Giáo xứ Vườn Xoài 2022
KHỞI ĐI TỪ GIÁO ĐIỂM VƯỜN XOÀI – SỞ RÁC
Cách nay 70 năm (1947), theo sự hướng dẫn của Đức cha Jean Cassaigne - Tổng giám mục Giáo phận Sài Gòn, giáo điểm Vườn Xoài - Sở Rác đã được cha Anrê Nguyễn Văn Đại hình thành và cha sở họ đạo Phú Nhuận được chỉ định trông coi. Ngoài ra, còn có cha Giuse Phạm Văn Thiên - cha sở họ đạo Chí Hòa - cùng cộng tác xây dựng giáo điểm. Giáo điểm được gọi là Vườn Xoài - Sở Rác vì đây là khu vực tập trung rác của đô thành Sài Gòn - Gia Định.
Đến năm 1957, khi lượng giáo dân mỗi ngày mỗi tăng và tình hình sinh hoạt đạo đức đã đi vào nề nếp, Tòa Giám mục đã chính thức công bố thành lập giáo xứ Các Thánh Tử đạo Việt Nam và cha Phêrô Đặng Thành Tiên nhận Bài Sai trở thành cha chánh xứ tiên khởi.
Từ một vùng đất nghèo nàn, thưa thớt người qua lại, mảnh đất Vườn Xoài dần dần trở nên trù phú. Người lương và giáo tìm đến đây sinh sống. Bà con giáo dân đã có nơi thờ phượng, sớm tối kinh kệ. Đời sống đạo đức thăng tiến dần theo thời gian.
CÁC NGÀY LỄ TRUYỀN THỐNG CỦA GIÁO XỨ
Ngày 20.10.1968, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã về giáo xứ dâng lễ tạ ơn và công bố việc đặt tên giáo xứ là ‘Các Thánh Tử Đạo Việt Nam’.
Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trở thành lễ bổn mạng của giáo xứ, hằng năm được cử hành long trọng vào ngày 24.11. Đây là dịp để mọi người trong giáo xứ cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho giáo xứ luôn hiệp nhất và phát triển.
Cũng được xem là ngày truyền thống của giáo xứ: Ngày mồng Một Tết cổ truyền dân tộc, cha chánh xứ sẽ dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa và ngày mồng Hai Tết mừng tuổi quý cụ cao niên. Nhiều cụ dù tuổi cao sức yếu nhưng rất vui khi được con cháu đưa đến nhà thờ để gặp gỡ, chúc tụng và nhận lộc của cha chánh xứ.
Kể từ năm 2012, vào ngày 13 từ tháng 5 đến tháng 10, giáo xứ tổ chức thánh lễ tôn kính Đức Mẹ Fatima vào lúc 11g. Trước thánh lễ, cộng đoàn cung nghinh tượng Mẹ xung quanh nhà thờ với sự tham gia đông đảo của các giới trong giáo xứ.
Và nhiều năm qua, giáo xứ cũng đã tổ chức việc tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. Và thánh lễ được cử hành vào lúc 15g00, thứ Năm đầu tháng
NHÀ THỜ VƯỜN XOÀI
- Ngày 02.11.1980, với Bài Sai của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, cha Phêrô Phan Khắc Từ đã trở thành cha chánh xứ Vườn Xoài. Việc đầu tiên và hết sức quan trọng là ngài đã tiến hành khởi công xây dựng thánh đường vào ngày 1.11.1981. Điều này đã được chờ đợi rất lâu trong lòng của anh chị em giáo dân và các đấng bản quyền. Ngày 01.1.1983, giáo xứ vui mừng khôn xiết trong ngày khánh thành nhà thờ mới. Có thể nói, ngôi nhà thờ Vườn Xoài hoàn thành trong giai đoạn khó khăn là biểu hiện sống động cho đời sống đức tin và là niềm tự hào cho con cháu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
- Năm 1993, giáo xứ đã tiến hành khởi công xây dựng nhà sinh hoạt giáo xứ. Đến năm 1995, công trình cũng đã hoàn thành tốt đẹp tạo thuận lợi cho các sinh hoạt chung của giáo xứ cũng như đáp ứng nhu cầu thờ phượng của các cộng đoàn nước ngoài như: Philippines, Hàn Quốc
- Năm 1997, nhà thờ giáo xứ đã tiến hành đại tu như: làm thêm hầm nhà thờ, mở rộng hành lang và xây dựng lầu trong lòng nhà thờ. Từ đó sức chứa nhà thờ đã được tăng gấp đôi (từ 400 lên 800 chỗ ngồi). Ngoài ra, giáo xứ đã thực hiện các công trình quan trọng khác như: xây dựng đài Đức Mẹ La Vang, nhà tang lễ; và trùng tu tháp chuông
- Năm 2012, cha chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ đã khởi công việc mở rộng gian cung thánh và cung hiến bàn thờ mới (thay bàn thờ gỗ bằng chất liệu đá). Bàn thờ đá nặng 3 tấn được chuyên chở từ Thanh Hóa vào. Thánh lễ do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước chủ sự (ngày 23.11.2012)
- Ngoài ra, các công trình chức năng khác cũng đã được tiến hành xây dựng trong năm 2015 như: nhà bảo vệ, nhà vệ sinh...
CÁC LINH MỤC CHÁNH XỨ
Các linh mục chánh xứ của Vườn Xoài theo dòng thời gian:
1. 1957 - 1958: Lm Phêrô Đặng Thành Tiên
2. 1958 - 1961: Lm Antôn Phùng Quang Mạnh
3. 1961 - 1980: Lm Phaolô Trần Viết Thọ
4. 1980 - 2011: Lm Phêrô Phan Khắc Từ
5. 4.2011 - 7.2011: Lm Phêrô Nguyễn Văn Võ (quản nhiệm)
6. 2011 - 2016: Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ
7. 2016 - nay: Lm Giuse Trần Thanh Công.
CÁC HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI VÀ XÃ HỘI
Nhìn chung, với phương châm “Cho thì có phúc hơn nhận”, các hoạt động bác ái và xã hội của giáo xứ khá mạnh và phong phú. Dưới góc độ đức ái, giáo xứ khá dồi dào về tiềm lực
Đặc biệt, đây cũng là địa chỉ quen thuộc của anh chị em khuyết tật do cha Phêrô Phan Khắc Từ, nguyên chánh xứ khởi xướng. Ngài cũng là người khai sinh nhà nuôi dưỡng trẻ em bại não, nhiễm chất độc da cam, khuyết tật, mồ côi Thiên Phước (Củ Chi).
Kế tiếp, cha nguyên chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ cũng tiếp tục chăm lo cho người nghèo nhưng “cách điệu” hơn. Các lần tổ chức Giáng sinh, hội Xuân cho người nghèo liên tiếp từ 2012 đến 2015 đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi cộng đồng. Anh chị em có hoàn cảnh khó khăn cảm nhận việc được ‘cho’ không phải là sự bố thí. Ông bà mình có câu: “Của cho không bằng cách cho” là thế. Đồng thời, cùng với ban Caritas giáo xứ, các hoạt động bác ái và xã hội đã cho ra đời những hình thức ý nghĩa hơn như: bữa cơm Agape miễn phí, suất cơm cho người cơ nhỡ, bán vé số, ve chai với giá 5 ngàn đồng khá ngon, dinh dưỡng cao, tặng hàng trăm phần quà vào dịp Tết Nguyên Đán cho anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Rồi các chuyến đi thăm và tặng quà vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáo điểm kết nghĩa Dak Gley (Kontum) và nhiều nơi khác hay thăm các cha hưu dưỡng, tiếp sức mùa thi…. Các hoạt động luôn được sự ủng hộ của các giới trong và ngoài xứ.
Từ 2017 đến nay, giáo xứ thực hiện đều đặn việc trao học bổng cho học sinh, sinh viên nhằm giúp các em bớt đi những khó khăn trong học tập. Cha chánh xứ đương nhiệm Giuse chia sẻ: “Chính các em (được giúp đỡ) sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm hơn với giáo xứ và cộng đồng.”
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO XỨ
Giáo xứ nằm trên trục đường Lê Văn Sỹ, một đặc điểm giao thông thuận lợi cho các sinh hoạt mục vụ của giáo dân trong và ngoài giáo xứ.
Bà con giáo dân cư ngụ rải rác trên địa bàn 5 phường thuộc Quận 3 và Phú Nhuận. Số ít là người Nam và đa phần là người Bắc di cư năm 1954. Mọi người sống chan hòa, yêu thương, không phân biệt bắc nam và rất nhiệt thành với công việc chung của giáo xứ.
Năm 2014, do yêu cầu của Tổng giáo phận Sài Gòn, giáo khu Thánh Linh của giáo xứ đã được nâng lên thành giáo xứ Gioan Phaolô II. Bà con giáo dân khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi - quận 3 hết sức vui mừng vì từ nay, việc di chuyển tham dự thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ của họ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Năm 2003, giáo xứ đã có biến động lớn về số giáo dân do cuộc giải tỏa kênh Nhiêu Lộc và số giáo dân được thống kê hiện nay là 4200 (2021)
Vào năm 1980, sau khi linh mục Phêrô Phan Khắc Từ nhậm chức, việc tổ chức điều hành và thiết lập các giáo khu là công việc cần thiết. Lúc đó, vị trưởng ban giáo xứ - tương đương vai trò chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX) hiện nay - được đề cử là ông Phêrô Nguyễn Thanh Tuấn, điều hành hoạt động giáo xứ. Tuy nhiên, không bao lâu ông đột ngột qua đời. Và giáo xứ đã tiến hành bầu cử để chọn vị trưởng ban khóa 1 là ông Antôn Lại Gia Khánh với nhiệm kỳ 3 năm 1981 – 1984.
Cho đến nay, Hội đồng mục vụ đã qua 10 khóa và hoạt động theo quy chế của Tổng Giáo phận. 82 thành viên hiện nay đại diện cho 8 giáo khu, 9 hội đoàn và 5 ban mục vụ. Ban Thường Vụ gồm 5 vị là những người giúp việc đắc lực và là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa giáo dân và cha chánh xứ.
Nhắc đến HĐMVGX, cụ Antôn Phạm Văn Song được xem là thành viên tham gia lâu nhất cũng như đảm trách vai trò chủ tịch nhiều khóa, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng thánh đường vô vàn khó khăn hậu 1975. Cụ là người có đời sống đạo đức gương mẫu và chừng mực trong cuộc sống hàng ngày, gương sáng cho nhiều người (cụ mất 2018)
So với ngày đầu thành lập chỉ có hội đoàn duy nhất là Các Bà Mẹ Công Giáo, đến nay giáo xứ có sự hiện diện hầu hết các hội đoàn Công Giáo tiến hành của Giáo phận như: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Huynh đoàn Đaminh, Legio Mariae, Dòng Ba Cát minh, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Ban Caritas, Đoàn thiếu nhi Thánh Thể, Ban Truyền thông, Ban Giới trẻ… Tất cả đều có những hoạt động với nội dung đạo đức và đa dạng về hình thức như một vườn hoa nhiều hương sắc. Kể từ khi về nhận xứ, cha Giuse Trần Thanh Công luôn đồng hành với các hội đoàn. Quan điểm của ngài là “luôn lắng nghe và chăm sóc, không bỏ sót bất kỳ một hội đoàn nào.”
KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ (1957 – 2017)
Kể từ khi được thành lập, Giáo xứ Vườn Xoài đã trải qua một hành trình 60 năm - một hành trình làm chứng cho đức tin với nhiều thử thách, gian nan. Từ thuở hoang sơ cho đến khi trở thành một giáo xứ lớn mạnh, là trải dài những hy sinh nỗ lực của bao nhiêu thế hệ giáo dân và linh mục chủ chăn.
Khi đứng trước phần mộ cha chánh xứ tiên khởi Phêrô Đặng Thành Tiên, linh mục chánh xứ Giuse đương nhiệm đã nhắc nhở: Lòng biết ơn không bao giờ thừa vì luôn thể hiện sự trưởng thành của con người. Các mục tử tiền nhiệm và các giáo dân tiền bối - dù với những khiếm khuyết vốn có của con người - vẫn luôn thể hiện được tình yêu với Đức Kitô và mọi người. Tình yêu ấy không chỉ đóng khung trong một không gian và nhân sinh quan hạn hẹp nào đó, mà đã mở rộng ra hầu ôm ấp và lan tỏa tình yêu của Đức Kitô cho xã hội hiện nay. Tất cả đều quy về niềm biết ơn vô bờ dâng lên Thiên Chúa, Đấng luôn tuôn đổ muôn ngàn ơn phước cho giáo xứ.
Trong niềm tri ân sâu sắc ấy của Giáo xứ khi muốn lưu lại dấu ấn 60 năm thành lập, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã về dâng thánh lễ lúc 17g30 thứ Bảy 25.11.2017. Đồng tế có cha chánh xứ Giuse Trần Thanh Công, quý cha nguyên chánh xứ, quý cha hạt Tân Định, quý cha đã và đang phục vụ giáo xứ cùng quý cha khách. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân, những người đã góp phần làm nên một gia đình Vườn Xoài như ngày nay. Sau thánh lễ, toàn thể giáo xứ đã quây quần giao lưu trong bữa tiệc mừng để cùng ôn lại những kỷ niệm và những hồng ân mà Chúa đã ban cho giáo xứ.
Trường Sơn (Gx. Vườn Xoài)