Giáo chức Công giáo TGP: Hành hương “Linh địa Ba Giồng”

Giáo chức Công giáo TGP: Hành hương “Linh địa Ba Giồng”

WGPSG -- Đầu năm Dương lịch 2012, giáo chức Công giáo (GCCG) Giáo phận Sài Gòn đã có chuyến xuất hành đầy ý nghĩa: Hành hương đến Trung tâm hành hương Ba Giồng, Giáo phận Mỹ Tho. Đây là buổi sinh hoạt thứ hai trong chương trình Thắp Sáng Niềm Tin năm 2011 - 2012 dành cho quý thầy cô giáo.

Từ Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, lúc 7g30 ngày 1-1-2012 đoàn đã khởi hành về Mỹ Tho. Đồng hành với 47 giáo chức Công giáo có cha Linh hướng GCCG Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Học viện Mục vụ TGP. Trên đường đi, cha Phêrô đã chia sẻ với quý thầy cô về ý nghĩa việc hành hương, nhắc lại chủ đề “Tình thương cứu độ” tháng 12/2011 và gợi ý chia sẻ chủ đề: “Cảm nghiệm tình yêu của Chúa trong cuộc đời”. Ngài quảng diễn:

- Đức tin là một tương quan, là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế, mối tương quan này rất mỏng và dễ tan vỡ. Vì thế, xây dựng đời sống đức tin là xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa.

- Thiên Chúa luôn đi bước trước để nâng đỡ, đồng hành với con người, tăng thêm sức mạnh và ý chí để chúng ta có kinh nghiệm về sự vấp ngã, đứng dậy và mạnh mẽ bước đi trên con đường lữ hành trần thế. Chỉ khi chúng ta cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa trong cuộc đời, chúng ta mới thực sự khởi sự đời sống Kitô hữu. Những vấp ngã và khó khăn trong cuộc đời, những thành công và ân huệ Chúa ban, ắt hẳn mọi người đều trải qua với những kinh nghiệm riêng tư. Cảm nghiệm và chia sẻ tình yêu của Chúa trong cuộc đời, là quà tặng quý giá thầy cô dành cho nhau đầu năm mới.

Chia sẻ cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa

Đã có 3 vị chia sẻ câu hỏi “Có khi nào quý thầy cô nhìn lại những khó khăn chừng như không thể vượt qua, nhưng rồi nhờ ơn Chúa giúp, quý thầy cô đã vượt qua được cách lạ lùng không?”

- Anh Phaolô Nguyễn Anh Tuấn trình bày: Lúc bị căn bệnh ung thư, tinh thần anh rất suy sụp. Khi nằm trong bệnh viện, được nhiều người đến thăm và động viên, anh nhận ra rằng đó là những bước chân của Chúa đến thăm anh, và anh đã an tâm chữa bệnh. Hiện nay, anh sống rất vui tươi, thoải mái đóng góp chút sức mọn của mình trong việc thu âm cho các chương trình tại Trung tâm Mục vụ TGP.

- Cô Maria Nguyễn Thị Ý Vy nói lên sự đổ vỡ gia đình của mình. Sau khi lập gia đình và có con, vợ chồng chị đã ly thân. Những năm đầu chị rất đau khổ nhưng luôn kiên trì cầu nguyện, thầm thì với Chúa Giêsu và Mẹ Maria như là người bạn của mình để tìm sự an ủi và đỡ nâng. Đến nay, quá khứ qua đi và chị sống rất thanh thản để nuôi dạy con.

- Chị Mátta Nguyễn Thị Thùy Vân bộc bạch hoàn cảnh của chị: “Sống trong gia đình có sáu anh chị em. Nhưng năm người con trai không cử hành bí tích Hôn Phối khi lập gia đình. Chị rất buồn và liên lỉ cầu nguyện cho anh em trong gia đình, siêng năng tham gia các sinh hoạt tại giáo xứ. Nhờ đó, đến nay năm người dâu và các cháu đều đã được rửa tội.

Nhân chứng đức tin

Đoàn đến giáo xứ Ba Giồng lúc 9g00. Thật vinh dự khi đoàn được cha Phaolô Trần Kỳ Minh - Tổng Đại diện Giáo phận Mỹ Tho đón tiếp. Sau giây phút hàn huyên, ngài đã trình bày những chứng tích hào hùng của các vị tử đạo tại giáo xứ Ba Giồng qua các thế kỷ:

- Thế kỷ XVIII: Họ đạo Ba Giồng được thành lập năm 1702 do anh em bổn đạo Phú Yên, Bình Định trốn cuộc bắt đạo thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), số giáo dân lúc đó khoảng 3000 người. Năm 1783, vì cho vua Gia Long tá túc, nên anh em nhà Tây Sơn trút tất cả sự cuồng bạo lên các Kitô hữu, đốt tất cả nhà cửa và tàn sát gần 150 người.

- Thế kỷ XIX: Năm 1836, thời Minh Mạng ghét đạo, quan quân Mỹ Tho đến càn quét họ đạo Ba Giồng trong 6-7 ngày, săn đuổi họ đến gò Bạc Chiên, số người bị giết khoảng 1700. Đến năm 1853, cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu đến coi sóc họ đạo. Ngày 18/3//1861 ngài chịu tử đạo tại Mỹ Tho. Năm 1862, thời vua Tự Đức có một cánh quan về Ba Giồng quyết dẹp tan xóm đạo. Đêm tàn sát đó, xóm đạo chạy tán loạn, 2 người bị giết trên đường trốn chạy, 25 đàn ông và 600 đàn bà con nít bị bắt. Sáng hôm sau, 25 người đàn ông đã đổ máu tuyên xưng đức tin. Ngày 18/6/1872, cha Hamon đã cải táng hài cốt các vị tử đạo về an táng tại đất thánh Ba Giồng.

- Thế kỷ XX: Sau biến cố đau thương đó, bổn đạo phải tha phương, chỉ còn một số ít ở lại Ba Giồng. Năm 1934, cha Carôlô Nhơn làm cha sở Ba Giồng, ngài quy tụ những tín hữu gốc Ba Giồng về kính viếng và dâng lễ tôn vinh các anh hùng tử đạo Ba Giồng. Nhân dịp này, cha Carôlô cho xây một trụ thánh giá kỷ niệm tại nơi chôn cất các vị tử đạo. Năm 1950, cha Antôn Thanh phụ trách họ đạo đã xây ngôi nhà thờ mới và dựng một cây thánh giá trên nền nhà thờ cũ (nay là lễ đài kính thánh Phêrô Lựu). Ngày 16/3/2000, Đức cha Phaolô đã cung hiến thánh đường với tước hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”.

Với cảm xúc và tâm tình tôn kính dâng trào, đoàn đã đến lễ đài thánh Phêrô Lựu dâng lời tri ân, chúc tụng, ngợi khen các bậc tiền nhân, và tiến vào nhà thờ hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Tưởng nhớ tiền nhân

Sau Thánh lễ, đoàn đã ra đất thánh Ba Giồng để cầu nguyên và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng tử đạo Ba Giồng. Trước lúc chia tay, cha Phêrô và quý thầy cô cùng chạm tay lên trụ thánh giá, nơi chôn cất các vị tử đạo Ba Giồng, để xin các ngài cầu nguyện cùng Chúa, cho quý thầy cô luôn mạnh dạn sống chứng nhân Tin Mừng trong môi trường giáo dục mà mình đang phục vụ.

Chuyến đi kết thúc lúc 13g00, đã để lại trong lòng mỗi người một nỗi ưu tư: Những thành quả mình đã và đang làm có đáng là chi, so với tấm lòng quả cảm của các vị tử đạo “Không bao giờ chúng tôi đạp thánh giá, dấu cứu rỗi của chúng tôi. Thà chúng tôi chịu chết còn hơn” (Lời các vị Thánh Tử đạo tại Ba Giồng).

Top