Giáo xứ Vĩnh Hiệp 2016

Giáo xứ Vĩnh Hiệp 2016

Giáo xứ Vĩnh Hiệp 2016

TGPSG -- Một ngày đầu tuần, chúng tôi đến vùng Gò Vấp, đi dọc theo đường Quang Trung để tìm một nhà thờ mà cái tên ít người biết đến. Sau khi hỏi thăm, chúng tôi mới nhìn thấy cái tháp chuông cao vừa phải, như ở trên một ngôi nhà ống. Chúng tôi ngỡ ngàng vì nhà thờ của cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hiệp nhỏ bé như một căn nhà của người dân.

Đất hẹp, người đông

Chúng tôi được cha chánh xứ Đaminh Nguyễn Văn Hiệp tiếp chuyện dưới tầng hầm nhà thờ. Vui vẻ, cởi mở, cha cho biết nếp sinh hoạt tôn giáo của một cộng đoàn có gần 4.000 giáo dân mà các hoạt động diễn ra trên diện tích 132m2 (lòng nhà thờ ngang 6m, dài 22m, sân 6 x 8m). Tầng trên là nhà thờ và ngăn một phòng nhỏ cho cha xứ (phòng này thì quá nhỏ bé so với các giáo xứ khác). Tầng trệt làm nơi để xe cho giáo dân khi đến tham dự thánh lễ, một phần nhỏ được ngăn làm văn phòng. Công trình nhỏ bé này được xây dựng năm 2005 và khánh thành năm 2006.

Cha chánh xứ cho biết, cộng đoàn Vĩnh Hiệp được tách từ giáo xứ Hạnh Thông Tây năm 2007, với gần 4.000 giáo dân (chưa kể một số di dân ở các chung cư trong khu vực).

Trước đây diện tích giáo xứ là 5.000m2, do hoàn cảnh lịch sử, biến động về đất đai nên hiện nay cả khu vực nhà thờ và nhà xứ chỉ còn 132m2 vì bị lấy đi trong một tình huống đáng tiếc. Nhà thờ nhỏ nên chỉ có hơn 100 chỗ ngồi. Vào ngày Chúa nhật, 600 chiếc ghế nhựa được đưa ra để giáo dân ngồi tham dự Thánh lễ.

Sinh hoạt

Với những khó khăn của việc “không có đất dụng võ”, giáo xứ vẫn có 5 giáo khu, mỗi giáo khu có 6 vị trong Ban điều hành khu. Rồi các đoàn thể như Các Bà Mẹ Công Giáo, Legio Mariae, Tận Hiến, Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Ban Thánh nhạc, Thiếu Nhi Thánh Thể... đều có vị trưởng và phó. Vì thế, Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ khá hùng hậu, đa số còn trong tuổi lao động nhưng rất nhiệt tình, đoàn kết yêu thương, chung sức với cha xứ trong công việc. Hội Đồng Mục Vụ được cha chánh xứ huấn giáo ba tháng một lần và mỗi năm đều tổ chức hành hương. Phải chăng đó là một niềm an ủi cho vị mục tử trong hoàn cảnh “nhà chật, con đông” ?

Thiếu nhi có gần 400 em, giáo xứ phải mua hai căn nhà bên hông để thiếu nhi học giáo lý. Các ca đoàn cũng tập hát ở nơi này (trước đây ca đoàn còn phải tập hát ở nhà ca trưởng). Chật chội là thế nhưng Thiếu Nhi Thánh Thể vẫn hăng say hoạt động với 20 giáo lý viên. Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp thì huấn luyện lớp Bao Đồng để các em trở thành giáo lý viên.

Giáo xứ còn có “nhóm ngoại giao” mang ý nghĩa là mỗi đoàn thể ở đây đều cử người chịu trách nhiệm liên đới với giáo hạt, để các đoàn thể tham gia các khóa huấn luyện và sinh hoạt cùng với giáo phận, với Trung tâm Mục vụ...

Về phần mục vụ giáo xứ và hoạt động bác ái, cộng đoàn cũng có một số nét riêng. Vào Mùa Chay, Mùa Vọng, cha chánh xứ thường mời các vị “nổi tiếng về chuyên môn” về giảng tĩnh tâm cho giáo dân.

Vào dịp lễ Giáng Sinh, nhà thờ biến thành một hang đá lớn vì giáo dân trang trí bao trùm cả mặt tiền nhà thờ có bề ngang 6m. Vào ngày lễ Bổn mạng, giáo xứ rất đông vui, sau Thánh lễ tuy không có tiệc tùng nhưng ai cũng có quà mang về, và có đến hai thánh lễ trong ngày này.

Các cha dòng Đồng Công và Don Bosco thường đến dâng lễ cho cộng đoàn, hẳn là các bài giảng của quí cha làm cho giới trẻ của giáo xứ được bồi dưỡng về đức tin và cách sống đạo, dù các bạn trẻ ở giáo xứ này ẩn mình trong các đoàn thể.

Nhóm Tận Hiến đã có từ lâu và hiện nay vẫn còn hoạt động. Riêng các anh chị trong hội Legio Mariae làm công tác chăm sóc bệnh nhân rất tốt. Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm sinh hoạt sống động, các thành viên tự hào Gia Đình PTTT Vĩnh Hiệp là một chỗ về, là một nơi sàng lọc và là một đoàn thể sinh hoa trái.

Ban Caritas cũng làm đúng chức năng khi tổ chức khám bệnh cho giáo dân vào năm 2013; hợp tác với ban Caritas giáo phận về khám bệnh cho bệnh nhân và nhiều người tại giáo xứ năm 2015 (với một đoàn gồm 5 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 2 dược sĩ và một số nhân viên); tặng quà mùa xuân cho gia đình nghèo trong khu vực...

Tương quan với Giáo hạt và Giáo phận

Đang ngồi nói chuyện với cha xứ, chúng tôi thấy Ban điều hành giáo khu đến nhận những tờ bản tin của giáo hạt Gò Vấp để rồi phân phát đến từng gia đình giáo dân. Nhân tiện đây, chúng tôi cũng được biết về tờ bản tin của giáo hạt Gò Vấp, to bằng hai tờ A4, được in màu hai mặt; nội dung được gói gọn trong bốn trang A4. Nội dung của bản tin chúng tôi đang cầm trên tay có một “bài nền” nói về tông huấn Laudato Si’, kế đến là tin giáo phận, phần hiệp thông trong giáo hạt, tin trong tháng của các giáo xứ, phần phụng vụ và giới thiệu lược sử giáo xứ Bến Hải. Nhờ tình cờ như thế chúng tôi mới biết có một sự liên kết thông tin giữa các giáo dân trong giáo xứ nói riêng và giáo dân cả giáo hạt Gò Vấp nói chung. Cầm tờ bản tin trong tay, chúng tôi thầm nghĩ: phải chăng đây là một điểm son truyền thông trong giáo hạt Gò Vấp ?

Sau khi nói về nếp sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ, cha chánh xứ thổ lộ niềm mong ước: Khi một số giáo xứ nào đó có nhu cầu cần thiết về cơ sở vật chất (như xây sửa, nới rộng nhà thờ, mua thêm đất để có nơi sinh hoạt...), nếu cả giáo phận dồn sức lo cho các giáo xứ đó... công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Một lược sử từ giáo họ thành giáo xứ

Ngày trước, có một ngôi thánh đường tên là Vinh Hiệp, thuộc giáo xứ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, đó là tên mà giáo dân ở đây thường gọi nhà thờ mình. Sở dĩ có tên này là do năm 1968 vì tình hình chiến tranh, có khoảng 42 gia đình Công giáo chuyển về nơi đây sinh sống. Một số bà con gốc giáo phận Vinh về cư ngụ ở phường 12 quận Gò Vấp lập nên xóm Vinh Hiệp (tên này ghép từ Gp. Vinh), và cha cố Phêrô Nguyễn Linh thành lập giáo họ Vinh Hiệp, tọa lạc tại số 52/382E, đường Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp.

Sau năm 1975, nhà thờ Vinh Hiệp có một khoảng thời gian dài đóng cửa cho đến 1989 mới sinh hoạt tôn giáo trở lại. Những năm gần đây, dù là một họ lẻ nhưng giáo họ Vinh Hiệp đã có số giáo dân tăng một cách nhanh chóng, do trào lưu di dân từ nhiều miền đến Gò Vấp, từ đây dân thường gọi là nhà thờ Vĩnh Hiệp do dân nhiều vùng ở với nhau nên họ gọi như vậy. Từ vài trăm giáo dân của một vài năm trước, theo thống kê năm 2003 thì số giáo dân đã có khoảng 1.300 người, số giáo dân lúc này đã gấp mười lăm lần sức chứa của ngôi nhà nguyện nhỏ bé và cũ kỹ.

Nhà nguyện của giáo họ Vinh Hiệp là một căn nhà nhỏ, ngang 8m dài 11m, vách đóng ván ép đủ loại. Mái tôn nơi cao nhất chừng trên 5m, nơi thấp nhất là 3m. Nền nhà nguyện mấy chục năm không được nâng cấp nên năm 2003 đã thấp hơn mặt đường khoảng 60cm. Do vậy, chỉ cần một trận mưa nhỏ, nước từ trên xuống, từ ngoài vào, ào ạt chảy vào nhà nguyện, mức nước chạm đầu gối. Tuy vậy, lòng sùng đạo và việc tham dự các giờ lễ, kinh nguyện lúc nào cũng đông đúc, số người tham dự Thánh lễ thường phải đứng bên ngoài, gấp nhiều lần số người ở bên trong lòng nhà thờ nhỏ bé và khiêm tốn này. Hằng tuần vào ngày Chúa nhật, có một Thánh lễ do các linh mục ở giáo xứ Hạnh Thông Tây đến cử hành.

Do nhà thờ chật hẹp, nhiều anh chị em giáo dân phải lên giáo xứ Hạnh Thông Tây tham dự Thánh lễ, cách chừng 1km, hoặc đến các nhà thờ lân cận bằng với những khoảng cách tương tự như nhà thờ Hy Vọng, Thạch Đà… Việc học giáo lý cũng có nhiều khó khăn, nhất là các em thiếu nhi không thể đi xa vì vừa nguy hiểm và cha mẹ khó theo dõi việc học của con mình. Do vậy, nhiều gia đình đã không thể lo liệu cho con trẻ học đầy đủ giáo lý bồi dưỡng đức tin. Một hoàn cảnh đáng phải suy nghĩ.

Với sự cầu nguyện tha thiết của giáo dân, ngày 13.9.2003, cha sở Đaminh Võ Văn Tân đã tiến hành thủ tục để xin xây dựng lại nhà nguyện Vĩnh Hiệp, hầu đáp ứng nhu cầu thờ phượng của dân Chúa tại đây và đã được Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn phê chuẩn. Sau nhiều tháng cầu nguyện và chờ đợi, ngày 1.6.2005 Sở Xây Dựng đã cấp giấy phép xây dựng lại toàn bộ ngôi thánh đường, với diện tích xây dựng là 493m2, gồm một tầng hầm, nhà nguyện và tầng trên, do Lm. Clêmentê Lê Minh Trung làm chủ công trình.

Tháng 12 năm 2006, Đức TGM GB. Phạm Minh Mẫn về dâng lễ khánh thành và công bố thành lập giáo xứ mới có tên Vĩnh Hiệp, thánh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm, đồng thời Đức cha bổ nhiệm linh mục Đaminh Nguyễn Văn Hiệp làm chánh xứ tiên khởi.

Lời kết

Dù có ngôi nhà thờ nhỏ bé so với số giáo dân, nhưng giáo xứ Vĩnh Hiệp đã xây dựng một cộng đoàn thương yêu, có sự hiệp nhất giữa mục tử và đoàn chiên. Giáo xứ Vĩnh Hiệp đang trở thành chứng nhân ở khu vực đông dân cư của quận Gò Vấp.

Vũ Loan - TMCN 2016 (TGPSG)

Top