Giáo xứ Đồng Tiến: ôn cố tri tân

Giáo xứ Đồng Tiến: ôn cố tri tân

WGPSG -- Nhà thờ Đồng Tiến là một trong 16 điểm được chọn làm nơi hành hương trong Năm Thánh 2010 để lãnh ơn Toàn xá.

I. Lễ Hội của giáo xứ

Hằng năm, vào ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giáo xứ Đồng Tiến, thuộc hạt Phú Thọ đều tổ chức Thánh lễ mừng Bổn mạng giáo xứ.

Năm nay, Thánh Lễ trọng thể được cử hành vào lúc 17g30 ngày 28.11, để mừng Bổn mạng GX, mừng thọ các cụ cao tuổi và mừng kỷ niệm 39 năm Linh mục của cha xứ Gioan B. Trần Thanh Cao. Hơn nữa, lễ mừng này trùng hợp trong dịp Khai Mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, nên đã mang lại cho GX một sắc thái lễ hội đặc biệt hơn nữa.

Như thường lệ, việc cung nghinh các Thánh Tử Đạo VN diễn ra rất trang trọng. Đoàn đồng tế, Đức Cha Phụ tá Phêrô và quí cha thân hữu trong giáo hạt; quí ông trong trang phục truyền thống khăn đống áo dài, và đông đảo giáo dân hợp thành đoàn rước, trang nghiêm tiến bước trong tiếng hát lời kinh rất sốt sắng.

Trong bài giảng, để nhấn mạnh đến sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Kitô và kêu gọi mọi người nỗ lực sống sứ vụ đó, Đức Cha đã giới thiệu hình ảnh Giáo hội Công giáo Đài Loan, một Giáo hội đang có nhiều khó khăn về sự giảm sút giáo dân, ơn gọi linh mục, tu sĩ…

Hiện nay, mỗi giáo xứ ở Đài Loan chỉ có khoảng hai, ba trăm giáo dân; giáo xứ Bản Kiều với 2.000 giáo dân được coi là giáo xứ đông nhất. Như thế, Giáo hội Việt Nam khá lý tưởng vì số giáo dân đông, ơn gọi linh mục tu sĩ phong phú; sự dồi dào đó còn lan ra nhiều nơi trên thế giới nơi có nhiều linh mục, tu sĩ Việt Nam đang phục vụ.

Đức Cha cho rằng, đó là một ân huệ Thiên Chúa dành riêng cho Giáo Hội Việt Nam. Nếu các nhà truyền giáo đến gieo hạt giống Tin Mừng thì chính máu của các Thánh Tử Đạo là các bậc Tiền Nhân đã làm những hạt giống ấy nảy sinh hoa trái dồi dào trên quê hương chúng ta.

Hiện nay, Giáo hội Đài Loan tuy ít giáo dân, tỷ lệ người Công giáo rất nhỏ nhưng hoạt động xã hội lại chiếm 50% trong các tổ chức phục vụ người nghèo như bệnh viện, xã hội, trường học…Trong khi đó, Giáo Hội Việt Nam không được tham gia vào việc giáo dục ở các bậc trung học phổ thông, đại học, không được mở bệnh viện và nhiều điều không được phép nữa, vì thế, chúng ta phải cố gắng phát huy nhiều sáng kiến, bằng nỗ lực không ngừng, để hạt giống đức tin được nảy mầm, phát triển mạnh mẽ trên quê hương Việt Nam.

Trong Thánh lễ có phần chúc mừng quí cụ ông cụ bà cao tuổi và đặc biệt là cha Chánh xứ đã hát cho cộng đoàn nghe.

Được biết rằng, Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Cao đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI truyền chức ngày 28/11/1970 tại Manila, nhân dịp Ngài công du Châu Á. Cha là một ứng sinh Việt Nam cùng với các ứng sinh của Nhật Bản, Đài loan, Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan… đã được Đức Thánh Cha truyền chức trong dịp này.

Sau Thánh lễ, nhiều người đã chụp hình kỷ niệm với ông bà, cha mẹ của mình để thể hiện tình hiếu thảo và lòng kính trọng đôi với các ngài.

II. Lược sử giáo xứ Đồng Tiến

Vào những năm cuối thập niên 1950, địa bàn Phường 12 và 14 hiện nay là những khoảng đất trống, hoang vu, chỉ có một số ngôi mộ cổ. Sau đó, chính quyền cho xây dựng các cư xá và trại gia binh. Do nhu cầu thiêng liêng, một số anh em công chức và quân nhân cư ngụ tại các trại gia binh này tự nguyện góp công, góp của để dựng nên một ngôi nhà nguyện với kích thước 6m x 15m, sườn nhà bằng sắt, vách bằng ván gỗ, mái lợp tôn. Ngôi nhà nguyện này ở vị trí đối diện với chợ Nhỏ phường 14, trên đường Nguyễn Tri Phương, nay là Thành Thái.

Đến năm 1960, có thêm nhiều trại gia binh được xây dựng thêm nên số giáo dân tăng vọt. Giáo phận đã điều đình với chính quyền nhường lại khoảng đất trống cạnh phía Tây đường Nguyễn Tri Phương để xây nhà nguyện thứ hai, nay là câu lạc bộ Thể thao Quận 10. Nhà nguyện này có kích thước 10m x 20m, tường bằng gạch, mái lợp tôn. Cũng chính năm nay, Giáo quyền Địa phận Sài Gòn chính thức thành lập Giáo xứ với tên gọi Đồng Tiến thuộc hạt Phú Thọ.

Vào năm 1965, cha cố Giuse Đinh Cao Thuấn nhờ Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn xin chính quyền cấp cho khoảng đất trống ngay cạnh phía Đông đường Nguyễn Tri Phương để xây dựng nhà thờ mới. Mảnh đất rộng khoảng 2 mẫu tây. Ngôi nhà thờ khang trang như hiện nay đã được cha cố Giuse Đinh Cao Thuấn đứng ra xây dựng. Đồ án thiết kế do hai kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và Lê Anh Kiên, theo kiến trúc hiện đại, nhưng lại mang dáng dấp của ngôi nhà miền cao nguyên. Nét đặc sắc là giữa lòng nhà thờ không có bất kỳ một cây cột nào. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên không cột của Tổng Giáo phận Sài Gòn, rất thoáng mát và vẫn còn hợp thời cho đến ngày nay.

Nhà thờ có đủ chỗ cho khoảng 2.000 giáo dân. Phía bên phải của nhà thờ là tháp chuông cao vút, nhờ tháp chuông này mà đi từ xa người ta có thể thấy sự Thánh Giá trên đỉnh tháp như một dấu chỉ của Chúa Kitô giữa lòng đô thị sầm uất.

Xung quanh thánh đường là khuôn viên rợp mát bóng cây, rộng hơn 11.000 mét vuông, phù hợp cho những cuộc hành hương, tĩnh tâm, tổ chức đại lễ và sinh hoạt mục vụ. Đầu nhà thờ có một công viên nhỏ, với nhiều cây xanh mang vẻ hoang sơ tự nhiên chứ không quá chăm chút gọt tỉa. Trong khuôn viên, có một hồ nước và trên hồ là nơi có thể cử hành nghi thức hoặc dâng lễ; có cả hội trường, nhà trẻ và nơi để xe…

Từ ngày có nhà thờ mới, sinh họat tôn giáo trong GX được thăng tiến rõ rệt. Theo thống kê hiện nay, giáo xứ hơn 5.000 giáo dân chia thành 4 giáo khu (Khu Phanxicô Trần Văn Trung, Khu Phaolô Lê Bảo Tịnh, Khu Andrê Dũng Lạc, Khu Annê Lê Thị Thành) và họ Thánh Giuse.

Cha Đinh Cao Thuấn đã xây dựng họ Giuse trong một hoàn cảnh khá đặc biệt nên cộng đồng dân Chúa ở đây gồm đủ mọi thành phần Bắc Trung Nam chứ không đồng nhất như các giáo xứ khác.

Trước khi Giáo xứ được chính thức thành lập, một số cha từ các nơi khác đến dâng Thánh lễ và giúp công tác mục vụ cho giáo xứ tại 2 ngôi nhà thờ nói trên: Cha Đaminh Nguyễn Đức Khôi, Cha Giuse Bùi Đức Cường, Cha Giuse Khổng Tiến Giác, Cha Antôn Nguyễn Văn Thịnh.

Sau khi Giáo xứ được chính thức thành lập, các cha sau đây đã giữ nhiệm vụ chánh xứ:
   Cha Phêrô Lê Văn Triệu (1958 – 1960)
   Cha Giuse Phạm Văn Hiệu (1960 – 1963)
   Cha Giuse Đinh Cao Thuấn (1963 – 1966)
   Cha Phêrô Phạm Văn Long (1966 – 1967)
   Cha Ferland Cao Đức Thuận (1967)
   Cha Nicola Đinh Quang Điện (1967 – 1995)
   Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Cao (1995 – đến nay)

Trang sử của giáo xứ tạm dừng ở đây. Chắc chắn những trang sử này đã để lại cho GX niềm hãnh diện, tự hào về các bậc Cha Ông đã hy sinh xây dưng GX; đồng thời cũng đặt ra cho mỗi người một câu hỏi: Tôi đã làm gì để duy trì, phát triển thêm gia sản mà Cha Ông đã để lại cho tôi?

Hy vọng rằng, trang sử mới của giáo xứ Đồng Tiến sẽ được viết thêm bằng những nét son, do bàn tay khối óc của mọi người cùng hy sinh tô điểm cho trang sử này. Do đó, mỗi người có thể tự hào vì có một gia sản phong phú hơn để truyền lại cho thế hệ tương lai.

Top