Giáo xứ Nam Hải 2015

Giáo xứ Nam Hải 2015

Giáo xứ Nam Hải 2015

Buổi chiều còn nắng, chúng tôi đến thăm một giáo xứ ở Hạt Bình An. Từ Quận Tân Bình, con đường gần nhất để đến Giáo xứ Nam Hải là phải qua cầu Nguyễn Tri Phương và vừa qua cầu Chánh Hưng là nhìn thấy một cái tháp nhà thờ vuông, cao khá đặc biệt.

Cộng đoàn có tâm tình thao thức truyền giáo

Cách đây gần 10 năm, chúng tôi đã đến đây để dự lễ đặt viên đá xây nhà thờ mới nên khi bước vào khuôn viên, chúng tôi mới nhìn rõ nhà thờ làm theo hình thuyền đang ra khơi, còn cái tháp chuông như cột buồm căng gió.

Đi vào gặp cha chánh xứ trẻ, Luca Trần Quang Tung, chúng tôi thấy khuôn viên vẫn rộng thoáng như ngày trước nhưng chưa được tươm tất lắm. Được biết, ở Hạt Bình An, có chín giáo xứ mang tên có chữ đầu là “Bình” như Bình Minh, Bình Xuyên... nhưng tên của giáo xứ này là Nam Hải, có ý nghĩa đơn giản là “biển ở phía Nam”.

Hòa theo nhịp phát triển của giáo phận, nhà thờ xây mới từ năm 2006 đến 2009. Khi nhà thờ được xây xong, có nhiều người đến đây dự lễ hơn. Bình thường giáo xứ có 3.000 giáo dân nhưng vào ngày Chúa Nhật số người tham gia sinh hoạt tôn giáo lên đến 6.000 người, có anh chị em nhập cư, di dân và giáo dân ở nơi khác đến.

Địa bàn giáo xứ ở trên một chu vi là 5km, còn nằm trong vùng truyền giáo, đó là vùng giáp ranh với Cần Giuộc, Long An. Trước năm 2000, cha xứ và giáo dân muốn đi vào trong khu vực nội thành thì phải đi ghe hoặc đi vòng lối khác; từ khi có cầu Chánh Hưng và cầu Nguyễn Tri Phương cả khu vực trở nên sầm uất hơn nhờ giao thông thuận tiện.

Sinh hoạt giáo xứ có một số nét riêng như:

Hội đồng Mục vụ  giáo xứ có 40 vị và Ban Điều hành năm giáo họ có phần thân thiện với giáo dân hơn vì mọi sinh hoạt mục vụ và bí tích đều phải báo cho Ban Điều hành.

Các đoàn thể sinh hoạt bình thường theo tính cách gia đình, tuy giới hạn về số lượng vì đa số giáo dân có trách nhiệm “cơm áo gạo tiền” với gia đình, làm nghề lao động tự do, công nhân... nhưng cũng có nề nếp nhất định. Đặc biệt, cha xứ còn lập sổ tay giáo xứ và hằng tháng có thư mục vụ. Cứ nhìn vào tờ “Mục vụ Bí tích giáo xứ” được phát cho giáo dân, sẽ thấy các công việc liên quan đến mục vụ Bí tích được quy định rõ ràng; còn tờ “lịch Công Giáo từng tháng” dành riêng cho Ban Điều hành giáo họ và đoàn thể thì in lễ kính, lễ nhớ và các công việc đạo đức theo ngày, thuận tiện cho những người có trách nhiệm trong công việc.

Trước giờ lễ, cha xứ dạy Giáo lý chung cho cộng đoàn, có chú ý về giảng lễ, “mùa nào thứ nấy”... Đây là cách tận dụng  thời gian và sự có mặt của nhiều thành phần Dân Chúa để nâng cao hiểu biết Tin Mừng; Ngoài ra, việc gói gọn khoảng 30 phút vào trước giờ lễ cũng là để “hiệp thông chung” cho cả “gia đình giáo xứ”.

Vào Tháng Hoa, các thành phần Dân Chúa đều được dâng hoa. Việc này trở thành một thông lệ đẹp; có khi đi dâng hoa có cả bậc ông bà, bậc cha mẹ và con cái vì có ba, bốn đội hoa cùng dâng hoa một lúc.

Vào dịp Giáng Sinh thì có hoạt cảnh “hội nhập văn hóa” với dân ca Nam Bộ, dân ca Bắc Bộ.

Để giữ nhịp sốt sắng trong lòng giáo dân, Chúa Nhật nào cũng có cha giải tội thường xuyên. Hằng tuần có Thánh lễ cầu hồn ngay tại nhà hài cốt, hẳn là giáo dân đã qua đời vẫn thấy “ấm áp” với cộng đoàn của mình.

Cũng giống như tình trạng một số giáo xứ trong giáo phận, giới trẻ hòa vào các ca đoàn, đoàn thể chứ không tổ chức riêng được.

Tại sao chúng tôi lại giới thiệu đây là cộng đoàn có tâm tình thao thức truyền giáo? Xin thưa, địa bàn giáo xứ và bao quanh đó là khu vực truyền giáo hướng về phía Nam Sài Gòn. Giáo xứ đã mua 2.000m2 đất ở Tân Nhật huyện Bình Chánh nhưng vẫn chưa được xây dựng giáo điểm vì là đất nông nghiệp dự trữ. Đồng thời, khuôn viên giáo xứ trước đây rất rộng nhưng trường học và nhà của nữ tu MTG Phú Bình rộng đến 4.000m2, nhà nước đã mượn làm trường tiểu học từ nhiều năm qua; giáo xứ đã có ý xin lại để mở rộng sinh hoạt tôn giáo và làm cơ sở vật chất cho môi trường truyền giáo nhưng vẫn đang chờ đợi.

Trong niềm thao thức truyền giáo, vào dịp Tết, giáo xứ đóng góp cho chính quyền một số tiền để mua bảo hiểm y tế cho người già và trao học bổng cho các em. Ngoài ra, giáo xứ trao quà tận nhà cho các gia đình khó khăn, không kể lương giáo, được giáo họ và đoàn thể giới thiệu. Trên địa bàn giáo xứ có một mái ấm Camêlô của tư nhân, nhưng từ khi được cha xứ đến dâng Thánh lễ Thứ Sáu đầu tháng, nơi đây đã trở thành một hoạt động của giáo xứ, khi các cụ già neo đơn được chăm sóc mục vụ và hỗ trợ vật chất.

Trong dịp 50 năm thành lập (1965-2015), cộng đoàn giáo xứ đã hình thành đài kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam; khánh thành Nhà Sinh hoạt Mục vụ; thực hiện tuần đại phúc (có bia đá ghi những dòng chữ: “Kỷ niệm Kim Khánh Giáo xứ Nam Hải, ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Kitô, để ghi nhớ tuần đại phúc (20-9-2015 đến 26-9-2015)” giúp cho thế hệ giáo dân sau này nhớ đến thời điểm khai sinh một cộng đoàn Dân Chúa tại nơi đây. 

Khi đón tiếp Đức TGM Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam và Đức TGM Phaolô  Bùi Văn Đọc, giáo xứ giới thiệu một lược sử hình thành cộng đoàn Dân Chúa ở đây; trình bày chặng đường xây dựng nhà thờ mới; nói về công trình ơn gọi và trình diễn hoạt cảnh di cư rất sinh động. Và đặc biệt, giáo xứ đang sống trong bầu khí Năm Thánh khi  Đức TGM đã công bố khai mạc Năm Thánh: “Tôi, Phaolô Bùi Văn Đọc, do thẩm quyền tối cao của Mẹ Hội Thánh, được đặt làm Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, nhân danh Đức Thánh cha Phanxicô và với quyền được trao, tôi công bố khai mạc Năm Thánh trong Giáo xứ Nam Hải, bắt đầu từ ngày 24 tháng 11 năm 2014 đến ngày 24 tháng 11 năm 2015”.

Lược sử

Giai đoạn 1 (1965-1969): Năm 1965, do hoàn cảnh khó khăn và lịch sử, Cha cố Vincentê Nguyễn Đức Nhân đã dẫn dắt số giáo dân làng Bến Củi, Tây Ninh và một phần giáo dân của họ đạo Trái Tim, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương về lập nghiệp trên mảnh đất của bãi rác ven đô thuộc quận 8, Sài Gòn năm xưa, lập nên trại Định Cư Nam Hải. Cha cố Nhân đã cho san lấp mặt bằng, phân lô xây nhà, lo cho mỗi gia đình có được một căn nhà xây có tường gạch mái tôn, với sự giúp đỡ của cha Gioan Baotixita  Hồ Văn Vui, khi đó là Giám đốc Caritas Sài Gòn.

Cùng lúc đó, cha cũng cho xây dựng nơi đây một ngôi nhà nguyện nhỏ, để giáo dân có nơi thờ phượng và nhận Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng. Cha thành lập đoàn Thanh Niên Ích Thiện, phục vụ công tác trật tự và xã hội, lập hội Con Đức Mẹ, dựng tượng đài Đức Mẹ và tượng đài vẫn còn đó cho đến ngày hôm nay; lập Ban Thánh ca đầu tiên, là tiền thân của ca đoàn Thánh Mẫu ngày nay. Lập giáo họ Chánh Hưng, bầu Ban Hành giáo đầu tiên.

Giai đoạn 2 (1969-1984): Tháng 9-1969, Tòa TGM đã bổ nhiệm Cha Giacôbê Đặng Văn Doanh đến quản nhiệm giáo xứ Nam Hải. Ngay từ buổi đầu cha đã bắt tay củng cố niềm tin sống đạo như lập đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Bà Mẹ Công Giáo, bầu lại Hội đồng Giáo xứ và Ban Điều hành các giáo họ. Cha xin Caritas Việt Nam giúp đỡ để sửa chữa lại toàn bộ các ngôi nhà của giáo dân bị hư hại trong năm Mậu Thân 1968. Còn ngôi nhà mà chính phủ Tây Đức trước đây đã làm đang bỏ dở dang, cha cho xây lại để cho con em có nơi học tập và tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ may gia công quần áo…

- Năm 1970, cha lại xây thêm một dãy nhà để các cha già địa phận Hà Nội về hưu dưỡng. Do khu đất không được rộng và bất tiện đi lại nên không tiến hành xây dựng nữa mà mời các dì dòng MTG Hà Nội về phụ giúp mục vụ và dạy học cho các em.

Sau Năm 1975, thời gian khó khăn chung của đất nước, cha đã tận tụy phục vụ đoàn chiên dù chỉ còn lại một nửa vì giáo dân bỏ đi nơi khác mưu sinh, đi kinh tế mới. Năm 1983, cha qua đời vì bệnh nặng; một số gia đình giáo dân cư ngụ ấp 3 xã Bình Hưng huyện Bình Chánh xin nhập giáo xứ.

Giai đoạn 3 (1984-1987): Sau khi Cha Giacôbê qua đời, các cha trong hạt luân phiên đến dâng lễ, chăm sóc đoàn chiên Giáo xứ Nam Hải. Giai đoạn này Tòa TGM đã bổ nhiệm Cha Giuse Trịnh Văn Viễn về quản xứ, nhưng cha làm chính xứ Bình Thuận nên cha chỉ kiêm nhiệm Giáo xứ Nam Hải.
(Năm 1985-1987, Thầy Gioan B. Nguyễn Đức Vượng, Dòng Thánh Thể  đến ở trông coi và giúp giáo xứ. Hiện nay thầy là cha chánh xứ  Gx Các Thánh Tử Đạo VN tại Virginia, Hoa Kỳ).

Giai đoạn 4 (1987-1996): Ngày 07-10-1987, Tòa TGM bổ nhiệm Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hùng Oánh về quản nhiệm giáo xứ. Ngài gửi thanh niên nam nữ đi học lớp Giáo Lý Viên. Năm 1995, nhà nước ký quyết định trưng dụng 3.951m2  đất của giáo xứ để xây dựng trường học. Cuối năm 1996 vì sức khỏe cha xứ xin dưỡng bệnh, Cha Gentil Trần Anh Thi, OFM, về giúp mục vụ tại giáo xứ một thời gian ngắn.

Giai đoạn 5 (01-1997 - 10-1997): Ngày 24-01-1997 Cha Phanxicô Xaviê Ngô Phục được Đức Giám quản TGP Sài Gòn Nicôla Huỳnh Văn Nghi bổ nhiệm về trông coi giáo xứ. Từ tháng 10-1997, thời gian này không có cha quản xứ, cha hạt trưởng Luca Trần Khánh Tích đã kiêm nhiệm mục vụ trong thời gian này.

Giai đoạn 6 (12-1998 đến nay): Ngày 11-12-1998, Cha Antôn Nguyễn Anh Dũng có bài sai về giáo xứ. Thời gian này, quận 8 được phát triển. Năm 2000, cộng đoàn cùng đồng lòng tiết kiệm để đóng góp xây dựng ngôi thánh đường mới.

Ngày 30-6-2005, Cha Antôn Nguyễn Anh Dũng nhận nhiệm sở mới. Ngày 04-7-2005, Cha Luca Trần Quang Tung được bổ nhiệm về làm chánh xứ Nam Hải.

Cha tiếp tục xây dựng, củng cố đoàn thể và lập thêm Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh, các Ban mục vụ theo như Giáo phận quy định. Tổ chức nhà nguyện Thánh Thể để giáo dân chầu Mình Thánh Chúa. Tổ chức lại đội ngũ Giáo Lý viên và ổn định đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể...

Lời kết

Hoa trái đức tin đang triển nở trên mảnh đất Nam Hải với những giáo dân có gốc từ ba miền đất nước tụ họp lại. Và thật đúng khi Đức TGM Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh cha tại Việt Nam, đến thăm mục vụ giáo xứ tháng 8-2015 vừa qua đã nhắn nhủ cộng đoàn rằng: “Hãy dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì đức tin và sự sống động mà Chúa đã dành cho giáo xứ chúng ta”.

Top