Giáo xứ Thăng Long: Tĩnh tâm Mùa Chay 2024

Giáo xứ Thăng Long: Tĩnh tâm Mùa Chay 2024

Giáo xứ Thăng Long: Tĩnh tâm Mùa Chay 2024

TGPSG -- “Tại sao chúng ta phải đi xưng tội?” Đó là câu hỏi Linh mục (Lm) Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ, chánh xứ Thăng Long đặt ra với cộng đoàn mở đầu cho 3 ngày Tĩnh tâm Mùa Chay của giáo xứ Thăng Long trong các thánh lễ lúc 17g thứ hai, thứ ba, và thứ tư (19 đến 21-2-2024)

Trong buổi tĩnh tâm thứ nhất, Lm Vinhsơn nói đến Bí tích Giải tội là Bí tích chữa lành. Nhiều khi chúng ta cứ nhấn mạnh đến tội. Tại sao chúng ta phải xưng tội của mình với một linh mục, chưa chắc ngài đã tốt hơn chúng ta? Khi sống trong tình trạng tội lỗi, tôi như là người đau bệnh. Đến tòa giải tội, tôi gặp thầy thuốc Giêsu, tôi nói với Chúa căn bệnh của mình, những vấp váp trong cuộc sống và nhờ Ngài chữa bệnh. Thầy thuốc Giêsu biết tôi đang ở trong tình trạng nào, và chính Chúa Giêsu chữa lành cho tôi.

Lm Vinhsơn cũng nói đến những cái nhìn của những người trong đạo, cũng như ngoài đạo dẫn đến việc nhiều người không muốn đi xưng tội.

Trong buổi tĩnh tâm thứ hai, Lm Vinhsơn  khai triển: Nhiều khi chúng ta mang tâm trạng đến tòa xưng tội để an tâm chứ không phải để được Chúa chữa lành. Lúc ấy, chúng ta xem Chúa như một ông quan tòa, linh mục ngồi tòa giải tội đóng vai ông quan tòa, cầm cân nảy mực về luật pháp. Nhưng linh mục phải mang trái tim của vị Mục Tử Giêsu, để khi nghe người ta xưng tội, hiểu và thương cảm, tìm cách cứu chữa chứ không phải trừng phạt. Vị Mục Tử giúp chúng ta phân biệt điều phải điều trái, để tránh dữ làm lành. Vì không hiểu hiểu điều đó nên có lúc chúng ta tìm cách che giấu tội của mình khi đến tòa giải tội. Nên nhớ, tội làm thương tổn, chúng ta như bị tai nạn. Tất cả những tội trọng chúng ta phải xưng, không được giấu tội. Tội trọng gây thương tổn trầm trọng. Còn tội nhẹ chúng ta xưng thú để xin Chúa chữa trị chúng ta, giảm bớt tính xấu đó đi.

Để phạm một tội trọng đòi buộc hội đủ 3 điều kiện: tội mình phạm rất trầm trọng, biết rõ đó là tội trọng mà cố tình phạm, phạm với sự thích thú. Chúng ta có thể dựa theo 10 điều răn để xét mình khi xưng tội.

Sau cùng, buổi tĩnh tâm thứ ba, Lm nói đến việc đền tội. Đền tội không phải là cách thức trừng phạt. Lm giải tội thương hối nhân và ra phương thuốc chữa lành, như thầy thuốc ra toa thuốc cho bệnh nhân. Chúng ta không thấy mình yếu đuối cần được chữa lành, chúng ta không nghe linh mục ra việc đền tội; nghĩa là, chúng ta không muốn được chữa lành, không cố gắng để chừa bỏ tội, chúng ta chỉ xưng tội cho xong.

Đền tội còn là trông cậy vào Chúa để lần sau không phạm tội, ta cần đến ơn thánh của Chúa giúp tránh tội. Việc chăm xưng tội sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn. Lần xưng tội này tôi thấy mình yếu đuối phạm tội này, xin Chúa lần sau giúp tôi tránh tội đó. Vì thế cần biết xét mình hằng ngày, nhờ đó chúng ta mới nên thánh được. Xét mình là xem lại cuộc sống mình. Tội làm thương tổn tâm hồn mình, nhưng cũng làm thương tổn anh chị em.

Trong 3 ngày tĩnh tâm có rất đông  giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự.

Thánh lễ tĩnh tâm ngày thứ ba kết thúc vào lúc 18g15 trong niềm vui của cộng đoàn đã hiểu được ý nghĩa Bí tích Giải tội, để thực hiện trong Mùa Chay Thánh này, để trở về với Chúa.

  Bài: Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
Ảnh: Antôn Hoàng Tuấn

 

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top