài. Ngài chia sẻ: “Ngài ở đâu thì Ngài cũng muốn những kẻ thuộc về Ngài cũng được ở đó với Ngài. Cụ cố Maria cả cuộc đời đã gắn bó theo Chúa, Chúa ban cho cụ 95 tuổi đời với trách nhiệm của một tín hữu, với trọng trách trong một gia đình là hiền thê, hiền mẫu và là bà của một dòng con cháu đông đúc. Ở đó, bà đã chu toàn trách vụ làm mẹ, làm bà, làm con Chúa và làm tín hữu giữa lòng giáo xứ. Trong trái tim của bà có một ngăn rất lớn dành cho gia đình. Và còn một ngăn lớn nữa dành cho Thiên Chúa và Giáo hội. Bà đã dâng hiến người con (Cha Giuse Trịnh Tín Ý – chính xứ Gx. Vinh Sơn và là Tổng Thư ký Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam), người cháu (Cha Phanxicô Xaviê Phạm Đình Sơn – linh mục thuộc Giáo phận Yokohama). Đây là một nét đẹp trong gia đình bà cố. Chính vì vậy, chúng ta tin rằng, lúc bà cố ra đi cũng là lúc bà cố nối linh thiêng vào đời. Được gần bên Chúa, bà cố sẽ đem sự sống của Thiên Chúa nối vào trong gia đình, người thân để rồi tất cả cùng hòa một nhịp thờ kính Thiên Chúa và chan chứa niềm hy vọng. Mặc dù còn những vòng hoa thương tiếc, nhưng tin rằng với lời lẽ này, bà cố sẽ được nâng đỡ bằng tâm tình và lời kinh của mọi người để chuyến đi dài không là chuyến đi cô đơn nhưng sẽ là chuyến đi chan chứa hy vọng, niềm vui. Không phải đi vào nơi xa lắc xa lơ mà như Cha Tiến Lộc đã dẫn lễ, đó là “đi vào dự bữa tiệc muôn đời….”
Sau đó, Đức cha đã mời ca sĩ Nguyễn Hồng Ân thay lời những người con, cháu để hát tặng bà cố Maria một bài hát rất cảm động nói về công ơn bao la của mẹ, người con dù đã khôn lớn nhưng vẫn luôn là nhỏ bé trong mắt của mẹ.

Sau phần rước lễ, để tỏ lòng tri ân bà cố Maria thay cho người anh em là Cha Giuse Trịnh Tín Ý, Cha Kim Long đã hát một bài hát do cha sáng tác vào lúc mẹ của cha qua đời. Cha đã dựa vào hai ý của Kinh Hòa Bình để sáng tác bài hát này: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Cuối lễ, Ông cố Thuận – bố của Cha PX Phạm Đình Sơn, đại diện tang quyến, đã nói lời tri ân sâu sắc đến Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ; lời cám ơn chân thành đến mọi người đã có mặt trong Thánh lễ hôm nay để dâng lễ cầu nguyện và tiễn biệt Bà cố Maria. Xin mọi người tiếp tục thêm lời cầu nguyện cho bà cố để bà sớm được về hưởng nhan thánh Chúa.

Sau đó là nghi thức Phó dâng và Từ biệt cho Bà cố Maria trước khi đưa linh cữu của bà cố ra nghĩa trang Gx. Bình An Thượng để an táng.
Thánh lễ kết thúc, sự đau buồn tiếc thương bà cố vẫn còn hiện diện trên khuôn mặt người thân trong gia đình và giáo dân tham dự Thánh lễ. Nhưng với những lời kinh cầu nguyện chân thành của gia đình, họ hàng, bạn hữu xa gần, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót sẽ dành cho cụ cố Maria những bước đi thanh thản trong cuộc hành trình tiến về quê hương Nước Trời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top