Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Milano: “Đừng làm ‘khán giả” khi đứng trước những đau khổ”

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Milano: “Đừng làm ‘khán giả” khi đứng trước những đau khổ”

MILANO, ITALIA – Ngày 25-3-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm mục vụ giáo phận Milano của Italia.

Mở đầu cuộc viếng thăm mục vụ kéo dài 12 giờ tại giáo phận lớn nhất châu Âu này, lúc 8g30, Đức Thánh Cha đến thăm một khu phố nghèo đa sắc tộc thuộc quận Forlanini, ngoại ô của Milano, nơi có “Những căn nhà Trắng - Case bianche”. Tại đây, Đức Thánh Cha đã đến thăm ba gia đình trong căn hộ của họ. Đức Thánh Cha cũng đón nhận hai món quà của những người nghèo; trong đó có một dây stola do chính người dân Milano dệt thủ công mà Đức Thánh Cha nói đây là “một dấu chỉ tiêu biểu của linh mục, nhắc nhở tôi rằng tôi đến đây giữa anh chị em như một linh mục”.

Lúc 10g, Đức Thánh Cha gặp các linh mục tu sĩ tại Nhà thờ chính toà Milano. Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các linh mục.

Lúc 11g, tại quảng trường trước Nhà thờ chính toà, Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu. Sau đó, ngài đi thăm nhà tù San Vittore và dùng bữa trưa với các tù nhân.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến công viên Monza, cách trung tâm Milano 18 km để cử hành Thánh lễ lúc 15g00 với khoảng 700 ngàn tín hữu.

Cuối cùng, trước khi trở về Vatican, tại Sân vận động San Siro, Đức Thánh Cha gặp gỡ 80 ngàn người gồm các thiếu niên mới lãnh nhận bí tích Thêm sức cùng với các bậc phụ huynh, người đỡ đầu của chúng, các giáo lý viên, giáo viên và tình nguyện viên.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ tại công viên Monza:

***

Chúng ta vừa nghe lời truyền tin quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta: Truyền tin cho Mẹ Maria (x. Lc 1,26-38). Một đoạn Tin Mừng súc tích, đầy sức sống, mà tôi thích đọc trong ánh sáng của một lời truyền tin khác: lời truyền tin về việc Gioan Baotixita được sinh ra (x. Lc 1,5-20). Hai lời truyền tin tiếp nối nhau và liên kết với nhau; hai lời truyền tin mà khi đặt chung với nhau, sẽ cho chúng ta thấy được điều Chúa ban cho chúng ta trong Con của Ngài.

Lời truyền tin về Gioan Baotixita xảy ra khi tư tế Dacaria chuẩn bị thi hành công việc tế tự, đi vào Cung thánh của Đền thờ, trong khi toàn bộ dân chúng đứng bên ngoài chờ đợi.

Còn lời truyền tin của Chúa Giêsu lại xảy ra ở một nơi hẻo lánh của miền Galilê, trong một thành phố ngoại ô và chẳng có tiếng tăm gì đặc biệt (x. Ga 1,46), trong một ngôi nhà vô danh của một thiếu nữ tên là Maria.

Một sự tương phản không nhỏ, cho chúng ta thấy rằng Đền thờ mới của Thiên Chúa, cuộc gặp gỡ mới giữa Thiên Chúa với dân Ngài sẽ diễn ra ở những nơi mà chúng ta thường không mong đợi, ở những vùng ngoại vi. Ở nơi đó sẽ diễn ra những cuộc gặp gỡ, ở nơi đó hai bên sẽ gặp nhau; ở nơi đó Thiên Chúa sẽ hoá thành nhục thể để đi với chúng ta, cho đến vào trong cung lòng của Mẹ Ngài. Từ nay sẽ không còn là ở một nơi chỉ dành cho một ít người trong khi đa số phải đứng bên ngoài chờ đợi. Sẽ không có gì và không có ai còn xa lạ đối với Thiên Chúa, không có hoàn cảnh nào thiếu vắng sự hiện diện của Ngài: niềm vui ơn cứu rỗi đã bắt đầu trong cuộc sống thường nhật nơi ngôi nhà của một cô gái ở làng Nazareth.

Chính Thiên Chúa là Đấng đưa ra sáng kiến và đã chọn –như Ngài đã làm điều đó nơi Đức Maria– đi vào căn nhà của chúng ta, vào cuộc mưu sinh hằng ngày của chúng ta đầy những lo toan và mơ ước. Và chính trong những thành phố của chúng ta, trong những ngôi trường và đại học của chúng ta, những quảng trường và bệnh viện, mà lời truyền tin đẹp nhất chúng ta có thể nghe thấy, được thực hiện: “Hãy vui lên, Chúa ở với ngươi!”. Một niềm vui phát sinh sự sống, phát sinh niềm hy vọng, niềm vui ấy đã trở nên xác phàm trong cách thức chúng ta nhìn vào tương lai, trong thái độ chúng ta nhìn tha nhân. Một niềm vui trở thành tình liên đới, lòng mến khách, lòng thương xót đối với mọi người.

Cũng như Đức Maria, chúng ta cũng có thể bối rối. “Làm sao có thể thực hiện được điều ấy?” trong thời buổi đầy những nghiên cứu suông này? Người ta nghiên cứu về cuộc sống, về công việc, về gia đình. Người ta nghiên cứu về người nghèo và người nhập cư; người ta nghiên cứu về người trẻ và tương lai của chúng. Tất cả dường như đều giản lược vào những con số, bỏ mặc cuộc sống hằng ngày của nhiều gia đình nhuộm đầy màu sắc bấp bênh và bất an. Đang khi nỗi đau gõ cửa rất nhiều người, đang khi ngày càng có nhiều người trẻ không được thỏa lòng vì thiếu những cơ hội thực sự, thì ở đâu cũng đầy những nghiên cứu suông.

Chắc hẳn nhịp sống quay cuồng mà chúng ta đang phải chịu đựng dường như đã cướp mất niềm hy vọng và niềm vui của chúng ta. Những áp lực và sự bất lực trước biết bao hoàn cảnh dường như làm cho tâm hồn chúng ta ra khô cằn và khiến chúng ta dửng dưng trước vô vàn thách đố. Và thật là nghịch lý khi tất cả đều hối hả –về mặt lý thuyết– xây dựng một xã hội tốt hơn, để rồi rốt cuộc chúng ta lại chẳng có thời gian cho bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai. Chúng ta đánh mất thời gian dành cho gia đình, cho cộng đoàn, chúng ta đánh mất thời gian dành cho tình bạn, cho tình liên đới và thời gian để nhớ lại.

Sẽ là điều tốt nếu chúng ta tự hỏi: Làm sao có thể sống niềm vui của Tin Mừng trong các thành phố của chúng ta ngày nay? Có thể có được niềm hy vọng Kitô giáo trong hoàn cảnh này, ở đây và bây giờ không?

Hai câu hỏi này chạm đến căn tính của chúng ta, đến cuộc sống của gia đình chúng ta, của thành phố của chúng ta. Hai câu hỏi này chạm đến cuộc sống của con cái chúng ta, những người trẻ của chúng ta, và đòi hỏi chúng ta phải đặt mình vào trong lịch sử theo một cách thế mới. Nếu niềm vui và niềm hy vọng Kitô giáo vẫn có thể làm được, mà chúng ta lại không thể làm, không muốn làm, khi đối diện với biết bao hoàn cảnh đau thương, thì chúng ta vẫn chỉ là những khán giả đứng nhìn trời mong cho “mưa sẽ tạnh”. Tất cả những gì xảy đến đòi hỏi chúng ta mạnh dạn nhìn vào hiện tại, sự mạnh dạn của người biết rằng niềm vui ơn cứu rỗi đang hình thành trong cuộc sống thường nhật nơi ngôi nhà của một cô gái ở làng Nazareth.

Trước sự bối rối của Đức Maria, trước sự bối rối của chúng ta, sứ thần đưa ra ba chiếc chìa khoá để giúp chúng ta đón nhận sứ mạng được uỷ thác cho chúng ta.

1. Gợi lại ký ức

Điều đầu tiên mà sứ thần đã làm là gợi lại ký ức, bằng cách mở ra sự hiện diện của Mẹ Maria với toàn bộ lịch sử ơn Cứu rỗi. Sứ thần gợi lại lời đã hứa với Đavit như hoa trái của giao ước với Giacob. Maria là người con của Giao ước. Chúng ta ngày nay cũng vậy, chúng ta được mời gọi nhớ lại, nhìn lại quá khứ của mình để đừng quên rằng mình từ đâu đến. Để không quên tổ tiên, ông bà của chúng ta và tất cả những gì mà các ngài đã trải qua cho chúng ta có được ngày hôm nay. Miền đất này và người dân ở đây đã nếm trải nỗi đau của hai cuộc chiến tranh thế giới; và cũng từng có tiếng tăm về ngành công nghiệp và nền văn minh bị ô nhiễm bởi những tham vọng vô độ. Ký ức sẽ giúp chúng ta không bị giam hãm trong những ngôn từ chỉ gieo rắc những đổ vỡ và chia rẽ như là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Gợi lại ký ức là phương thuốc hay nhất để chúng ta có được những giải pháp thần kỳ cho những mối chia rẽ và bất hoà.

2. Thuộc về Dân Thiên Chúa

Ký ức giúp cho Mẹ Maria nhận ra Mẹ thuộc về Dân Thiên Chúa. Thật là tốt đẹp nếu chúng ta nhớ rằng mình thuộc về Dân Thiên Chúa! Là người Milano, đúng thế, là người Ambrosia, chắc chắn là vậy, nhưng tất cả đều hợp thành đoàn dân vĩ đại của Thiên Chúa. Một dân hình thành bởi hàng ngàn diện mạo, lịch sử và gốc gác, một dân đa văn hoá và đa sắc tộc. Đó là một trong những điều phong phú của chúng ta. Đó là một dân được mời gọi đón nhận những khác biệt, tiếp nhận những khác biệt ấy với lòng tôn trọng và sáng tạo, đồng thời vui mừng về những điều mới mẻ của người khác; đó là một dân không sợ đón nhận những hạn chế, những ranh giới; đó là một dân không sợ tiếp đón những ai đang cần đến mình vì dân ấy biết rằng Chúa của mình đang hiện diện ở đây.

3. Không có gì là không thể làm được

“Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37): Sứ thần đã kết luận như thế khi trả lời cho Mẹ Maria. Nếu chúng ta nghĩ rằng tất cả đều chỉ tuỳ thuộc nơi mình, thì chúng ta vẫn còn bị giam hãm trong những khả năng, sức mạnh và tầm nhìn thiển cận của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta sẵn sàng để cho mình đuợc trợ giúp, được khuyên dạy, nếu chúng ta mở lòng ra cho ân sủng, thì xem như điều không thể đã bắt đầu trở nên có thể.

Những miền đất trong dòng lịch sử đã từng sản sinh biết bao ơn đặc sủng, biết bao nhà truyền giáo, biết bao điều phong phú cho đời sống Giáo hội, biết rõ điều đó! Biết bao người, nhờ vượt qua tâm trạng bi quan cằn cỗi và chia rẽ, đã mở lòng ra cho sáng kiến ​​của Thiên Chúa và đã trở nên dấu chỉ cho thấy một miền đất, khi không để cho mình bị giam hãm trong những ý tưởng của mình, trong những giới hạn và khả năng của mình và mở ra cho người khác, sẽ có thể nên dồi dào phong phú.

Như trong quá khứ Thiên Chúa vẫn tìm kiếm những người đồng bạn, nay ngài vẫn đi tìm những người nam và nữ có khả năng tin tưởng, có khả năng ghi nhớ, cảm nhận mình thuộc về đoàn dân của Chúa để cộng tác với sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi đến các khu phố và những nẻo đường của chúng ta, đi khắp nơi để tìm kiếm những tâm hồn biết lắng nghe lời Ngài mời gọi và làm cho Ngài nhập thể ở đây và lúc này.

Lấy lại lời của Thánh Ambrôsiô trong bài giảng về đoạn Phúc âm này, chúng ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn đang tìm kiếm những tâm hồn giống như tâm hồn của Mẹ Maria: sẵn sàng tin, ngay cả trong những hoàn cảnh hoàn toàn lạ thường (x. Trình bày Phúc âm theo Thánh Luca II, 17: PL 15, 1559). Nguyện xin Chúa làm cho niềm tin và niềm hy vọng ấy lớn lên trong chúng ta.

(WHĐ, 27.03.2017)

 

Minh Đức chuyển ngữ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top