Giáo xứ Thuận Phát 2017
MỘT CỘNG ĐOÀN CÓ NÉT RIÊNG
Đi trên cầu Tân Thuận, chúng tôi đã nhìn thấy hai cái tháp cao màu đỏ cốt trầu của nhà thờ. Muốn vào phòng khách giáo xứ, chúng tôi phải đi vào cổng sau và thấy được khuôn viên nhà thờ khá rộng.
Cha chánh xứ Martinô Trần Quang Vinh trẻ trung, tiếp đón chúng tôi vui vẻ. Qua cuộc nói chuyện rất cởi mở, chúng tôi biết được sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ Thuận Phát, thuộc giáo hạt Xóm Chiếu này.
Địa bàn giáo xứ gồm 5 phường của quận 7: Tân Phong, Tân Kiểng, Tân Quy, Tân Thuận Tây, Bình Thuận; trải dài từ bờ sông Kinh Tẻ đến giáp huyện Nhà Bè (có sông là ranh giới giữa quận 4 và quận 7). Giáo xứ có tên là Thuận Phát vì được ghép bởi ‘Thuận’ - tên địa bàn Tân Thuận - và ‘Phát’ là giáo dân gốc Phát Diệm.
Giáo xứ có hơn 3.000 giáo dân nhưng có đến 3.000 dân nhập cư là những công nhân ở tỉnh khác đến làm việc ở khu chế xuất Tân Thuận tham dự sinh hoạt tôn giáo tại đây (còn những người sống trên ghe dọc bờ sông, trước mặt tiền nhà thờ chỉ là khách vãng lai).
Giáo dân trong bốn giáo họ cũng có sự khác nhau: giáo họ Phêrô hầu hết là dân gốc Phát Diệm cùng cha cố Antôn Đỗ Minh Độ di cư vào vùng này; giáo họ Đức Mẹ Lên Trời có những giáo dân là công chức trước năm 1975; hai giáo họ còn lại là dân tứ xứ. Đặc biệt, giáo họ ở khu Phú Mỹ Hưng tương lai sẽ được tách ra và thuộc về giáo xứ Tắc Rỗi.
Với vẻ sôi nổi, cha xứ kể cho chúng tôi về niềm vui mới nhất của cha và cộng đoàn giáo xứ là đã nhận lại khu đất - trước đây là trường Tôma Thiện mà sau năm 1975, nhà nước đã sử dụng vào việc giáo dục. Tháng 9/2016 vừa qua, chính quyền đã tổ chức một nghi lễ trao tặng lại cho giáo xứ ngôi trường đã hiến. Trước đây, ba cha chánh xứ tiền nhiệm đã từng đề cập đến việc xin lại trường nhưng chưa được; khi cha Martinô Quang Vinh về đây, tiếp tục làm đơn xin cứu xét và đã được chính quyền chấp thuận. Nay diện tích trường cũ đã thuộc về giáo xứ; trong tương lai sẽ xây nhà giáo lý hoặc làm công trình nào đó phục vụ cộng đoàn. Hiện nay, giáo xứ vẫn phải mượn phòng của dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp và Dòng Đức Bà để 500 em thiếu nhi có chỗ học giáo lý.
Cũng rất vui vẻ, cha cho biết giáo xứ có đầy đủ các đoàn thể hoạt động theo hệ thống của giáo phận. Đặc biệt có thêm Huynh đoàn Thánh Thể do quí cha và quí thầy dòng Thánh Thể đến giúp vào chiều thứ bảy với linh đạo là yêu mến Thánh Thể. Mỗi đầu tháng, các đoàn thể được cha chánh xứ huấn dụ theo tôn chỉ của từng đoàn.
Cha chánh xứ đã mời các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, dòng Đức Bà, dòng Nữ Tử Bác Ái trực tiếp đứng lớp dạy cho 500 em Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) của giáo xứ, các Huynh trưởng chỉ giúp việc quản lý và sinh hoạt; đồng thời các nữ tu này cũng là thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và cộng đoàn giáo xứ. Nhìn chung, các phong trào của TNTT rất sinh động, “mùa nào thức nấy”, diễn tả các sinh hoạt sống đạo xoay quanh mùa phụng vụ.
Giáo lý Hôn nhân và Dự tòng cũng được chăm sóc đầy đủ: hằng năm có hai khóa. Ban giảng huấn là linh mục chánh xứ, cha phó xứ, bác sĩ, các nữ tu dòng Đức Bà và các chuyên viên.
Đây là một giáo xứ có nhiều giáo dân gốc Bắc nên khi mừng bổn mạng, các giáo họ đều có rước kiệu và tập trung đọc kinh ngay tại giáo họ. Mùa Phục Sinh có các nghi thức táng xác, hôn chân Chúa một cách trang trọng; chặng đàng thánh giá được dựng quanh khuôn viên nhà thờ. Những năm trước đây, còn có rước kiệu Đức Mẹ vòng ra ngoài đường lộ, đi dọc bờ sông rồi vào cửa chính nhà thờ.
Cha chánh xứ rất chân thành chia sẻ: “Theo tôi được biết, cách đây hai năm, giáo dân có hiểu lầm nhau, nhưng nay đã cảm thông và quý mến nhau trong công việc... Trước đây, tôi được giáo phận cho đi tu học tại Singapore nên cũng có một số thao thức trong sứ vụ truyền giáo. Tôi ao ước giáo dân thể hiện tinh thần truyền giáo với các anh chị em lương dân, ngoại kiều và chính quyền địa phương sống quanh khu vực, bằng hình thức đối thoại thẳng thắn, hiệp thông sâu sắc và hợp tác chân thành…”
Cha còn mong muốn không phải chỉ dừng lại ở những công việc mục vụ trong bổn phận mà còn mở ra theo lời mời gọi của Đức Kitô: “Anh em hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Hơn nữa, cha chánh xứ trẻ Martinô vẫn chờ đợi một sứ vụ mới đầy hiệu quả truyền giáo theo ước muốn của Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, là phát triển các vùng ven của thành phố.
Việc bác ái của giáo xứ có phần đặc biệt. Cha chánh xứ là trưởng ban Caritas của giáo hạt nên có nhiều sinh hoạt bác ái tại nhà thờ này: Caritas giáo hạt được đến quyên góp; mỗi năm tặng khoảng 500 phần quà cho các gia đình (không phân biệt lương hay giáo) vào các dịp Tết và Mùa Chay; mỗi tháng cho ít nhất là một giáo xứ vùng sâu vùng xa đến quyên góp...
Câu chuyện trao đổi thật thú vị cho đến khi Cha tiễn chúng tôi ra về lúc chuông nhà thờ vừa đổ.
LƯỢC SỬ THUẬN PHÁT: THUẬN LỢI & PHÁT TRIỂN
Kỷ yếu “mừng 50 năm giáo xứ Thuận Phát” còn lưu lại nhiều hình ảnh sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn từ thủa ban đầu, khiến những giáo dân lớn tuổi không khỏi bùi ngùi xúc động khi xem lại những bức ảnh giáo dân di cư từ miền Bắc vào Nam, giữ “lòng đạo” trong hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1954, cha cố Antôn Đỗ Minh Độ cùng với một số giáo dân gốc Phát Diệm di cư vào Nam. Ban đầu, tạm cư ở Long An nhưng nơi đây đất phèn nước mặn, khó sinh sống bằng nghề nông. Năm 1959, cha con dắt díu nhau xuống Cần Thơ, ổn định được cuộc sống dễ dàng và xứ đạo Kim Phụng được thành lập. Năm 1961, cha cố Antôn lại lên Sài Gòn mua khu đất có diện tích là 51.450 mét vuông thuộc xã Tân Thuận Tây huyện Nhà Bè. Khu đất này thuận tiện cả đường bộ lẫn đường thủy - là khởi đầu của giáo xứ Thuận Phát ngày nay.
Sau đó, cha lại đưa giáo dân xứ đạo Kim Phụng từ Cần Thơ lên vùng này thành lập họ đạo Thuận Phát, hòa vào dân địa phương, trong số đó có một số giáo dân thuộc họ đạo Xóm Chiếu. Số giáo dân ban đầu ước chừng 500 người có gốc Phát Diệm, sống rải rác dọc theo đường Trần Xuân Soạn từ cầu Tân Thuận đến cầu Rạch Ông. Đến năm 1964, có một số đông giáo dân nạn nhân trận hỏa hoạn Vĩnh Hội, được chính quyền đưa sang định cư tại xã Tân Quy Đông nên số giáo dân gia tăng.
Sau khi thành lập thêm hai giáo xứ mới là Mẫu Tâm và An Phú, giáo xứ Thuận Phát chỉ còn tập trung ở ấp 5 Tân Thuận Đông, sau đó đổi thành các ấp 5, 6, 9, một phần ấp 4 xã Tân Thuận Tây và một phần ấp 5 xã Tân Quy Tây.
Ngôi nhà thờ đầu tiên làm bằng gỗ lợp tôn, vật liệu được tháo dỡ từ nhà thờ Kim Phụng, chuyên chở bằng đường sông từ Cần Thơ mang lên. Từ năm 1962, các giáo họ được hình thành. Có ba người được chọn là những vị quí chức tiên khởi, tham gia điều hành cộng đoàn cùng cha chánh xứ.
Ngày ấy, giáo dân làm nghề chính là dệt chiếu và chăn nuôi; một số làm nhân viên công sở và nghề tự do. Tuy lúc đầu, đời sống rất cơ cực, vất vả vì vừa phải khai hoang, dựng nhà bằng tre lá, vừa phải tìm cách mưu sinh với cuộc sống thành thị hoàn toàn khác với đời sống nông thôn... nhưng cha chánh xứ tiên khởi cũng đã thành lập các hội đoàn và xây dựng trường học để chăm lo đời sống tâm linh và giáo dục văn hóa cho giáo dân.
Năm 1964, đánh dấu sự phát triển của giáo xứ, một ngôi nhà mới đã được khởi công và năm 1966. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã khánh thành ngôi nhà thờ này. Cũng phải nói thêm, trường Tôma Thiện trước năm 1975, có vai trò giáo dục đức tin và giáo dục văn hóa, đồng thời cũng gắn liền với công việc bác ái không phân biệt lương giáo như chương trình phát bánh mì, uống sữa miễn phí và phát thuốc bổ, phát đồ dùng dạy học, trợ cấp quần áo, mùng mền... đã trở thành cầu nối giúp giáo xứ tương quan và hội nhập vào địa phương.
Trong Năm Thánh hồng ân mừng giáo xứ 50 năm thành lập, một vị ân nhân ngỏ ý hiến tặng toàn bộ chi phí việc xây dựng ngôi thánh đường mới. Thế là công trình được khởi công vào đầu năm 2012 do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ tế Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên. Ngày 5.10.2013, ngôi thánh đường hiện tại đã được khánh thành, do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự.
Các linh mục đã phục vụ giáo xứ Thuận Phát theo dòng thời gian:
- Cha Antôn Đỗ Minh Độ, chánh xứ từ năm 1961 - 2001, qua đời năm 2003;
- Cha Vinh Sơn Phạm Văn Tính, phụ tá năm 2000 – 2001;
- Cha Gioan Lê Quang Việt, chánh xứ năm 2001 – 2003;
- Cha Phêrô Phạm Văn Long, chánh xứ năm 2003 – 2010;
- Cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ năm 2010 – 2015;
- Cha Martinô Trần Quang Vinh, chánh xứ từ tháng 6 năm 2015 đến 2018.
- Giuse Đoàn Văn Tuyến, chánh xứ từ 2018 đến 2020
- Ngày 21.08.2020 linh mục Giuse Phạm Văn Thới được bổ nhiệm làm Chánh xứ (từ TTMV - hạt Sài Gòn-Chợ Quán)
LỜI KẾT
Có đến thăm giáo xứ Thuận Phát mới thấy được nhịp sinh hoạt sống động của một cộng đoàn giáo xứ thoạt nhìn có vẻ thầm lặng gần bên dòng sông Kinh Tẻ. Cầu chúc cộng đoàn giáo xứ luôn an lành. Dẫu dòng sông bên cạnh có chảy xuôi hay ngược, đục hay trong, thì tinh thần của người giáo dân nơi đây vẫn cứ thuận hòa, phát triển; tâm hồn của họ cứ mãi vang vọng Lời Chúa, tạo ra một nếp sống đạo và truyền giáo phong phú.
Vũ Loan - NSTM 2.2017 (TGPSG)