Giới thiệu đôi nét về Liên Hội đồng Giám mục Á châu (2)

Giới thiệu đôi nét về Liên Hội đồng Giám mục Á châu (2)

WGPSG -- Hội nghị khoáng đại thứ X của FABC sắp khai mạc tại Gp. Xuân Lộc - Việt Nam. Việc tìm hiểu nhiều hơn về FABC sẽ giúp cho những thành quả của FABC được phát huy nơi các cộng đoàn tín hữu tại Á châu.

Một mốc lịch sử

Nhà thần học Felix Wilfred, thuộc Ủy ban Tư vấn Thần học của LHĐGMAC, coi việc thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu như “một mốc trong lịch sử Kitô giáo tại châu Á”. Bởi vì, theo tác giả, trước đây các giám mục châu Á chưa hề có những cuộc gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau bàn bạc về những vấn đề lục địa phải đương đầu. Và cuộc gặp gỡ tại Manila, nguồn gốc của việc thành lập LHĐGMAC, đã “đánh dấu điểm khởi đầu của một ý thức mới về nhiều mối liên kết cổ truyền kết hợp các dân tộc trên phần đất này của trái đất. Mặc dù có nhiều khác biệt, các dân tộc tại châu Á cũng đã được ràng buộc với nhau do có sự giống nhau về tinh thần và cùng chia sẻ những giá trị luân lý và tôn giáo chung”. LHĐGMAC chính là nơi các Giáo Hội công giáo tại châu Á, qua các giám mục của mình, bắt đầu có các cuộc gặp gỡ có tính cách tổ chức, mặc dù với tính cách tự nguyện, để hỗ trợ nhau trong việc thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng tại châu Á.

Sự liên kết của các Giáo Hội tại châu Á qua LHĐGMAC cũng có thể được xem như nằm trong xu thế chung của các nước tại châu Á. Những năm 70 là thời kỳ của những biến chuyển lớn của lục địa châu Á đang muốn gột rửa khỏi những tàn tích của một chế độ thực dân và ngày càng ý thức rõ về chính mình, về những truyền thống văn hóa, những tiềm năng phong phú của mình và về cả những vấn đề, những thách thức chung các nước này đang phải đương đầu trong hiện tại, từ đó, nhu cầu hợp tác để phát triển ngày càng có tính thúc bách.

“Ngoài các mối liên kết truyền thống, các dân tộc tại châu Á ngày nay còn kinh nghiệm cũng những hình thức của điều kiện xã hội–chính trị, đối diện với những thách đố chung và chia sẻ những mối quan tâm tương tự. Điều này được diễn tả trên bình diện chính trị qua các tổ chức liên vùng như SAARC (South Asia Association of Regional Cooperation) và ASEAN (Association of South East Asian Nations / Hiệp Hội các Nước Đông Nam Á)”. Việc thành lập LHĐGMAC, do đó, không phải là việc tạo nên một cơ cấu Giáo Hội đơn thuần quy tụ các Giáo Hội tại một địa bàn địa lý lại với nhau, mà là một tổ chức biểu lộ nhiều quan hệ –lịch sử và đương thời– vốn đã có giữa các dân tộc Đông và Nam Á”.

Ảnh hưởng bước đầu

Tổng giám mục Henry D’Souza, tổng giáo phận Calcutta (Ấn Độ), sau hơn mười năm điều hành LHĐGMAC, trong cương vị Tổng thư ký (từ năm 1983), trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Asia Focus, đã có dịp trình bày kết quả công việc của LHĐGMAC cũng như những vấn đề và viễn cảnh của Giáo Hội tại châu Á trong những thập niên đầu của tổ chức này.

Theo Đức Tổng giám mục D’Souza, LHĐGMAC, qua các bài phát biểu tại các cuộc họp các giám mục thế giới cũng như qua các tài liệu được soạn một cách kỹ lưỡng và được gửi cho các giám mục tham gia các cuộc họp này, đã góp phần làm Giáo Hội hoàn vũ thêm ý thức về các thực tại Á châu và về nỗ lực của các Giáo Hội tại đây trong việc đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong các nền văn hóa và đến với các dân tộc, do đó đã làm phong phú cho tư duy về Thần học và về xã hội của Giáo Hội. LHĐGMAC cũng đã giúp Giáo Hội hoàn vũ đánh giá được những nét phong phú của châu Á.

Về việc đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong các nền văn hóa, Đức tổng giám mục nói rõ: “Ủy ban Tư vấn Thần học của LHĐGMAC đã có những suy nghĩ rất giá trị và có những công trình nghiên cứu thần học về Giáo Hội địa phương và về vai trò của Giáo Hội địa phương tại châu Á này. Giờ đây, người ta đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh Á châu trong suy tư Thần học và trong công tác nghiên cứu và giảng dạy tại các Đại học.

Đối với các giám mục và các Hội đồng Giám mục tại châu Á, theo vị Tổng thư ký, “LHĐGMAC đã giúp các giám mục Á châu thảo luận các vấn đề và hoạt động liên quan đến các thực tại của đại lục này. LHĐGMAC đã góp phần mang lại cho Giáo Hội một căn tính Á châu. Nhưng LHĐGMAC để cho các giám mục tự do hành động tùy theo các nhu cầu của Giáo Hội địa phương và các điều kiện hiện tại ở đó. Qua các Văn phòng phụ trách các vấn đề khác nhau, LHĐGMAC đã đưa ra những gợi ý và định hướng cho việc rao giảng Tin Mừng và hoạt động của các Giáo Hội Á châu.

Trong bài trả lời phỏng vấn này, Đức cha Tổng thư ký cũng đã không ngần ngại nêu lên những nhược điểm của LHĐGMAC:

“Người Kitô là một thiểu số ở Á châu. Khi hàng triệu người tìm thấy sự cứu độ và hạnh phúc của họ nơi các tôn giáo và các nền văn hóa Á châu sống động, điều này là một thách đố cho việc rao giảng Phúc Âm.
“Nhưng châu Á là một lục địa của giới trẻ – hơn một nửa dân số châu Á dưới 25 tuổi. Và mặc dù là một thiểu số, Giáo Hội có ảnh hưởng rất lớn qua các công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Điều này có thể giúp ích cho việc rao giảng Tin Mừng...
“Một cộng đồng được giáo dục có thể làm được nhiều việc để giải phóng mình và người khác khỏi sự hủ hóa, bóc lột và các thế lực tự tư tự lợi hiện đang chế ngự các nước Á châu. Vì Giáo Hội dấn thân rất nhiều  vào lĩnh vực giáo dục, Giáo Hội cũng có thể là một sức mạnh để giải phóng khỏi các hệ thống áp bức của các truyền thống lâu đời”.
Vị Tổng thư ký hiện tại của LHĐGMAC
Vào cuộc họp ngày 21.10.2011 tại Bangkok (Thái Lan), Ủy ban Trung ương của LHĐGMAC đã bầu hồng y Gracias, Tổng giám mục Mumbai và chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ, làm Tổng thư ký mới của LHĐGMAC từ 1.1.2012, thay thế Tổng giám mục Orlando B. Quevedo, OMI, từ Philippines, người đã giữ chức vụ này hai khóa. Nhiệm kỳ của Hồng y Gracias sẽ kéo dài ba năm và có thể được bầu lại khi mãn nhiệm kỳ. Hồng y Gracias đã là thành viên ban lãnh đạo của Văn phòng Truyền thông Xã hội (OSC: Office of Social Communications) hai nhiệm kỳ từ 2004 đến 2010.
Ủy ban Trung ương của LHĐGMAC trong phiên họp vào tháng 11/2011 cũng đã quyết định Hội nghị Khoáng đại lần thứ X sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2012 này, nhân kỷ niệm lần thứ 40 Quy chế của LHĐGMAC được Tòa Thánh phê chuẩn (16.11.1972).
Liên Hội đồng Giám mục Á châu (LHĐGMAC) ấn hành đều đặn các tập tài liệu có tên gọi For All The Peoples of Asia tập hợp các bản báo cáo hướng dẫn của các nhà thần học, các tham luận của các giám mục tại các hội nghị... Các thông tin về các hoạt động, hội nghị và văn kiện của LHĐGMAC có thể tìm thấy trên www.fabc.org
Ngôn ngữ được sử dụng tại LHĐGMAC là tiếng Anh. Để tiện việc theo dõi các văn kiện, thông tin của LHĐGMAC chúng tôi xin giới thiệu ở đây một số chữ viết tắt thường gặp trong các ấn phẩm và văn kiện của LHĐGMAC:
FABC:       The Federation of Asian Bishops’ Conferences
                   Liên Hội đồng Giám mục Á châu (LHĐGMAC)
OHD:         Office of Human Development
                   Văn phòng Phát triển Con người
OE:            Office of Evangelization
                   Văn phòng Rao giảng Tin Mừng
OEIA:        Office of Ecumenical and Interreligious Affairs
                   Văn phòng các vấn đề Ðại kết và Liên tôn
OSC:          Office of Social Communications
                   Văn phòng Truyền thông Xã hội
OTC:         Office of Theological Concerns
                   Văn phòng Quan tâm về Thần học
OESC:       Office of Education and Student Chaplaincy
                   Văn phòng Giáo dục và Tuyên úy Sinh viên
OL:            Office of the Laity
                   Văn phòng Giáo dân
OC:            Office of Clergy
                   Văn phòng Giáo sĩ
OCL:         Office of Consecrated Life
                   Văn phòng Tu sĩ
Seven Steps gospel sharing method
Phương pháp Chia sẻ Tin Mừng qua bảy bước
Group Response
Đáp ứng nhóm
Bible–Mirror method
Phương pháp Suy xét theo Thánh Kinh
Life–Bible–Notes
Chương trình Quyết tâm sống theo Lời Chúa
Amos Programme
Chương trình Amos
Look–Listen–Love
Nhìn ngắm–Lắng nghe–Yêu mến
 AsIPA:      Asian Integral Pastoral Approach
                   Xúc tiến Mục vụ Hội nhập tại châu Á
BECs:        Basic Ecclesial Communities
                   Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản
BIBA:        Bishops’ Institute for the Biblical Apostolate
                   Khoa đào tạo về Tông đồ Thánh Kinh trực thuộc Hội đồng Giám mục
BILA:        Bishops’ Institute on Lay Apostolate
                   Khoa đào tạo về Tông đồ Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục
BIS:           Bishops’ Institute for Social
                   Khoa đào tạo về Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục
BISCOM:  Bishops’ Institute for Social Communication
                   Khoa đào tạo về Truyền thông trực thuộc Hội đồng Giám mục
BPMA:      Biblical Pastoral Ministry in Asia
                   Ủy ban Mục vụ Thánh Kinh tại châu Á
CBF:          Catholic Biblical Federation
                   Liên đoàn Thánh Kinh Công giáo
SCCs:        Small Christian Communities
                   Cộng đoàn Kitô nhóm nhỏ
Tài liệu
Những con số thống kê…
James H. Kroeger đưa ra những con số thống kê về dân số của các nước tại châu Á, về tỷ lệ người Công giáo tại các nước này vào những năm cuối của Thiên niên kỷ thứ hai, những con số không thể không đặt Sứ vụ rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô tại châu Á trong Thiên niên kỷ thứ ba này trước những thách thức thật lớn lao. Chúng tôi xin ghi lại ở đây một số trong các con số này để độc giả có thể có một hình ảnh cụ thể về sự lớn lao của những thách thức này.
Châu Á
Châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất thế giới, chiếm một phần ba số đất đai của toàn thể thế giới (17.124.000 dặm vuông), là nơi có hơn 60% dân số loài người sinh sống. Châu Á còn là một lục địa của người trẻ (gần 40% dưới 15 tuổi) với hơn 30 thành phố khổng lồ có dân số từ 5 đến 20 triệu người. Chín quốc gia đông dân nhất, tính từ trên xuống: Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêsia, Nhật Bản, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam, Philippines và Thái Lan. Trung Quốc và Ấn Độ có số dân vượt quá một tỷ. Bên cạnh khối người đông đúc này là những khác biệt, thậm chí, mâu thuẫn về tự nhiên, dân tộc, xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo.
Như Đức hồng y Stephen Kim Sou–hwan của Hàn quốc ghi nhận tại Khóa đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục về châu Á họp tại Roma (18.4–14.5.1998), châu Á không chỉ được hình thành từ “nhiều quốc gia khác nhau mà, người ta có thể nói, từ nhiều thế giới khác nhau”. Thực vậy, theo một nghĩa nào đó, phải nói là “có nhiều châu Á”.
Châu Á còn là một lục địa có nhiều nền văn hóa không phải là Kitô giáo. Đây là quê hương của ba tôn giáo thế giới lớn. Ấn giáo, Phật giáo và Hồi giáo. 85% người không phải là Kitô giáo của thế giới tập trung tại châu Á và là tín đồ của nhiều tôn giáo lớn. Ấn giáo ra đời trên 5.000 năm nay, có khoảng 650 triệu tín đồ, đa số ở tại Ấn Độ và các vùng lân cận. Phật giáo là một tôn giáo và một triết lý sống phát triển từ Ấn giáo, có 300 triệu tín đồ, đa số ở tại châu Á. Hồi giáo được thiết lập vào thế kỷ thứ bẩy. Đây là một tôn giáo độc thần, thâu nạp các yếu tố của Do Thái giáo và niềm tin Kitô giáo, với khoảng 700 triệu tín đồ nguyên tại châu Á mà thôi; người Công giáo tại châu Á chiếm khoảng 100 triệu. Hai quốc gia Hồi giáo lớn nhất nằm tại châu Á: Inđônêsia và Bangladesh – mỗi nước có trên 100 triệu tín đồ. Các hệ thống triết lý–đạo đức và tôn giáo tại châu Á là Khổng giáo, Lão giáo, Thần giáo (Shintoism), cũng như nhiều hệ thống tín ngưỡng bản địa và truyền thống khác.
Công giáo tại châu Á
Người Công giáo trên toàn thế giới chiếm 17, 2% dân số toàn cầu; Kitô hữu chiếm 33, 1% của nhân loại. Tại châu Á, dân số công giáo gồm 105, 2 triệu người vào năm 1997, tức chỉ chiếm 2, 9% của gần 3, 5 tỷ người Á châu. Đáng để ý hơn nữa là trên 50% của tất cả người công giáo Á châu nằm trọn trong một quốc gia duy nhất là Philippines. Như vậy, nếu không kể Philippines, châu Á chỉ có khoảng 1% người công giáo. Tại tuyệt đại đa số các nước châu Á, Công giáo là một thiểu số rất nhỏ.
Giáo Hội công giáo tại châu Á tiếp tục tăng trưởng. Năm 1988, có 84, 3 triệu người Công giáo; năm 1997, con số này tăng thành 105, 2 triệu (tăng 20,9 triệu hay 25%).
Con số linh mục tăng từ 27.700 lên 32.291 trong khoảng thời gian chín năm (1988–1997); trong khi đó số chủng sinh tăng từ 19.090 tăng thành 25.842 cũng trong khoảng thời gian này. Các nước có số chủng sinh cao nhất (tính từ trên xuống) là Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc, và Việt Nam. Năm 1997 châu Á có 617 trong tổng số 4.420 giám mục trên toàn thế giới.
Số linh mục trong năm 1997 tại châu Á bao gồm 17.789 linh mục triều và 14.502 linh mục dòng. Hai phần ba số linh mục dòng là người châu Á; tuyệt đại đa số nữ tu là người Á châu (86%). Các nước có con số nữ tu người bản địa đông nhất tại châu Á (tính từ trên xuống): Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Inđônêsia và Việt Nam.
Giáo Hội tại châu Á nổi tiếng với việc dấn thân trong lĩnh vực đào tạo. Năm 1998 thống kê đưa ra các con số sau: nhà trẻ (9.388) với 1.861.530 cháu; vỡ lòng/cấp một (13.467) với 4.660.914 học sinh; trường cấp hai (7.935) với 4.195.208 học sinh; con số các học viên và sinh viên tại các trường cấp cao hơn là 703.834.
Người công giáo tại một số nước thành viên của LHĐGMAC vào cuối thiên niên thứ hai:

QUỐC GIA

TRIỆU

%

BANGLADESH

145,8

0,27

INDONESIA

202

2,58

NHẬT

127,7

0,36

KAZAKHSTAN

 

 

HÀN QUỐC

47,2

6,0

LÀO

6,2

0,9

MACAO

0,5

5,0

CAMPUCHIA

10,3

0,02

MALAYSIA

22

3,0

SINGAPORE

3,1

6,5

MYANMAR

48,8

1,3

PAKISTAN

142,6

0,6

PHILIPPINES

74,8

81,0

ĐÀI LOAN

22,1

1,4

THÁI LAN

20,8

8,0

VIỆT NAM

78,2

6,1

ẤN ĐỘ

990

1,72

NEPAL

23

0,05

SRI LANKA

20,8

8,0

PAKISTAN

142,6

0,6

TRIỀU TIÊN

22,6

?

BHUTAN

1, 8

0,02

TRUNG QUỐC

1,239,5

0,5

HONGKONG

6,9

4,7

Các con số có ý nghĩa to lớn và không thể không có tác động trên sự suy tư thần học và mục vụ của các Giáo Hội tại châu Á và của LHĐGMAC lúc này và trong tương lai.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top