Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm 2016
TGPSG -- Tìm hiểu về nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm - giáo hạt Gia Định, chúng tôi được biết: khu vực nhà xứ, nay thuộc về Tổng Giáo phận Sài Gòn, nhưng trước đó nhà thờ nguyên là đất của Đại chủng viện giáo phận Bùi Chu; giáo phận đã nhận Mẹ Maria Vô Nhiễm làm thánh bổn mạng. Vì thế, danh hiệu này cũng được chọn là tên của giáo xứ.
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm nằm trên địa bàn rất thuận lợi: toạ lạc ngay đầu đường Hoàng Hoa Thám, một con đường rộng rãi thuộc quận Bình Thạnh.
Chúng tôi gặp cha xứ vào một buổi sáng, trong bầu khí mát mẻ, vì mặt tiền nhà thờ quay về hướng tây. Trong khuôn viên giáo xứ có một số người đang tụ tập trò chuyện.
Mải mê nhìn ngắm khuôn viên nhà thờ, nên Cha chánh xứ Giuse Đinh Hoàn Năng đến gần mà chúng tôi không hay biết. Đến khi cha cất tiếng hỏi, chúng tôi mới vội chào:
Xin kính chào cha! Buổi sáng ngày thường mà sao có nhiều giáo dân đến đây vậy ạ?
À, tôi và quí chức đang bàn việc ‘trổ một cổng nữa’ cho giáo xứ. Mời chị vào đây!
Vị trí nhà thờ rất tốt, hẳn là cộng đoàn giáo xứ có nhiều thuận lợi? Xin cha cũng cho biết qua về tình hình giáo xứ ạ?
Đúng vậy, giáo xứ có 2.100 giáo dân, đa số là công nhân, viên chức, nên nhìn vào có phần ‘thanh lịch’! Cộng tác với tôi là quí chức trong Hội đồng Mục vụ có 20 người, 5 vị trong Ban Thường vụ, 4 trưởng giáo khu và 11 phó khu. Tất cả làm việc nhịp nhàng, vui vẻ.
Thưa cha, còn các đoàn thể vẫn hoạt động tốt phải không ạ?
Giáo xứ có Huynh đoàn giáo dân Đa Minh được 40 hội viên, đọc kinh thần vụ mỗi ngày; sinh hoạt vào tối Chúa nhật hằng tuần để học hỏi và chia sẻ về luật dòng; tham gia tích cực trong các việc truyền giáo và công tác xã hội như thăm nhà hưu, viện dưỡng lão, trợ giúp những gia đình khó khăn.
Có một tiểu đội Legio Mariae hoạt động theo thủ bản, an ủi giúp đỡ các bệnh nhân trong giáo xứ và ba bệnh viện (Ung Bướu, Nhân dân Gia Định, Quốc tế Columbia). Số hội viên tán trợ lên đến 60 người.
Do lòng ước ao học hỏi Lời Chúa, một nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện đã hình thành từ năm 2008. Nhóm này học theo khóa, đến nay là khóa thứ 10. Nhiều giáo dân xứ bạn cũng đến tham dự, có khoá lên đến 80 người.
Còn Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót hằng ngày lần chuỗi Thương Xót sau thánh lễ chiều. Thứ sáu hằng tuần, sau giờ lần chuỗi Thương Xót, cha xứ hướng dẫn tìm hiểu bài Tin Mừng của Chúa nhật, sau đó có Chầu Thánh Thể.
“Nhóm Cùng Theo Chúa” gồm 50 thành viên, có cả giáo dân của các xứ khác sinh hoạt hằng tuần, với hai mục tiêu: Thứ nhất là ‘Tầm Nhìn’ với ước nguyện mỗi gia đình là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng và thừa sai; quyết tâm biến gia đình mình thành dụng cụ để Chúa Thánh Thần canh tân, đổi mới các gia đình khác. Thứ hai là ‘Sứ Mạng’ với nỗ lực sống Tin Mừng qua việc giúp người nghèo, bảo vệ sự sống, phục vụ Hội Thánh tại giáo xứ và tại các gia đình.
Giới trẻ ở đây hòa vào các ca đoàn và cộng đoàn LCTX, nhưng khi giáo hạt có tổ chức chương trình gì thì các bạn tham gia rất đông.
Mỗi năm, giáo xứ đều mở lớp Giáo lý Dự Tòng và Hôn Nhân. Ban giảng huấn là cha xứ, cha phó và một số bác sĩ.
Về mặt sinh hoạt phụng tự đạo đức, giáo dân có sốt sắng không ạ?
Tốt lành lắm! Ngày Chúa nhật có 5 thánh lễ. Thánh lễ lúc 15g có nhiều khách vãng lai, đến nỗi ngoài sân không còn chỗ đứng. Ngoài dịp tĩnh tâm thường niên trong Mùa Vọng và Mùa Chay, còn có các dịp tĩnh tâm đặc biệt từ nhu cầu của các đoàn thể.
Nhiều giáo xứ chú trọng việc chăm sóc cho thiếu nhi, cũng như sinh hoạt của Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT). Ở đây thì sao ạ?
Đoàn TNTT được cha phó Gioan Maria Viannê Cái Huy Hoàng tận tình hướng dẫn. Chương trình Giáo lý được phân chia đủ ngành: Chiên Con, Ấu Nhi, Thiếu Nhi, Nghĩa Sĩ và Hiệp Sĩ. Có 10 lớp giáo lý với sự cộng tác của quí thầy, quí sơ và các Huynh trưởng.
Sứ mạng của Giáo lý viên là sứ mạng chính thức được Chúa Giêsu trao cho Hội Thánh. Sự thực, dạy giáo lý là một ơn gọi cao quí. Dạy giáo lý không chỉ là dạy giáo thuyết nhưng là truyền đạt kinh nghiệm về Thiên Chúa, nên việc dạy giáo lý chính là việc tham dự vào sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ngoài ra, còn có nhiều sinh hoạt ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh cho các em như chương trình vui hè, du lịch sinh thái...
Còn công việc bác ái của giáo xứ thế nào ạ?
À, ban Caritas gồm 8 thành viên, có hai hình thức hoạt động chính. Thứ nhất là tham gia các hoạt động do Caritas giáo phận tổ chức; phát hành DVD “Nhịp Cầu Caritas” để gây quĩ. Thứ hai là cùng Hội đồng Mục vụ thực hiện công việc bác ái trong giáo xứ như: trao học bổng cho học sinh; gửi quà đến người nghèo dịp lễ Giáng Sinh; quà Tết cho gia đình nghèo không phân biệt lương giáo trên địa bàn giáo xứ; tổ chức quỹ để giúp bệnh nhân nghèo của ba bệnh viện gần kề giáo xứ.
Nhịp sống của cộng đoàn giáo xứ sinh động, cha còn thao thức điều gì nữa không ạ?
Một niềm vui lớn của giáo xứ đã thành sự: Vì địa điểm thuận lợi nên nhiều hội đoàn chọn giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm làm nơi sinh hoạt; các bệnh nhân tại ba bệnh viện thường lui tới cầu nguyện. Nhu cầu sinh hoạt trong giáo xứ tăng, nhà thờ và nhà mục vụ trở nên chật hẹp. Vì thế, tôi và HĐMV đã điều đình với trường học Hoàng Hoa Thám ngay bên cạnh - trước đây thuộc giáo xứ, trao đổi một tầng lầu để lấy khu đất 240 m2. Đây là việc khó khăn, tế nhị nhưng nhờ lời cầu nguyện kiên trì và khôn ngoan, sự việc đã hoàn thành.
Ồ, thật là phấn khởi! Xin cảm ơn cha đã cho biết về sinh hoạt hiện nay của giáo xứ.
Vài hàng lược sử
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm toạ lạc ở số 4 bis Hoàng Hoa Thám, nằm trên địa bàn phường 7 và một phần của phường 6, quận Bình Thạnh.
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm được thành lập theo văn thư số 31 bis/BT/70 do Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký ngày 1.6.1970. Cha Đaminh Vũ Nguyên Thiều được bổ nhiệm làm chánh xứ tiên khởi.
Số giáo dân ban đầu là 200, đến năm 2016 là 2.600 nếu tính cả di dân. Trên địa bàn giáo xứ có một số cộng đoàn tu sĩ như Dòng Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Nữ Lao Động Truyền Giáo, Dòng Đức Bà và Mái ấm Mai Ân.
Ban đầu, nhà thờ là một nhà nguyện phụ, dành cho những người giúp việc của Đại chủng viện Tôma (Bùi Chu), được xây bằng vật liệu nhẹ. Năm 1970 được mở rộng và trùng tu tạm thời. Năm 1987, nhà thờ được xây dựng kiên cố và được thánh hiến ngày 30.4.1990 (sau ba năm xây dựng) và cũng là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập giáo xứ.
Còn nhà xứ được tách từ trường Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn (cơ sở 2 ở Gia Định) - một trường học Công giáo, có Ban Giám Đốc là các linh mục (Lm Giuse Đinh Tất Quý, Lm Đaminh Đinh Ngọc Lễ, Lm Đa Minh Nguyễn Đình Tân, Lm Giuse Đinh Hoàn Năng). Khi để nhà nước trưng dụng trường học, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình nói: “Chúng tôi nhường quyền sử dụng nhưng quý vị vẫn phải trọng quyền quản lý của Giáo Hội”.
Từ khi thành lập giáo xứ đến nay, có ba linh mục chánh xứ chăm sóc cộng đoàn giáo xứ: Lm Đaminh Vũ Nguyên Thiều (1970 - 1972), Lm Phêrô Phạm Minh Công (1973 - 2005), Lm Giuse Đinh Hoàn Năng (từ 2005 đến nay).
Lời kết
Từ một nhà nguyện nhỏ đã hình thành một cộng đoàn giáo xứ đông đúc như hạt cải trổ sinh thành cây to, cộng đoàn giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm - hạt Gia Định, đã không ngừng thăng tiến trong hành trình đức tin.
(Bài Giảng Chúa Nhật 2016)
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ ban Bí Tích Thêm Sức tại giáo xứ Bùi Môn
-
Hướng về Lễ Bổn mạng giáo xứ Vườn Xoài -
Thánh lễ ban Bí tích Khai Tâm tại giáo xứ Tân Phước -
Chuyên đề dành cho tuổi teen tại giáo xứ Thị Nghè -
Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn tại giáo xứ Tân Phú -
Giáo xứ Phát Diệm sốt sắng cầu nguyện cho các Linh Hồn -
Ban Caritas giáo xứ Tân Phước mừng lễ Thánh Bổn mạng Martinô -
Ngày hành hương cầu nguyện cho các linh hồn tại Đền Thánh Vincente -
Hội Bác Ái giáo xứ Vĩnh Hòa mừng Lễ Thánh Martino de Porres, Bổn mạng - 2024 -
Giáo xứ Thánh Martino de Porres, hạt Gia Định, mừng Lễ Quan Thầy
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa