Đức Thánh Cha kiểm điểm sinh hoạt Tòa Thánh năm 2011
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các Hồng y và các chức sắc Tòa Thánh đến chúc mừng ngài sáng ngày 22-12-2011 nhân dịp Giáng Sinh và Năm Mới, ĐTC Biển Đức 16 đã kiểm điểm sinh hoạt của Tòa Thánh trong năm 2011.
Hiện diện tại Sảnh đường Clementina trong dinh tông tòa trong buổi tiếp kiến từ lúc 11 giờ sáng có tới 45 Hồng y và trên 50 Giám mục cùng với một số giám chức khác và nhân viên trong phủ Giáo Hoàng.
Ngỏ lời với mọi người sau lời chúc mừng của ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn, ĐTC đã đề cập đến tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và tài chánh tại Âu Châu, rồi điểm những biến cố nổi bật trong năm sắp kết thúc, trước khi trình bày suy tư về 5 điểm rút ra từ những Ngày Công giáo. ĐTC nói:
“Vào cuối năm, Âu Châu đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh, xét cho cùng, cuộc khủng hoảng này là do khủng hoảng về luân lý đạo đức đang đe dọa Đại lục kỳ cựu. Tuy các giá trị như liên đới, dấn thân cho tha nhân, trách nhiệm đối với người nghèo và người đau khổ, phần lớn không bị đặt lại vấn đề, nhưng chúng thường thiếu sức mạnh thúc đẩy, có khả năng dẫn đưa cá nhân và các nhóm lớn trong xã hội chấp nhận từ bỏ và hy sinh. Nhận thức và ý chí không nhất thiết đi đôi với nhau. Ý chí bênh vực quyền lợi bản thân làm lu mờ nhận thức và nhận thức bị suy yếu thì không còn khả năng củng cố ý chí nữa. Vì thế, từ cuộc khủng hoảng hiện nay nảy sinh những câu hỏi rất cơ bản: đâu là ánh sáng có thể soi sáng nhận thức của chúng ta, không những về những ý tưởng tổng quát, nhưng cả về những mệnh lệnh cụ thể nữa? Đâu là sức mạnh nâng cao ý chí của chúng ta? Đó là những câu hỏi mà việc chúng ta loan báo Tin Mừng, công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, phải trả lời, để sứ điệp trở thành biến cố, việc loan báo trở thành cuộc sống.
Sau lời dẫn nhập trên đây, ĐTC đi sâu hơn vào chủ đề:
Khủng hoảng đức tin
“Thực vậy, chủ đề lớn của năm nay, cũng như của những năm tương lai là: làm thế nào loan báo Tin Mừng ngày nay? Làm sao để đức tin, trong tư cách là một sức mạnh sống động và sinh tử, có thể trở thành thực tại ngày nay? Xét cho cùng, các biến cố Giáo hội trong năm sắp kết thúc đều quy vào chủ đề này. Đã có những cuộc viếng thăm tại Croát, Tây Ban Nha nhân Ngày Công giáo, tại nước Đức quê hương của tôi, và sau cùng tại Phi châu - Benin, để trao Văn kiện hậu Thượng HĐGM về công lý, hòa bình và hòa giải - một văn kiện từ đó phải nảy sinh một thực tại cụ thể trong các Giáo hội địa phương khác nhau. Rồi cũng có những cuộc viếng thăm không thể quên được tại Venezia, tại Cộng hòa San Mario, tại thành Ancona nhân Đại hội Thánh Thể, và tại miền Calabria. Sau cùng, có một ngày gặp gỡ quan trọng giữa các tôn giáo và những người tìm kiếm chân lý và hòa bình tại Assisi - ngày này được coi như một đà tiến mới trong cuộc lữ hành hướng về chân lý và hòa bình. Việc thành lập Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, đồng thời đây cũng là một điều đi trước Thượng HĐGM thế giới về cùng đề tài vào năm tới. Trong bối cảnh đó có Năm Đức Tin được loan báo nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2. Mỗi biến cố ấy đều có những điểm nhấn mạnh riêng. Tại Đức, nơi đã phát sinh cuộc Cải Cách, dĩ nhiên là vấn đề đại kết, với tất cả những vất vả và hy vọng đi kèm, có một tầm quan trọng đặc biệt. Gắn liền với vấn đề đại kết, có một câu hỏi luôn ở trung tâm các cuộc tranh luận, đó là: cuộc cải tổ Giáo hội là gì? Nó xảy ra như thế nào, đâu là con đường và những mục tiêu của cuộc cải tổ? Không những các tín hữu, nhưng cả những người ngoài đều lo lắng nhận thấy rằng những người thường xuyên đi nhà thờ ngày càng là những người già hơn và con số họ liên tục giảm sút; tại sao có tình trạng trì trệ trong ơn gọi linh mục; tại sao chủ nghĩa hoài nghi và thái độ không tin ngày càng gia tăng. Vậy chúng ta phải làm gì? Có vô số những cuộc thảo luận về những điều cần phải làm để lật ngược xu hướng hiện nay. Chắc chắn là cần phải làm bao nhiêu điều. Nhưng nguyên việc làm như thế không giải quyết được vấn đề. Nòng cốt cuộc khủng hoảng của Giáo hội ở Âu Châu - như tôi đã nói tại thành phố Freiburg - chính là cuộc khủng hoảng đức tin. Nếu chúng ta không tìm được câu trả lời cho cuộc khủng hoảng này thì đức tin không thể phục hồi sức sinh động; nếu đức tin không trở thành một xác tín sâu xa và là một sức mạnh thực sự nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, thì tất cả những cải tổ khác sẽ không hiệu quả.
Niềm vui đức tin tại Phi châu
“Theo ý nghĩa đó, cuộc gặp gỡ tại Phi châu với lòng hăng say vui tươi về đức tin thực là một khích lệ lớn lao. Tại đó, người ta không hề nhận thấy có dấu hiệu nào về sự mệt mỏi của đức tin, thứ mệt mỏi rất phổ biến nơi chúng ta -, tại Phi châu không thấy có cuộc sống Kitô nhạt nhẽo như người ta ngày cảm thấy tại Âu châu chúng ta. Tuy Phi châu đang phải chịu bao nhiêu vấn đề, đau khổ và cơ cực, nhưng tại đó người ta vẫn luôn cảm nghiệm niềm vui được làm Kitô hữu, được hạnh phúc nội tâm nâng đỡ vì được biết Chúa Kitô và thuộc về Giáo hội của Chúa. Từ niềm vui ấy cũng nảy sinh những nghị lực để phụng sự Chúa Kitô trong những hoàn cảnh bị đè nén và những đau khổ của con người, để phụng sự Chúa, không co cụm vào an sinh riêng của mình. Gặp gỡ niềm tin sẵn sàng hy sinh và vui tươi như thế thực là một đại phương dược chống lại sự mệt mỏi làm Kitô hữu mà chúng ta đang cảm nghiệm ở Âu Châu này.
Năm kinh nghiệm từ Ngày Công giáo
“Kinh nghiệm tuyệt vời về Ngày Công giáo ở Madrid cũng là một phương dược chống lại sự mệt mỏi trong niềm tin. Đó là một cuộc tái truyền giảng Tin Mừng được sống thực. Càng ngày người ta càng thấy rõ trong các Ngày Công giáo có một phương thức làm Kitô hữu một cách mới mẻ, trẻ trung, mà bây giờ tôi muốn nêu rõ 5 đặc điểm:
- Thứ 1: Đó là một kinh nghiệm với về đặc tính Công giáo, đặc tính hoàn vũ của Giáo hội. Một điều gây ấn tượng ngay cho những người trẻ và tất cả những người hiện diện: đó là chúng ta đến từ mọi đại lục, tuy chưa hề gặp nhau trước đây, nhưng chúng ta biết nhau. Chúng ta nói các ngôn ngữ khác nhau, có những tập tục khác nhau trong cuộc sống, những hình thức văn hóa khác biệt, nhưng chúng ta được liên kết ngay với nhau như trong một đại gia đình. Những phân cách và khác biệt bên ngoài được tương đối hóa. Tất cả chúng ta đều được Chúa Giêsu Kitô duy nhất đánh động, trong Ngài bản chất thực của con người được biểu lộ cho chúng ta, cùng với chính Nhan Thánh của Thiên Chúa. Kinh nguyện của chúng ta giống nhau. Do cuộc gặp gỡ nội tâm với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta nhận được trong thẳm sâu con người cùng một sự huấn luyện về lý trí, ý chí và con tim. Và sau cùng, phụng vụ chung trở thành như một quê hương của con tim, liên kết chúng ta trong một đại gia đình. Sự kiện tất cả mọi người đều là anh chị em ở đây không phải là một ý tưởng, nhưng trở thành một kinh nghiệm chung thực sự, tạo nên vui mừng. Và như thế chúng ta hiểu một cách cụ thể rằng mặc dù có bao vất vả và tăm tối, nhưng thật là điều tốt đẹp được thuộc về Giáo hội hoàn vũ mà Chúa đã ban cho chúng ta.
- Thứ 2: từ kinh nghiệm về Ngày Công giáo nảy sinh một cách thức mới để sống thực chất làm người, làm Kitô hữu. Đối với tôi, một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất trong những Ngày Công giáo là cuộc găp gỡ với những người thiện nguyện của Ngày Công giáo: có khoảng 20 ngàn bạn trẻ, không phân biệt, đã dành nhiều tuần lễ hoặc nhiều tháng trong cuộc sống của họ để cộng tác vào việc chuẩn bị kỹ thuật, tổ chức, và nội dung cho Ngày Công giáo, và chính nhờ thế, biến cố này đã có thể diễn tiến trong trật tự. Qua thời gian, con người luôn cống hiến một phần trong đời sống của mình. Sau cùng, những bạn trẻ ấy được tràn đầy một cảm giác hạnh phúc lớn lao một cách cụ thể, hữu hình: thời gian của họ có một ý nghĩa; chính khi trao ban thời gian và sức lực làm việc của mình, họ tìm được thời gian, tìm được sự sống. Đối với tôi, một điều cơ bản này trở nên rõ rệt: đó là các bạn trẻ ấy đã cống hiến một phần cuộc sống của họ trong đức tin, không phải vì điều này được truyền khiến, không phải vì làm như thế họ đạt được trời cao; cũng không phải nhờ đó họ tránh thoát được hỏa ngục. Họ không làm điều đó vì họ muốn trở nên hoàn hảo. Họ không ngoái nhìn lại đàng sau, không nhìn lại chính mình. Tôi nghĩ đến hình ảnh bà vợ ông Lót, khi ngoái lại đàng sau, và bị biến thành tượng muối. Bao nhiêu lần cuộc sống của Kitô hữu mang đặc tính là một cuộc ngoái nhìn lại đàng sau, nhất là nhìn chính mình, có thể nói họ làm điều thiện cho chính mình! Có một cám dỗ rất lớn, đó là người ta chỉ quan tâm trước tiên đến chính mình, kiện toàn bản thân mình hoặc muốn cuộc sống cho chính mình.
“Các bạn trẻ thiện nguyện trong Ngày Công giáo đã làm điều thiện - dù việc làm ấy vất vả nặng nề, dù đòi hỏi nhiều hy sinh - chỉ vì làm điều thiện là điều tốt đẹp, sống cho tha nhân thật là tốt đẹp. Chỉ cần dám nhẩy lên cao. Trước tất cả những điều đó có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ khơi lên trong chúng ta tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, và giải thoát chúng ta khỏi cuộc tìm kiếm cái tôi của mình. Một kinh nguyện được coi là của thánh Phanxicô Xaviê nói rằng: Con làm điều thiện không phải để được lên trời và cũng không phải vì ngược lại con có thể bị xuống hỏa ngục. Con làm điều thiện vì Chúa là Chúa, là Vua và là Chúa của con. Tôi đã gặp thấy tại Phi châu cùng thái độ đó, chẳng hạn nơi các nữ tu của Mẹ Têrêsa xả thân săn sóc các trẻ em bị bỏ rơi, bệnh tật, nghèo khổ, mà không đặt câu hỏi về chính mình, và như thế họ được phong phú và tự do nội tâm. Đó chính là thái độ của Kitô hữu. Một cuộc gặp gỡ không thể quên được đối với tôi đó là cuộc gặp gỡ với các người trẻ tàn tật tại Viện San José ở Madrid, nơi đó tôi đã gặp thấy cùng một lòng quảng đại phục vụ tha nhân, một lòng quảng đại mà xét cho cùng nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình vì chúng ta.
- Thứ 3: Một yếu tố thứ ba thuộc về các Ngày Công giáo một cách rất tự nhiên và cơ bản, cũng như thuộc về linh đạo nảy sinh từ các biến cố ấy, đó là việc thờ lạy Mình Thánh Chúa. Tôi không thể quên được điều này là, trong cuộc viếng thăm của tôi tại Anh quốc, hàng chục ngàn người, phần lớn là người trẻ, tại công viên Hydepark, đã đáp lại bằng một sự thinh lặng sâu xa trước sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, và thờ lạy Ngài. Điều đó cũng đã xảy ra tại Zagreb, tuy ở mức độ nhỏ hơn, và rồi tại Madrid, sau cơn giông đe dọa làm hỏng toàn bộ cuộc gặp gỡ tối thứ bảy, vì máy vi âm bị hỏng. Thiên Chúa hiện diện khắp nơi. Đúng vậy, nhưng sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh qua Mình Thánh lại là một điều khác, một cái gì mới mẻ. Chúa Phục Sinh đi vào giữa chúng ta. Như vậy, chúng ta chỉ có thể nói được như Thánh Tômasô: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Sự thờ lạy trước tiên là một hành vi đức tin - một hành vi đức tin đúng nghĩa. Thiên Chúa không phải là một giả thuyết khả thể hay không khả thể về nguồn gốc của vũ trụ. Ngài hiện diện tại đó. Và nếu Ngài hiện diện, thì tôi cúi mình trước Ngài. Như thế, lý trí, ý chí và con tim cởi mở hướng về Ngài và khởi hành từ Ngài. Trong Chúa Kitô phục sinh có Thiên Chúa nhập thể hiện diện, Đấng đã chịu đau khổ vì chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta đi vào xác tín về tình yêu cụ thể của Thiên Chúa đối với chúng ta và chúng ta thi hành điều ấy với Ngài trong tình yêu. Đó là sự Thờ Lạy, và điều này mang lại một dấu tích cho cuộc sống của tôi. Chỉ như thế tôi mới có thể cử hành Thánh Lễ một cách đúng đắn và lãnh nhận Mình Thánh Chúa một cách ngay chính.
- Thứ 4: Một yếu tố quan trọng khác của Ngày Công giáo là sự hiện diện của Bí tích Thống Hối, một điều ngày càng thuộc về toàn bộ sinh hoạt ấy một cách tự nhiên. Qua đó chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta liên tục cần sự tha thứ và tha thứ có nghĩa là trách nhiệm. Con người xuất phát từ Đấng Tạo Hóa, và trong con người có thái độ sẵn sàng yêu thương và khả năng đáp trả lại Thiên Chúa trong đức tin. Nhưng con người xuất phát từ lịch sử tội lỗi của nhân loại - theo đạo lý Giáo hội nói về tội nguyên tổ-, nên cũng có xu hướng trái ngược với tình yêu: đó là xu hướng ích kỷ, khép kín vào mình, hướng chiều về sự ác. Linh hồn ta ngày càng bị ô uế vì trọng lực ở trong ta, lôi kéo ta đi xuống. Vì thế, chúng ta cần có lòng khiêm tốn, cần luôn tái cầu xin ơn tha thứ của Chúa, để cho mình được thanh tẩy và khơi dậy trong chúng ta sức mạnh ngược lại, sức mạnh tích cực của Đấng Tạo Hóa, lôi kéo chúng ta lên cao.
- Thứ 5: Sau cùng, đặc tính chót không được bỏ qua trong linh đạo của những ngày Công giáo mà tôi muốn nói đến là niềm vui. Niềm vui ấy đến từ đâu? Làm sao giải thích nó? Chắc chắn là có nhiều yếu tố cùng tác động. Nhưng theo ý tôi, yếu tố quyết định chính là niềm xác tín chắc chắn đến từ đức tin: tôi được mong muốn. Tôi có một nghĩa vụ. Tôi được chấp nhận và được yêu mến. Josef Pieper, trong cuốn sách về tình yêu, đã chứng tỏ rằng con người chỉ có thể chấp nhận chính mình nếu được một ngưới khác chấp nhận. Con người cần được người khác nói với họ, không những bằng lời nói, rằng bạn hiện hữu thực là điều tốt. Chỉ từ tha nhân, tôi mới có thể tìm lại chính mình. Chỉ khi ta được chấp nhận, ta mới có thể chấp nhận chính mình, Ai không được yêu thương thì cũng không thể yêu thương chính mình. Sự kiện được đón nhận đến từ một người khác. Nhưng sự tiếp nhận của con người thật là mong manh. Xét cho cùng chúng ta cần một sự tiếp đón vô điều kiện. Chỉ khi nào Thiên Chúa đón nhận tôi và tôi chắc chắn về điều đó, tôi mới biết chắc chắn tôi hiện hữu thực là điều tốt. Làm người, thực là điều tốt. Nơi nào thiếu nhận thức mình được Thiên Chúa đón nhận, được Ngài thương yêu, thì câu hỏi “có thực sống là điều tốt như một người hay không” sẽ không tìm được câu trả lời. Sự nghi ngờ về chính cuộc sống của con người ngày càng trở thành một điều không thể chịu nổi. Nơi nào người ta nghi ngờ về Thiên Chúa, thì chắc chắn sẽ có sự nghi ngờ về chính sự kiện làm người. Ngày nay chúng ta thấy điều đó trong sự thiếu niềm vui, trong sự buồn rầu nội tâm mà ta có thể đọc thấy trên bao khuôn mặt. Chỉ có đức tin mới mang lại cho tôi xác tín chắc chắn: sự kiện tôi hiện hữu thực là điều tốt. Hiện hữu như một con người, thực là điều tốt, cả trong thời kỳ khó khăn. Đức tin làm cho ta vui tươi từ nội tâm. Đó là một trong những kinh nghiệm tuyệt vời về Ngày Công giáo.
Trong phần kết, ĐTC nói rằng:
“Bây giờ nói chi tiết về cuộc gặp gỡ ở Assisi có thể là quá xa so với tầm quan trọng của biến cố này đòi được đề cập đến. Chúng ta chỉ cảm tạ Chúa vì chúng ta, các đại diện của các tôn giáo thế giới và cả đại diện của những tư tưởng đang tìm kiếm chân lý, chúng ta có thể gặp nhau hôm ấy trong một bầu không khí thân hữu và tôn trọng lẫn nhau, trong niềm yêu sự thật và trong trách nhiệm chung về hòa bình. Vì thế chúng ta có thể hy vọng rằng từ cuộc gặp gỡ ấy nảy sinh một sự sẵn sàng mới phục vụ hòa bình, hòa giải và công lý.
Sau cùng tôi chân thành cám ơn tất cả anh em vì sự nâng đỡ trong việc thi hành sứ mạng mà Chúa đã ủy thác cho chúng ta như những chứng nhân chân lý về ngài và tôi cầu chúc tất cả anh em được niềm vui mà Thiên Chúa đã muốn ban cho chúng ta trong cuộc nhập thể của Con Chúa”.
Sau bài diễn văn, ĐTC lần lượt bắt tay chào thăm từng vị Hồng y và Giám mục hiện diện.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô