Giáo xứ Tân Phú: Tam Nhật Thánh - 2024
TGPSG -- Sau 40 ngày Chay Thánh để thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cùng với Giáo hội, giáo xứ Tân Phú - giáo hạt Tân Sơn Nhì đã cử hành Tam Nhật Thánh thật long trọng và sốt sắng.
THỨ NĂM TUẦN THÁNH:
Thánh lễ dành cho cộng đoàn được cử hành lúc 20g00, linh mục (Lm) chánh xứ Giuse Lê Hoàng chủ tế Thánh lễ với nghi thức rửa chân cho ‘12 tông đồ’. Nghi thức này nhắc nhở cộng đoàn về sự khiêm hạ của Chúa Giêsu, đồng thời Chúa cũng muốn noi gương sáng cho các tông đồ và cho chúng ta là phải yêu thương nhau qua cả lời nói và việc làm. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Trước đó, lúc 19g30 các thành phần dân Chúa đã quy tụ đông đảo ở thánh đường và có một cuộc rước theo thứ tự: bình hương, Thánh giá nến cao, quý Sơ, quý Chức, các đoàn thể, đội hoa giáo xứ, Lễ sinh, Lm chủ tế Giuse Lê Hoàng, Lm đồng tế Micae Hoàng Hồng Hải (Phó xứ) và Thầy Phó tế Giuse Bùi Kim Ngọc Thanh, từ sân nhà xứ để rước kiệu Chiên Vượt qua. Cuộc rước vòng quanh thánh đường trong lời ca của ca đoàn với những bài tôn vinh và thờ lạy Chúa.
Vào thánh đường, Lm chủ sự xông hương Chiên hiến tế và nói ý nghĩa ngày lễ: Thánh lễ Tiệc ly hôm nay tưởng niệm ngày Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể hiến thân để trở nên của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Ngài cũng đã nêu gương Rửa chân cho các môn đệ với ước mong “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) Cũng vào ngày thứ Năm tuần Thánh, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Truyền Chức Thánh. Với những ý nghĩa đó chúng ta cùng cảm nghiệm con đường mà Chúa đã đi qua và cùng hiệp thông với Ngài.
CĐ cùng hát kinh Vinh Danh và lễ sinh rung chuông.
Sau các bài đọc và theo bài Tin Mừng Thánh Gioan, Lm Micae Hoàng Hồng Hải quảng diễn:
“Trong thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, chúng ta lắng nghe lời các sách Thánh cho biết về bối cảnh của Thánh lễ Tiệc ly. Chắc hẳn cộng đoàn ngồi đây đã từng dâng nhiều Thánh lễ trong cuộc đời, nhất là các ông bà lớn tuổi và mỗi Chúa nhật khi dự lễ, chúng ta hiểu rõ cấu trúc của một Lễ Misa như thế nào. Riêng hôm nay, một Thánh lễ đặc biệt hơn các thánh lễ khác. Đó là tái hiện lại những cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly. Cụ thể là việc rửa chân cho các môn đệ, việc thiết lập Bí tích Thánh Thể khi ngài cầm lấy bánh và nói “Đây là Mình Thầy” (Lc 22,19) và cầm lấy chén rượu và nói “Đây là Máu Thầy” (Lc 22,20) và việc thiết lập Bí tích Bí tích Truyền Chức Thánh “Anh em hãy làm như Thầy mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), thì ngày hôm nay, vị chủ tế sẽ lặp lại nghi thức Rửa chân cho một số đại diện trong cộng đoàn, để nói lên sự khiêm hạ và tinh thần phục vụ; và trong chức Thánh, các Linh mục cũng đã thực hiện việc “Truyền Phép”, để qua tác động của Chúa Thánh Thần, bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa Giêsu nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.Trong ý nghĩa Đức Giêsu thiết lập Bí tích Truyền Chức thánh, có thể gọi hôm nay là ngày Sinh Nhật của các linh mục.
Cuối cùng, sau bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đi vào trong Vườn Cây Dầu, ở đó Ngài trải qua một cơn hấp hối dữ dội. Vì thế, sau thánh lễ hôm nay, tất cả chúng ta sẽ rước Mình Thánh Chúa, từ bàn thờ chính về bàn thờ phụ, với ý nghĩa chúng ta đi lại con đường mà Chúa Giêsu từ nhà Tiệc ly đến Vườn Cây Dầu và đêm hôm nay, cộng đoàn thay phiên nhau chầu Mình Thánh Chúa, sống với Chúa một ít giờ trong đêm hấp hối khủng khiếp mà Ngài đã trải qua.
Những nghi thức, những cử chỉ của Chúa Giêsu chỉ có ở trong Thánh lễ này, chứ không lặp lại trong bất kỳ một thánh lễ nào khác. Vậy điều gì đã xuyên suốt trong 4 hành động của Chúa Giêsu: rửa chân, thiết lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền Chức Thánh và tiến vào Vườn Cây Dầu. Đây là thể hiện “tình yêu tự hủy” Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa lại hạ mình rửa chân cho các môn đệ. Điều gì đã thúc đẩy Thiên Chúa tự hạ như vậy? Một ví dụ rất đơn giản: Chúng ta ngồi đây nhiều người quyền cao chức trọng ở ngoài xã hội, có tiền, có quyền sai bảo mọi người; thế nhưng khi về nhà, có những lúc họ phải quỳ xuống để tắm cho con, để dọn dẹp những thứ con bày bừa ra. Đó tất cả chỉ là vì tình yêu. Vậy ngày hôm nay, một Thiên Chúa làm người vì yêu nhân loại quá đỗi nên đã quỳ xuống Rửa chân cho con người, lập Bí tích Truyền Chức Thánh và Bí tích Thánh Thể để khi Ngài không còn hiện diện, nhờ việc cử hành của các Linh mục, Ngài sẽ trở nên thần lương ở trong chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta trên đường dương thế.
Những linh mục chúng con là những con người đầy yếu hèn và khiếm khuyết nhưng Chúa lại bao bọc, ban cho chúng con trong một hồng ân vĩ đại trong Chức Thánh, Chúa cũng ban cho cộng đoàn mỗi người có một bậc sống khác nhau. Chúng ta phải làm gí để đáp lại tình yêu cao vời đó? Xin mỗi người hãy dành ít phút để thưa với Chúa: “Lạy Chúa Ngài đã yêu con và con cũng yêu Ngài.”
Sau bài giảng lễ là Nghi thức Rửa chân và Nghi thức đốt Chiên. Trước khi cử hành nghi thức, Lm chủ tế đã nói lên ý nghĩa: “Giờ đây tưởng niệm lại việc “Con Chiên hiến tế” của Cựu ước khi xưa, dân đã ăn thịt Chiên, để vượt qua, đi vào Đất mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài. Nghi thức Rửa chân thể hiện tình yêu bao la của Chúa Giêsu đối với những môn đệ thân yêu. Qua cử chỉ này, Ngài đã nêu gương khiêm tốn, tự hạ để cho mỗi người chúng ta noi theo.”
Sau lời chia sẻ, Lm chánh xứ cởi áo choàng thắt dây lưng và ngồi xuống Rửa chân cho 12 môn đệ. trong khi ca đoàn hát những bài về gương yêu thương...
Tiếp theo là phần Lời nguyện giáo dân và Phụng vụ Thánh Thể.
Trước khi ban phép lành, Lm chánh xứ nhắc cộng đoàn 2 điều: tham dự buổi Ngắm Đàng Thánh Giá vào lúc 16g thứ Sáu Tuần Thánh và rộng tay đóng góp cho quỹ Dự phòng của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Chầu Thánh Thể:
Sau khi ban Phép lành cuối lễ, Lm chủ sự xông Thánh Thể rồi cung nghinh Thánh Thể vòng quanh hành lang thánh đường và trở về Nhà Tạm phụ bên Thánh Giuse rồi tất cả cùng quỳ thinh lặng chiêm ngưỡng và chầu Thánh Thể Chúa một cách sốt sắng.
Giờ chầu chung kết thúc, kế tiếp là giờ chầu lượt của các hội đoàn đã được phân công cụ thể. Cộng đoàn trong giáo xứ nối tiếp nhau đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để thờ lạy và cùng hiệp thông với Giáo hội cho đến 15g ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH :
Cộng đoàn giáo xứ Tân Phú đã tham dự và hiệp thông 2 phần của Phụng vụ: Ngắm Đàng Thánh Giá lúc và Suy tôn Thánh Giá.
1. Ngắm Đàng Thánh Giá:
Vào lúc 16g ngày thứ Sáu 29-03-2024, cộng đoàn đã ngắm Đàng Thánh Giá để tưởng niệm những đau khổ mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã chịu. Chủ sự cùng vác Thánh Giá là Lm chánh xứ Giuse Lê Hoàng, cùng cử hành có các Lm phó xứ và Thày Giuse phó tế.
Cộng đoàn có quý sơ các Dòng, các đoàn thể cùng dân Chúa trong và ngoài giáo xứ, trong đó có cả những bệnh nhân, người tàn tật, các cháu Thiếu nhi bé nhỏ.
Sau kinh Chúa Thánh Thần Khai mạc, Lm Giuse chủ sự vác Thánh giá và tất cả cùng tiến về chặng thứ nhất.
Cứ đến mỗi chặng, Thánh Giá được đặt đứng, xông hương Thánh Giá, đọc và suy niệm 1 đoạn Lời Chúa, 1 lời cầu nguyện. Cộng đoàn cùng quỳ thờ lạy Thánh Giá và vừa hát, vừa di chuyển sang chặng sau. Tất cả cùng suy niệm và hiệp thông sốt sắng.
Kết thúc 14 chặng đàng Thánh Giá, Lm chủ sự chia sẻ: Khi suy niệm về Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta thấy chúng ta cũng có tham gia giết Chúa bởi những lầm lỗi của chúng ta. Xin cho cái chết của Chúa Giêsu không trở nên vô ích, mà thánh hóa cuộc sống của chúng ta. Amen.
Kết thúc cộng đoàn cùng hát bài “Con đường Chúa đã đi qua” rồi vào nhà thờ để cầu nguyện riêng.
2. Nghi thức Suy Tôn Thánh giá:
Lúc 18 giờ, các thành phần dân Chúa quy tụ đông đủ vào thánh đường để chuẩn bị cho Nghi thức Suy tôn Thánh giá. Lm Giuse Trịnh Vĩnh Phúc trong lễ phục đỏ, chủ sự Nghi thức Suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu. Lm chánh xứ Giuse cùng các Lm phó trong áo dài và dây đỏ cùng cử hành Nghi thức.
Trong lễ phục đỏ, Lm chủ sự Giuse phủ phục trước bàn thờ. Sau đó, ngài đọc lời nguyện.
Kế tiếp là hai bài đọc và bài Thương khó Đức Chúa Giêsu theo Thánh Gioan (18,1-40.19,1-42) do Lm Micae Hoàng Hồng Hải và 2 giáo dân đọc.
Sau bài Thương Khó, Lm Micae nêu vài ý:
- Cử hành hành ngày Thứ Sáu tuần Thánh là Giáo hội mời gọi chúng ta tập trung vào Thánh Giá là tâm điểm. Trong đức Tin Công giáo chúng ta, khi chiêm ngắm Đức Chúa Giêsu trên Thánh giá, chúng ta khám phá ra 2 điều rất quan trọng, diễn tả về nguồn gốc của Thánh giá và Thánh giá khác với Thập giá. Hai điều đó là: Tình yêu của Chúa và tội lỗi của con người.
- Trước hết Thánh giá và Thập giá bày tỏ khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa. Thông thường khi chiêm ngưỡng Thánh Giá, chúng ta chỉ nhìn thấy sự đau đớn của Chúa Giêsu, chúng ta chỉ nhìn thấy tình yêu của Chúa Giêsu mà ít khi để ý đến tình yêu của Chúa Cha. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của mình cho thế gian và chấp nhận để cho thế gian đóng đinh Con của mình. Qua Thập Giá và qua cái chết của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài như Thánh Phaolô đã nói: Một khi Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu Kitô thì còn gì mà Ngài không ban cho con người nữa. Trước hết, khi nhìn thấy Thập giá, chúng ta thấy tình yêu của Chúa Cha và cùng với tình yêu của Chúa Giêsu Kitô nơi thân xác chịu đóng đinh.” Không có tình yêu nào cao quý cho bằng hiến mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13)
- Chiều hôm qua, chúng ta cử hành thứ Năm tuần Thánh, trong đó có nghi thức Rửa chân. Chúng ta nhớ lại lời Thánh Gioan trong bài Tin Mừng trước khi bước vào phần Rửa chân “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài và yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Vì thế, chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh vì yêu đến cùng. Khi chiêm ngưỡng Thánh giá, chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Thiên Chúa cũng như hiểu được tội lỗi của mình.
- Bài Thương khó khá dài, chúng ta tự hỏi xem điều gì đã dẫn đến Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu? Từ đó, khám phá ra được nguyên nhân dẫn đến Cuộc khổ nạn của Chúa, chính là tội lỗi của mỗi người chúng ta. Có thể điểm qua khuôn mặt của những người trong bài Thương khó: sự vu khống của chính quyền lúc bấy giờ; sự đồng lõa như Philatô và quân lính Rôma; sự hèn nhát của Phêrô chối Thầy; sự dửng dưng của đám đông. Tất cả những sự đó cộng lại dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu và nó vẫn tiếp tục hiện diện trong thế giới và trong Hội Thánh ngày hôm nay. Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cũng có hình bóng chúng ta: khi chúng ta phạm tội, có những lúc chúng ta vu khống, đồng lõa, hèn nhát, dửng dưng… Chính vì vậy, chúng ta chiêm ngắm Thánh giá để khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa, và bao lâu chúng ta nhận ra tội lỗi của mình thì chúng ta không bước đi trên con đường tội lỗi ấy nữa. Chỉ sợ rằng chúng ta không nhận ra được tội lỗi, và cho dù có nhận ra tội lỗi của mình, nhưng không nhận ra được tình yêu Thiên Chúa, thì cũng chỉ sống trong mặc cảm tự ti, chứ không màng đến ơn cứu độ của Ngài ban.
- Nhận ra tội lỗi và bám víu vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ bước đi trong tình yêu của ơn cứu độ. Từ đó, chúng ta sẽ sống là con thảo của Chúa, đồng thời cũng sống tình yêu thương với anh chị em mình.
- Tình yêu phải đáp trả bằng tình yêu. Khi cử hành Nghi thức Suy tôn Thánh giá, xin Chúa giúp chúng ta cảm nhận được thân phận tội lỗi và nhận ra tình yêu thương của Chúa. Và mỗi lần giơ tay làm Dấu Thánh Giá, chúng ta cũng cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và thể hiện tình yêu ấy cho anh chị em chung quanh mình. Xin Chúa cho chúng ta bước vào quỹ đạo tình yêu của ơn cứu độ. Amen.
Nghi thức tiếp tục với phần 10 Lời nguyện cầu có mọi thành phần trong Giáo hội.
3. Kính Thờ Thánh Giá
Thánh giá được cung nghinh từ cuối nhà thờ lên bàn thờ với 3 lần ngừng, nâng cao Thánh Giá và Chủ sự xướng: “Đây là cây Thánh giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian”, cộng đoàn đáp: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”.
Lần xướng thứ 3 trên cung Thánh. Lm chủ sự đặt Thánh giá Chúa xuống một tấm nệm và quỳ xuống hôn kính. Kế tiếp là các Lm trong đoàn rước, Thầy phó tế, các Sơ và 12 vị Tông đồ cùng một số em Thiếu nhi dại diện đã quỳ hôn kính Thánh giá. Ca đoàn hát bài thờ kính Thánh giá “Cây Thánh Giá hiên ngang giữa đất trời. Cây cao quý hơn muôn ngàn cây…”
Phần hôn kính Thánh giá kết thúc, Lm chủ sự rước Thánh giá trở lại bàn thờ và ban phép lành Thánh giá cho cộng đoàn.
Nghi thức bước sang phần Rước lễ. Lm chủ sự sang nhà tạm phụ để kiệu Mình Thánh Chúa về bàn thờ để cùng các Cha và Thừa tác viên cho cộng đoàn rước lễ.
Sau rước lễ, mọi người cùng xuống cuối nhà thờ để cùng hiệp thông nghi thức Đóng danh Chúa Giêsu.
4. Nghi thức đóng đanh Chúa Giêsu
Cộng đoàn đứng hai bên Thánh tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria Sầu bi. Hai người hướng dẫn đọc đoạn về sự đau đớn đến tột cùng “Nơi thứ bốn Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác Thánh giá….” Lm chánh xứ Giuse xông hương hai Thánh tượng và đoàn rước Mẹ Maria có các bà, các chị, còn đoàn rước Chúa Giêsu có các tông đồ theo sau.
Sau khi hai mẹ con nhìn nhau một lúc thì hai xe di chuyển vào thánh đường. Kiệu Mẹ Maria được đưa lên cung thánh, còn kiệu Chúa Giêsu được đem đi đóng đinh.
Sau khi Chúa chịu treo trên Thánh giá, cộng đoàn cùng suy gẫm 15 sự Thương khó Chúa Giêsu. Lm chánh xứ Giuse phụ trách ngắm thứ 1 cho cộng đoàn cùng hiệp thông…
5. Nghi thức Táng Xác Chúa Giêsu
- Sau ngắm thứ 15 và Dâng Hạt, cử hành Nghi thức Táng xác Chúa Giêsu. Trong lúc một người đọc Đoạn về việc Táng xác, bên ngoài nhà thờ, đoàn rước với cờ tang, đại diện đoàn thể trong tang phục, trống, Hòm của Chúa Giêsu và theo sau là 12 tông đồ tiến vào nhà thờ và cử hành nghi thức tháo đanh Chúa Giêsu đặt vào trong quan tài. Giờ phút trọng đại và đau thương, toàn thể cộng đoàn cùng cúi đầu khi đoàn rước quay ra và đi vòng quanh thánh đường để xuống Hội trường, nơi là Nhà mồ của Chúa Giêsu. Những bao nả được đổ vào chung quanh xác Chúa. Cộng đoàn xếp hàng và hôn chân Chúa.
THỨ BẢY TUẦN THÁNH:
- Từ sáng sớm, lúc 4 giờ không có thánh lễ, nhưng cộng đoàn đã đến viếng xác Chúa trong nhà mồ. Các giáo họ và đoàn thể theo giờ quy định đến nhà thờ để Ngắm Đàng Thánh Giá, rước nả vào nhà mồ và viếng xác Chúa.
Tại đây Ban điều hành sẽ phụ trách phát nả cho cộng đoàn, hát và đọc kinh cho cộng đoàn hiệp thông.
- Lúc 14g30 đến 15g30 là giờ Viếng xác cuối cùng của Legio Mariae và Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm. Với dự hiện diện của Lm chánh xứ Giuse Lê Hoàng, Ban điều hành và các hội viên cùng cộng đoàn đã Ngắm Đàng Thánh Giá, rồi rước nả và than hang đá cùng ngắm nguyện. Trong giờ viếng Xác Chúa có cả các cụ già, các thiếu nhi và cả những người mang thai và tàn tật cũng có mặt.
- Buổi viếng Xác cuối cùng kết thúc, mọi người cùng ra về trong niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại vì muôn vàn tội lỗi.
Bài: Phương Nga (TGPSG)
Ảnh: Tiến Hương
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ kính Thánh Cêcilia, bổn mạng ca đoàn Cêcilia thiếu nhi giáo xứ Nam Thái
-
Giáo xứ Xóm Chiếu dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha cố Giuse Maria -
Giáo xứ Tam Hải khai mạc năm thánh kỷ niệm 70 năm thành lập giáo xứ (1955 - 2025) -
Giáo xứ Giuse hạt Phú Thọ kỷ niệm một năm cung hiến thánh đường -
Thánh lễ kỷ niệm 16 năm cung hiến thánh đường giáo xứ Tân Phú Hòa -
Mùa bội thu cho Giáo Hội Việt Nam -
Lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam - Bổn mạng Đoàn TNTT giáo xứ Hòa Hưng 2024 -
Thánh lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bùi Môn -
15 năm người trẻ Vinh Sơn - Nghĩa Hòa kết nối và dấn thân phục vụ -
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng giáo xứ Đồng Tiến
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa