Giáo xứ Phú Hiền 2016

Giáo xứ Phú Hiền 2016

Giáo xứ Phú Hiền 2016

TGPSG -- Một buổi sáng Chúa nhật, chúng tôi đến địa bàn quận Bình Thạnh. Sau khi đi trên đường Phan Đăng Lưu, rẽ vào đường Vạn Kiếp, hỏi thăm vài người, chúng tôi đã thấy một tấm bảng nhỏ ‘Giáo xứ Phú Hiền’ ở đầu một con hẻm. Đi vào hẻm thêm 20 mét nữa mới thấy nhà thờ. Đây là một cộng đoàn thuộc giáo hạt Gia Định.

Một cộng đoàn ổn định

Giáo xứ Phú Hiền nằm trong một địa bàn phức tạp với những lô chung cư mới - xen lẫn những khu dân cư cũ. Ngôi thánh đường không cao to sừng sững, không có sân bãi, nằm san sát với nhà dân, nhưng chúng tôi có thể nhận ra ngay đây là nhà thờ, nhờ cấu trúc tôn giáo.

Linh mục chánh xứ Phêrô Trịnh Hồng Hải tiếp chúng tôi nơi phòng khách nho nhỏ của nhà xứ, ngay bên cánh phải nhà thờ. Cha cho chúng tôi biết về cộng đoàn giáo xứ ở đây:

Khu vực này dân cư đông đúc và lại là khu nghèo nhất của phường 3 quận Bình Thạnh. Trước đây người ta sinh sống bằng việc trồng rau muống, làm ruộng, nay đa số là lao động phổ thông.

Ngôi thánh đường chỉ đáp ứng tương đối được việc phụng vụ cho cộng đoàn 2.105 giáo dân. Để đáp ứng cho nhu cầu học Giáo lý, nhờ sự giúp đỡ của nhiều ân nhân xa gần cùng với sự tiết kiệm đóng góp của giáo dân, giáo xứ đã mua được hai căn nhà chưa đầy 100 mét vuông làm phòng học giáo lý.

Ban Thường vụ Hội đồng Mục vụ (HĐMV) và bốn giáo khu cộng tác với cha chánh xứ rất chặt chẽ. Hàng tháng quí chức họp với cha xứ một lần. Việc mục vụ ở giáo xứ này khá chủ động. HĐMV tự thiết kế chương trình làm việc, sau đó trình Cha xứ đóng góp ý kiến rồi thực hiện. Cha xứ Phêrô muốn rằng: những gì giáo dân làm được thì để họ làm, những gì Giáo Hội cho phép thì cứ để họ phát huy; ngay cả các nữ tu cũng giữ vai trò hỗ trợ chứ không nhằm thay thế. Chúng tôi thiết nghĩ, đây là một cách làm việc rất trưởng thành.

Giáo xứ có đủ các đoàn thể Công giáo tiến hành: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Dòng ba Cát Minh, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Legio Mariae… sinh hoạt theo qui định chung của giáo phận, tham gia các khóa học trên Trung tâm Mục vụ...

Giáo lý phổ thông có khoảng 280 thiếu nhi được học đầy đủ chương trình Giáo lý các lớp. Vì các em đi lễ sớm rồi sau đó ở lại học giáo lý nên giáo xứ đã tổ chức cho các em ăn sáng. Việc tổ chức thành đoàn Thiếu nhi Thánh Thể chưa thể thực hiện được vì không có điều kiện “sân bãi”.

Giáo dân đi lễ hằng ngày khá đông, buổi sáng có khoảng 60 người, buổi chiều con số là 120 kể cả trẻ em. Nhìn chung là rất sốt sắng, nhiệt thành. Chúa nhật có ba thánh lễ. Vào Mùa Vọng và Mùa Chay hằng năm, cha xứ đều tổ chức tĩnh tâm để giúp giáo dân chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Ngoài ra, cha xứ thường mời các cha ở Đại Chủng viện và ở cộng đoàn dòng tu về dâng lễ để tạo bầu khí sinh động trong sinh hoạt phụng vụ,

Tới Tháng Hoa, không chỉ có đội hoa thiếu nhi mà còn có đội hoa người lớn nữa. Việc tập dâng hoa cho người lớn cũng là một “kỳ công”. Họ hy sinh thời gian, công việc và vất vả tập luyện để thể hiện lòng yêu kính Mẹ Maria. Vào tháng 10, giáo dân tập trung đọc kinh Mân Côi, kiệu Đức Mẹ quanh khuôn viên giáo xứ. Đến tháng 11, đọc kinh chung cầu cho các linh hồn. Mỗi ngày Chúa nhật thì luân phiên đọc kinh tại các gia đình. Riêng dịp Giáng Sinh, giáo xứ tổ chức Đêm Thánh ca rất trang trọng, có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến hát; người tham dự đông vui, giáo dân rất phấn khởi.

Giáo xứ giữ mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền và thân thiện với người dân trong khu vực. Dịp Trung Thu đều có múa lân; các em thiếu nhi thuộc giáo xứ và trẻ em trong khu vực được rước đèn ra ngoài đường, đi quanh khu vực và cùng được nhận quà.

Tuy chỉ là một giáo xứ nghèo, nhỏ hẹp, nhưng tấm lòng lại rất rộng mở: sẵn lòng chia sẻ cho các giáo xứ vùng sâu; ca đoàn cũng đi bác ái ở vùng xa. Dịp Tết, các cụ từ bảy mươi tuổi trở lên được chúc thọ, cụ nào cũng có quà, vị nào đau yếu không đến được thì các trưởng khu đến tận nhà trao tặng. Mỗi tháng các gia đình nghèo có phiếu lãnh gạo; giáo xứ đăng ký chọn một tiệm gạo, ai có phiếu cứ đến đưa phiếu là nhận, chứ không ôm gạo từ nhà thờ về. Đây là một việc làm rất tế nhị. Ngày Tết, Ban điều hành giáo khu và thành viên Ban Bác ái Xã hội mang quà đến tận hộ nghèo một cách trân trọng, bất kể gia đình giáo dân hay lương dân.

Cha xứ đưa chúng tôi đi quanh khuôn viên nhà thờ và nhà xứ. Từ đài Đức Mẹ cho đến các phòng giáo lý, diện tích nhỏ nhưng tất cả đều được tận dụng một cách hài hòa. Cha xứ chia sẻ thêm niềm vui: Ít ai có thể nghĩ rằng một giáo xứ nhỏ bé như thế lại đã từng được trang trọng tiếp đón Đức Khâm Sứ về thăm mục vụ trong dịp Ngài sang Việt Nam.

Vài hàng lược sử

Vào năm 1930, vùng đất Phú Nhuận - còn là nơi đầm lầy bỏ hoang với cây cối um tùm - đã là nơi những người nghèo từ khắp các miền Bắc, Trung, Nam đổ về kiếm sống. Những người Công giáo đầu tiên thuộc giáo xứ Phú Đa, giáo phận Hà Nội cũng đã đến đây lập nghiệp và định cư. Họ sinh sống bằng nghề trồng rau muống và cấy lúa.

Năm 1955, số tín hữu trong vùng định cư đã lên đến 100 gia đình. Nhu cầu mục vụ phát sinh mà giao thông đường bộ bấy giờ chưa phát triển nên việc đến nhà thờ Bà Chiểu - nhà thờ Gia Định - rất khó khăn. Một số bậc lão thành đã thao thức xây một nhà nguyện cho cộng đoàn giáo dân tại chỗ. Ý định này thật quá lớn đối với thành phần giáo dân nghèo sống bằng nghề thủ công, trồng rau muống, xây dựng… Nhưng Chúa đoái thương những người phận nhỏ, đã ban cho cộng đoàn này những con người năng động, giàu sáng kiến và các đức tính cần thiết để vượt thắng những trở ngại. Những hạt giống đầu tiên này đã cố xoay sở mọi phương thế, kẻ góp công người góp của để mua được 3 căn nhà lá (3m x 16m) và tự cải tạo, san lấp thêm thành một mặt bằng 8m x 21m.

Được giáo dân nhà thờ Bà Chiểu tương trợ vật liệu xây dựng, họ đã ra sức thực hiện mơ ước của mình: ban ngày đi làm kiếm sống, tối đến thì thắp đèn ‘măng sông’ xây nhà nguyện. Nhà nguyện đầu tiên có diện tích 12m x 6m, mái tôn, vách ván, nền tráng xi măng, cửa gỗ, được hoàn thành kỷ lục trong vòng 15 ngày.

Năm 1957, cha Phêrô Nguyễn Ngọc Bích - thuộc giáo xứ Phú Đa, Hà Nội di cư vào Nam - dự định nghỉ hưu ở Xóm Mới, Gò Vấp. Trước nỗi khao khát của những con chiên xa quê hương và được sự chấp thuận của Cha sở Bà Chiểu, ngài đã thay đổi dự định và nhận nơi này làm chỗ dừng chân cho mình. Cha Phêrô đã nỗ lực xây dựng nhà thờ, tăng thêm phòng ốc để có chỗ dạy học và sinh hoạt cho hội Mân Côi Tương Tế. Nhà thờ đã được Tòa Giám mục cho phép mang tên là họ Cầu Bông - Gia Định, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng và được ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Bình làm lễ thánh hiến vào ngày 13.05.1962. Sau khi chu toàn bổn phận của một mục tử tận tâm, cha Phêrô đã trao quyền quản xứ cho cha Phanxicô Xaviê Vũ Đức Hiệp vào năm 1963,

Năm 1971, cha PX. Hiệp thành lập HĐMV giáo xứ. Trong cuộc họp đầu tiên, ngài cùng với HĐMV nhất trí đệ trình lên Tòa Giám mục và được chấp thuận đổi tên là giáo xứ Phú Hiền.

Năm 1972, cha PX. đã tiến hành trùng tu, sửa chữa lại nhà thờ cho phù hợp với số lượng đoàn chiên đã tăng lên 1.700 người; đồng thời, cha cũng kiện toàn các lớp giáo lý, các hội đoàn nhằm giúp giáo dân sống đức tin một cách sâu xa hơn.

Đến 1988, sau khi tiễn biệt cha PX. Vũ Đức Hiệp trở về với Chúa, giáo xứ đón nhận cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Định về làm chánh xứ. Cha Vinh Sơn đã khuyến khích mọi người học hỏi Lời Chúa. Cha chú trọng giúp giáo dân sống đức tin một cách sâu xa hơn ở mọi giới, mọi lứa tuổi. Nhờ đó, ánh sáng tình yêu Chúa Kitô đã bừng sáng lên, tỏa lan ra, đẩy lùi bóng đen của tệ nạn xã hội chung quanh giáo xứ. Công cuộc loan báo Tin Mừng, cũng nhờ thế, được loan truyền xa hơn. Theo nhu cầu phát triển, cha Vinh Sơn phải đầu tư công sức vào việc xây dựng lại nhà thờ. Việc thi công nhà thờ dựa trên khả năng đóng góp tiền của và ngày công của giáo dân. Từ chủ chăn đến con chiên đều lăn xả vào công trình. Điều đáng nói là việc làm này đã thu hút những anh chị em không cùng tôn giáo trong khu vực, với lòng mến mộ dân Chúa, đã tự nguyện tham gia đóng góp công sức vào công trình xây dựng. Thật là một hình ảnh tốt đạo đẹp đời và rất đáng trân trọng. Lễ khánh thành và thánh hiến được tổ chức vào ngày 1.5.1990.

Năm 2003, giáo xứ Phú Hiền vui mừng đón cha Clêmentê Lê Minh Trung về quản xứ. Ngài đã mang lại một luồng sinh khí tươi trẻ và đầy nhiệt huyết cho các hoạt động của giáo xứ. Ngài đã lập thêm hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm và Bà Mẹ Công Giáo.

Năm 2005, cha Clêmentê đi nhận xứ khác, cha Đa Minh Đặng Quốc Hưng về thay thế. Cha Đa Minh chú trọng củng cố thêm lòng đạo đức của giáo dân; thực hiện đức ái theo chiều sâu; thực hiện việc loan báo Tin Mừng qua việc đồng hành, chia sẻ cho những hộ nghèo trên địa bàn giáo xứ, không phân biệt lương giáo.

Năm 2007, cha Đa Minh đã long trọng tổ chức mừng lễ Kim Khánh của giáo xứ. Hạt giống đức tin bé nhỏ năm xưa, nay đã trở thành một cây cao mà chim trời có thể đến lưu trú. Từ một vài gia đình đầu tiên đến lập nghiệp vào năm 1930, nay giáo xứ đã có đến 2105 giáo dân với hơn 450 gia đình. Giáo xứ chia thành 4 giáo khu: Đức Kitô Vua, Thánh Phụng, Thánh Thịnh, Thánh Dũng Lạc. Giáo xứ có nhiều hội đoàn Công Giáo Tiến Hành, trong đó, Đạo Binh Đức Mẹ hoạt động thật hữu hiệu, mang ánh sáng Tin Mừng cho nhiều người trong khu vực.

Lời kết

Cũng vui vui khi trong thánh lễ nhậm chức chánh xứ của Cha Phêrô Trịnh Hồng Hải, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã giới thiệu cha Phêrô Hải là một người từng có danh phận trong xã hội nhưng đã bỏ mọi sự theo Chúa. Sau khi du học Pháp về, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Đại Chủng viện. Dù kiêm thêm chức chánh xứ, nhưng cha cũng chỉ có một sứ vụ, một ơn gọi: làm cho Chúa Giêsu lớn lên trong tâm hồn, trong cộng đoàn. Cũng trong ngày ấy, Đức cha nhận xét: tên gọi Phú Hiền, một giáo xứ giàu về lòng nhân ái và đức độ.

Vào năm tới 2017, giáo xứ sẽ mừng kỷ niệm 60 năm thành lập. Nguyện xin Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng của giáo xứ, luôn nâng đỡ, dìu dắt để giáo xứ vượt qua những khó khăn trong công cuộc loan báo Tin Mừng, như Mẹ đã từng phù hộ cho lớp người tiên phong của giáo xứ.

Bài Giảng Chúa Nhật 2016 (TGPSG)

Top