Giáo xứ Hà Nội 2017

Giáo xứ Hà Nội 2017

Giáo xứ Hà Nội 2017

Những “Dấu ấn thời gian”

Trong đời sống Giáo hội, mỗi giáo xứ có những biến cố riêng, dệt nên dòng lịch sử độc đáo của mình, gắn liền với các vị mục tử đã từng phục vụ nơi đây.

Giáo xứ Hà Nội - thuộc giáo hạt Xóm Mới của Tổng Giáo phận Sài Gòn trong 63 năm qua (thành lập năm 1954) - đã in đậm dấu vết thời gian bằng những biến cố rất đáng ghi nhớ như thế.

Chẳng hạn, vào ngày 22.4.2017, giáo xứ đã cùng với linh mục chánh xứ của mình - cha Đaminh Đinh Ngọc Lễ - mừng 50 năm linh mục, 30 năm chánh xứ, 75 tuổi đời và kỷ niệm 15 năm khởi công xây dựng thánh đường.

Từ dấu ấn hôm nay

Với các kỷ niệm gắn liền với những “bội số của 5” như trên, cha chính xứ đã chia sẻ tâm tình với chúng tôi: “Càng gần đến ngày mừng Kim Khánh linh mục, ngồi xét lại mình, tôi càng cảm thấy lo sợ, vì không biết có phải Chúa đã trao cho tôi 5 nén bạc hay không? Và tôi đã sinh lời ra sao? Dẫu rằng trong suốt cuộc đời linh mục của mình, tôi đã rất cố gắng sử dụng nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ Chúa ban để phục vụ Giáo hội, giáo xứ, cộng đoàn và tha nhân…”

Ngài nói thêm: “Giáo xứ Hà Nội có trở thành một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, mọi người sớm hôm đến ngôi thánh đường này để hiệp dâng Thánh lễ, gặp gỡ nhau trong tình yêu của Thiên Chúa như hôm nay, tất cả là nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, sự cầu bầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, cùng công đức của các vị tiền nhiệm và cộng đoàn dân Chúa, đã dày công xây dựng từ ngày lập xứ…”

Ba linh mục chánh xứ

Từ năm 1954 đến nay, giáo xứ Hà Nội đã có 3 linh chánh xứ và 3 linh mục phụ tá:

Từ 1954 đến 1957: Cha cố Phêrô Nguyễn Đức Tín - Chánh xứ tiên khởi.

Từ 1957 đến 1987: Cha cố Antôn Phạm Đình Trọng - Chánh xứ được 30 năm. Ngài mất ngày 08.02.1988.

Từ 1972 đến 1975: Cha Giuse Nguyễn Văn Thuỵ - linh mục phụ tá tiên khởi.

Từ 1983 đến 1987: Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (nay là Giám mục GP Mỹ Tho) được ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình cử làm quyền quản xứ trong thời gian cha cố Antôn lâm bệnh.

Từ ngày 27.11.1987 đến 21.08.2020: Cha Đaminh Đinh Ngọc Lễ - Chánh xứ.

Từ năm 2008: Cha Giuse Phùng Văn Thông Minh - nghĩa tử cha chánh xứ - về phụ giúp giáo xứ; 10.2016, ĐCTGM Phaolô Bùi Văn Đọc bổ nhiệm ngài là Phó xứ Hà Nội; ngày 21.08.2020, được bổ nhiệm làm Phó xứ Tân Thái Sơn - hạt Tân Sơn Nhì.

Ngày 21.08.2020, linh mục Giuse Vũ Minh Danh được bổ nhiệm làm Chánh xứ Hà Nội.

Ba ngôi nhà thờ

Giáo xứ Hà Nội đã lần lượt xây dựng 3 ngôi nhà thờ:

-     Năm 1954, cha chánh xứ Phêrô Nguyễn Đức Tín đưa một số gia đình Công giáo gốc địa phận Hà Nội vào lập nghiệp tại Xóm Mới. Ngài làm một nhà thờ tạm, mái tôn, vách gỗ để giáo dân có chỗ sinh hoạt phụng tự.

-     Giáo dân mỗi ngày một đông, nhà thờ tạm đã xuống cấp, cha chánh xứ Antôn Phạm Đình Trọng - được sự cho phép của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình - đã xây dựng ngôi nhà thờ thứ hai trên nền nhà thờ cũ vào năm 1960. Nhà thờ này có chiều dài 28m, chiều rộng 13m, với vật liệu bán kiên cố.

-     Năm 1987, sau khi được bổ nhiệm chánh xứ giáo xứ Hà Nội, cha Đaminh Đinh Ngọc Lễ đã cho đại tu lại nhà thờ cũ, xây dựng lại nhà xứ, đồng thời nâng cấp sân nhà thờ, làm đền Đức Mẹ mới...

Tuy nhiên, sau 40 năm, cho dù được tu bổ, ngôi nhà thờ thứ hai vẫn xuống cấp, không thể đáp ứng nhu cầu giáo dân ngày càng đông. Cha chánh xứ và giáo xứ đã nhất trí khởi công xây dựng ngôi nhà thời mới vào ngày 10.3.2002, và ngày 31.5.2003, Đức Tổng Giám mục GB Phạm Minh Mẫn đã chủ sự Thánh lễ cung hiến “Thánh đường và Bàn thờ”, dâng kính Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội - bổn mạng giáo xứ.

Ngôi nhà thờ mới dài 52m, rộng 19m, cao 26m, với kiến trúc hiện đại gồm tầng trệt để làm hoa viên, tầng một và hai gác lửng dùng vào việc phụng tự. Tháp chuông với 3 quả chuông cao 35m.

Sinh hoạt hiện tại, hướng đến tương lai

* Cấu trúc và sinh hoạt mục vụ

Dẫu đã bước sang tuổi 75, nhưng cha chánh xứ Đaminh vẫn còn khoẻ mạnh, luôn tích cực với sinh hoạt mục vụ giáo xứ, xây dựng tình hiệp thông, tổ chức sinh hoạt giáo họ, đoàn thể, giáo lý, bác ái xã hội... Ngài bộc bạch:

-     Giáo xứ có trên dưới 2500 giáo dân với gần 600 hộ gia đình Công giáo, sinh sống trong hơn 500 nóc gia, cư ngụ trên địa bàn hai phường 13 và 16, quận Gò Vấp, TP.HCM, được chia thành 6 giáo họ mang tên: Các Thánh Tử Đạo, Khánh Khê, Mông Triệu, Thánh Gia, Giuse và Thánh Tâm. Sinh hoạt của bà con tại các giáo họ rất thuận lợi.

-     Các đoàn thể Công giáo Tiến hành được thành lập đều khắp cho mọi giới, gồm: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Huynh đoàn Đaminh, Hội Legio, Hội Gia trưởng, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Gia đình Thánh Mẫu, Gia đình Tận Hiến, Ban Caritas, Ban Truyền Thông, Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể & Giáo lý viên, ca đoàn Các Thánh Tử Đạo, ca đoàn Đaminh, ca đoàn Goretti, Ban Lễ sinh... Chính nhờ sự hoạt động tích cực của các hội đoàn, sinh hoạt của giáo xứ trong các giờ kinh lễ, cũng như ở nhà xứ vào các buổi tối khá nhộn nhịp, chưa kể các lớp Hướng dẫn Hôn nhân Gia đình và Giáo lý Dự tòng, mỗi năm mở 2 khoá cho mỗi lớp.

-     Thành viên Hội đồng Mục vụ tương đối trẻ, có trình độ, năng động, tích cực và luôn cộng tác với cha xứ theo tinh thần “nhiều đầu hơn một đầu”, nhờ đó việc tổ chức các giờ kinh lễ, rước kiệu, tĩnh tâm, sinh hoạt đoàn thể rất nề nếp. Ngày thường có Thánh lễ sáng và chiều, Chúa nhật có 3 Thánh lễ sáng, 1 Thánh lễ chiều, 1 Thánh lễ tối, luôn thu hút đông người trong và ngoài giáo xứ đến tham dự.

* Bồi dưỡng Đức tin

Nhằm bồi dưỡng Đức tin cho thế hệ mai sau, Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể với trên 500 em đã được các thầy, các nữ tu và anh chị giáo lý viên hướng dẫn vào sáng Chúa nhật hằng tuần. Chúa nhật đầu tháng, giáo xứ phát phần ăn sáng cho các em. Vào mùa Chay, mùa Vọng, các em bỏ ống tiết kiệm, cùng với Ban Caritas giáo xứ thu gom ve chai... để đi giúp các mái ấm, nhà mở. Vào đầu năm học, giáo xứ phát học bổng cho những học sinh đậu cao đẳng và đại học.

Để có kinh phí cho các hoạt động trên, giáo xứ tổ chức Hội chợ Giáng sinh, bán vé số rút thăm trúng thưởng, đón nhận sự tự nguyện giúp đỡ của các phụ huynh, ân nhân trong và ngoài nước…

* Thực thi bác ái

Giáo xứ trợ cấp gạo cho 20 hộ khó khăn mỗi tháng, tổ chức phát quà vào dịp Tết và các lễ lớn... với tổng kinh kinh phí trên 80 triệu đồng/năm. Giáo xứ dành một ngày Chúa nhật mỗi tháng để quyên góp giúp các giáo xứ nghèo ở vùng sâu, vùng xa xây dựng nhà thờ với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng/năm. Giáo xứ còn mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho quý chức và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Từ gần 30 năm nay, hiến máu nhân đạo vào mùa Chay và mùa Vọng đã trở thành thông lệ của giáo xứ.

Giáo xứ cũng khích lệ Ban Caritas, đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, các đoàn thể Công giáo Tiến hành tổ chức đi uỷ lạo, thăm các nhà mở, trại cô nhi, khuyết tật... vào dịp lễ bổn mạng của hội đoàn và các dịp đặc biệt.

* Nỗi ưu tư vẫn còn đó

Qua những lần được gặp gỡ cha chánh xứ, chúng tôi thấy nơi ngài vẫn còn đó bao nỗi ưu tư về trách nhiệm mục tử của mình đối với đàn chiên. Ngài thường trầm ngâm tâm sự: “Giới trẻ ngày nay ít tham gia hội đoàn, thiếu nhi thì phụ huynh chủ yếu lo cho đi học thêm; các gia đình ít chú ý đến việc đọc kinh tối chung trong gia đình, cũng như tham dự bữa cơm chung với nhau mỗi ngày... Hơn thế nữa, ngày nay đời sống hôn nhân của nhiều gia đình trẻ mong manh, dễ đổ vỡ quá! Vì thế, nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, trong năm 2017, vào lúc 12g00 trưa ngày 13 mỗi tháng, giáo xứ tổ chức nửa giờ kinh kính Đức Mẹ và sau đó hiệp dâng Thánh lễ kính Đức Mẹ Fatima. Ngoài ra, các ông bà trùm giáo họ sẽ tổ chức đọc kinh tối luân phiên tại các gia đình trong tháng Mân Côi. Đối với thiếu nhi, tiếp tục mời thêm quý thầy, quý nữ tu về dạy giáo lý cho các em. Đặc biệt, các lớp Hướng dẫn Hôn nhân-gia đình và Dự tòng sẽ mời các chuyên viên đến nói chuyện “Chuyên đề” để định hướng cho các em bước vào đời sống gia đình được tốt đẹp”.

Lời kết

Trải qua 63 năm hình thành và phát triển, giáo xứ Hà Nội đã được Thiên Chúa thương sai đến những vị mục tử tốt lành, hết lòng vì đàn chiên, để rồi “hồng ân nối tiếp hồng ân”, cộng đoàn giáo xứ Hà Nội vững bước theo dấu chân Chúa trong ánh vinh quang và sự quan phòng của Người, cùng với sự đỡ nâng và cầu bầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng giáo xứ.

Cầu mong cho mỗi người trong giáo xứ biết chấp nhận những giới hạn của nhau, để sống bao dung với nhau, hầu góp phần xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương mà thực thi sứ vụ: Ngôn sứ-Tư tế-Vương đế.

Văn Chiến - Nhịp Sống Tin Mừng 5.2017 (TGPSG)

Top