Giáo xứ Hòa Hưng: mừng lễ bổn mạng Mẹ Thiên Chúa
WGPSG -- Vào lúc 6g sáng ngày 1/1/2010, Đức cha Phụ tá Phêrô đã đến gx Hòa Hưng, hạt Phú Thọ chủ sự Thánh lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng giáo xứ cùng đồng tế có cha chánh xứ cũng là cha Hạt trưởng và một số cha trong hạt.
Thánh lễ thật trang nghiêm, trật tự sau khi rước kiệu Đức Mẹ quanh khuôn viên nhà thờ với số giáo dân tham dự lên đến 2500 người.
Nhân ngày đầu năm Đức cha chúc mừng cộng đoàn, ngài giải thích Tuần Bát Nhật Giáng Sinh và ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, Ngài cũng cảm ơn và khích lệ công sức của cha xứ và cộng đoàn chung tay, góp sức xây dựng Thánh đường khang trang, hoành tráng như hiện nay.
Nghe Audio: Tin Mừng & Giảng lễ
Thánh lễ kết thúc sau lời cảm ơn của chủ tịch HĐMVGX gởi đến Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và toàn thể cộng đoàn, đặc biệt cha xứ và giáo xứ dâng Đức cha món quà 100 triệu đồng giúp việc xây dựng, hoàn thiện TTMV Giáo phận do Đức cha là Giám đốc.
Mọi người ra về trong bình an và niềm vui ngày lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa cùng hân hoan đón mừng năm mới 2010.
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ HOÀ HƯNG
Giáo xứ Hòa Hưng tọa lạc tại 104 Tô Hiến Thành, phường 15, Q.10, TP.HCM
Họ Hoà Hưng là họ nhánh của giáo xứ Chí Hoà, được Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên thành lập vào năm 1946 với khoảng 50 gia đình và 300 giáo dân, cùng một nhà nguyện nhỏ thô sơ mới xây.
- Năm 1949, nhà thờ được Linh mục Phạm Văn Thiên xây mới bằng vật liệu nhẹ.
- Năm 1951-1952 trở thành họ nhánh của họ Chợ Đũi.
- Ngày 24.08.1952 chính thức trở thành giáo xứ Hoà Hưng.
- Năm 1952-1953 Lm. Phaolô Nguyễn Văn Truyền xây nhà thờ được kiên cố.
- Năm 1990 Lm. Giuse Phạm Bá Lãm bắt đầu xây thánh đường mới.
- Ngày 13.05.1992 ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình và ĐGM Emmanuiel Lê Phong Thuận về khánh thành cung hiến.
Công trình chính nằm trong khuôn viên khá hẹp, gắn liền với nhiều khối nhà lớn, nhiều tầng phía đằng sau: văn phòng, nhà xứ, phòng học, lưu xá nữ sinh viên Hoà Hưng… Một sân nhỏ ở phía mặt tiền nối hai sân hình chữ nhật hai bên, bên trái là Đài Đức Mẹ.
Mặt chính nổi bật với những hình khối tam giác, các góc nhọn mạnh mẽ, những mảng tường đặc đan xen các lam bê-tông tạo nên một độ rỗng tương phản.
Phía dưới, các chân cột nhỏ, càng lên càng lớn dần tạo được sự linh hoạt cho đường nét kiến trúc. Mặt đứng có tổng thể hình dạng đầu hồi mái đưa ra phía trước, phần kết thúc mảng tường xiên theo độ dốc hai mái lớn phía sau: phần bên phải là tháp chuông rỗng gồm nhiều cột bê tông đứng đặt sát nhau, đi suốt từ chân tới đỉnh tháp, một vài đường nối ngang.
Mặt bên gồm hai tầng, dưới mỗi bên là dãy năm cửa lớn ra vào tạo nên một không gian hở. Tầng trên là dãy ban công chạy suốt, hàng cột chữ nhật ốp gạch đá màu mắm ruốc đi suốt từ nền lên đến sê-nô mái bên trên, băng ngang qua phần ban công, trên cùng là mái dốc ngói đổ về hai phía sê-nô thu nước. Công trình nhà thờ chính gần với dãy nhà sau bởi các hành lang. các ban công, cầu thang nối liền.
Mặt bằng chính thánh đường có hình chữ nhật lớn, kết hợp với tầng lửng bên trên chiếm gần 1/3 không gian nội thất. Nhịp cột đầu tiên là sảnh chính lớn, nối liền hai hành lang dọc hai bên. Năm nhịp kế tiếp là không gian dự lễ ở tầng trệt, mỗi bên năm cửa ra vào lớn, kết hợp với ba cửa vào phía trước tạo nên một không gian hở khi cộng đoàn sinh hoạt. Tầng lửng bên trên cũng là không gian dự lễ của cộng đoàn dân Chúa, nối liền với dãy ban công hai bên. Không gian nội thất được thể hiện bằng các đường thẳng góc, tường là những mảng chữ V sơn trắng trên nền kem. Trên cùng là hệ trần phẳng, hai bên nghiêng theo độ dốc mái, ở phần đỉnh trần, chính giữa là những mặt phẳng hình gấp khúc đi theo chiều dài thánh đường tạo nên sự linh hoạt, đa dạng cho không gian nội thất.
Phần sâu và cao là Cung thánh bên trái dành cho ca đoàn. Cung thánh nằm trong một hình chữ nhật lõm sâu vào bên trong, trần bên trên là mảng các ô vuông kính lấy sáng, ngay trung tâm là nơi đặt bàn thờ Chúa, trên là tượng Chúa, bên trái là tượng Đức Mẹ, bên phải là tượng Thánh Giuse. Phông nền của Cung thánh đều được sơn nước đơn sơ, thanh thoát, mảng giữa màu trắng, hai bên màu vàng kem, thuận tiện cho việc trưng hoa, tận dụng để chiếu chữ và hình (projection).
Các linh mục từng phụ trách giáo xứ
* Linh mục chánh xứ
- Năm 1952-1963 Lm. Phaolô Nguyễn Văn Truyền
- Năm 1963-1984 Lm. Bênađô Phạm Văn Quy
- Năm 1984 đến nay: Lm. Giuse Phạm Bá Lãm
* Linh mục phụ tá
- Năm 1961-1963 Lm. G.B. Trần Văn Cừ
- Năm 1962-1967 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hai
- Năm 1967-1972 Lm. Antôn Phan Lâm
- Năm 1972-1984 Lm. Giuse Phạm Bá Lãm
- Năm 1973 -1983 Lm. G.B. Nguyễn Xuân Đức
- Năm 1985-1987 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
- Năm 1992-1999 Lm. Gioan Vianney Chu Minh Tân
- Năm 1999-2005 Lm. Đa Minh Hà Duy Dũng
- Năm 2005 đến nay Lm. Giuse Huỳnh Thanh Phương.
Giáo xứ Hoà Hưng tuy gốc miền Nam, nhưng là nơi đất lành chim đậu, với thời gian đón nhận anh em từ các miền, các giáo phận khác nhau. Tất cả sống hoà hợp với nhau giữa đại đa số những người ngoài Công giáo.
Bổn mạng của giáo xứ: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa mừng vào ngày 1/1 hằng năm.
Giáo xứ Hoà Hưng bao gồm Phường 12-13-15/Q.10 và Phường 10-11/Q.3, với số giáo dân trên 8.500.
Giáo xứ gồm có 11 Khu và 1 họ lẻ: Họ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (kế cận Câu Lạc Bộ Lan Anh), mừng Bổn Mạng vào ngày 15/8 hằng năm.
* Các Hội đoàn sinh hoạt trong giáo xứ:
- Thiếu Nhi Thánh Thể,
- Các Mẹ Công Giáo,
- Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh,
- Con Đức Mẹ,
- Legio Mariae,
- Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm,
- Thanh Sinh Công,
- các Ca đoàn…
sinh động nhất vẫn là Thiếu Nhi. Ban thăm viếng vàt ve chai hoạt động hiệu quả. Công tác bác ái được đề cao: giúp đỡ người nghèo và các bệnh nhân (Quà Giáng Sinh, Năm Mới và ngày Bệnh nhân), chăm lo một buôn làng ở Gp. Kontum…
* Về ơn gọi: một số bạn thiện chí được cha Phụ tá hướng dẫn. Khá đông Linh mục, Tu sĩ xuất thân từ giáo xứ Hoà Hưng, có đến 5 cặp anh em làm Linh mục. Năm nay giáo xứ có thêm Tân Linh Mục G.B. Lê Quốc Kiệt, chịu chức ngày 19.12.2009 và đang phục vụ ở giáo xứ Gia Định.
* Về văn hoá: giáo xứ Hòa Hưng hãnh diện vì có một Lưu Xá Sinh Viên ngay cánh trái nhà thờ, với 166 nữ sinh viên, dưới sự chăm sóc chu đáo của 3 nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.
Giáo xứ Hoà Hưng đất không rộng, thiếu tiện nghi, nên luôn luôn phải lo xây dựng và phát triển. Hầu như mỗi năm thực hiện một công trình xây dựng, mỗi năm phát triển sinh hoạt hội đoàn. Giáo dân Hoà Hưng không giầu nhưng có lòng yêu thương nhau trong việc cộng tác với các vị chủ chăn và các tu sĩ.
bài liên quan mới nhất
- Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm mục vụ giáo xứ Mai Khôi
-
Thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại giáo xứ Vĩnh Hòa 2024 -
Lễ Vọng Giáng Sinh tại giáo xứ Bùi Phát 2024 -
Mừng Bổn mạng Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Phú Xuân -
Giáo xứ Chợ Quán với đêm nhạc Acoustic Christmas “Đêm Nay Bừng Sáng” 22/12/2024 -
Hồng ân 33 năm Linh mục của Cha sở giáo xứ Hòa Hưng -
Thiên Chúa luôn đồng hành với con người -
Đêm diễn nguyện Giáng sinh tại giáo xứ Vĩnh Hòa -2024 -
Giáo xứ Thăng Long đón nhận các anh chị em dự tòng gia nhập Giáo Hội -
Đêm thánh ca “Hoàng Tử Hòa Bình Giêsu”
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023