Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày thứ hai

Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày thứ hai

WHĐ (30.11.2014) – Thứ Bảy 29-11 là ngày thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Lúc 9g30 sáng (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), Đức Thánh Cha đã từ phi trường Esemboğa rời Ankara đi Istanbul.

Istanbul, vốn từng mang tên Constantinopolis, thuộc miền tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, tọa lạc bên eo biển Bosphore, nối Hắc hải với Địa Trung hải, nối châu Âu với châu Á. Đây là thành phố đông dân nhất, đã từng là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, kinh đô của bốn nền đế chế: La Mã (330-395), Byzantin (395-1204; 1261-1453); đế chế Latinh phía Đông (1204-1261) và Ottoman (1453-1922). Trước thời đế chế Ottoman, Istanbul là nơi chứng kiến sự phát triển Kitô giáo về phía Đông. Còn ngày nay, mấy năm trước đây, Liên hiệp châu Âu đã dành năm 2010 để vinh danh Istanbul là thủ đô văn hoá châu Âu.

Chương trình ngày thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha gồm: thăm Bảo tàng Hagia Sophia; thăm Đền thờ Hồi giáo Sultanahmet (Đền thờ Xanh); cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ chính toà Công giáo Chúa Thánh Thần; cầu nguyện đại kết tại Nhà thờ Chính thống giáo Thánh George; hội kiến với Đức Thượng phụ Bartholomaios I tại Toà Thượng phụ.

“Chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa”

Bảo tàng Hagia Sophia và Đền thờ Xanh (Sultanahmet) là hai địa điểm có ý nghĩa quan trọng đối với người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1967, Chân phước giáo hoàng Phaolô VI đã từng đến thăm và quỳ cầu nguyện tại Bảo tàng Hagia Sophia, vốn xưa kia là đền thờ Hồi giáo, nay được dùng làm bảo tàng (hiện nhiều người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ muốn khôi phục nơi này thành đền thờ như xưa kia). Năm 2006, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã đến thăm Bảo tàng Hagia Sophia và Đền thờ Xanh.

Tại Đền thờ Xanh, Đức Thánh Cha được Ngài Rahmi Yaran, Đại Mufti của Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, đón tiếp. Đức giáo hoàng và vị Đại Mufti đã dành ít phút thinh lặng cầu nguyện. Sau đó, kết thúc lời cầu nguyện riêng, vị Đại Mufti cất tiếng: “Xin Thượng Đế đoái nhận lời cầu nguyện của chúng con”.

Cha Lombardi, người tháp tùng Đức Thánh Cha, thuật lại Đức Phanxicô hai lần ngỏ lời với vị Đại Mufti lúc đang ở trong Đền thờ Xanh: “Chúng ta không những chúc tụng và tôn vinh Chúa, mà còn phải phụng thờ Ngài”.

“Hãy để Chúa Thánh Thần làm cho nên phong phú, đa dạng và đưa đến hiệp nhất”

Trong chương trình làm việc ngày thứ hai của chuyến tông du, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhà thờ chính toà Chúa Thánh Thần của Tổng giáo phận Công giáo Istanbul để cử hành Thánh lễ. Nhà thờ này được xây dựng vào năm 1846, tọa lạc tại quận Beyoglu của Istanbul, hiện do các linh mục Salêdiêng phụ trách.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng tế với các Thượng phụ, Tổng giám mục, giám mục, linh mục thuộc nghi lễ Latinh và các nghi lễ Đông phương. Đặc biệt, hiện diện trong Thánh lễ có Đức Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomaios I.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu hãy hiệp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thần:

“Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi lên sự đa dạng, phong phú và đồng thời đưa đến hiệp nhất. Khi chúng ta cố làm cho nên đa dạng nhưng lại đóng kín trong cái riêng của mình và dành độc quyền xem xét mọi sự, thì chỉ tạo nên chia rẽ. Khi chúng ta cố tạo nên sự hiệp nhất qua những biểu hiện bên ngoài mang tính nhân loại, thì chỉ tạo ra các bộ đồng phục và sự đơn nhất. Còn nếu biết để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt, thì sự phong phú, khác biệt và đa dạng sẽ chẳng bao giờ gây nên xung đột, vì Thần khí sẽ đưa chúng ta bước vào cuộc sống đa dạng trong sự thông hiệp của Hội Thánh”.

Sau kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomaios I đã ôm hôn và chúc bình an cho nhau.

“Nhờ gặp gỡ Đức Kitô, họ trở nên anh em trong đức Tin và đức Ái”

Chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhà thờ Chính thống giáo George tại Istanbul, cùng Đức Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomaios I, Giáo chủ Contantinopolis, cử hành buổi cầu nguyện đại kết mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính thống giáo.

Trong bài suy niệm Lời Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến mối quan hệ huynh đệ giữa hai thánh Phêrô và Anrê:

“Các ngài vốn là anh em ruột với nhau, và chính cuộc gặp gỡ với Đức Kitô đã biến các ngài thành anh em trong đức Tin và đức Ái. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó trong buổi chiều đáng vui mừng này, tại buổi canh thức cầu nguyện này. Thưa Đức Thượng phụ, được làm anh em với nhau trong niềm hy vọng vào Đấng Phục sinh thật là một ân huệ lớn lao! Được đồng hành với nhau trong niềm hy vọng đó, được nâng đỡ bởi lời chuyển cầu của các thánh Tông đồ và hai anh em thánh Phêrô và thánh Anrê, quả là một ân huệ và cũng là trọng trách! Và chúng ta biết rằng, việc chia sẻ với nhau niềm hy vọng này sẽ không khiến chúng ta phải thất vọng, bởi niềm hy vọng ấy đã được xây đắp không phải trên bản thân chúng ta hay trên những nỗ lực nghèo nàn của chúng ta, nhưng trên nền tảng lòng tín trung của Thiên Chúa”.

Ngày mai, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có buổi cầu nguyện thứ hai cùng với Đức Thượng phụ Bartholomaios I và sau đó ký bản Tuyên bố chung của hai vị lãnh đạo Công giáo và Chính thống giáo, trước khi kết thúc chuyến tông du đặt trọng tâm vào cuộc đối thoại đại kết với Giáo hội Chính thống giáo.

Thành Thi

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top