Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: Hình thành và phát triển (đến năm 2025)

Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: Hình thành và phát triển (đến năm 2025)

Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê: Hình thành và phát triển (đến năm 2025)
  • Họ Đạo Chợ Lớn là tiền thân của giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê, phục vụ cho cộng đồng người Hoa di cư vào Việt Nam với mục đích là kiếm kế sinh nhai. Theo cột mốc lịch sử vào năm 1865 cha Philippe (1831-1871) tên tiếng Hoa là (Đồng), người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris được sai đến Việt Nam để truyền giáo, mục vụ và chăm sóc cho người Hoa làm ăn và sinh sống tại Chợ Lớn. Tồn tại song song lúc này đã có sẵn một số nhỏ tín hữu người Hoa nên việc gấp rút dựng lên một ngôi nhà thờ để cử hành phụng vụ thờ phượng Thiên Chúa là điều cần thiết, và ngôi nhà thờ tạm thô sơ được dựng, đây là nhà thờ đầu tiên của cộng đoàn Công Giáo người Hoa tại Việt Nam.
  • Năm 1866, tại Trung Quốc lúc này là triều đại nhà Thanh nên ngôi nhà thờ thứ hai được xây dựng bởi ngân sách nhà nước tài trợ do lệnh của Thống Đốc Nam Kỳ dành cho người Hoa được đặt tên là Nhà Thờ Thanh Nhơn (清人聖堂) nằm ở đường Cây Mai (ngày nay vị trí nằm ngay góc ngã tư đường Nguyễn Trãi-Phùng Hưng theo bản đồ Legende-Ville De Cholon 1923).
  • Năm 1860, theo lời mời của Đức cha Dominique Lefèbvre (1810-1865), giám mục giáo phận Tông Tòa Tây Đàng Trong, nữ tu Dòng Thánh Phaolô từ Hong Kong được gửi đến Việt Nam. Năm 1861, bà Benjamin (1821-1884), người Pháp, đến Việt Nam và được bổ nhiệm làm bề trên chính miền Viễn Đông đặt trụ sở tại Sài Gòn. Vào năm 1866 bà Benjamin đã dẫn cậu bé Phanxicô Xaviê Tam Assou (譚亞蘇), nguyên quán huyện Trung Sơn tỉnh Quảng Đông, sinh năm 1855 tại Macau, đã rửa tội tại Hong Kong sang Việt Nam. Sau đó, bà gửi cậu Tam Assou cho cha Philippe, cha sở Nhà Thờ Thanh Nhơn dạy dỗ. Nhận thấy cậu Tam Assou thông minh sáng dạ, ham học tính tình tốt lành, nên khi cậu được 14 tuổi cha Philippe đã gửi sang Penang học tại Tổng Chủng Viện Tông Tòa Công Giáo  (Seminari Tinggi Katolik). Năm 1875, học xong các lớp nhỏ tại Penang thầy Tam Assou về Việt Nam vào tu học tiếp tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn. Mới học đến chức tư, thì được giữ làm giáo sư để dạy tại Đại Chủng Viện. Năm 1882 thầy Tam Assou chịu chức linh mục và làm cha phụ tá trong 16 năm tại nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn.
  • Năm 1898 cha Tam Assou được bổ nhiệm về làm cha Sở Nhà Thờ Thanh Nhơn để vực dậy giáo dân người Hoa đang xuống cấp trầm trọng từ chất đến lượng về đời sống đức tin và truyền giáo cho cộng đồng đặc thù này tại vùng Chợ Lớn.
  •  Vì nhu cầu mục vụ, nên cha Tam phải tìm mua một mảnh đất để xây dựng một ngôi nhà thờ xứng hợp cho việc thờ phượng và mục vụ truyền giáo đặc biệt cho cộng đồng người Hoa đã nhập tịch và những người Hoa mới di cư vào Việt Nam. Nhờ công khó nên cha đã tìm được một mảnh đất rộng bốn mẫu, có bốn mặt đường, nhưng gặp khó là mảnh đất này có đến chín người sở hữu, nên ngài đã phải vất vả tìm thông tin của chín người chủ đất này để mua.
  • Năm 1900, nhà thờ bắt đầu khởi công xây dựng, theo bản vẽ kiến trúc của thầy Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng, cũng là người theo sát công trình xây dựng. Tất cả kinh phí xây dựng nhà thờ đều do các Hoa Kiều đóng góp.
  • Năm 1902, ngôi nhà xây dựng xong, công cuộc truyền giáo tại đây bắt đầu hoạt động và trổ sinh hoa trái trong suốt thời kỳ mục vụ của cha Tam tại giáo xứ cho đến năm 1934.
  • Từ năm 1934, sau khi cha Tam tạ thế, cha Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng (黃靜香神父) là người đã vẽ kiến trúc nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê được bổ nhiệm làm cha Sở đến năm 1949.
  • Năm 1953, cha Joseph Guimet (祁彌達神父) thuộc Hội Thừa Sai Paris về làm cha Sở, ngài làm phát triển đời sống đạo của dân Chúa, đặc biệt là việc truyền giáo và nhiều hoạt động mục vụ khác cho người Hoa. Cha xây dựng thêm các giáo xứ Bình Phước, giáo xứ Hiển Linh và giáo xứ Thánh Giuse An Bình.
  • Năm 1963, cha Stêphanô Trần Đạt Minh (陳達明神父), là người Hoa đầu tiên mang quốc tịch Trung Quốc được truyền chức linh mục tại nhà thờ này và làm phụ tá cho cha Joseph Guimet. Trong thời gian phục vụ cha đã đẩy mạnh đời sống đạo của giáo dân bằng việc tổ chức lớp học Thánh Kinh. Với cương vị là hiệu trưởng trường Thánh Tâm cha đã phát triển các chương trình thể thao, văn hoá, văn nghệ cùng các cuộc thi ca hát dành cho mọi thành phần từ bên lương lẫn bên đạo, góp phần làm cho việc truyền giáo của vùng Chợ Lớn này phát triển mạnh, ngày càng nhiều người tin đạo.
  • Ngày 24/01/1969, cha Gabriel Lajeune (黎和樂神父) được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê Chợ Lớn.
  • Năm 1969, cha Paul Vallat (華天祿神父) được bổ nhiệm làm cha phụ tá cho cha Lajeune. Ngài được giao nhiệm vụ chăm sóc mục vụ và thăm viếng cộng đoàn người Hoa tại vùng Phú Thọ và Phú Thọ Hòa.
  • Năm 1974, cha Stêphanô Huỳnh Trụ một người con của giáo xứ đã chịu chức linh mục tại ngôi nhà thờ cổ kính này và được bổ nhiệm làm cha phụ tá, phụ trách việc truyền giáo mục vụ cho người Hoa, cũng như mục vụ về công tác giáo dục tại các ngôi trường mà giáo xứ có liên đới phụ trách.
  • Năm 1976, cha Stêphanô Huỳnh Trụ (黃柱權神父) được bổ nhiệm làm cha Sở và chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề về người Hoa trong toàn Miền Nam Việt Nam theo sắc lệnh Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình tái ký vào năm 1974. Ngài đã mục vụ tại đây suốt 45 năm đời linh mục, ngài dành cả tuổi thanh xuân cuộc đời để mục vụ và truyền giáo không chỉ cho người Hoa mà còn cho người Việt trong thời kỳ mới, và đặc biệt là ngài chăm lo trong khả năng của mình cho Tổng Giáo Phận Sài Gòn trong giai đoạn khó khăn.
  • Năm 2019, cha Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ, được Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng bổ nhiệm về làm quản xứ giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê.
  • Năm 2021, cha Tôma Huỳnh Bửu Dư (黃寳瑜神父), khi đang là cha Sở của giáo xứ Thánh Giuse An Bình, một giáo xứ người Hoa nhỏ bé do công khó của cha Guimet xây dựng vào năm 1968, được bổ nhiệm về giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê làm cha Sở để xây dựng lại đời sống đạo hiệp nhất cho cộng đoàn Hoa – Việt sau một thời gian tuy không dài nhưng bị phân hóa nặng nề. Với sức khỏe có hạn nhưng trọng trách lại nặng nề, mỗi ngày cha Tôma vẫn không ngừng cố gắng làm sao cho cộng đoàn giáo xứ ngày càng tốt lành hơn, thánh thiện hơn và đạo đức hơn về đời sống đạo hơn là những hoạt động rùm beng hình thức hoành tráng bên ngoài. Ngài đã cố gắng hoàn thành công trình đại tu sửa ngôi nhà thờ cổ kính đã mục nát và xuống cấp trầm trọng toàn diện do thời gian sau khi đã trải qua 125 năm theo dòng lịch sử đất nước.
  • Năm 2025, là kỷ niệm 160 năm thành lập Cộng Đoàn Công Giáo người Hoa tại Việt Nam và 125 năm xây dựng nhà thờ.    

Lm. Vincent Lucia Cổ Diệu Thanh
                                                                                                     Viết xong ngày 24/11/2024

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top