Giảng viên Công giáo: Tìm gặp Giêsu

Giảng viên Công giáo: Tìm gặp Giêsu

WGPSG -- Chiều 10/4/2011, 18 giảng viên Công giáo với nhiều trình độ và chuyên ngành khác nhau, đang tham gia giảng dạy tại các trường Cao đẳng - Đại học, đã quy tụ về Dòng Thánh Phaolô để tĩnh tâm Mùa Chay 2011. Con số tuy ít ỏi nhưng rất đáng trân trọng, vì bên trong những con người trí thức, họ vẫn luôn thao thức tìm gặp Đức Kitô để củng cố đức tin của mình.

Các thầy cô đến khá sớm để có những phút giây tâm sự, thăm hỏi chuyện gia đình, việc giảng dạy của nhau. Một thầy đã bộc bạch: Quanh năm suốt tháng vật lộn với con số, cùng với bao lo toan và trăn trở về cuộc sống và nghề nghiệp, nay dừng chân một vài giờ nghỉ ngơi, để tìm lại cõi riêng tư của chính mình, ôi những phút giây thật thoải mái!

Đúng 15g00, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn (OP) đã chia sẻ với các thầy cô về đề tài: ‘Tình thương tha thứ”. Con người khi sinh ra là một tờ giấy trắng, được học hỏi về kiến thức, rồi về nghề nghiệp, nhưng quan trọng nhất là học “làm người”. Trong quá trình học làm người, chúng ta thường loay hoay giải quyết 2 bài toán:

- Bài toán 1: Muốn khẳng định cái tôi để được người khác chấp nhận, vì thế tôi cần phải hết sức nỗ lực.

- Bài toán 2: Khi đã được chấp nhận, tôi thể hiện sự đáp trả tình nghĩa chấp nhận đó.

Xét cho cùng, tất cả chỉ là phù vân, là giả tạo và chóng qua. Chúng ta luôn đối xử với nhau theo quy luật đổi chác, sòng phẳng. Sống trong xã hội cần có danh vọng, địa vị, chức quyền để được người khác chấp nhận mình. Người giảng viên nỗ lực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, cố gắng giảng dạy thật hay, thật tốt, nhưng khi về hưu, xã hội cũng không còn chấp nhận ta tham gia giảng dạy nữa!

Vì thế, là người trí thức Công giáo, chúng ta cần phải nâng mối quan hệ lên một đẳng cấp mới, đó là mối quan hệ trong tình thương, một “tình thương tha thứ” không điều kiện. Chỉ khi nào ta sống và thực hiện được tình thương này, cuộc sống chúng ta mới có ý nghĩa trọn vẹn:

Trong tình thương này, cha mẹ thật vui khi thấy con cái học giỏi, nhưng rất buồn khi con cái hư hỏng! Và cha mẹ chấp nhận tất cả, vì đó là con của mình.

Người con thứ hoang đàng khi trở về nhà, chấp nhận điều kiện “không xứng đáng là con của cha”. Nhưng vì tình thương tha thứ, người cha đã mở tiệc ăn mừng và nói với người con cả: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết, mà nay sống lại, đã mất, mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).

Nếu chúng ta giảng dạy, giáo dục và giáo dưỡng học sinh với tâm tình trên, học sinh sẽ chấp nhận ta, sẽ tôn trọng và nhớ ta mãi mãi, cho dù các em không còn học với ta nữa.

Sau phần chia sẻ, quý thầy cô đã có 45 phút đi dạo trong nơi thanh vắng của nhà Dòng để xét mình, sám hối, tâm tình với Chúa và lãnh nhận bí tích Giải Tội. Khi ra về, một cô giáo đã nói: Khi xét mình trong khung cảnh thoáng đãng, tĩnh mịch, con người mới thấy mình sao quá bé nhỏ, chơi vơi. Cũng vậy, khi đứng trước ngọn đồi “Tám mối phúc thật”, con người dễ nhìn nhận những thiếu sót đối với Chúa, đối với tha nhân và đặc biệt đối với các học sinh thân yêu của mình.

Khi cùng nhau chịu Mình Máu Thánh Chúa trong Thánh lễ Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, tâm hồn mọi người như được trải rộng ra, để luôn đi tìm và gặp gỡ Đức Kitô trong suốt cuộc đời mình. Bởi vì, trong những lúc gian truân: có anh em trao ban cho ta tình thân ái, và chia sẻ những băn khoăn lo lắng của ta. Hơn nữa, có Chúa cùng an ủi, đỡ nâng và ban sức mạnh cho ta. Vì như thánh Phaolô đã nói: “Người luôn nâng đỡ, ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,4).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top