Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đảo Lesbos, Hy Lạp

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đảo Lesbos, Hy Lạp

WHĐ (08.04.2016) – Trong thông cáo phát hành hôm thứ Năm 07-04-2016, Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận lời mời của Đức Thượng Phụ Constantinopolis Bartholomaios I và của Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos, đến viếng thăm đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày 16 tháng Tư tới.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người tị nạn trên đảo cùng với Đức Thượng Phụ Bartholomaios và với Đức Tổng giám mục Ieronymos II - Tổng giám mục Athina và Toàn Hy Lạp, đồng thời là Giáo chủ Giáo hội Chính thống Hy Lạp.

Trong năm qua, một triệu người tị nạn đã đến Hy Lạp, hàng chục ngàn người trong số đó đã đổ vào Lesbos để chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria.

Đây là một thời điểm rất nhạy cảm đối với người tị nạn ở Lesbos, vì theo một chương trình đã bị phản bác, trong tháng này Liên minh châu Âu đã bắt đầu trả những người mới tới về lại nước láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ.

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã nói với đài phát thanh Vatican rằng Đức Thánh Cha “luôn hết sức quan tâm đến mọi tình trạng khủng hoảng lớn trên thế giới ngày nay, đặc biệt khi có những người đau khổ cần sự giúp đỡ của chúng ta”.

Cha Lombardi nhắc lại rằng cuộc viếng thăm đầu tiên trong tư cách Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô - chỉ vài tháng sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng vào năm 2013 - là đến thăm đảo Lampedusa của Italia, nơi tiếp nhận hàng trăm ngàn người di dân. Qua chuyến viếng thăm đó, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ “sự gần gũi” với những người đã vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi.

Với cuộc khủng hoảng di dân diễn ra gần đây trong vùng biển Aege, cha Lombardi nói “Đức Thánh Cha muốn bày tỏ một cách cụ thể sự tham gia và mối quan tâm của ngài”.

Cha Lombardi nói chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sắp tới tại đảo Lesbos là một “cử chỉ đại kết”. Chuyến viếng thăm cùng với các nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống - là cộng đồng Kitô giáo lớn nhất ở Hy Lạp-, sẽ thể hiện “tình đoàn kết và sự gần gũi của Kitô giáo đối với vấn đề lớn về người tị nạn và người di dân”.

Mặc dù những hành động của Đức Thánh Cha  không mang tính “chính trị trực tiếp”, nhưng, cha Lombardi khẳng định, những hành động ấy “vô cùng có ý nghĩa” và “mang tính nhân đạo, đạo đức và tôn giáo” về bản chất. “Dĩ nhiên đây là lời mời gọi mọi người nhận lấy trách nhiệm và tham gia hành động theo địa vị hay chỗ đứng của mình trong xã hội và trong các mối tương quan với người khác”. Cha Lombardi nói rằng đây còn là “một lời kêu gọi các nhà chính trị phải hành động để tìm kiếm thêm những giải pháp nhân đạo biết tôn trọng và nâng đỡ những người đang đau khổ trong phong trào di dân hiện rất khó giải quyết của thế giới ngày nay”.

 

Minh Đức

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top