Giáo xứ Tân Phú: Mừng kính 106 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Giáo xứ Tân Phú: Mừng kính 106 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Giáo xứ  Tân Phú: Mừng kính 106 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

TGPSG -- “Tung hô Nữ Vương cao sang hiển vinh, ôi Mẹ khiết trinh, tình lân ái hằng thương khắp người thế. Xin cho chúng con xa chốn trùng khơi, an bình sáng tươi. Lời hoan hỉ còn vang khắp muôn đời…”

Đó là những lời thánh ca trong cuộc cung nghinh thánh tượng Mẹ Maria trong thánh lễ kỷ niệm 106 năm ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối ngày 13-10-1917 tại Fatima, vào lúc 12g thứ Sáu ngày 13-10-2023 tại thánh đường giáo xứ Tân Phú, giáo hạt Tân Sơn Nhì.

Chủ tế thánh lễ là Lm Chánh xứ Giuse Lê Hoàng, đồng tế với ngài là các Lm phó xứ Giuse Trịnh Vĩnh Phúc, Giuse Vũ Hoàng Thanh và Micae Hoàng Hồng Hải.

Hiện diện trong thánh lễ có các nữ tu, HĐMVGX, các đoàn thể cùng cộng đoàn dân Chúa. Đặc biệt, hội các bà mẹ Công giáo trong áo dài xanh đứng ở các bàn đặt hoa huệ, vòng quanh hành lang thánh đường, để tặng cho cộng đoàn rước kiệu và dự lễ.

Buổi lễ có 3 phần

1. Cầu nguyện với Kinh Mân Côi:

Sau khi cộng đoàn quy tụ đông đủ, vào lúc 11g30, đã có giờ cầu nguyện với Kinh Truyền Tin, lần hạt Mân Côi 50 mùa Thương và kết thúc bằng bài hát ca ngợi Mẹ.

2.  Cung nghinh Mẹ Maria:

Trước cuộc cung nghinh, Lm chủ tế đọc lời nguyện và làm phép hoa cho toàn thể cộng đoàn, rồi trở về cung thánh làm phép Thánh tượng Mẹ Fatima. Cộng đoàn xếp hai hàng đi vòng quanh hành lang thánh đường với những bài hát tôn vinh Mẹ Maria. Thời tiết mát mẻ và khô ráo đã giúp cho cuộc rước trang nghiêm và long trọng.

3. Thánh lễ:

Sau khi trở vào nhà thờ, một lần nữa Lm chủ tế xông hướng thánh tượng Mẹ và bàn thánh trong lời hát nhập lễ. Lm chủ tế dẫn nhập vào thánh lễ: Hôm nay, ngày 13-10, chúng ta quy tụ nơi đây để tưởng nhớ biến cố Mẹ Maria hiện ra tại Fatima- Bồ Đào Nha với 3 mệnh lệnh: “Hãy ăn năn sám hối - lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái tim Đức Mẹ” Chúng ta tôn sùng Mẫu Tâm vì đó là mẫu gương tuyệt vời mà chúng ta phải noi theo. Chúng ta cầu nguyện với Mẹ và hãy nhớ lời nhắn nhủ của Mẹ với 3 mệnh lệnh để cùng được hưởng vinh quang với Mẹ.

Theo bài Tin Mừng Thánh Gioan trình thuật về tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11), Lm Micae Hoàng Hồng Hải đã diễn giải:

Hôm nay giữa buổi trưa và trời mưa gió, nhưng cộng đoàn tập trung đông đảo tại thánh đường để cùng hiệp dâng thánh lễ mừng Mẹ Maria. Vậy chúng ta chờ đợi điều gì nơi Mẹ? Đó là 3 điều sau:

1. Tình thương của Mẹ chở che chúng ta được ví như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh của mình. Trong vòng 6 tháng từ 13-05 đến 13-10-1917, khi thế chiến thứ nhất vẫn còn diễn ra, thì Mẹ đã hiện ra và gửi cho chúng ta Sứ điệp “Hãy ăn năn sám hối - lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái tim Đức Mẹ” và một năm sau đó, 1918 thế chiến thứ nhất kết thúc. Chúng ta tin chắc rằng đó là nhờ lời cầu nguyện của mỗi người biết vâng nghe theo sự hướng dẫn của Đức Mẹ. Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài cũng mời gọi chúng ta siêng năng lần chuỗi Mân côi. Ngài nói với Đức Hồng y Jose da Cruz Policarpo, Thượng phụ Lisboa là ngài muốn dâng hiến triều đại của ngài dưới sự che chở của Đức Trinh nữ Maria trong ngày 13-05. Vậy thì tâm tình đầu tiên mà chúng ta mong đợi đó là sự che chở của người Mẹ,  chiêm ngắm và học theo mẫu gương đời sống đức Tin của Mẹ. 

2. Chúng ta phải vâng nghe lời Chúa và sống khiêm tốn như Đức Mẹ. Trong một lần kia khi nghe Đức Giêsu giảng dạy thì có một người phụ nữ đã thốt lên “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”  (Lc 11,27),  nhưng Đức Giêsu lại trả lời người phụ nữ rằng “Phúc thay kẻ lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28)  Chẳng lẽ Chúa Giêsu lại làm cho Mẹ của mình mất đi phẩm giá sao? Không. Chúa Giêsu có mục đích làm cho người Mẹ đầy yêu thương của Ngài được mọi người chiêm ngắm vì “Mẹ là người lắng nghe và vâng theo lời Thiên Chúa và còn suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19), kể cả trong hoàn cảnh bi đát nhất là lúc đứng dưới chân Thập giá Chúa Giêsu. Một người Mẹ đã trung kiên đứng dưới chân Thập giá của con mình, nhìn con chịu đau khổ. Cộng đoàn hãy học nơi Mẹ sự lắng nghe và sự vâng phục lời Thiên Chúa, dù bình an hay sóng gió, dù phẳng lặng hay thử thách. Chúa muốn dạy chúng ta “Xin vâng” như trong tiệc cưới Cana, Mẹ dạy gia nhân “Người bảo gì thì các anh hãy làm theo” (Ga 2,5). Ngày hôm nay Mẹ cũng muốn dạy chúng ta “Các con hãy chạy đến với Chúa Giêsu và Người bảo gì thì các con hãy làm như thế”

3. Hãy khiêm tốn như Mẹ. Khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta thấy lời của bà Elizabeth nói với Đức Mẹ “Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ (Lc 1,42). Quả đúng là Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ, nhưng Mẹ lại xưng mình là nữ tì của Chúa. Đức Mẹ nhận ra rằng mọi hồng ân đều đến từ lòng thương xót của Chúa. Trong bài đáp ca Mangificat, Mẹ nhận mình là nữ tỳ, là phận nhỏ, là nghèo khó nhưng đã được Chúa biểu dương và nâng cao.

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Đức Mẹ và học bài học khiêm tốn từ Mẹ. Nhưng đôi khi chúng ta chưa học trọn. Có những người ích kỷ, kiêu căng, họ chỉ nhìn thấy cái xấu nơi người khác; chỉ biết soi mói chỉ trích và lên án người khác. Vì vậy mà mất đi bình an trong gia đình trong cộng đoàn, cũng như trong giáo xứ. Chúng ta sống khiêm tốn thì lòng thương xót của Chúa sẽ đổ đầy tràn cho lòng mỗi người chúng ta và chúng ta sẽ nhận được sự bình an.

Trong lịch sử, ngày 13-10-1917 là lần cuối  Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng và hơn 10.000 người tập trung tại cánh đồng Cova da Irina, trời đã mưa như trút nước xuống, cánh đồng Cova lúc đó bị ngập nước, rồi khi Đức Mẹ hiện ra thì phép lạ mặt trời nhảy múa và sau đó toàn bộ mặt đất và toàn bộ y phục của những người tham dự chứng kiến phép lạ xảy ra, đều khô ráo. Hôm nay, trời cũng mưa to, nhưng chúng ta không đợi phép lạ để được khô ráo, để không phải mặc áo mưa, che dù mà chúng ta mong đợi một phép lạ, đó là Mẹ sẽ giúp cho chúng ta sống vâng lời Chúa và khiêm tốn.

Lm Micae kết luận “Với sứ điệp lời Chúa hôm nay và sứ điệp của Mẹ Fatima ngày 13-10-1917, chúng ta hãy xin được sống noi gương Mẹ.

Thánh lễ được tiếp tục với phần Lời nguyện giáo dân và Phụng vụ Thánh Thể.

Sau khi Lm chủ tế Giuse ban phép lành, cộng đoàn cùng hát bài “Xưa trong làng Fatima có Đức Mẹ Maria …” với tâm tình tha thiết và ra về trong niềm tin tưởng, phó thác vào lòng thương xót của Chúa nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, để cùng được lắng nghe và vâng lời Chúa, cũng như khiêm tốn như Mẹ Maria năm xưa.

Bài: Phương Nga (TGPSG)
Ảnh: Tiến Hương

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top