Giáo xứ Phú Hòa 2019

Giáo xứ Phú Hòa 2019

Giáo xứ Phú Hòa 2019

TGPSG -- Giáo xứ Phú Hòa có ngôi nhà thờ xinh đẹp tọa lạc tai số 19/2 Hoàng Xuân Nhị, Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, TP.HCM

Ngôi Thánh đường có tháp chuông cao hơn 30 mét. Giữa tháp chuông được đặt tượng Thánh Giuse Thợ - Bổn mạng giáo xứ. Hai vòng cung từ tháp chuông xuống hai cầu thang bộ dẫn lên tầng 1 của thánh đường như những nét của chữ Anpha và Ômêga. Mặt tiền là hai bức phù điêu hình Chúa Thánh Thần và các Thánh tử Đạo Việt Nam. Phần cung thánh mang tính hội nhập với Bàn thờ trời tròn đất vuông Việt Nam, đồng thời  mang tính quy tụ, hiệp thông.

Nhà thờ Phú Hòa được thiết kế một trệt, một lửng và một lầu, có thang máy để phục vụ người già yếu tàn tật dễ dàng lên tham dự Thánh lễ. Tầng 1 và tầng lửng để cử hành phụng vụ. Tầng trệt sử dụng làm nơi sinh hoạt, làm hội trường, hoa viên, nơi để xe. Nhà thờ có hành lang nối với hội trường giáo lý 3 tầng được trùng tu lại.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ

Để được như ngày hôm nay với ngôi giáo đường xinh đẹp, Giáo xứ Phú Hòa đã qua một quá trình hình thành lâu dài hơn 60 năm.

  1. Hình thành

Vào năm 1957, nhóm 11 gia đình công giáo đầu tiên gốc địa phận Bắc Ninh đến vùng Phú Thọ Lều, thuê đất của Thánh Thất Cao Đài, thuộc ấp Phú Trung 1, Xã Phú Thọ Hòa, Quận Tân Bình (khi đó còn là vùng đất hoang vắng trồng bông lài) rồi tự cất nhà đơn sơ để ở, tự túc mưu sinh.

Nhóm 11 gia đình công giáo với khoảng 40 nhân danh này đã xin gia nhập Giáo xứ Phú Bình và được Cha cố Tôma Phạm Ngọc Biểu, chánh xứ Phú Bình nhận. Năm 1959 Cha cố Tôma Phạm Ngọc Biểu cho bầu tân Ban hành giáo và thành lập Họ đạo mới lấy tên là Họ Phú Hòa thuộc xứ Phú Bình.

Phú Hòa thật là đất lành, nhiều gia đình tựu về Phú Hòa định cư lập nghiệp, đến năm 1971 cộng đoàn Phú Hòa đã có được 75 gia đình với khoảng 370 nhân danh, là 1 trong 8 Họ của Giáo xứ Phú Bình gồm người: Bắc, Hoa, Nam đa số là nhân dân lao động, sống bằng nghề nấu rượu, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, làm đậu hũ, nghề nấu rượu về sau không được ủng hộ nên không được duy trì.

Ngoài 75 gia đình đã gia nhập Họ đạo, Phú Hòa còn có nhiều gia đình công giáo rối ren, vì nhiều lý do, bỏ nhà thờ, quên Chúa, và rất nhiều anh chị em lương dân chưa biết Chúa. Cha Cố Tôma khi ấy nhận định: đây là điểm để truyền giáo của Giáo phận Sài Gòn. Vì thế Cha Cố Tôma Phạm Ngọc Biểu và dân họ tâm đồng ý hợp, nhất định phải xây dựng một Nhà nguyện ở khu vực trong Họ đạo Phú Hòa: Phú Hòa phải  trở thành điểm truyền giáo của giáo phận.

Cầu được ước thấy, lời cầu xin chân thành của dân họ đã được Chúa nhận. Thật vậy, năm 1971 ông Trần văn Thông (người bên lương) có một lô đất, kế bên nhà đang trồng bông, ông muốn sang lại nếu ai cần. Thật là cơ may cho Họ đạo. Ban Hành giáo đương nhiệm khi đó là ông Hoàng Trọng Do (Đặng), ông Trần Văn Thận (Quảng) và ông Vũ Văn Giản đại diện dân họ ký giấy sang lại với ông Trần Văn Thông. Lô đất dài 22m50, ngang 14m50 tổng diện tích 326,25m2

Rất vui mừng, Cha cố Tôma Phạm Ngọc Biểu và dân họ bắt tay xây dựng Nhà nguyện. Ngày 16/12/1972 bắt đầu khởi công xây dựng Nhà nguyện, xây cất đơn sơ, tường gạch, mái lợp tôn kẽm, phần lòng nhà dài 15m, ngang 8m, cao 6m, tận dụng cả hai hiên trước và sau. Sau 4 tháng nỗ lực xây dựng, ngôi nhà của Chúa đã hoàn thành, bước khởi đầu kiến tạo Nhà Chúa đầy ắp yêu thương, kinh phí hết hơn 1 triệu đồng, do giáo dân chung góp cùng với sự giúp đỡ của các ân nhân. 

Ngày 1-5-1973, cộng đoàn họ đạo Phú Hòa vui mừng đón Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Cha Phụ tá Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm về dâng Thánh lễ khánh thành Nhà nguyện Phú Hòa. Từ đó, Thánh Giuse lao động là Bổn mạng của Phú Hòa, mừng vào ngày 1-5. 

Sau khi có nhà nguyện, Cha cố Tôma Phạm Ngọc Biểu từ Phú Bình qua dâng Thánh lễ lúc 3 giờ chiều Chúa nhật hằng tuần. Lễ an táng, lễ hôn phối, cũng được cử hành tại nhà nguyện này. Ban ngày có lớp mẫu giáo, để trông nom dạy dỗ con em trong Họ đạo. Ban tối giáo dân đến Nhà nguyện đọc kinh chung. Nhà nguyện là quả tim của họ đạo, là nơi đem lại tình yêu và giúp mọi người gần nhau hơn.

Như đã nói trên, Phú Hòa có cộng đồng người Hoa sinh sống, trong đó có nhiều gia đình người Hoa Công giáo, vì thế năm 1973, Cộng đoàn Phú Hòa được Linh mục Polvala Hòa người Pháp đến giúp mục vụ cho bổn đạo người Hoa. Cha dâng Thánh lễ vào mỗi chiều thứ Năm bằng tiếng Hoa cho người Hoa, Cha Polvala lại đến thuê nhà ở Phú Hòa, sinh hoạt với bà con công giáo người Hoa và cộng đoàn Phú Hòa. Với chỉ với 4 tháng sinh hoạt với Phú Hòa, học tiếng Việt ở Phú Hòa, Cha Polvala đã có thể dâng Thánh lễ mỗi chiều thứ Ba bằng tiếng Việt cho cộng đoàn người Việt. Cộng đoàn Phú Hòa trở nên thật sinh động, người Việt cũng đi tham dự Thánh lễ bằng tiếng Hoa và người Hoa cũng đi tham dự thánh lễ cử hành bằng tiếng Việt. Người Việt, Hoa cùng chung sức xây dựng Cộng đoàn, cộng đoàn thật đoàn kết yêu thương. Rất tiếc đến năm 1975 vì tình hình xã hội nên Cha Polvala phải rời Phú Hòa .

Năm 1975, chủ đất cũ về quê, ông sang lại cho Họ đạo lô đất còn lại, khuôn viên nhà thờ tăng lên thành 720 m.

Năm 1978, Cha Cố Tôma Phạm Ngọc Biểu về hưu vì lý do sức khỏe, linh mục Antôn Nguyễn Quang Bạch quyền Chánh xứ Phú Bình, phụ trách Phú Hòa. 

Sau 15 năm xây dựng, nhà nguyện đã xuống cấp. Ngày 05-5-1988 Nhà nguyện Phú Hoà trùng tu lần thứ nhất, chuyển nhà nguyện nằm ngang thành nhà nguyện nằm theo chiều dọc.

Năm 1991 Nhà nguyện Phú Hòa lại trùng tu một lần nữa, nới rộng diện tích thành 760 mđể đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dân.

Chiều 24-6-1991 Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Cha Phụ tá Lu-y Phạm văn Nẫm, về thăm và chúc lành cho công trình trùng tu Thánh đường Phú Hoà.

Vào ngày 27-9-1991 một bước ngoặt mới của Phú Hòa: Cha Phêrô Nguyễn Văn Châu quản hạt Phú Thọ khi đó đọc quyết định số 116/VP-91 của Toà Tổng Giám mục, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình ký ngày 27-9-1991, xác định: tách Họ đạo Phú Hòa ra khỏi Giáo xứ Phú Bình, tạm giao Phú Hòa cho Cha Hạt trưởng Tân Sơn Nhì (khi đó là cha Đaminh Vũ nguyên Thiều) phụ trách cho đến khi có linh mục chánh xứ chính thức.

  1. Thời các Linh mục Quản nhiệm

Năm 1993, Cha Giuse Đinh Quang Thịnh được Cha Đaminh Vũ Nguyên Thiều giao đặc trách Phú Hòa.

Năm 1993, giáo dân Phú Hòa cố gắng dành dụm bỏ thùng tiết kiệm, vay muợn mua thêm lô đất phía đầu nhà thờ diện tích 6m x 20m của Ông bà Trần Văn Tơ.

Năm 1994, xây hội trường trên nền đất vừa mua năm 1993.

Năm 1995, lại mua thêm lô đất diện tích 4m x 21m của ông bà Hoàng Trọng Trình, và xây nhà cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt giúp công việc phụng vụ, sinh họat giáo lý, mở lớp dạy học các em trong Giáo xứ.  Cha Giuse Đinh Quang Thịnh dạy 2 buổi Thánh kinh hằng tuần cho giáo dân.

Ngày 9-12-1996, Cha Đaminh Trần Đức Công được Cha Đaminh Vũ Nguyên Thiều giao đặc trách Phú Hòa. Những năm này, do các gia đình thuộc diện giải tỏa kênh Nhiêu Lộc chuyển về các chung cư trên địa bàn Phú Hòa ngày một đông, nên số giáo dân Phú Hòa tăng đột biến, phải tìm cách mở rộng mặt bằng để đáp ứng nhu cầu của giáo dân.

Năm 1998, Phú Hòa mua thêm 1 căn nhà số 825D đường Âu Cơ. Cha Đaminh Trần Đức Công và Ban Đại diện Giáo xứ ra Phan Thiết xin và được Đức Cha Giám quản Nicola Huỳnh văn Nghi cho 5 lượng vàng, số còn lại giáo dân Giáo xứ lại dành dụm, bỏ thùng tiết kiệm, vay mượn đến 2001 thì trả hết nợ.

Cha Đaminh Trần Đức Công tổ chức cho giáo dân bầu Hội đồng Mục vụ Giáo xứ theo quy chế của giáo phận. Hội đồng mục vụ có hơn 40 thành viên. Cha tổ chức sinh hoạt phụng tự theo khuynh hướng hội nhập với văn hóa Việt Nam như múa lân, đội trắc, chiêng trống, rước kiệu, đóng đinh táng xác… rước cung nghinh Chúa Hài Đồng quanh các con đường trong giáo xứ, giới thiệu Chúa với anh em lương dân. Cùng với sự giúp đỡ tận tình của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt, các sinh hoạt của Phú Hòa trở nên sôi nổi, hoạt động xã hội được quan tâm, các gia đình khó khăn được hỗ trợ các phần gạo hằng tháng.

Tháng 9-1999, Cha Giuse Nguyễn văn Thanh về đặc trách Phú Hoà. Cha đổi căn nhà số 825D Âu Cơ của giáo xứ lấy căn nhà 19/4 Âu Cơ và xây hội trường giáo lý trên nền ngôi nhà này. Ngài đã đặc trách giáo xứ cho đến năm 2007.

  1. Phát triển

Ngày 04-10-2007, Giáo xứ Phú Hòa có một bước ngoặt quan trọng: Cha Antôn Mai Đức Huy được Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm làm Linh mục Chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Phú Hòa. Và Giáo xứ Phú Hòa lại trở về Giáo hạt Phú Thọ. Năm 2007, Giáo xứ Phú Hòa có 617 gia đình với 2.452 giáo dân, chia làm 6 khu giáo, giáo xứ có 4 đoàn thể, 4 ca đoàn, ban hát và đoàn Thiếu nhi Thánh Thể.

Sau khi nhận Giáo xứ, Cha Antôn đã đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ, tìm hiểu sinh hoạt của giáo dân, đưa các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ đi vào nề nếp. Cha cho bầu lại Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ, tổ chức các hội đoàn hoạt động ở các lãnh vực khác nhau như: đọc kinh tối ở các gia đình, thăm bệnh nhân, thăm hỏi, giúp đỡ người già yếu neo đơn, khó khăn. Trong tháng Mân Côi đến, tất cả các gia đình trong xứ đọc kinh tôn sùng Đức Mẹ.

Việc học giáo lý luôn là mối quan tâm hằng đầu của Cha xứ. Việc dạy và học giáo lý được tổ chức quanh năm, với các lớp theo từng lứa tuổi. Các lớp giáo lý Dự Tòng thường đựơc tổ chức song song với với các lớp giáo lý Hôn Nhân dành cho thanh niên nam nữ trong và ngoài xứ tự nguyện theo học.

Cha xứ tổ chức các phần quà tặng cho các gia đình khó khăn vào dịp lễ tết. Các hội đoàn tham gia các công tác bác ái xã hội, tổ chức những chuyến ủy lạo, ủng hộ thiên tai, trại phong, đến chia sẻ với những xứ bạn vùng cao vùng xa còn nhiều khó khăn.

Lúc này, giáo dân ngày càng đông, số người đến nhà thờ ngày một nhiều hơn khiến cho nhà thờ không đủ chỗ để tham dự Thánh lễ, giáo dân ngồi tràn ra đường, đi tham đự Thánh lễ không có chỗ để xe; các em thiếu nhi không đủ phòng để học giáo lý; các đoàn thể không có nơi để hội họp sinh hoạt. Nhà thờ quá nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng, mùa mưa dột và ngập nước, mùa nắng nóng nực… trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng vẫn không đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo xứ. Ước mong có 1 ngôi Thánh đường mới luôn ấp ủ từ các em thiếu nhi cho đến các cụ già. Vì thế Cha xứ Antôn Mai Đức Huy cùng tòan thể giáo dân đi đến nhất trí xây dựng nhà thờ mới, phát động "bao thơ tiết kiệm" nhằm có quỹ xây nhà thờ.

- Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 2-5-2009 do Đức Cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự.

- Thánh lễ khởi công ngày 22-7-2009 do Cha sở Antôn chủ sự.

Sau gần một năm nỗ lực xây dựng với nhiều thuận lợi lẫn khó khăn, Thánh đường Phú Hòa đã hoàn thành. Thánh lễ khánh thành ngôi nhà thờ mới đã được tổ chức vào ngày 12-6-2010 do Đức Cha Vinh sơn Nguyễn văn Bản - Giám mục Ban Mê Thuột - chủ sự.

SINH HOẠT GIÁO XỨ HIỆN NAY (2019)

Cấu trúc

Giáo xứ có 6 khu giáo cùng với 16 hội đoàn và ban ngành.

Ban Thường vụ: Chủ tịch là ông Giuse Nguyễn Văn Khẩu; Phó nội là ông Gioakim Vũ Viết Quang, Phó ngọai là ông Phêrô Võ Tuấn Xuân; Thư ký là ông Antôn Nguyễn Hồng Đại; Thủ quỹ  là ông  Giuse Nguyễn Đình Hòa.

Phụng vụ và Mục vụ

Thánh lễ ngày thường lúc 17g30

Thánh lễ Chúa nhật lúc 5g; 7g30 và 17g.

Rửa tội cho các trẻ sơ sinh vào Chúa nhật đầu tháng lúc 6g

Chầu Thánh Thể vào thứ Sáu đầu tháng lúc 19g

Gíao xứ chầu Thánh Thể thay địa phận vào lễ Chúa Thánh Thần iện Xuống từ 8g30 đến16g30.

Giải tội vào các ngày trong tuần từ 17 đến 17g30

Mùa Giáng Sinh, giáo xứ tổ chức giăng đèn làm hang đá Bêlem, hoạt cảnh thiếu nhi, chia sẻ quà yêu thương đến những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Mùa Phục sinh tổ chức tĩnh tâm, ngắm 15 sự Thương khó Chúa Giêsu, Táng xác Chúa…

Tháng Hoa và Tháng Mân Côi: có dâng hoa và đọc kinh trong các khu giáo.

Tháng Các Đẳng linh hồn: dâng lễ cầu nguyện và viếng nhà hài cốt.

Hằng năm, Giáo xứ tổ chức:

  • Thánh lễ bổn mạng giáo xứ, bổn mạng các giáo khu và bổn mạng ban ngành đoàn thể.
  • Thánh lễ tại gia cho các tín hữu qua đời.
  • Thánh lễ chúc thọ các cụ cao niên vào mùng Hai Tết
  • Thánh lễ chúc mừng các đôi hôn phối
  • Các chuyến đi ủy lạo ngoài giáo xứ.
  • Các cuộc hành hương cho HĐMVGX
  • Các buổi cắm trại cho các em thiếu nhi
  • Múa lân và phát quà cho các em trong các địp tết Trung thu và Tết Nguyên đán
  • Thăm viếng những người già neo đơn và bệnh tật trong các dịp lễ trọng.

Truyền Giáo

Giáo xứ Phú Hòa nằm trong khu dân cư lao động, phần lớn ngoài Công giáo, vì thế các vị chủ chăn cũng như Hội đồng Mục vụ giáo xứ luôn trăn trở làm sao để giúp họ biết Chúa, hay ít ra cũng sống chan hòa yêu thương trong môi trường khu xóm.

Do đó, trong các lễ hội chính như Mùa Giáng Sinh, Giáo xứ làm hang đá Belem, trang trí giăng đèn đường, hoạt cảnh, múa lân trong dịp lễ tết, nhằm thu hút các bạn trẻ không phân biệt lương giáo đến viếng xem nhà thờ…

Giáo xứ cũng tổ chức các buổi phát quà hay bữa cơm tình nghĩa, mời gọi những người có hoàn cảnh khó khăn đến cùng chia sẻ nỗi khó khăn với họ… Cha sở cũng mời gọi giáo dân sống cho tốt với những người hàng xóm chưa biết Chúa.

Giáo xứ đã có hai người con là nữ tu và hai bạn trẻ - một đang dự tu tại Dòng Chúa Cứu Thế và  một đang tìm hiểu tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

LỜI KẾT

Nhìn lại những chặng đường đã qua, cộng đoàn giáo xứ Phú Hòa hằng hiệp lời hân hoan tạ ơn Chúa, vì: “Tất cả là hồng ân”. Cộng đoàn giáo xứ Phú Hòa có được như hôm nay chính là nhờ hồng ân bao la của Thiên Chúa…

MVTT Phú Hòa - NSTM 12-2019 (TGPSG)

 

 

Top