Gx. Bình An Thượng: Chút tâm tình sám hối

Gx. Bình An Thượng: Chút tâm tình sám hối

Mùa Chay là mùa ăn năn sám hối, quyết tâm trở về với Chúa. Vậy “Sám hối” là gì và chúng ta phải sám hối như thế nào?

Trong các Thánh lễ chiều lúc 18g00 các ngày thứ Hai, Ba,Tư 04,05,06/4/2011, giáo xứ Bình An Thượng rất vui mừng khi cha Giuse Đỗ Xuân Vĩnh, thuộc Đại Chủng viện Thánh Giuse về giúp cho người lớn và giới trẻ tĩnh tâm.

Chủ đề chính cha Giuse muốn truyền tải đến cộng đoàn giáo dân đó là “Sám hối”. Trong đó, mỗi ngày ngài sẽ chia sẻ từng ý nhỏ, gồm ba ý sau:

- Sám hối là giao hòa với Thiên Chúa
- Sám hối là giao hòa với chính mình
- Sám hối là giao hòa với Hội Thánh và tha nhân.

Ngày 1 - Sám hối là giao hòa với Thiên Chúa

Sám hối trước hết là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta. Thiên Chúa đã đi bước trước, yêu thương soi sáng để cho chúng ta có thể nhận ra được lỗi lầm của mình. Tình yêu thương của Thiên Chúa là vô bờ bến và Ngài luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

Ngày 2 - Sám hối là giao hòa với chính mình

Cha Giuse đã dựa vào Tin Mừng nói về dụ ngôn người cha nhân hậu (LC,15, 11-24) để chia sẻ với cộng đoàn. Đây được xem là trang Tin Mừng đẹp nhất của Thánh Luca, dụ ngôn trên nói đến tình yêu thương dạt dào của người cha đối với con cái của mình, đồng thời cũng muốn nhấn mạnh đến khía cạnh khác đó là quyết định trở về của người con. Hàng ngày, người cha đứng ở ngưỡng cửa trông mong con mình trở về từng giờ từng phút, nhưng việc có trở về hay không thì người con phải là người quyết định, ông không thể làm điều đó thay cho con ông được. Và thật tuyệt vời khi con ông đã quyết định trở về, quyết định chấm dứt những tháng ngày lẫm lỗi để trở về với người cha già thân yêu. Đó cũng là điều mà ngài muốn chia sẻ hôm nay: “Sám hối phải là quyết định tự do của con người”.

Cha chia sẻ tiếp: Dụ ngôn vừa nghe cho chúng ta khẳng định - Sám hối là ơn Thiên Chúa ban, nhưng sám hối chỉ thực sự có khi con người hối hận vể tội lỗi của mình và quyết định trở về với Thiên Chúa. Sám hối đích thực phải bao gồm hai việc là hối hận và quyết định trở về với Chúa. Có nghĩa là nếu không hối hận về lỗi lầm đã phạm thì quyết định trở về dường như không có ý nghĩa.

Ngày đầu cha Giuse đã nói: Sám hối trước hết là gia tăng niềm tin vào Thiên Chúa thông qua việc cầu nguyện, hôm nay sám hối là hối hận về lỗi lầm của mình. Cầu nguyện không tách rời với việc nhìn nhận tội lỗi của mình. Qua đó, chúng ta hiểu vì sao Hội Thánh kêu gọi việc ăn chay, hãm mình, hy sinh. Cầu nguyện là đổi mới tương quan với Thiên Chúa thì ăn chay hãm mình là đổi mới tương quan với chính mình. Đỉnh cao của việc sám hối là quyết định đi đến Bí tích thống hối, là phương thế Chúa Giê su đã lập để ban ơn tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta, đồng thời giúp chúng ta có thêm sức mạnh để chiến đấu với tội lỗi của mình. Ngài nhấn mạnh: Việc sám hối của chúng ta không phải là sự trao đổi sòng phẳng với ơn tha thứ của Thiên Chúa, theo nghĩa con đã sám hối thì Thiên Chúa phải tha thứ cho con. Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta điều gì cả, nhưng chính vì tình yêu mà Ngài luôn tha thứ cho chúng ta. Tuy nhiên sẽ có nhiều người thắc mắc rằng: “Thiên Chúa luôn tha thứ, vậy tôi cần gì phải sám hối?” Và câu giải đáp là: “Thiên Chúa luôn yêu thương và sẵn lòng tha thứ, nhưng ơn tha thứ ấy có đến được với mình hay không là tùy thuộc với quyết định tự do của mình có trở về với Thiên Chúa hay không?”

Cha Giuse đưa ra ba hình ảnh đẹp nhất, đó là: Một người mẹ bế con đi rửa tội về - Một hối nhân từ tòa giải tội bước ra - Một người lành thánh vừa mới qua đời. Hình ảnh thứ nhất chúng ta đã thực hiện rồi, hình ảnh thứ ba sẽ có nếu chúng ta thực hành hình ảnh thứ hai ngay từ hôm nay…

Ngày 3 - Sám hối là giao hòa với Hội Thánh và tha nhân

Bước vào buổi tĩnh tâm cuối cùng, cha Giuse đã căn cứ vào đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (19, 1-10) nói về ông Gia-kêu, một trưởng ty thu thuế luôn bị người Do Thái coi khinh và bị xem là người tội lỗi, một tội nhân công khai để hướng cộng đoàn đi vào tâm tình giao hòa với Hội Thánh và tha nhân.

Ông Gia-kêu là người giàu có nhưng ông chưa thỏa mãn. Ông còn đang tìm kiếm một điều gì đó quan trọng cho cuộc đời của ông. Và khi nghe nói về việc Chúa Giê su chữa lành một người mù ở Mê-ri-cô, ông ước mong được gặp Chúa. Chúa đã đi bước trước để thỏa lấp nỗi khao khát của ông. Chính Chúa đã tìm kiếm ông trước, nhờ đó, ông đã được gặp Chúa. Ông đã mở cửa lòng mình để gặp Chúa trước khi mở cửa nhà mình để đón tiếp Chúa. Và ông đã mở lòng với tha nhân, ông hứa sẽ lấy một tài sản để chia cho người nghèo và xin đền gấp 4 cho những gì ông đã gây thiệt hại cho người khác.

Ý thứ nhất cha Giuse muốn chia sẻ: “Sám hối là giao hòa với Hội Thánh” qua vị linh mục là đại diện cho Hội Thánh. Nhiều người tự hỏi: Chúng ta có thể xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa được không? Tại sao phải xưng tội với linh mục? Vì xưng tội với Thiên Chúa và ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa có liên quan gì đến Hội Thánh, đến linh mục đâu?

Ngài nhắc nhớ rằng: Tội lỗi chúng ta phạm không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa mà còn xúc phạm đến Hội Thánh. Hội Thánh là một nhiệm thể, trong đó chúng ta liên đới và hiệp thông với nhau. Trước hết là sự liên đới trong ân sủng của Thiên Chúa, và sau đó chúng ta cũng liên đới với nhau trong tội lỗi. Tội lỗi của một người ảnh hưởng đến các anh chị em khác và ảnh hưởng đến Hội Thánh. Khi ban lời tha tội, linh mục không thi hành với tư cách cá nhân nhưng nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và với quyền năng Hội Thánh ủy nhiệm, linh mục ban ơn tha tội cho chúng ta. Linh mục giải tội trong tư cách là đại diện cho Hội Thánh và chỉ trong Hội Thánh, chúng ta mới lãnh nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi đón nhận ơn thứ tha qua trung gian Hội Thánh như thế, chúng ta được mời gọi giao hòa với anh em mình. Đó cũng là ý thứ hai Cha Giuse muốn chia sẻ tiếp trong Thánh lễ hôm nay.

Trên bình diện xã hội, khi người có lỗi nếu muốn được tha thứ thì phải thể hiện một hành động cụ thể nào đó, như một nụ cười xin cảm thông, một cái bắt tay làm hòa, một lời xin lỗi chân thành… Nếu nhờ Bí tích Giải tội, chúng ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì qua Hội Thánh, Ngài muốn chúng ta sửa chữa lỗi lầm đã phạm bằng những việc lành phúc đức. Đó cũng là ý nghĩa của việc đền tội, không chỉ thực thi những gì linh mục giải tội yêu cầu, mà người Kitô hữu được mọi gọi góp phần xây dựng xã hội bằng một cuộc sống đượm tình bác ái, yêu thương. Khi ta giúp đỡ tha nhân, làm việc lành là chúng ta đang tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Ngài đã ban và đã tha thứ cho chúng ta. Việc giao hòa với tha nhân bằng việc góp sức xây dựng cuộc đời liên hệ mật thiết với việc chúng ta giao hòa với Thiên Chúa và giao hòa với chính mình.

Kết thúc ngày tĩnh tâm cuối cùng, Cha Giuse đúc kết ngắn gọn ý nghĩa việc “Sám hối” qua các mối tương quan:

- Sám hối là đổi mới tương quan với Thiên Chúa
- Sám hối là đổi mới tương quan với chính mình
- Sám hối là đổi mới tương quan với Hội Thánh và tha nhân.

Đổi mới ba mối tương quan này là mục đích của Mùa Chay thánh, và Hội Thánh mời gọi chúng ta làm ba việc là cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Thật không dễ dàng thực thi ba việc làm này, nhưng Hội Thánh mời gọi chúng ta không ngừng thực tập để việc sám hối trở thành nhân đức cho chúng ta.

Cha Giuse đã dùng bốn câu hát trong bộ phim “Ngọc trong đá” của đạo diễn Trần Cảnh Ngôn để kết thúc 3 ngày tĩnh tâm:

“Hạnh phúc như ngọc trong đá. Không đến với ai đi qua hững hờ.
Hạnh phúc như mật trong hoa. Không đền với ai không nhọc nhằn tìm kiếm”.

Hạnh phúc Nước Trời không là hạnh phúc có sẵn. Hạnh phúc ấy chỉ có khi mình không ngừng dấn thân trong nỗ lực sám hối để giao hòa với Thiên Chúa, với chính minh, với Hội Thánh và với tha nhân.

Xin Chúa chúc lành cho những nỗ lực sám hối của chúng ta và xin Chúa ban ơn tha thứ cho chúng ta. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top